Chân dung Tuấn "thần đèn": Từ tên trộm cắp vặt trở thành giang hồ khét tiếng xứ Thanh

Nổi lên là một giang hồ khét tiếng tại Thanh Hóa, Tuấn "thần đèn" kiếm tiền từ các hoạt động bảo kê, cho vay nặng lãi và đặc biệt là "cướp" khoáng sản, VTCNews thông tin.
Sputnik

Sinh năm 1974, trú ở phố Lê Hoàn, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa, Nguyễn Anh Tuấn (tức Tuấn “thần đèn”) có tuổi thơ dữ dội với nghề trộm cắp vặt.

Những phút cuối của ông trùm: Ngày đền tội của gã giang hồ Khánh 'trắng'

Giao lưu với những thành phần ngổ ngáo ở Thanh Hóa, dần dần Tuấn trở nên có “số” hơn sau mỗi lần vào tù thụ án. Những ngày đầu bước chân vào giới “xã hội đen”, Tuấn “thần đèn” kết nối với nhiều đối tượng ở các tỉnh khác để hoạt động một đường dây chuyên trộm cắp và tiêu thụ xe máy mà nhóm của mình lấy trộm được.

Xe máy trộm cắp được ở Thanh Hóa sẽ được Tuấn đưa đi các tỉnh khác “luộc đồ”. Còn ở Thanh Hóa, Tuấn "thần đèn" tiếp nhận các xe máy được đồng bọn lấy cắp ở các tỉnh khác.

Khi có nguồn vốn kha khá trong tay, Tuấn bắt đầu mở rộng lĩnh vực kiếm tiền của mình sang các hoạt động tín dụng đen, bảo kê các nhà hàng, cơ sở kinh doanh.

Để phô trương thanh thế, Tuấn “thần đèn” thu nạp những kẻ đầu gấu, có tiền án, tiền sự để đe dọa, hành hung các nạn nhân và thanh toán các đối thủ khác.

Truy nã quốc tế bà trùm giang hồ Oanh 'hà', chị ruột Dung 'hà'
Ở Thanh Hóa, nghe đến tên Tuấn “thần đèn” là nhiều người dân, kể cả những kẻ trong giớigiang hồ phải khiếp sợ bởi tính côn đồ, hung hãn, sẵn sàng thanh toán bất cứ ai khiến hắn không vừa lòng.

Riêng hành vi cho vay nặng lãi, không cần bất cứ tài sản thế chấp nào, nhưng Tuấn có thể cho vay tới hàng trăm triệu, thậm chí nhiều tỷ đồng với lãi suất từ 9-15%/tháng. Đến hạn, nếu người vay chưa trả, lập tức Tuấn sai đồng bọn đến viết giấy vay tiền mới bao gồm cả gốc và lãi.

Cứ như thế, "lãi mẹ đẻ lãi con'' khiến người vay ngày càng không có khả năng trả nợ. Đến lúc đó, Tuấn cho đàn em đến đe dọa, chửi bới, thậm chí khống chế, đánh đập, gây thương tích rồi ép nạn nhân phải bán nhà, cầm cố tài sản cho hắn với giá rẻ mạt.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, để đối phó với lực lượng chức năng, Tuấn thường không trực tiếp ra mặt mà đứng sau chỉ đạo đàn em, đồng thời có nhiều cách thức, thủ đoạn đối phó, che giấu hành vi phạm tội. Chính vì vậy, nhiều lần Công an Thanh Hóa tổ chức đấu tranh với Tuấn nhưng đều không thành công.

Năm Cam: Hành trình trở thành “ông trùm” giang hồ Sài Gòn
Điển hình cho cách “làm tiền” kiểu xã hội đen của Tuấn là vụ việc anh Bùi Hữu Thược, Giám đốc Công ty Sao Khuê (Thanh Hóa) vay chị gái của Tuấn là Nguyễn Thị Hương số tiền 2 tỷ đồng vào năm 2009.

