Trong một bộ phim lịch sử về trận Trân Châu Cảng (Tora, Tora, Tora!), đạo diễn đã dựng lại cảnh các đô đốc Nhật (đầy phấn khích) đang chúc mừng trận đại thắng Trân Châu Cảng (Pearl Harbor, 7/12/1941), nhưng đô đốc Yamamoto (đầy lo âu) lại nghĩ tới tương lai nước Nhật.
Ông đã từng sống tại Washington nên hiểu người Mỹ sẽ không bỏ qua vết nhục này:
"Tôi sợ rằng điều mà tất cả chúng ta đã làm là đánh thức gã khổng lồ đang ngủ và làm trỗi dậy một quyết tâm khủng khiếp".
Hội chứng Trân Châu Cảng và khả năng lặp lại
Kết cục của chiến tranh Thái Bình Dương đã chứng minh dự cảm cá nhân và tầm nhìn chiến lược của Yamamoto. Đó là "hội chứng Trân Châu Cảng".
Ngay sau trận Trân Châu Cảng, Tổng thống Mỹ Franklin Rousevelt đã tuyên chiến với Nhật và nhấn mạnh: "7/12/1941 là ngày chúng ta sống trong sự ô nhục" (A date which we will live in infamy).
Sau này, đô đốc Hara Tadaichi cũng kết luận:
"Chúng ta đã thắng một trận lới về chiến thuật tại Trân Châu Cảng, nhưng vì vậy đã thua cả cuộc chiến".
Trận Trân Châu Cảng đã làm cho người Mỹ bừng tỉnh, ủng hộ Tổng thống Rousevelt chống Nhật với sự đồng thuận gần như tuyệt đối. Đó là "hội chứng Trân Châu Cảng".
Không chỉ nước Nhật quân phiệt (tại phương Đông) mà cả nước Đức phát xít (tại phương Tây) cuối cùng đã đại bại, phải đầu hàng Mỹ và đồng minh, và trả giá rất đắt cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan của họ.
Với đỉnh cao quyền lực, Tập Cận Bình đã tự tin triển khai kế hoạch "Made in China 2025" để thực hiện "Giấc mộng Trung Hoa" (China Dream) trong "kỷ nguyên mới", mà quên mất bài học về "giới hạn quyền lực" (limits of power).
Như một định mệnh, Mỹ và Trung Quốc đang hướng đến "cái bẫy Thucydides".
Sau khi Washington điều tàu sân bay USS Carl Vinson đến thăm Đà Nẵng (5/3/2018) như một biểu tượng "ngoại giao pháo hạm" (gunboat diplomacy) của Mỹ, Bắc Kinh đã tổ chức diễn tập lớn nhất tại Biển Đông (13/4/2018) với 48 tàu chiến/tàu ngầm, 76 máy bay, và 10.000 quân.
Hình ảnh Tập Cận Bình mặc quân phục dã chiến trực tiếp chỉ huy diễn tập (trên tàu sân bay Liêu Ninh) là một biểu tượng "ngoại giao pháo hạm" của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã cho tàu khu trục Lan Châu chặn đầu tàu khu trục USS Decatur của Mỹ khi đang tuần tra FONOP tại khu vực Trường Sa (30/9/2018) như một biểu tượng đối đầu Mỹ-Trung.
Trước đó, La Viện từng kêu gọi nếu hạm đội Mỹ đóng quân tại Đài Loan, Trung Quốc cần triển khai lực lượng để thống nhất hòn đảo này.
Dù La Viện phát biểu hung hăng chỉ là "võ mồm" để phô trương thanh thế, nhưng nó phản ánh tâm thức "dân tộc cực đoan" của phái diều hâu Trung Quốc.
Điều này làm người ta nhớ tới "hội chứng Trân Châu Cảng" và chính sách "Đại Đông Á" của Nhật thời trước, nay đang trỗi dậy như sáng kiến "Vành đai Con đường" đầy tham vọng của Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc (PLAN) không chỉ "võ mồm", mà họ lấy biên đội tàu sân bay Mỹ làm đối tượng tác chiến (trong diễn tập). Họ đã phát triển những loại vũ khí dành riêng cho mục tiêu tàu sân bay như tên lửa đạn đạo DF-21D.
