Tập đoàn Tân Tạo do mới đây đã có văn bản gửi Bộ Công Thương liên quan tới dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1.
Trước đó, Bộ này đã có văn bản gửi lên Thủ tướng về việc thu hồi chủ trương đầu tư trung tâm điện lực Kiên Lương và cảng nước sâu Nam Du do Công ty CP Năng lượng Tân Tạo (TEC) làm chủ đầu tư.
Theo báo cáo nêu trên, "tháng 12/2015, Bộ Công Thương và TEC ký kết biên bản ghi nhớ về việc phát triển dự án Kiên Lương 1 theo hình thức BOT với thời hạn hiệu lực 48 tháng. Tuy nhiên, sau lễ ký kết, TEC đã không thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư nào".
Về vấn đề này, TEC khẳng định là "không chính xác". Theo đó, doanh nghiệp này cho biết dự án nhiệt điện này đã được Chính phủ giao cho TEC nghiên cứu, đầu tư và phát triển. Đến năm 2014, để tháo gỡ vướng mắc cho dự án về việc cấp bảo lãnh của Chính phủ (GGU), TEC đã chấp nhập chuyển sang đầu tư theo hình thức BOT để dự án sớm được triển khai.
"Ngay sau đó, TEC đã đàm phán Biên bản ghi nhớ Phát triển Dự án (MOU) với Tổng cục Năng Lượng và đã ký kết MOU vào tháng 12/2015 và thống nhất ngày vận hành thương mại dự án vào năm 2025", báo cáo gửi Bộ Công Thương của TEC cho biết.
Đổ lỗi do quyết định của nguyên Thủ tướng
Đáng lưu ý, theo doanh nghiệp này, "ngay sau khi ký MOU, trong lúc TEC đang tích cực triển khai dự án thì ngày 29/1/2016, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bất ngờ quyết định rà soát loại bỏ dự án nhiệt điện Kiên Lương 1 khỏi Quy hoạch điện VII điều chỉnh theo thông báo số 26/TP-VPVP của Văn phòng Chính phủ và Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/201":.
Ngay sau đó, TEC cũng cho biết đã có 9 văn bản báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các bộ ngành liên quan về dự án này.
Theo TEC, chính quyết định loại bỏ Dự án Kiên Lương 1 ra khỏi quy hoạch điện VII điều chỉnh là nguyên nhân chính dẫn đến việc Dự án không thể triển khai được.
Tập đoàn Tân Tạo cho biết, khi ngừng dự án Kiên Lương 1, doanh nghiệp đã chịu rất nhiều sức ép từ đối tác là các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, nếu muốn thu hồi dự án, Tập đoàn đề nghị được Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Kiên Giang đền bù thoả đáng cho cả tập đoàn Tân Tạo và cho các nhà đầu tư nước ngoài vì đã đầu tư rất nhiều vào dự án.
Do vậy, để không gây lãng phí với chi phí lớn bỏ ra, thì phương án tối ưu nhằm giải quyết vướng mắc hiện nay theo Tập đoàn Tân Tạo đó là cần bổ sung dự án Kiên Lương 1 vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia nhằm đầu nối với hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Trước đó, theo Bộ Công Thương, nguyên nhân tạm dừng dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 là vào tháng 3/2016, Thủ tướng đã ký quyết định 428/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 — 2020 có xét đến năm 2030, trong đó không có dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 và Kiên Lương 2.
Trên cơ sở quy hoạch điều chỉnh này, tháng 6/2016, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) đã có công văn gửi TEC thông báo rằng chủ đầu tư không có cơ sở tiếp tục triển khai dự án Kiên Lương 1.
Ngoài ra, theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, từ năm 2011, việc chủ đầu tư không triển khai dự án gây ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương; tác động đến đời sống nhân dân; tạo dư luận không tốt cho công tác quản lý nhà nước.
UBND tỉnh Kiên Giang cũng có kiến nghị Thủ tướng không đưa Nhà máy Nhiệt điện than Kiên Lương vào Quy hoạch phát triển điện lực 2011 — 2020 có xét đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, xét triển vọng đến năm 2030.
Điều đáng chú ý trong báo cáo của Bộ Công Thương là giữa UBND tỉnh Kiên Giang và TEC đang có sự khác biệt rất lớn về chi phí đã thực hiện tại dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1.
Cụ thể, báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang vào thời điểm tháng 9/2017 cho biết TEC đã triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án gồm: san lấp 60ha diện tích ven biển cho khu vực chính xây dựng nhà máy điện, triển khai xây dựng nhà ở chuyên gia và bồi thường tái định cư cho các hộ dân trong khu vực dự án với số tiền 77,2 tỷ đồng.
Bình luận về văn bản phản ứng trên của TEC, một chuyên gia am hiểu về dự án này cho rằng, những ý kiến của TEC cũng cần xem lại vì khi rút dự án Kiên Lương 1 ra khỏi quy hoạch điện thì khi đó, dự án mới chỉ nằm trên ý tưởng và mới có văn bản ghi nhớ, chưa chưa có một quyết định đầu tư nào. Và cho đến nay, khu vực dự án vẫn hầu như chưa có gì, nên khó có thể ghi nhận là nhà đầu tư đã bỏ ra hàng trăm triệu USD.
Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 có công suất 1.200 MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ công suất 600 MW. Dự án thuộc Trung tâm Điện lực Kiên Lương đã được Bộ Công thương và UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt với diện tích khoảng 280 ha, trong đó, Dự án nhiệt điện Kiên Lương 1 dự kiến chiếm diện tích khoảng 160 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.