Ông Dương Trung Quốc: Người ta sợ nhất là những kẻ đạo đức giả

Theo ông Dương Trung Quốc: "Tiếng nói người dân chưa được lắng nghe đúng mức mà câu chuyện Thủ Thiêm tồn tại hơn 20 năm là một minh chứng", giaoduc cho biết.
Sputnik

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII của Đảng đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có.

Trong đó, có 5 ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 người trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bế mạc Hội nghị Trung ương 9: "Năm 2018, tiếp tục tinh thần không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, Đảng đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự".

Nhìn vào số lượng trên nhiều câu hỏi đặt ra tại sao các sai phạm lại được tích tụ lâu dài để rồi chỉ trong thời gian ngắn có nhiều cán bộ bị đưa ra xử lý nhiều đến như vậy?

Làm sao để thu hút, lựa chọn được nhiều người có đủ tài và đức tham gia bộ máy quản lý của nhà nước. Tránh tình trạng lựa chọn nhầm người trong công tác xây dựng cán bộ?

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Dương Trung Quốc, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội.

Giải thích cho việc có nhiều cán bộ bị kỷ luật vì sai phạm thời gian qua, ông Dương Trung Quốc cho rằng, dân gian có câu "thượng bất chính thì hạ tắc loạn".

Theo ông Dương Trung Quốc: "Tính gương mẫu của người đứng đầu là rất quan trọng".

Một nguyên nhân nữa nằm ở bản lĩnh và đạo đức của người cán bộ khi ông Dương Trung Quốc phân tích: "Ngày xưa những người Đảng viên ra chiến trận là đứng trước hòn tên mũi đạn họ xung phong đi trước. Cho nên, lúc đó dường như mọi người rất yên tâm về bộ máy lãnh đạo".

Trong khi thời nay, theo ý ông Dương Trung Quốc: "Người ta sợ nhất là hiện tượng đạo đức giả. Không ít trường hợp kêu là đầy tớ của dân nhưng lại hành xử trên cả ông trùm chứ chưa nói là phong kiến".

Một vấn đề nữa góp phần cho sự tha hóa, biến chất của lãnh đạo đó chính là "môi trường dân chủ của chúng ta chưa tốt".

Ông Dương Trung Quốc lấy ví dụ: "Tiếng nói người dân chưa được lắng nghe đúng mức. Câu chuyện Thủ Thiêm tồn tại hơn 20 năm là một minh chứng. Cho nên, dẫn đến tích tụ sai lầm".

Để khắc phục tình trạng cán bộ sai phạm, bất chấp pháp luật của nhà nước, kỷ luật của Đảng, theo ông Dương Trung Quốc, cho đến nay việc xây dựng bộ máy cán bộ tập trung vào lượng rất nhỏ trong nhân dân là đảng viên. Cần thiết phải nâng cao chất lượng đảng viên.

"Về lý thuyết, đảng viên là người tinh hoa nhất nhưng đâu phải ai vào Đảng cũng mong sẵn sàng góp sức xây dựng đất nước" — ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dương Trung Quốc, lịch sử cho thấy khi chúng ta có 5.000 đảng viên nhưng đã lãnh đạo được sự nghiệp cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Đảng viên đã từng là những thành viên tinh tú nhất của dân tộc.

Nhưng giờ không ít đảng viên bị thoái hóa, giả tạo. Nhiều người vào Đảng không vì lý tưởng cao đẹp mà vào Đảng để được thăng quan, tiến chức… Điều này đã làm nản lòng nhiều người.

Muốn thu hút được người tài đức tham gia vào bộ máy nhà nước, theo ông Dương Trung Quốc cần thiết phải mở rộng làm sao không chỉ người Việt trong nước mà còn thu hút được bà con Việt kiều về nước góp sức xây dựng quê hương.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, về lý thuyết và Nghị quyết chúng ta đã được đề cập vấn đề này nhưng giải pháp cụ thể cần thiết phải được đẩy mạnh.

Cuối cùng vị này cho rằng: "Ngày xưa cụ Hồ dám sử dụng con người như thế (tức mời gọi những nhân sĩ trí thức ngoài Đảng vào nắm các vị trí chủ chốt, trường hợp cụ Huỳnh Thúc Kháng là ví dụ điển hình — PV) nhưng giờ chúng ta chưa dám thực hiện. Đây là điểm yếu chứ không phải mạnh. Nghệ thuật lãnh đạo là phải phát huy được toàn sức mạnh của nhân dân".

Thảo luận