Hai bên thỏa thuận, anh Thược sẽ phải trả lãi cho Hương 3.000 đồng/1 triệu/ngày, không cần thế chấp tài sản, cứ sau 30 ngày phải trả lãi. Anh Thược đã nhiều lần trả lãi cho Hương nhưng sau do làm ăn khó khăn, không trả được đủ lãi nên Hương tính lãi gốc và lãi của lãi cộng thành món vay mới. Cứ như thế, “lãi mẹ đẻ lãi con” khiến số nợ của anh Thược ngày càng chồng chất.

Hương cùng chồng nhiều lần đe dọa, đốc thúc anh Thược trả nợ. Không còn cách nào khác, anh Thược phải bán nhà và vay mượn thêm trả cho Hương hơn 3,33 tỷ đồng, trong đó trả 1,4 tỷ tiền gốc và gần 2 tỷ tiền lãi, nợ lại 600 triệu gốc.

Đến tháng 5/2011, Hương cộng cả lãi vào gốc, tiếp tục nâng tổng số nợ của anh Thược lên thành 3,16 tỷ nữa. Một năm sau, đến tháng 4/2012, số nợ đã được Hương tính thành hơn 8 tỷ đồng.

Ngày 15/9/2012, Tuấn “thần đèn” gọi điện chửi bới, đe doa anh Thược rồi cho đàn em đến nhà chửi bới tiếp. Thấy chưa có kết quả, Tuấn “thần đèn” cùng với Hương và Tuấn (chồng Hương) đến nhà Thược làm ầm ĩ, túm áo lôi anh Thược từ tầng 2 xuống tầng 1 đánh đập, đe dọa không cho bảo vệ vào can ngăn.

Bắt ăn phân: Vay tín dụng đen bị tra tấn đến chết như thời 'trung cổ'
Bị yếu thế, vợ chồng anh Thược xin khất nợ nhưng Hương không nghe, yêu cầu nạn nhân phải bán Công ty Sao Khuê cho chúng với giá 25 tỷ đồng. Anh Thược không đồng ý vì đã đầu tư vào công ty gần 40 tỷ đồng. Cùng lúc đó, lực lượng công an đã có mặt kịp thời, giải cứu nạn nhân.

5 ngày sau, khi có đủ chứng cứ, được VKSND phê chuẩn lệnh bắt, Công an Thanh Hóa đã tổ chức bắt giữ Tuấn “thần đèn” cùng vợ chồng chị gái của Tuấn. Vào tháng 10/2014, Tuấn bị TAND tỉnh Thanh Hóa xử phạt án tù về tội Cố ý gây thương tích.

Lâu lâu người dân lại nghe tin Tuấn “thần đèn” đi tù. Dẫu vậy, sau mỗi lần ra tù Tuấn lại có những hoạt động gây thanh thế trở lại.

Gần đây nhất, Tuấn “thần đèn” bỗng chuyển hướng sang hoạt động vận tải và “cướp” khoáng sản. Thủ đoạn của Tuấn là nơi nào được cấp mỏ khai thác đất, cát, Tuấn liền chỉ đạo đàn em đến thăm dò rồi mua lại các phần đất của người dân xung quanh các mỏ.

Tiếp đó, Tuấn đưa máy móc đến khai thác tài nguyên rồi đem đi bán. Khi các chủ mỏ có thái độ phản ứng lập tức bị Tuấn cho đàn em đến nhà đe dọa, phá máy móc của chủ mỏ nếu không để yên cho Tuấn làm ăn.

Bộ Công an Việt Nam mở "chiến dịch" quyết xóa xổ vay nặng lãi và đòi nợ thuê
Ngày 24/3/2019, Công an TP Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ chức năng Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ Nguyễn Anh Tuấn (Tuấn “thần đèn”).

Theo cơ quan công an, Tuấn “thần đèn” bị bắt để phục vụ điều tra liên quan đến các hành vi gây rối trật tự công cộng và sử dụng vũ khí quân dụng trái phép.

Cảnh sát cũng bắt một số đàn em của Tuấn "thần đèn" để điều tra cùng về các hành vi trên. Thông tin cụ thể về các vụ án liên quan đến Tuấn "thần đèn" và đồng bọn chưa được cơ quan công an tiết lộ.

Thảo luận