Bối cảnh những uốn băng được giải mật
Trong bốn thập kỷ tiếp theo kể từ ngày 30-4-1975, Thư viện Nixon (NL), Lưu trữ Quốc gia Mỹ (NA) đã phát hành hơn 3.700 giờ băng ghi âm mà hai cơ sở này cho là vì lợi ích cộng đồng, giữ lại phần còn lại cho sự riêng tư của gia đình hoặc các vấn đề an ninh quốc gia trước khi phát hành loạt băng cuối cùng vào năm 2013.
Khoảng hơn 3.700 giờ băng bí mật của Tổng thống Nixon đã được lưu trữ, sản phẩm được vị tổng thống thứ 37 của Mỹ ghi lại khoảng thời gian từ tháng 2 năm 1971 đến tháng 7 năm 1973, nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào trước đó, tất cả đã được giải mã nhưng mới chỉ một tỷ lệ nhỏ được công bố.
Qua các cuốn băng này cho thấy, Tổng thống Nixon là một chính khách hoang tưởng, tâm điểm của nhiều chuyện động trời, đặc biệt là vụ Watergate khét tiếng, làm rung chuyển nước Mỹ mà tâm chấn là Phòng Bầu dục Nhà Trắng hồi năm 1974, khiến Nixon phải ra đi giữa nhiệm kỳ.
Các cuốn băng này còn tiết lộ đến sự kiện Nixon ra lệnh ngừng ném bom Miền Bắc Việt Nam, Miền Bắc Việt Nam trao trả tù binh Mỹ, chính sách của Mỹ ở Trung Đông, vụ hai nhà ngoại giao Mỹ ở Sudan bị Tổ chức Tháng Chín đen ám sát, sự kiện Quốc vương Hussein của Jordan và Thủ tướng Israel Golda Meir viếng thăm Mỹ, các chính sách kiểm soát lương và giá cả.
Kèm theo các cuốn băng này NL còn công bố hơn 140.000 trang lưu trữ của Nixon và 75 giờ băng ghi hình các sự kiện lịch sử, trong đó có khoảng 2.500 trang tài liệu mật về các chính sách của Mỹ đối với Chile.
Hồ sơ này nằm trong bộ sưu tập của Sanford Fox, cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng. Trong tất cả số hồ sơ đó thì những bí mật về cuộc chiến tranh Việt Nam đã lần lượt được hé lộ.
Mặc dù người tiền nhiệm, TT Johnson hoàn toàn vỡ mộng về cuộc chiến thì Nixon, trong nhiệm kỳ 1969-1974 lại tiếp tục dệt giấc mơ toàn thắng. Qua các cuốn băng ghi âm cho thấy Nixon là một chính khách tàn nhẫn, phi đạo đức.
Nixon từng hứa hẹn đem toàn danh dự để bảo toàn cho giải pháp hòa bình nhưng khi cân nhắc đến những hậu quả khi Mỹ tự rút lui, đặc biệt là những tác động với kết quả tái đắc cử của Nixon năm 1972. Vì vậy, giữa lời nói và hành động của Nixon hoàn toàn trái ngược nhau.
Cuộc chiến Việt Nam qua những cuốn băng của Nixon
Theo tờ Thời báo New York (NYT) số ra đầu năm 2017, và những cuốn băng vừa được giải mã cho thấy Nixon đã làm hết sức mình để phá hoại Hội nghị Paris mặc dù tổng thống đương nhiệm Lyndon Johnson biết rõ mọi chuyện và cảnh báo Nixon về tội “phản quốc và dính máu”.
Mọi việc bắt đầu từ mùa hè 1968. Nixon lo hội nghị Paris sẽ chấm dứt chiến tranh, như vậy giác mơ trở thành tổng thống của ông ta sẽ tan biến nên Nixon đã cho thành lập một ủy ban bí mật do bà Anna Chennault, một cố vấn cấp cao trong chiến dịch tranh cử đảm nhận.
Bà Chennault đã được phái tới đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa (VNCH) với một thông điệp rõ ràng, ra lệnh VNCH phải rút khỏi các cuộc đàm phán, từ chối bắt tay với Johnson và nếu Nixon đắc cử, VNCH sẽ có một thỏa thuận có lợi cho Sài Gòn. Ngay trước khi công bố kế hoạch ngừng ném bom, Johnson mới biết Sài Gòn đã rút khỏi các cuộc đàm phán.
