Vụ đổi 100 usd: Phạt để răn đe hay triệt đường sống?

Vụ mua bán 100USD bị phạt 270 triệu đồng tại Cần Thơ đang khiến dư luận nóng lên từng ngày, dõi theo diễn biến sự vụ. Chuyện cũng đã tới diễn đàn Quốc hội. Qua đó, những bất cập xung quanh Nghị định 96/2014/NĐ-CP trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã được cơ quan chức trách hứa sớm điều chỉnh để phù hợp thực tiễn, theo báo SGGP.
Sputnik

Tuy nhiên, chuyện không dừng ở đó, khi dư luận không tâm phục khẩu phục và cảm thấy còn điều gì đó uẩn khúc đằng sau việc xử phạt của chính quyền Cần Thơ. Hàng loạt câu hỏi đang đặt ra: Vì sao chính quyền Cần Thơ ra quyết định phạt doanh nghiệp kinh doanh vàng nhưng lại căn cứ vào lệnh khám xét nhà riêng; Đúng hay sai việc 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo trị giá hơn 548 triệu đồng theo chủ tiệm vàng là tài sản riêng của gia đình được cất trong tủ, không trưng bày bán tại cửa hàng nhưng vẫn bị tịch thu?

Nực cười và khó hiểu: Phạt người đổi 100 USD- tại sao lại tịch thu 20 viên kim cương?

Nghi vấn về việc Cảnh sát kinh tế Cần Thơ tiến hành khám xét nhà ông Lê Hồng Lực (chủ tiệm vàng Thảo Lực) trùng với thời điểm bắt quả tang tiệm vàng này mua 100USD của ông Nguyễn Cà Rê, trong khi biên bản thể hiện việc khám xét thực hiện theo quyết định được ký 6 ngày trước; Tại sao quyết định khám xét nhà do ông Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký, ghi rõ "khám xét nhà, hộ cá nhân" nhưng khi lập biên bản khám xét, tạm giữ tài sản thì ghi tên tổ chức vi phạm là Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực…

Mặc dù chính quyền Cần Thơ luôn khẳng định đã làm đúng quy trình thủ tục, quy định, nhưng chắc chắn những ngày tới đây cơ quan chức năng, chính quyền Cần Thơ, thậm chí cấp có thẩm quyền cao hơn sẽ phải vào cuộc để tiếp tục làm sáng tỏ các gút mắc mà dư luận đặt ra, để có câu trả lời thuyết phục nhất.

(Video báo Tuổi Trẻ)

Cài bẫy và sự thật. Chữ ký và uy tín
Thế nhưng, từ vụ xử phạt mua bán 100USD tại Cần Thơ cho thấy còn rất nhiều điều phải suy ngẫm trong công tác quản lý nhà nước hiện nay, đặc biệt vai trò của những người thực thi công vụ. Hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm được xem là công cụ quan trọng để thiết lập trật tự, kỷ luật, kỷ cương xã hội. Để công cụ này phát huy hiệu quả cao, đòi hỏi nó phải được thực hiện nghiêm minh nhưng đồng thời phải đồng bộ, khoa học, bài bản, công tâm và khách quan.

Trong khi đó, nhìn lại công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hiện nay của các cơ quan chức năng trên nhiều lĩnh vực, người dân có chung cảm nhận như "hứng lên là làm", làm theo kiểu cao điểm, cao trào nên có khi thì ráo riết liên tục, khi thì như buông lỏng quản lý. Chính kiểu làm này đã phát sinh tâm lý đối phó với cơ quan chức năng, luật pháp bị lờn, còn trật tự kỷ cương trên nhiều lĩnh vực không được thiết lập.

Vụ đổi 100 USD: Bất thường từ lệnh khám nhà chủ tiệm vàng đến dấu hiệu lạm quyền
Thực tế này có thể thấy rõ trong hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm trên các lĩnh vực nóng hiện nay tại các đô thị lớn như trật tự đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng gian hàng giả… Do vậy, chuyện chính quyền Cần Thơ áp dụng mức phạt cao ngất ngưỡng đối với vụ mua bán 100USD trong bối cảnh rất nhiều nơi trên cả nước hiện nay xảy ra việc mua bán ngoại tệ trái phép đơn giản như mua rau ngoài chợ, khiến dư luận hoài nghi, cho rằng "không bình thường", xét ở khía cạnh nào đó, cũng có thể hiểu được.

Mục đích cao nhất của hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm là để răn đe người vi phạm, đồng thời giáo dục pháp luật đối với toàn xã hội, chứ không phải là triệt đường sống của người vi phạm.

Thảo luận