Mặc dù trên báo chí nước ngoài có nhiều bài thú vị về chính sách đối ngoại và nền kinh tế Việt Nam, nhưng, vào tuần nào chuyên mục "Việt Nam trên báo chí nước ngoài" dành riêng cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Sự chú ý của báo chí thế giới tập trung vào sự kiện này. Sự hiện diện của lãnh đạo hai nước tại thủ đô Việt Nam đã được phản ánh theo từng phút. Báo giới cũng rất chú ý đến các công việc của Việt Nam chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh. The Atlantic lưu ý rằng, chính quyền Việt Nam đã nỗ lực cao nhất để chuẩn bị mọi thứ tốt nhất cho thượng đỉnh Trump — Kim. Đặc biệt là, ông Trump đã đưa ra quyết định chọn thủ đô Việt Nam để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ ba tuần trước khi sự kiện diễn ra. Và tờ báo Nga Gazeta giới thiệu với độc giả rất nhiều chi tiết thú vị về giới doanh nhân Việt Nam chuẩn bị những món quà nào cho các vị khách nước ngoài đến Hà Nội nhân dịp tổ chức hội nghị thượng đỉnh.
Như đã biết, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội đã kết thúc trước thời hạn và hai bên không ký bất kỳ thỏa thuận nào. Báo chí thế giới gọi đó là thất bại của Trump, người thường gửi gắm nhiều hy vọng vào các cuộc gặp mặt trực tiếp với lãnh đạo nước ngoài và tin rằng, ông có kỹ năng thuyết phục trong các cuộc giao tiếp. The Press Herald viết: "Thất bại cay đắng này đã tiết lộ những thiếu sót trong phong cách ngoại giao độc đáo của ông ấy và gây ra mối lo ngại về những nỗ lực giải giáp trong tương lai. Khác với các vị tổng thống khác, chính quyền Trump không thực hiện đầy đủ công việc chuẩn bị để bảo đảm sự thành công cho những cuộc họp như vậy.
Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ nêu lên những nguyên nhân khác nhau cho sự thất bại của cuộc đàm phán, theo The Guardian. Trump giải thích rằng, nguyên nhân của sự thất bại là bởi vì ông Kim muốn để Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt đổi lấy một số bước của Bình Nhưỡng trong quá trình phi hạt nhân hóa, còn Washington đã chờ đợi những bước hoàn toàn khác từ phía Bình Nhưỡng. Về phần mình Kim Jong-un nói rằng, Hoa Kỳ đã không đồng ý dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt mà ông đề xuất. Thất bại của hội nghị thượng đỉnh là một thảm họa chính trị đối với Seoul. Hàn Quốc đã hy vọng rằng, những tiến bộ đạt được tại cuộc đàm phán sẽ cho phép dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đang hạn chế thương mại và đầu tư giữa Bắc và Nam Triều Tiên, tờ báo lưu ý.
Truyền thông nước ngoài có nhiều bài viết về mô hình phát triển của Việt Nam và những thành công của nước này. CNN trích dẫn lời tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc phỏng vấn độc quyền của kênh CNN trước thềm hội nghị thượng đỉnh: Việt Nam hy vọng sẽ đóng một vai trò lớn hơn là nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh. Hà Nội hy vọng sự kiện này tự nó sẽ chứng minh về lợi ích của hòa bình, hòa giải và mở rộng thị trường. Trả lời câu hỏi của phóng viên CNN liên quan tới cuộc kháng chiến chống Mỹ trước đây, Thủ tướng nêu rõ: "Chúng ta đừng quên quá khứ, lịch sử của mình nhưng chúng ta cần khép lại nó để hướng đến tương lai. Chúng ta cần sự hiểu biết lẫn nhau để xây dựng đất nước mình trong hòa bình và để giải quyết tốt hơn các vấn đề trong cuộc sống của người dân nước mình".
Trong một bài dài về những thành công của nền kinh tế Việt Nam, CNBC viết: Việt Nam đã bị cô lập và đã là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhưng, trong ba thập kỷ qua Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất với các công ty quốc tế lớn như Intel, Samsung, Adidas và Nike. Khả năng của Việt Nam phát triển mạnh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ đáng được khâm phục. Trong nhiều năm Bình Nhưỡng đã nghiên cứu các cuộc cải cách thị trường của Việt Nam và ảnh hưởng của các cuộc cải cách đó đến sự ổn định chính trị. "Việt Nam cung cấp cho Triều Tiên cách thức thực tế nhất để một nhà nước độc đảng cộng sản với thái độ thù địch với Hoa Kỳ chuyển đổi mạnh mẽ và trở thành một nền kinh tế ổn định, phát triển nhanh chóng và duy trì mối quan hệ tốt với hầu hết các nước láng giềng", tờ báo viết. Và tờ POLITICO lưu ý: "Có vẻ như Tổng thống Donald Trump đã thấy một quốc gia xã hội chủ nghĩa mà ông ấy rất thích. "Việt Nam là một trong số ít các nơi trên Trái Đất đang phát triển thịnh vượng. Triều Tiên sẽ là quốc gia tương tự, và rất nhanh thôi nếu nước này phi hạt nhân hóa. Tiềm năng là tuyệt vời, một cơ hội to lớn chưa từng có cho người bạn của tôi Kim Jong Un", — Donald Trump viết trên tài khoản Twitter cá nhân. Trong khi đó ông Trump lo sợ chủ nghĩa xã hội, và bây giờ, ở một khu vực khác trên thế giới, ông đang sử dụng áp lực ngoại giao và kinh tế để lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, người vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa, nhưng, nền kinh tế của đất nước này đang bị hủy hoại, bài báo nhấn mạnh.