Nixon từng lừa phỉnh Nguyễn Văn Thiệu để đạt mục đích cá nhân nhưng cuối cùng mọi thứ đều đổ bể.
FBI đã nghe lén điện thoại của vị đại sứ và bản chép các cuộc điện đàm của bà Anna Chennault gửi tới Nhà Trắng. Trong một cuộc điện đàm, Chennault nói với VNCH rằng “hãy hoãn cho tới qua cuộc bầu cử tổng thống”.
Về phần mình, bề ngoài, Nixon tỏ ra như không hay biết vì sao VNCH lại rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình nhưng bày tỏ mong muốn sang Sài Gòn để thuyết phục VNCH quay trở lại bàn đàm phán. Tổng thống Johnson biết rõ sự việc nhưng vì lợi ích quốc gia và tình thế lúc đó nên quyết định im lặng.
Cuối cùng, Nixon giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1968 với tỷ lệ sít sao. Sau khi trở thành tổng thống, Nixon đã leo thang chiến tranh tại Lào và Campuchia, cướp đi sinh mạng của thêm 22.000 người Mỹ. Hiệp định Paris cuối cùng cũng đã được ký kết năm 1973 mà lẽ ra có thể được ký kết vài năm trước.
Những đoạn băng, ghi chép vừa được giải mật về Nixon, Bộ trưởng Quốc phòng và mỗi quan hệ giữa Nixon với cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger về chiến tranh Việt Nam đã giúp dư luận hiểu thêm lý do vì sao chính quyền Nixon quyết định leo thang cuộc xung đột vốn không được công chúng ủng hộ.
Đặc biệt, lộ rõ âm mưu đẩy mạnh chiến dịch không quân và hải quân chống lại Miền Bắc Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng thời đó là Melvin Laird đã khuyến cáo Nixon cân nhắc vì nó không mang lại lợi ích quân sự lẫn chính trị chưa kể làn sóng phản đối của dân chúng Mỹ. Bỏ ngoài tai mọi thứ, Nixon đã bí mật tiến hành một cuộc đánh bom lớn ở Campuchia hòng phá hủy căn cứ của quân đội miền Bắc VN.
Đồng thời tiến hành đánh bom miền Bắc Việt Nam để chiếm lợi thế trên bàn đàm phán. Còn ở Miền Nam VN, Mỹ đề xướng cái gọi là Việt Nam hóa, đẩy gánh nặng cuộc chiến cho quân đội Sài Gòn.
Với thời lượng khổng lồ, các cuốn băng được giải mật còn nói đến nguyên nhân Nixon phải từ chức giữa nhiệm kỳ, đặc biệt là vụ Watergate tai tiếng (tiếng Việt gọi là Oa-tơ-ghết).
Nó diễn ra vào thời điểm chiến tranh Việt Nam lên đỉnh điểm, phong trào phản chiến tăng cao ở cả trong lẫn ngoài nước Mỹ.
Vụ xì-căng-đan Watergate có thể tóm tắt như sau: Sau khi bắt 5 tên trộm đột nhập văn phòng Đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate, thủ đô Washington ngày 17 tháng 6 năm 1972, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) lần ra manh mối của chiến dịch do thám này, đó chính các nhân vật thân cận của Tổng thống Nixon, cùng với ủy ban vận động bầu cử của ông đã tổ chức vụ đột nhập này nhắm vào đối thủ chính trị là Đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, các kết quả điều tra của FBI đã bị ỉm đi dưới những âm mưu che đậy của Nhà Trắng cho tới khi hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post công bố công khai trên mặt báo. Quốc hội Mỹ buộc phải lập ủy ban điều tra và thấy trước mùi thất bại và lo sợ bị quốc hội phế truất, ngày 9 tháng 8 năm 1974, Tổng thống Nixon tuyên bố từ chức.
Nixon đánh mất sự sùng kính truyền thống của người Mỹ vào tổng thống
Liên quan đến chiến tranh Việt Nam, trang tin trực tuyến History.com (HC) của Mỹ số ra ngày 30-7-2018 đã trích dẫn những câu nói “bất hủ” của Nixon trong các cuốn băng này, nó làm cho dư luận sốc bởi phát ra từ một chính khách “nổi tiếng và tai tiếng” của thế giới tự do.
