"Cảm ơn kì thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018!"

Dù đau đớn, thất vọng vô cùng nhưng chúng ta phải cảm ơn Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, bình luận của báo GDVN.
Sputnik

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 đã để lại nhiều tai tiếng nhất, đau đớn nhất cho ngành giáo dục nước nhà trong suốt mấy chục năm qua.

"Cán bộ nâng điểm cho con không thiếu gì, chỉ thiếu đạo đức, liêm sỉ"

Hàng trăm thí sinh được nâng điểm một cách trắng trợn, hàng trăm phụ huynh là những quan chức địa phương đã được điểm mặt, chỉ tên.

Rõ ràng, sự việc này vô cùng đáng xấu hổ nhưng chúng ta phải cảm ơn kỳ thi này.

Cảm ơn những em học sinh đã lên tiếng về những bạn học của mình, cảm ơn những thầy giáo đã phân tích, lên tiếng về những bất thường khi phổ điểm thi, cảm ơn những cán bộ điều tra đã tìm ra sự thật.

Và, cảm ơn sự việc tiêu cực này để chúng ta thấy rõ hơn về đạo đức của một bộ phận cán bộ ở các địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình…

Tiêu cực trong thi cử từ lâu đã được nhiều người biết đến nhưng nó thường chỉ diễn ra đối với hệ đào tạo không chính quy.

Nhiều người biết, nhiều người đã bỏ tiền chạy để được tham gia học tập nâng cao, bỏ tiền để ôn thi nhằm đảm bảo việc đậu đầu vào, bỏ tiền “cảm ơn thầy” để chống trượt trong quá trình học.

Những sự việc này cứ âm thầm từ khóa học này đến khóa học khác, từ địa phương này sang địa phương khác. Nhưng, ai cũng xem đó là "tiền lệ" và nhiều người cũng muốn được đi học để thăng tiến trong sự nghiệp của mình.

ĐB Đặng Thuần Phong: Đất nước này không thiếu người làm cán bộ

Chính vì lòng tham, sự tha hóa nên nhiều người mang tiếng là cán bộ, thầy cô giáo đã vì tiền mà làm điều phi pháp, trái với lương tâm, đạo đức của người cán bộ và thiên chức của người thầy.

Song, đó là hệ không chính quy- nó chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp của từng trường.

Phải đến kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 thì bức tranh tiêu cực trong thi cử mới được phanh phui một cách rõ ràng nhất. Nó diễn ra trên một diện rộng, có nhiều người tham gia.

Điều trớ trêu nhất đây lại là kỳ thi chính quy do Bộ Giáo dục- Đào tạo chủ trì tổ chức, cùng với sự tham gia, vào cuộc của tất cả các địa phương trên cả nước với gần 1 triệu thí sinh tham dự.

Mỗi địa phương có hàng ngàn người tham gia vào Hội đồng thi mà đứng đầu là  Phó Chủ tịch tỉnh hoặc thành phố.

"Cần đưa các cán bộ gian lận điểm thi cho con ra khỏi ngành!"

Mỗi Hội đồng thi, chấm thi có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ và địa phương cùng rất nhiều tổ chức giám sát qua từng khâu nghiêm ngặt.

Ấy vậy mà nó lại có tiêu cực, đổi trắng thành đen. Nhiều thí sinh được nâng điểm một cách trắng trợn nên thí sinh bị điểm 0, thậm chí 2 điểm 0 cũng thành thủ khoa.

Hàng loạt thủ khoa, thủ khoa kép của các trường đại học bị đuổi học vì đã bị phát hiện gian lận điểm. Hàng loạt sinh viên, học viên các trường đại học có uy tín được trả về địa phương.

Chỉ riêng những học viên ở khối trường công an đã có 28 học viên ở Hòa Bình và 25 học viên ở Sơn La bị Bộ Công an trả về địa phương cho thấy sự bất nhẫn của những người tham gia vào đường dây chạy điểm này.

Họ là ai? Họ đều là những người có địa vị lớn ở địa phương, họ có tiền và có quyền. Theo phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua, chúng ta thấy đa phần các phụ huynh này là những người “tai to mặt lớn” ở địa phương.

Nào là Cục trưởng Cục thuế tỉnh; Cục trưởng Cục thống kê tỉnh; Phó Chánh Thanh tra Uỷ ban nhân dân tỉnh; Phó Chánh Văn phòng tỉnh ủy; Phó Chủ tịch huyện, thành phố;

Gian lận thi cử: Lãnh đạo vô cùng bức xúc khi con mình bỗng dưng bị nâng điểm thi

Phó Giám đốc Ngân hàng; Phó Giám đốc, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục; Cán bộ công an tỉnh; Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Hiệu trưởng một số trường phổ thông…

Những người quyền uy ngất trời ở địa phương!

Những cán bộ này, ít nhất là họ đều là những người có bằng đại học, có bằng trung cấp chính trị trở lên, có người là bí thư, phó bí thư chi bộ…

Nhưng, việc làm của họ rõ ràng thể hiện sự tha hóa về đạo đức cách mạng, vi phạm vào những điều đảng viên không được làm.

Nếu sự việc không bị phát hiện, rõ ràng những cán bộ này đều là những người có “uy tín”, hàng năm phải được xét là “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” ở các mặt hoạt động, công tác.

Vậy nhưng, tại sao họ lại chà đạp lên những điều mà họ đã học, đã nói hàng ngày với cán bộ, nhân viên dưới quyền và nhân dân?

Vụ gian lận thi cử: "Đừng bao biện nữa, không dám nói tức là sợ, có thế thôi!"

Hơn lúc nào hết, những cán bộ này phải bị kỷ luật cho dù họ dùng tiền hay quyền uy của mình để chạy chọt, tác động, nhờ vả can thiệp điểm thi cho con em mình.

Bởi, chỉ riêng khối trường công an mà đã có 53 học viên của Sơn La, Hòa Bình bị trả về thử hỏi họ có xứng đáng là “những cán bộ- người đầy tớ trung thành của dân” nữa hay không?

Dù đau đớn, thất vọng vô cùng nhưng chúng ta phải cảm ơn Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018.

Kỳ thi đã phơi bày nhiều “khoảng tối” về chất lượng học tập của hàng trăm thí sinh- nhiều em đã từng là học sinh trường chuyên của tỉnh.

“Khoảng tối” về công tác cán bộ, về đạo đức của hàng trăm người đang đứng trong hàng ngũ của Đảng và đang là cán bộ của các địa phương này.

Cảm ơn Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 để tìm ra những ung nhọt và nếu những “ung nhọt” này không bị phát hiện thì nó sẽ còn gây ra nhiều hậu quả ghê gớm cho đất nước sau này.

Thảo luận