Ba năm trước, ngày 26/3/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng như sau:
“Hiện nay dư luận xã hội râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chế độ, thậm chí cả chạy luân chuyển… Đề nghị các đồng chí thẳng thắn thảo luận xem có chuyện đó không, mức độ thế nào cho rõ ràng, minh bạch, nếu có phải sửa, phải rút kinh nghiệm. Nếu không có phải trả lời cho sòng phẳng. Ai chạy? Chạy ai? Sau cái chạy đó là cái gì?”.
Vụ gian lận điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 cũng là một kiểu “chạy” và đã được đề cập khá nhiều, đó là “chạy điểm”.
Kiểu chạy này nếu trót lọt sẽ dẫn đến “chạy bằng cấp” bởi lẽ những kẻ dốt nát, tổng điểm thi ba môn chỉ được hơn ba điểm mà ngồi nhầm ghế đại học không thể không chạy để có bằng cử nhân, kỹ sư,…
Câu trả lời cho câu hỏi của ông Nguyễn Phú Trọng “ai chạy, chạy ai” trong vụ gian lận thi cử tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đều đã biết đó là người nhà thí sinh “chạy” cán bộ Hội đồng thi quốc gia địa phương.
Đối tượng hưởng lợi trực tiếp trong việc chạy này là thí sinh, gia đình họ đương nhiên cũng hưởng lợi bởi có thể hãnh diện khoe khoang sự “thông minh, tài giỏi” của con em mình.
Cùng trong bài phát biểu trên, “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra có tình trạng “biết mà không dám nói”, nên phải giải toả khắc phục tâm tư đó. Theo Tổng bí thư, để giải quyết vấn đề không chỉ có kêu gọi mà phải bằng luật pháp, quy chế, quy định, kiểm tra, đôn đốc ráo riết”. [1]
Như vậy là từ ba năm trước, ông Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo, rằng trong hệ thống chính trị đang tồn tại một thói xấu là “biết mà không dám nói” và cũng đã yêu cầu xử lý các vấn đề “không chỉ có kêu gọi mà phải bằng luật pháp, quy chế, quy định”.
Trong vụ gian lận thi cử tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, chính quyền địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo không muốn công khai danh tính thí sinh và người nhà có phải cũng là “biết mà không dám nói?
Không muốn nói nghĩa là không sợ nhưng“Không dám nói” nghĩa là sợ, sợ một thế lực nào đó, sợ bị trả thù, sợ mất bổng lộc, sợ ảnh hưởng đến chính bản thân,…
Có một số ý kiến phụ họa với ông Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuyện không công khai danh tính thí sinh vi phạm, chẳng hạn vì lý do nhân đạo, vì các cháu còn trẻ, còn tương lai phía trước,…
Để hiểu khái niệm “nhân đạo” mà cơ quan công quyền đang vận dụng, xin nêu hai sự việc xảy ra cách đây không lâu:
Tại Hải Phòng, bốn thanh niên nghịch ngợm giật hai chiếc mũ vải của hai nữ sinh, bị công an bắt.
Các “nạn nhân” đã làm đơn nói rõ đây chỉ là chuyện trêu đùa giữa hai nhóm thanh niên, tuy nhiên, ra tòa, có người vẫn bị kết án ba năm tù, may mà dư luận lên tiếng nên được tha bổng.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trên đường đi xin việc làm, vì đói bụng nên hai trẻ vị thành niên đã cướp bánh mì, chuối sấy, đậu phộng rang và me trị giá 45.000 đồng để ăn.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát cho rằng hành vi “cướp tài sản” thuộc trường hợp “dùng thủ đoạn nguy hiểm” theo khoản 2, điều 136 Bộ luật Hình sự, và đề nghị mức hình phạt từ 3-10 năm tù.
Cướp hai chiếc mũ vải, một ít thức ăn bị đề nghị phạt tù từ 3 đến 10 năm, nếu tòa tuyên án, danh tính các cháu sẽ công khai trên các phương tiện truyền thông, hành vi của họ còn bị ghi vào lý lịch, bị xem là có tiền án khi nộp hồ sơ xin việc hoặc vào học tại bất kỳ cơ sở giáo dục đào tạo nào.
Kết quả chấm thẩm định bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La đã được công bố. Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9,00 điểm.
Tại Hà Giang có tổng cộng 114 thí sinh với 330 bài thi được nâng điểm, ít nhất từ 1 đến cao nhất 8,75 điểm (một môn).
Hòa Bình có có 64 thí sinh có sự thay đổi điểm, 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh đã được sửa điểm, bài thi chấm thẩm định giảm nhiều nhất là 9,25 điểm.
Tại Sơn La có 44 thí sinh với 97 bài thi có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đó, có bài thi được nâng tới 9 điểm; thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng ba môn).
Tổng cộng tại ba tỉnh có 222 thí sinh được nâng điểm, đồng nghĩa với việc có khoảng trên 200 phụ huynh có những liên hệ nào đó với kết quả chấm thi lần đầu của các thí sinh này.