Theo HC, Nixon biết rằng Mỹ không thể chiến thắng trong Chiến tranh Việt Nam, và ngay khi quân đội Mỹ rút lui, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu được Mỹ ủng hộ sẽ sụp đổ bởi sức mạnh của một dân tộc Việt Nam chính nghĩa.
Nhưng Nixon vẫn làm hết sức để vớt vát danh tiếng cá nhân và hy vọng sẽ trở thành ông chủ Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa, và giữ thể diện cho nước Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh.
Đó là lý do tại sao Nixon phá Hội nghị Paris đến cùng và trì hoãn đến tận năm 1973 mới ký hiệp định. Kissinger đã đề cập điều này với Nixon từ đầu năm 1971, qua đây cho thấy cách tàn nhẫn trước bầu cử của Nixon chỉ vì lợi ích cá nhân. Chúng ta hãy nghe đoạn đàm thoại giữ Nixon với Kissinger ngày 29/5/1971:
- Kissinger: Vấn đề quan trọng nhất là chú tâm vào chuyện bầu cử năm 1972... Còn về phía cộng sản, tốt hơn hãy bàn đến trong 6 tháng trong nhiệm kỳ mới chứ không phải lúc này.
- Nixon: Tất nhiên, tôi không muốn Thiệu bị lật đổ trước bầu cử
- Kissinger: Tôi không mặn mà với chuyện này
- Nixon: Còn tôi thì biết rõ chúng ta phải làm gì...
- Kissinger: Hãy khoan, nếu phía Campuchia, Lào, Việt Nam cạn lực vào tháng 9/1972, họ sẽ phải nhờ đến tổng phống và sẽ mời ngài vào....Rất nhiều sinh mạng sẽ phải trả giá để nâng bước chân ngài, lúc đó có thể là năm đầu trong nhiệm kỳ mới.
Nixon và Kissinger trong cuộc luận hồi
Theo Ken Hughes, chuyên gia nghiên cứu về Nixon và là thành viên nghiên cứu Dự án các cuốn băng ghi âm của Tổng thống thuộc Đại học Virginia, những gì nghe được từ các cuốn băng này cho thấy, Nixon sẵn sàng kéo dài thời gian cho Tổng thống Thiệu chấp nhận cái gọi là thiết lập hòa bình mà bản thân Thiệu lẫn Henry Kissinger và Nixon đều biết rõ sẽ dẫn đến thất bại của quân đội Mỹ tại Việt Nam.
Nixon còn yêu cầu Kissinger thông báo với VNCH rằng, quốc hội Mỹ sẽ cắt đứt viện trợ cho Sài Gòn nếu họ không ủng hộ các kế hoạch của Mỹ còn nếu nghe lời "sẽ được tất cả”. Với những đoạn ghi âm trên đã minh oan cho chính quyền Sài Gòn rằng, Mỹ đã nuốt lời hứa bảo vệ Sài Gòn khi chính quyền VNCH sụp đổ vào năm 1975 nhưng thực tế chẳng làm được gì.
Chuyện gì đến sẽ đến, tháng 4-1975 quân giải phóng tràn vào Sài Gòn, khiến chế độ VNCH tan rã, còn ở bên kia đại dương Nixon từ chức.
Trong bài phát biểu từ chức đầy cay đắng trước khi di tản, Nguyễn Văn Thiệu đã gọi Mỹ là "một đồng minh vô nhân tính", đồng thời cáo buộc đội ngũ của Nixon đã ép ông ta ký Hiệp định Paris bằng những cam kết lừa phỉnh để chuốc lấy thất bại nhục nhã.
Những cuốn băng ghi âm của Nixon vừa được giải mã không chỉ hủy hoại danh tiếng của chính bản thân Nixon mà mà còn xói mòn niềm tin của công chúng Mỹ với chính phủ, và sự sùng kính tổng thống mà trước đó người dân Mỹ vẫn thường trân trọng.
Vài nét về TT Nixon
Nixon tên đầy đủ Richard Milhous Nixon, luật sư, đản viên Đảng Cộng hòa, tổng thống thứ 37 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Sinh ngày 9 tháng Giêng 1913, tại Yorba Linda, California, và mất ngày 22 tháng 4, 1994.
Nixon từng tham chiến trong Thế chiến II, và Chiến tranh TBD (1942–1946 và 1946–1966). Nhiệm kỳ tổng thống bắt đầu từ năm 1969, kết thúc khi từ chức vào năm 1974, khiến Nixon là tổng thống duy nhất từ chức trong lịch sử Hoa Kỳ.