Vài ngày sau chuyến thăm của Nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Việt Nam và tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Triều lần 2, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đã có những chia sẻ với Zing.vn về kỷ niệm của ông với các đoàn nghiên cứu kinh nghiệm của nước bạn tới Việt Nam trước đó.
TS Lê Đăng Doanh cho biết tháp tùng Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un còn có các Phó chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, trong đó có người phụ trách lĩnh vực kinh tế, sang Việt Nam. Một trong những hoạt động được đoàn Triều Tiên chú ý là đi tham quan các mô hình kinh tế của Việt Nam ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, viễn thông…
TS Doanh kể rằng trước khi ông Kim đến Việt Nam, nhiều đoàn tìm hiểu kinh nghiệm phát triển kinh tế của Triều Tiên đã âm thầm đến Việt Nam. Trong đó có các đoàn được dẫn đầu bởi cấp thứ trưởng, nghĩa là biểu hiện sự quan tâm đặc biệt của nước này tới mô hình phát triển kinh tế nước ta.
Kinh phí của các đoàn Triều Tiên sang Việt Nam được tài trợ bởi Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (Swedish International Development Cooperation Agency — SIDA). Đây cũng là tổ chức đã tài trợ nhiều tiền cho Việt Nam cải cách phát triển trong giai đoạn bắt đầu mở cửa nền kinh tế.
Với vai trò là chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh được Chính phủ chọn là một trong những diễn giả để báo cáo kết quả cải cách kinh tế. Mỗi lần báo cáo kết quả, đoàn Triều Tiên gồm khoảng 16-18 người rất quan tâm và đặt nhiều câu hỏi cho ông.
"Khi nghe tôi trình bày kinh nghiệm, họ luôn luôn hỏi phát triển kinh tế tư nhân có gây mất ổn định chính trị hay không, liệu khi phát triển như vậy thì trong nội bộ có tranh luận gì nhiều hay không", TS Doanh kể.
Trả lời, Vị nguyên Viện trưởng cho cho biết trong quá trình cải cách, Việt Nam luôn có thảo luận, thậm chí là tranh luận với không khí cởi mở. Cách Việt Nam làm là tiến hành thí điểm tại một số nơi, một số mô hình, sau đó đánh giá và nhân rộng.
Ông đưa ra ví dụ về thí điểm khoán trong nông nghiệp rồi mới nhân rộng. Từ đó, Việt Nam vươn lên trở thành một nước mạnh trong xuất khẩu lương thực trên thế giới. Từ việc một năm phải nhập hàng triệu tấn lương thực thì trở thành một nước xuất khẩu lương thực, thậm chí thường xuyên viện trợ gạo cho Triều Tiên.
"Một trong những vấn đề mà họ cũng luôn hỏi tôi là liệu các đồng chí đã chiến đấu với bao nhiêu người hy sinh như thế, sao lại có thể hòa giải được với Mỹ?", TS Doanh kể.
"Chúng tôi có quan hệ kinh tế với rất nhiều nước. Muốn làm được điều đó thì phải bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Tư duy đổi mới đóng vai trò rất quan trọng", ông kể lại điều đã nói với các đoàn Triều Tiên.
TS Lê Đăng Doanh nhớ lại đã rất ấn tượng với đoàn nghiên cứu kinh nghiệm của Triều Tiên bởi họ chăm chỉ nghiên cứu, ghi chép. Ông đánh giá đó là một dấu hiệu cho thấy phía Triều Tiên rất nghiêm túc nghiên cứu kỹ càng công cuộc cải cách của Việt Nam.
Cũng bởi những kiến thức về quá trình cải cách của Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh đã được nhiều đài truyền hình của Mỹ mời trả lời phỏng vấn nhân dịp thượng đỉnh Mỹ — Triều. Ông chia sẻ đó là một kỷ niệm đẹp nhân sự kiện lớn của đất nước.