Mới đây, tác giả Cary Huang trên tờ báo uy tín nhất Hong Kong South China Morning Post đã có một bài viết với tựa đề "Trump gặp Kim tại Hà Nội, và bên chiến thắng lớn nhất có thể chính là Việt Nam". Trong đó tác giả đã nhắc tới những thay đổi về vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế sau khi tổ chức thành công thượng đỉnh Mỹ — Triều lần thứ hai.
Ngoại giao thượng đỉnh đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong quan hệ quốc tế ngày nay, cả trên phương diện song phương và đa phương — kể từ khi từ "thượng đỉnh" được sử dụng lần đầu tiên (theo một số người là do cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đưa ra vào những năm 1950), nhằm miêu tả một cuộc họp giữa lãnh đạo các nước. Giờ đây, thậm chí lựa chọn địa điểm tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh hàng đầu, cũng mang những ý nghĩa biểu tượng và địa chính trị ngoài sức tưởng tượng.
Thực tế, việc đăng cai cho một thượng đỉnh như cuộc gặp mặt thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong vòng 8 tháng trở lại đây — rõ ràng mang những giá trị ngoại giao và chính trị hết sức rõ ràng. Mối quan hệ nhiều nguy cơ giữa hai nhà lãnh đạo đã đưa nước chủ nhà Việt Nam trở thành tâm điểm của toàn cầu và thúc đẩy vị trí của quốc gia này trên trung tâm sân khấu địa chính trị. Điều này vẫn hoàn toàn đúng đắn ngay cả khi sau hai ngày hội nghị (27 — 28/2), trái với một số dự đoán ban đầu, hai bên tham gia không đạt được một thỏa thuận chung nào.
Lý do Việt Nam trở thành cái tên cuối cùng còn lại trong danh sách các nước có khả năng đăng cai Thượng đỉnh Mỹ — Triều lần hai, không chỉ là do lập trường trung lập của Hà Nội về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hay bởi vì cả Mỹ và Triều Tiên đều có đại sứ quán tại đây. Mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các bên tham gia chủ chốt, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga — cũng không phải là nguyên nhân chính.
Điều đáng nói hơn chính là do sự lựa chọn Hà Nội phù hợp với cả lợi ích tốt nhất của Bình Nhưỡng và Washington.
Triều Tiên và Việt Nam không chỉ có mối quan hệ ý thức hệ mạnh mẽ mà còn cùng chia sẻ những kinh nghiệm về cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, Việt Nam có thể tư vấn cho Chủ tịch Kim một lộ trình, giúp kiến tạo hòa bình với siêu cường lớn nhất thế giới, cùng lúc đạt được sự thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của chủ nghĩa cộng sản.
Giống như Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất thế giới kể từ khi bắt đầu tiến hành đổi mới từ giữa những năm 1980. Và Việt Nam, với diện tích và dân số của mình, có thể là một hình mẫu thích hợp cho Triều Tiên hơn là Trung Quốc.
Triều Tiên hiện đang là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Những lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế và Mỹ đã đẩy đất nước châu Á vào vòng cô lập so với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều dấu hiệu chỉ ra ông Kim Jong-un đang ngày càng mong muốn tập trung vào con đường phát triển kinh tế.
Trong khi đó, Hà Nội giành được nhiều lợi ích từ cơ hội thể hiện những thành công kinh tế của mình với toàn thế giới khi đón chào số lượng phóng viên quốc tế khổng lồ giữa những ngợi ca ngoại giao. Với vai trò quan trọng trong một sự kiện toàn cầu như vậy, Việt Nam chắc chắn sẽ nhận được những lợi thế địa chính trị và ngoại giao ý nghĩa.
… Cùng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhưng Việt Nam vẫn cho thấy một sự cởi mở hơn. Người dân Việt Nam cũng có nhiều tự do hơn trong kinh tế, tôn giáo và cuộc sống xã hội. Ví dụ như, họ có quyền tiếp cận với tất cả hãng truyền thông và nền tảng mạng xã hội lớn của Mỹ và thế giới như Twitter, Google và Facebook — những thứ mà tại Trung Quốc đang bị cấm…