PwC mới đây đã thực hiện cuộc khảo sát trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC diễn ra tuần này tại Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea.
Kết quả khảo sát cho thấy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Mỹ và Thái Lan thuộc nhóm lạc quan nhất, với 57% người trả lời ở Mỹ và 56% ở Thái Lan cho biết họ "rất tự tin" về khả năng tăng trưởng doanh thu.
Trong khi những người trả lời ở Trung Quốc và Mexico — hai đối tác thương mại lớn nhất ở Mỹ — cho thấy mức độ lạc quan ở dưới mức trung bình là 25% và 21%.
Riêng tại Việt Nam, 33% số người được khảo sát ở Việt Nam cho biết họ rất tự tin về triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của công ty họ, và 48% khác trả lời là khá tự tin. Thương mại quốc tế có khả năng tiếp tục là nguồn tăng trưởng cho các doanh nghiệp Việt Nam: 40% kỳ vọng tăng cơ hội doanh thu nhờ vào các hiệp định thương mại song phương mới và 34% dự báo cơ hội phát sinh từ các hiệp định đa phương mới.
"Các hiệp định thương mại lớn như CPTPP, FTA giữa EU và Việt Nam, FTA giữa ASEAN và Hồng Kông… sẽ giúp Việt Nam mở rộng tiềm năng thu hút thêm vốn đầu tư và kiến tạo thêm các cơ hội kinh doanh xuyên biên giới trong thời gian sắp tới.
Tuy nhiên, để tối đa hóa được các lợi ích từ những hiệp định thương mại này, Việt Nam sẽ cần tiếp tục cải cách thể chế, tăng cường đầu tư trong nước, cũng như cải thiện các tiêu chuẩn sản xuất và lao động", bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam nói.
Tuy nhiên, 76% lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cho rằng Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để đào tạo các chuyên gia STEAM (khoa học — công nghệ — kỹ thuật và toán học).
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại APEC cũng rất ý thức về yêu cầu đầu tư nhiều hơn vào việc chuyển đổi kỹ thuật số. Với việc nền kinh tế internet dự kiến đạt tổng trị giá hơn 200 tỷ USD chỉ riêng trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2025, hai ưu tiên đầu tư hàng đầu của các lãnh đạo doanh nghiệp là cải thiện khả năng tương tác với khách hàng trên nền tảng kỹ thuật số và nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động của họ.
Vai trò của doanh nghiệp là cần xác định và trình bày các yêu cầu của họ về cơ sở hạ tầng, trong khi vai trò của Chính phủ là thấu hiểu các yêu cầu đó và triển khai các chính sách, quy định phù hợp để thúc đẩy sự phát triển bền vững của cơ sở hạ tầng số.
Cuộc khảo sát trên PwC thực hiện với 1.189 lãnh đạo doanh nghiệp tại 21 nền kinh tế thuộc Diễn dàn Hợp tác Kinh tế châu Á — Thái Bình Dương (APEC).