Sau thông tin Ban quản lý dự án đường sắt vừa trình Bộ Giao thông Vận tải hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc — Nam, VnExpress nhận được hàng trăm ý kiến của độc giả.
Trước thực tế hai công trình đường sắt metro ở Hà Nội và TP HCM chậm tiến độ, trì hoãn ngày hoàn thành nhiều lần, nhiều độc giả đã bày tỏ sự hoài nghi về độ khả thi của tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam khi công trình này có quy mô lớn hơn rất nhiều.
"Một đoạn ngắn từ Bến Thành ra Suối Tiên mà đội vốn, đội thời gian thì dự án này biết khi nào mới đưa vào hoạt động nhỉ, không chừng lúc đó thế giới người ta phát minh ra phương tiện di chuyển khác tiện lợi, tiết kiệm hơn rồi mình còn loay hoay với đoàn tàu này"- độc giả Huong duong.
Độc giả có nickname Olivier Thọ đưa ra nhiều câu hỏi:
"Tuyến metro số 1 ở TP HCM dài chỉ có 20 km mà 10 năm làm chỉ được 10km. Kinh phí dự kiến đã tăng lên gấp 3 lần mà hụt vốn liên tục. Bây giờ lại mơ ước đường sắt tốc độ cao với dự án 58,7 tỷ USD. Liệu có hiệu quả không về mặt kinh tế sau khi vào khai tác hoạt động? Kinh phí có nằm trong tay chưa? Hay là đi vay vốn? Thời gian thi công đến khi hoạt động là bao nhiêu năm, còn bao nhiêu câu hỏi…".
"Bài toán giao thông đô thị giải mãi chưa xong, tuyến metro 10 năm rồi chưa biết khi nào hoàn thành. Các tuyến xa đã có máy bay, tàu và xe vận tải. Mỗi ngày hàng triệu người kẹt xe ở hai thành phố lớn là thiệt hại bao nhiêu tỷ đồng. Giấc mơ quá xa vời làm con người ta không muốn thức dậy"- độc giả Hoang Lac Nguyen Le.
"Tôi không thấy tư vấn về vấn đề trượt giá, đội vốn do thi công chậm tiến độ. Liệu 58 tỷ USD đó có thật sự là 58 tỷ không, hay sẽ là 100 hay 150 tỷ USD khi hoàn thành. Ngoài ra không thấy tư vấn về chi phí bảo dưỡng duy tu, tư vấn về lượng khách, giá vé… sau bao nhiêu năm thì sẽ có lãi, bao nhiêu năm thì thu hồi vốn được?" — độc giả Hoàng Thanh.
"Tại sao không cải tạo đường sắt hiện tại để nâng tốc độ tăng số chuyến mà lại muốn làm cao tốc trong khi không có tiền. Không biết ở Việt Nam bao nhiêu người sẽ đi khi vé tương đương hoặc cao hơn vé máy bay" — độc giả Huynh Thai.
Độc giả Dinhquanghinh: "Tàu chạy Hà Nội — Sài Gòn hơn 5 tiếng, với giá vé 80% vé máy bay tiêu chuẩn nghĩa là mắc hơn vé máy bay giá rẻ. Bạn chọn tàu cao tốc hay máy bay?".
Độc giả Như Thành:
"Viễn cảnh quá xa vời, nhưng giấc mơ thì rất đẹp, tuy nhiên hành trình tới đó còn dài lắm. Dù có thể có thể có hơn 58 tỷ USD thì sao? Sự vận hành với một hành trình cự ly dài, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thì liệu sự vận hành đó có trôi chảy? Có vẻ như tính khả thi hơi thấp? Chắc cũng chưa tới lúc đánh cược với một số tiền đi vay lớn thế".
Tuy nhiên, vẫn có những độc giả mong muốn tuyến đường sắt cao tốc này, vì đây là xương sống vận chuyển giao thông mà rất nhiều nước đã áp dụng.
"Bao giờ được đi tàu tốc độ cao đây. Nếu quả được như dự kiến nó sẽ cạnh tranh với máy bay về sự tiện lợi, thời gian đi, cũng như trải nghiệm du lịch dọc đất nước" độc giả Thanhduc.
Độc giả Trần Tuấn Anh:
"Cần đẩy mạnh dự án này nhanh hơn nữa, đất nước ta chay dọc chiều Bắc —Nam, hai thành phố đầu tầu nằm ở hai miền, rất cần phải có đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc Bắc Nam".
Độc giả Thu Hien Vu bày tỏ sự vui mừng: "Hy vọng là thực hiện dự án sẽ không bị đội vốn hay đình trệ như dự án metro tại Sài Gòn hay tàu điện trên cao ở Hà Nội. Chứ nếu phát triển được hệ thống tàu cao tốc kiểu như Shinkanshen thì quá tuyệt vời."