Cho đến nay, qua phát biểu của Cục trưởng Mai Văn Trinh, có thể thấy ngành giáo dục vẫn giữ quan điểm không công bố danh tính thí sinh được nâng điểm vì “sợ tổn thương thí sinh”, rằng các em còn có cả một tương lai phía trước”, rằng “sai phạm này là của người lớn nên không xử lý thí sinh”.
Khả năng thí sinh không biết hành vi chạy điểm của cha mẹ có thể xảy ra trong thực tế nhưng không nhiều.
Trường hợp thí sinh biết kết quả kém, cung cấp số báo danh để cha mẹ, người thân chạy điểm là hoàn toàn có thể có.
Vậy hành vi gian lận điểm của các thí sinh nên gọi là gì cho đúng bản chất?
Trong vụ việc này có ba đối tượng liên quan là cán bộ Ban chỉ đạo (quản lý, bảo vệ, coi thi, chấm thi), cha mẹ thí sinh và thí sinh.
Một số cán bộ tại các Ban chỉ đạo để xảy ra sai phạm đã bị xử lý, trong khi người chạy điểm – tức là cha mẹ, người thân của thí sinh — thì lại chưa công khai danh tính, phải chăng vì họ có vị thế cao tại địa phương nên “biết mà không dám nói”?
Khi lực lượng chức năng “biết mà không dám nói” thì khả năng “chìm xuồng” hoàn toàn có thể xảy ra và biết đâu đó chỉ là kết quả của những cuộc vận động hậu trường?
Với thí sinh, phải khẳng định ngay rằng, có em điểm thi được nâng tới hơn 26 điểm (ba môn), có môn được chữa từ 2,8 lên 9,4 thì không thể nói thí sinh không biết.
Biết và chấp nhận kết quả đó để vào học đại học là hành vi gian lận của thí sinh, không chỉ của gia đình và cán bộ các ban chỉ đạo cấp tỉnh.
Bao nhiêu người dùng kết quả gian lận nhập học tại các đại học là bấy nhiêu người chiếm chỗ của những người không gian lận, nói chính xác là họ đã cướp đi một cách trắng trợn cơ hội học tập của người khác.
Ông Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo có biết đến nguyên tắc: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”?
Nếu biết thì việc không đưa những kẻ vi phạm ra tòa với mức án từ 3-10 năm tù như vụ cướp bánh mỳ đã là nhân văn lắm rồi sao lại ngại công khai danh tính?
Những cán bộ tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có con được nâng điểm liệu có vô can?
Nếu họ vô can thì vì sao bị can Đỗ Mạnh Tuấn — Phó hiệu trưởng Trường trung học phổ thông – trung học cơ sở huyện Lạc Thủy lại khai đã hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng để sửa chữa 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh.
Bình quân mỗi thí sinh “chạy” mất khoảng 10 triệu đồng và mỗi bài thi khoảng 4 triệu đồng.
Bỏ ra số tiền chỉ tương đương một bữa nhậu là mua được suất đại học.
Hành vi của những người đưa tiền mua điểm này không chỉ cho thấy sự xuống cấp đạo đức mà cũng còn cho thấy sự xem thường kỷ cương, phép nước của những người liên quan.
“Bộ phận không nhỏ, dân hỏi mãi, Đảng hỏi mãi không biết nằm ở đâu” nay đã biết chính xác, vậy còn phải chờ đợi gì nữa mà chưa công khai xử lý?
Ý kiến cho rằng học sinh liên quan đến gian lận thi cử không có tội, tội là của người lớn là những ý kiến cá nhân nhưng phản chiếu một thực trạng xã hội, đó là sự dung dưỡng cái xấu, bao che cho hành vi gian dối của cả một bộ phận người lớn, nhất là người có trách nhiệm.
Thí sinh điểm thi ba môn xét tuyển đại học được tăng lên tới 26,45 nghĩa là tổng điểm ba môn thực chất của thí sinh này không quá 3,55 điểm.
Im lặng trước điểm thi được nâng cao một cách không tưởng như vậy chỉ có thể là người không trung thực, không có hình phạt thích đáng là dung dưỡng sự giả dối.
Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc thành lập Ban Chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia, ban này có nhiệm vụ “Giúp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo kỳ thi trung học phổ thông quốc gia,…”.
Với việc chưa (hoặc không) công bố danh tính thí sinh được nâng điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm tròn chức năng quản lý nhà nước của mình?
Có một sự thật khó hiểu là gian lận thi cử năm 2018 là chưa từng có về quy mô, số người tham gia và mức độ thay đổi điểm bài thi, nhưng đa số ý kiến phản hồi hoặc trả lời báo chí nhân danh Bộ Giáo dục và Đào tạo lại không phải của Bộ trưởng hoặc Trưởng Ban chỉ đạo thi quốc gia?
Những lý do được ông Cục trưởng viện dẫn phải chăng chỉ là lớp vỏ che đậy hành vi “biết mà không dám nói”của cơ quan chức năng?
Dù với bất kỳ lý do gì, bao che cho hành vi sai trái cũng là hành vi sai trái.
Đó không phải là bản chất tốt đẹp của nền giáo dục mà là một dạng tha hóa quyền lực, dùng quyền lực không đúng nơi, đúng chỗ.
Dư luận mong ông Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi quốc gia năm 2018 nên có ý kiến cuối cùng về vụ việc này.