Điểm mờ pháp lý
Luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, tại “Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục" của TAND Tối cao, tội Dâm ô được hướng dẫn như sau:
“Dâm ô, tức là có hành vi bỉ ổi đối với người khác. Tuy không phải là hành vi giao cấu, nhưng cũng nhằm thỏa mãn tình dục của mình, hoặc khêu gợi bản năng tình dục của người đó.
Năm 1985, Bộ luật Hình sự đầu tiên của nước ta đã xóa bỏ tội dâm ô. Ngày 22.5.1997, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, luật này đã quy định bổ sung điều 202b về tội Dâm ô đối với trẻ em.
Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2.1.1998, hướng dẫn xác định hành vi dâm ô đối với trẻ em được quy định tại điều 202b Bộ luật Hình sự 1985, đã được sửa đổi, bổ sung như sau: “Hành vi dâm ô đối với trẻ em... là sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác nhưng không có việc giao cấu với trẻ em.”
Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định tội Dâm ô đối với trẻ em tại điều 116 trên cơ sở điều 202b.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã sửa đổi tội Dâm ô đối với trẻ em là tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Đồng thời, tội này cùng các tội phạm khác về tình dục (từ điều 141 đến điều 145), ngoài khái niệm "giao cấu", còn quy định khái niệm “các hành vi quan hệ tình dục khác". Cụ thể, "giao cấu" được hiểu là hình thức quan hệ tình dục bằng cách đưa bộ phận sinh dục nam vào bên trong bộ phận sinh dục nữ.
"Các hành vi quan hệ tình dục khác", có thể bao gồm các hình thức quan hệ tình dục như, quan hệ tình dục qua đường hậu môn, quan hệ tình dục bằng miệng, quan hệ tình dục bằng tay,...
Với cách hiểu như vậy, tất cả các hành vi khác tác động lên nạn nhân, nhằm thỏa mãn khoái lạc tình dục của mình, đều có thể coi là hành vi dâm ô. Tức là chỉ sờ soạng lên thân thể nạn nhân đã bị coi là hành vi dâm ô.
Song, hiện nay chưa có hướng dẫn mới về hành vi dâm ô đối với trẻ em, nên cơ quan tố tụng sử dụng Thông tư 01/1998 để làm cơ sở pháp lý chứng minh tội phạm dâm ô đối với trẻ em.
Nam luật sư cho hay, việc hiểu về hành vi dâm ô như nêu tại Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục; Thông tư liên tịch 01/1998/TTLT không còn phù hợp với tình hình hiện nay, khiến cho việc xử lý tội phạm này thời gian gần đây gây bức xúc trong dư luận.
"Để đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm tình dục đối với người chưa thành niên trong tình hình hiện nay, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an cần sớm có hướng dẫn mới về xử lý loại tội này, đặc biệt đối với Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi", luật sư Bình nói.
Đã có án lệ
Theo các chuyên gia pháp lý, vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy có nhiều tình tiết phức tạp, xuất phát về chứng cứ và quy định pháp luật hiện nay.
Có trường hợp phía gia đình bị hại có đơn bãi nại. Nhưng đó không phải là căn cứ để cơ quan điều tra đình chỉ vụ án vì tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nằm trong 10 tội danh khởi tố theo yêu cầu của bị hại.
Mới đây, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, đối với người hiểu biết rất rõ về pháp luật, đã và đang thực thi pháp luật, lại có hành vi vi phạm pháp luật, phải xử lý thật nặng, xử lý ở mức cao nhất.
TAND Tối cao cũng vừa yêu cầu chánh án, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc xét xử đúng người đúng tội; các hình phạt và biện pháp tư pháp nghiêm khắc với tội phạm xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em.
Ngày 8.4, TAND tỉnh Nghệ An tuyên bản án 4 tháng tù giam cho người đàn ông 43 tuổi về hành vi xoa bụng, ngực bé gái 15 tuổi.
"Chính vụ xử này đang tạo ra một án lệ cực tốt cho các vụ án tương tự. Công luận đang chờ một hình phạt thích đáng với kẻ sàm sỡ bé gái trong thang máy ở TPHCM", luật sư Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho hay.