Lập trường của Philippines
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. mới đây tuyên bố, Philippines sẽ cân nhắc tới động thái gay gắt hơn, có thể liên quan tới vũ lực nếu Trung Quốc không phản hồi công hàm phản đối hoạt động khai thác sò tai tượng gần bãi cạn Scarborough (Manila gọi là bãi cạn Panatag) mà phía Philippines đã trao, mặc dù ông Locsin vẫn đề cao hình thức đàm phán.
"Có lẽ, nếu họ không phản hồi công hàm của chúng tôi một cách rõ ràng thì chúng tôi phải làm gì đó gay gắt hơn, có thể dẫn tới tình trạng thù địch vũ trang", ông Panelo nói với ANC.
Lo ngại rằng các hành động sử dụng vũ lực có thể khiến phía bên kia đáp trả nên ông Panelo nhấn mạnh rằng:
"Tôi nghĩ phương án tốt nhất vẫn là đàm phán. Chúng tôi có thể bàn bạc về chuyện này. Chúng tôi có thể bảo họ: Hãy ngừng lại, nếu không chúng tôi sẽ buộc phải tính tới rủi ro xung đột vũ trang, kể cả ở mức độ tối thiểu".
Trước đó, Manila khẳng định sẽ có động thái pháp lý nhằm vào Trung Quốc liên quan tới hoạt động khai thác sò tai tượng gần bãi cạn Scarborough.
Ngoại trưởng Mỹ gặp gỡ người đồng cấp Teodoro Locsin Jr
"Chúng tôi mới phát hiện họ đang làm như vậy (khai thác sò tai tượng - PV) gần đây, gửi công hàm ngoại giao và sẽ có hành động pháp lý", ông Locsin Jr tweet và nhấn mạnh rằng vụ việc "đang nằm trong tay cơ quan pháp lý của chúng tôi".
"Chúng tôi phản đối hành động này. Đó là bất hợp pháp và trên thực tế, bạn đang vi phạm các hiệp định về bảo vệ môi trường, với vấn đề này chúng tôi có thể đưa ra hành động pháp lý", ông Locsin nói.
Theo hãng tin Philippines ABS-CBS News, gần đây, ngư dân Philippines nói với báo giới rằng các tàu hải cảnh Trung Quốc đã đuổi họ khỏi khu vực bãi cạn khi các tàu gỗ treo cờ Trung Quốc tới khai thác sò tai tượng ở đây.
"Đó là một sự xúc phạm tới lãnh thổ và chủ quyền của chúng tôi", phát ngôn viên Tổng thống Salvador Panelo nói, "Chúng tôi phản đối những hành động xâm nhập của họ".
Ông Panelo khẳng định: Chủ quyền của Philippines là "không thể thương lượng" cho dù nước này theo đuổi quan hệ thân thiện với Trung Quốc.
"Báu vật" mà người Trung Quốc săn đón
Sò tai tượng là loại động vật thân mềm lớn nhất trên Trái đất, có thể dài tới 1m, nặng hơn 200kg và sống tới trăm tuổi. Chúng sinh sống chủ yếu ở khu vực biển ấm của Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Trước đây, trong suốt những năm 1970, sò tai tượng ở phần lớn khu vực châu Á Thái Bình Dương được khai thác để làm thức ăn. Món này ở Trung Quốc được xem như một loại cao lương mỹ vị, loại thực phẩm thần kỳ giúp đời sống tình dục thăng hoa.
Thế nhưng, đó không phải nguyên nhân duy nhất khiến nó trở thành thứ được săn đuổi, tới mức bị đưa vào trạng thái "sắp nguy cấp" trong danh sách bảo tồn.
Tới những năm 1980, loại thủy sinh này lại được chuộng để làm cảnh. Những con sò tai tượng màu sắc nổi bật trở thành thứ được săn đón để đưa vào các khu trưng bày sinh vật cảnh.
Được Phật giáo xếp vào danh sách 7 báu vật cùng với vàng, bạc, vỏ sò tai tượng được người Trung Quốc tìm kiếm để chạm khảm, chế tác đồ trang sức và trang trí bởi với họ, nó là biểu tượng của tiền tài, may mắn.
Họ tìm tới sò tai tượng không chỉ để lấy ngọc. Ngoài những viên ngọc khổng lồ, quý hiếm, to gấp nhiều lần ngọc trai, sò tai tượng còn có thể khai thác lấy vỏ bởi lớp vỏ của nó có màu sắc đặc biệt, tinh tế tựa ngà voi.
Chỉ trong vòng 1-2 thập kỷ sau những năm 1990, nhu cầu đối với đồ thủ công từ sò tai tượng bắt đầu tăng cao bởi chính quyền Bắc Kinh lúc này đã thắt chặt việc buôn bán ngà voi.
Khi những đối tượng nhà giàu mới nổi muốn có những thứ nhằm thể hiện địa vị nhưng ít bị đánh giá và ít tiềm ẩn nguy cơ gặp rắc rối với pháp luật (do ngà voi bị cấm buôn bán), họ tìm tới những món trang trí được chế tác từ vỏ sò tai tượng. Và nó trở thành đồ trưng bày thời thượng, xa hoa, giá bán tăng lên gấp nhiều lần.
Theo Straits Times, một món đồ trang trí được chế tác từ vỏ sò tai tượng lớn cỡ 1m có thể lên tới hơn 16.000 USD (tương đương gần 400 triệu đồng). Vậy là, thị trường sò tai tượng ở Trung Quốc bùng nổ và Biển Đông chính là "tâm chấn".
Khoảng trước 2015, hàng trăm cửa hiệu chế tác, bày bán vỏ sò tai tượng mọc lên ở đảo Hải Nam. Li Shasha, chủ 1 cửa hiệu cho biết, có tới 80% du khách tới đảo là để tìm kiếm món hàng này.
"Tôi nghĩ người dân Hải Nam (Trung Quốc) đã khai thác toàn bộ sò tai tượng từ Biển Đông, dù là sinh vật sống hay đã chết", Ed Gomez, cố vấn cấp cao của Học viện Hải dương học Philippines nhận định.
Người ta không nhận thức được rằng sò tai tượng là động vật bị đe dọa, nhà sinh thái học của Đại học Miami John McManus nói, "Họ cũng không biết rằng để khai thác nó thì một rạn san hô lớn sẽ bị phá hủy".
Sò tai tượng chỉ có 1 cơ hội duy nhất trong đời để tìm nơi trú ngụ. Khi đã gắn bó với một địa điểm nào đó trên rạn san hô thì nó sẽ ở đó cho tới suốt phần đời còn lại. Neo Mei Lin, nhà sinh học thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho hay: Để khai thác sò tai tượng thì phải đào toàn bộ rạn san hô lên.
"Những rạn san hô phong phú ở Biển Đông chắc chắn đã bị thiệt hại rất nhiều chỉ trong vài ba năm", Lin nói.
Đầu năm 2015, Bắc Kinh đã bắt đầu có những động thái mạnh mẽ hơn nhằm cấm khai thác sò tai tượng, học giả Zhang Hongzhou của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho biết.
Tuy nhiên, điều đó có lẽ không thể cản ngư dân Trung Quốc ra khơi khi mà nguồn lợi có thể thu về quá lớn. Những kẻ buôn lậu vẫn có thể tìm cách tuồn sò tai tượng qua biên giới và biến thành những món đồ mà người tiêu dùng ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu ưa chuộng: Vòng cổ, vòng tay, những bộ cờ vây tinh xảo hoặc những món trang trí được chạm khảm cầu kỳ.
Và sò tai tượng tiếp tục biến mất khỏi những rạn san hô.