Dân vẫn thay phiên nhau "giam" xe chở công binh
Ngày 3/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cùng lãnh đạo các sở, ban ngành đã có buổi đối thoại với người dân xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ) để tháo gỡ một số vấn đề vướng mắc xung quanh việc triển khai dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đang bị người dân phản đối gay gắt.
Theo ghi nhận của PV, sáng ngày 3/12, rất đông người dân, cán bộ các thôn của xã Mỹ Thắng tập trung tại trụ sở UBND xã này để tham gia buổi đối thoại. Trong khi đó, đã hơn 20 ngày trôi qua, nhiều người dân xã Mỹ Thắng vẫn thay phiên nhau giữ xe ô tô chở đoàn công binh đến để khảo sát, chuẩn bị rà phá bom mìn trong vùng dự án nhà máy điện mặt trời.
Tại buổi đối thoại, hầu hết các ý kiến tập trung về việc người dân lo lắng nếu dự án triển khai sẽ gây ô nhiễm môi trường, đổ thải ra biển làm cho cá, tôm đang nuôi bị ảnh hưởng. Ngoài ra, người dân cũng sợ dự án lấy nhiều diện tích đất sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của con em mình sau này. Trong khi đó, một số ý kiến lại lo ngại rằng, doanh nghiệp lợi dụng để khai thác titan sẽ gây ra nhiều hệ lụy đã từng xảy ra tại địa phương này.
Liên quan đến những vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cam đoan với bà con không có chuyện chủ đầu tư dự án lợi dụng để khai thác titan và từ nay về sau không có doanh nghiệp nào được khai thác titan trên địa bàn xã Mỹ Thắng.
"Trước mắt, tỉnh chỉ đạo sẽ tạm dừng thực hiện dự án để lấy ý kiến của dân, làm rõ những gì mà dân thắc mắc. Nếu cần thiết, địa phương thuê xe đưa bà con vào tham quan các dự án điện gió đang được triển khai trên địa bàn tỉnh hoặc các tỉnh khác. Vừa rồi, tôi đã có kết luận chỉ cho làm dự án trên phần diện tích đất trống và một phần diện tích đất xấu mà hiện người dân đang trồng keo, bạch đàn… chứ không có đụng đến diện tích rừng dương. Chủ đầu tư dự án này là doanh nghiệp Việt Nam, chứ không phải doanh nghiệp nước ngoài", ông Dũng nói.
Vì sự phát triển địa phương
Tuy nhiên, thực tế tỉnh Bình Định mới đồng ý cho chủ trương khảo sát dự án trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt. Từ quy hoạch, muốn đưa thành dự án thì phải có khảo sát trước. Tỉnh mới mới khảo sát bước 1 tại UBND huyện là từ 380ha xuống còn 320ha. Trong đó, vẫn còn diện tích rừng dương trên dưới 5 tuổi. Sau đó, tỉnh đã có quyết định diện tích nào có rừng dương thì bỏ ra ngoài dự án, chỉ làm trên diện tích đất trống.
"Đây chỉ là định hướng chứ chưa chính thức. Bây giờ nhà đầu tư còn phải đi khảo sát bức xạ mặt trời có đủ năng lượng vào các tấm pin đó để phát điện hay không rồi mới lập dự án chứ chưa nói đến vấn đề xây dựng gì cả", ông Châu nói.
"Tôi lấy tính mạng tôi ra để đảm bảo rằng điện năng lượng mặt trời và điện gió không gây ô nhiễm môi trường. Đây là nguồn năng lượng sạch. Xã Mỹ Thắng hiện có nguồn thu ngân sách khoảng 200-300 triệu đồng/năm thì không thể đủ để chi cho các đối tượng thương binh, chính sách, rồi trả tiền lương cán bộ xã. Trong khi đó, dự án năng lượng mặt dự án dự kiến 7.200 tỷ, thì chỉ riêng 10% VAT đã có 720 tỷ, đó là tiền để chúng ta có nguồn kinh phí làm đường, trường học, nâng cấp bệnh viện… Phúc lợi là nằm ở đó", ông Châu nói.
Được biết, năm 2017, UBND tỉnh Bình Định có văn bản đề nghị Bộ Công Thương bổ sung Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030, để có cơ sở triển khai đầu tư xây dựng dự án đảm bảo theo đúng quy định.
Sau đó, UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch khảo sát nghiên cứu lập dự án đầu tư Nhà máy điện mặt trời tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An (huyện Phù Mỹ) với quy mô công suất 330MW. Dự kiến đến tháng 9/2018, nhà máy sẽ đưa vào vận hành phát điện giai đoạn 1, công suất 120MW. Tháng 6/2019 sẽ đưa vào vận hành phát điện giai đoạn 2, công suất 110MW và đến năm 2021 sẽ đưa vào vận hành phát điện giai đoạn 3, công suất 100MW.
Khi Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đi vào hoạt động sẽ góp phần cải thiện nguồn năng lượng và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.