Nếu biên đội tàu sân bay Mỹ đi vào Biển Đông hay biển Hoa Đông, nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí mới của Trung Quốc thì chúng có thể bị tiêu diệt một cách nhanh chóng, khi đối diện với hàng trăm (thậm chí hàng ngàn) tên lửa chống hạm các loại của Trung Quốc được bắn cấp tập;
Chúng có thể làm các tàu khu trục và tàu tuần dương Aegis bị vô hiệu hóa, không thể bảo vệ nổi các tàu sân bay của Mỹ. Tuy trận Trân Châu Cảng đã đi vào lịch sử, nhưng bóng ma của nó vẫn còn sống, và lịch sử vẫn có thể lặp lại.
Tuy nhiên, phái diều hâu tại Bắc Kinh chưa tính đến phản ứng của Mỹ, nhất là phái diều hâu của Mỹ đang thắng thế tại Washington.
Với tiềm lực quân sự vượt trội, nhất là khi đã hoàn thiện hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo, Mỹ đủ sức hủy diệt Trung Quốc trong thời gian rất ngắn, thậm chí chưa cần trả đũa bằng vũ khí hạt nhân.
Nếu Trung Quốc dám tấn công tàu sân bay Mỹ bằng máy bay hay tên lửa thì Mỹ cũng đủ sức san phẳng tất cả những nơi xuất phát các vũ khí đó.
Trung Quốc còn đối mặt với nguy cơ bị cắt đứt nguồn cung cấp năng lượng từ bên ngoài khi bị phong tỏa đường biển, và đóng băng các giao dịch thương mại để có tiền nuôi bộ máy chiến tranh.
Lời cuối
Theo Bloomberg, Trung Quốc đã lâm vào khủng hoảng, nhưng đây là cuộc khủng hoảng về tương lai kinh tế Trung Quốc.
Nó không chỉ về tốc độ tăng trưởng hiện đang chậm lại (con số chính thức là 6,6%, nhưng con số không chính thức là 1,67%), mà kéo dài chưa biết tới đâu.
Nó không phải kiểu sụp đổ về kinh tế như Mỹ đã từng chứng kiến (2008), hay kiểu khủng hoảng tài chính bùng phát mà các con hổ kinh tế châu Á đã trải qua (1997). Đây là một cuộc khủng hoảng trầm lặng với núi nợ công và nợ xấu khổng lồ, và hàng loạt công ty phá sản.
Tất cả đang dẫn đến một vòng xoáy đi xuống (như "endgame"). Tuy thuế quan là một mối lo lớn, nhưng vấn đề cốt lõi đã ăn sâu vào thể chế và tồn tại trong cấu trúc tài chính của Trung Quốc.
(Forget the Trade War: China Is Already in Crisis, Michael Schuman, Bloomberg, January 17, 2019).
Theo các chuyên gia về Trung Quốc, lúc đầu Bắc Kinh rất tự tin là Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm "thuần hóa các tổng thống Mỹ" (nên Trump không phải là ngoại lệ).
Bắc Kinh tưởng làm việc với Trump dễ hơn so với Hillary Clinton, nhưng chỉ gần đây mới bị bất ngờ, làm người Trung Quốc bắt đầu "phục Trump".
Tập Cận Bình đã chiêu đãi Donald Trump tại "Tử Cấm Thành" bằng "quốc yến đặc biệt" (state plus plus) để lấy lòng.
Trước các đòi hỏi của Donald Trump về thâm hụt thương mại, Tập Cận Bình hứa sẽ mua hàng trăm tỷ USD hàng hóa của Mỹ, nhưng vẫn không rõ liệu có làm Trump vừa lòng hay không.
Trump và Tập như một "cặp đôi hoàn hảo" (thích được khen), nhưng tính cách lại "tương khắc" (như âm và dương, hay thủy và hỏa).
Tuy hai siêu cường phải chạy đua vũ trang và thích đe dọa chiến tranh, nhưng Mỹ không dại gì đánh làm Trung Quốc sụp đổ, và Trung Quốc cũng chẳng dại gì gây chiến với Mỹ để mang vạ vào thân.
Trung Quốc đã từng bước kiểm soát Biển Đông bằng cưỡng chiếm và quân sự hóa, quyết đuổi kịp Mỹ về công nghệ bằng kế hoạch "Made in China 2025".
Lẽ ra Bắc Kinh có thể thực hiện được điều đó, nếu họ không mắc sai lầm quá ngạo mạn (như "Hội chứng Trân Châu Cảng") làm người Mỹ giật mình bừng tỉnh, tập hợp thành "Đồng thuận Washington".
Nay Bắc Kinh nhận ra sai lầm thì đã hơi muộn (nhưng "muộn còn hơn không").