Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc chia sẻ với VnExpress về định hướng hợp tác song phương và việc Hà Nội tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Triều Tiên lần hai mới đây.
- Tổng thống Mỹ đã có chuyến thăm Việt Nam khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên tháng trước, công tác chuẩn bị được thực hiện thế nào?
— Từ đầu 2019, Mỹ cân nhắc một số địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai với Triều Tiên, gồm Thái Lan, Mông Cổ, Việt Nam và một số nước châu Âu. Khi Mỹ thăm dò về việc này, chúng ta đã nói rõ sẵn sàng đăng cai tổ chức nếu Mỹ và Triều Tiên yêu cầu. Ngay khi đó, để chủ động, Việt Nam đã lên kế hoạch cho chuyến thăm của Tổng thống Trump. Chúng ta đã trông đợi Việt Nam trở thành điểm tổ chức Thượng đỉnh Mỹ — Triều lần đầu tiên, nhưng phải đến lần thứ hai này, điều đó mới thành hiện thực.
Vào đúng đêm mùng 1 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, theo giờ Washington DC, tức sáng mùng 2 Tết theo giờ Hà Nội, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Việt Nam trong hai ngày 27/2 và 28/2.
Lúc đó tôi đang cùng đoàn ngoại giao trực tiếp nghe thông điệp của Tổng thống tại toà nhà Quốc hội Mỹ. Nhiều đại sứ của các nước đã đến bắt tay tôi, chúc mừng và bày tỏ sự ngưỡng mộ với Việt Nam. Khi tôi về đến Đại sứ quán thì đã quá nửa đêm nhưng các cán bộ vẫn còn thức cùng chia vui về tin tốt lành này. Đây thực sự là món quà đầy ý nghĩa trong năm mới 2019.
- Việc Tổng thống Trump thăm Việt Nam lần hai có ý nghĩa gì?
— Khi đón Tổng thống Trump bước xuống sân bay Nội Bài từ chuyên cơ Air Force One tối 26/2, tôi nhẩm tính thời gian ông trở lại Việt Nam là trong vòng 15 tháng. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử quan hệ Việt — Mỹ, nó cho thấy bước tiến dài về hợp tác và cho thấy mức độ tin cậy mới giữa hai bên.
Hợp tác Việt — Mỹ không chỉ bó hẹp trong phạm vi song phương, mà còn mở rộng ra các vấn đề khu vực và quốc tế. Đặc biệt là Việt Nam đóng vai trò hỗ trợ, làm chất xúc tác để thúc đẩy tiến trình đàm phán hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của quốc tế.
- Ông đánh giá thế nào về kết quả chuyến thăm của Tổng thống Trump?
— Tổng thống Mỹ khi gặp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần bày tỏ khâm phục trước sự "phát triển kỳ diệu" của kinh tế Việt Nam, về vị thế, vai trò của Việt Nam, ông "ấn tượng mạnh mẽ về sự phát triển quan hệ Việt Nam". Đặc biệt, Tổng thống Mỹ cho biết ông cảm thấy ấm cúng, dễ chịu khi trở lại Việt Nam. Ông cũng cho biết một lần nữa ông có chuyến thăm Việt Nam tuyệt vời.
Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ — Triều lần hai, chúng ta khẳng định với phía Mỹ rằng sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Việt Nam cũng nêu khuyến nghị Mỹ và Triều Tiên kiên trì đàm phán hòa bình, với thiện chí và thái độ xây dựng, quan tâm đến các yêu cầu chính đáng của mỗi bên, không để lỡ cơ hội lịch sử giải quyết triệt để vấn đề tồn tại nhiều thập kỷ qua, đóng góp vào việc xây dựng bán đảo Triều Tiên hòa bình, phi hạt nhân hóa. Điều này có lợi cho cả Mỹ, Triều Tiên và toàn khu vực. Phía Mỹ đánh giá cao lập trường của Việt Nam, mong chúng ta tiếp tục phát huy vai trò tích cực và xây dựng với tiến trình này.
- Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến thăm trong năm nay, hai bên đang thảo luận thế nào về việc này?
— Chúng tôi đã có các cuộc trao đổi với Phủ tổng thống Mỹ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, các cơ quan của Quốc hội, hiệp hội doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu của Mỹ, tích cực chuẩn bị để đảm bảo chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thành công.
Tổng thống Trump khi chia tay Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Phủ Chủ tịch trưa 27/2, đã nói:
"Tôi trông đợi được đón tiếp Ngài tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng".
- Ưu tiên của Đại sứ trong năm nay là gì?
— Ưu tiên hàng đầu của tôi là tổ chức tốt các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt — Mỹ, hướng tới kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ vào năm 2020.
Thứ hai là tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên tinh thần hai bên cùng có lợi, kiểm soát tốt những vấn đề vướng mắc, tồn tại. Thứ ba là thúc đẩy hợp tác giải quyết các hậu quả do chiến tranh để lại, trong đó có tẩy độc sân bay Biên Hòa và các điểm nóng khác, tháo gỡ bom mìn còn sót lại, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh và tìm kiếm bộ đội ta mất tích trong chiến tranh.
Tôi cho rằng 2019 sẽ là năm có những dấu ấn đặc biệt trong quan hệ hai nước.