Bi hài lãnh đạo giáo dục địa phương Việt Nam: Chưa tốt nghiệp THPT mà làm Trưởng phòng

Phải chăng chỉ có một vị như thế: lãnh đạo hàng ngàn cán bộ có trình độ Cao đẳng, Đại học nhưng lại là người chưa hề có bằng Trung học phổ thông hợp pháp? – báo Giáo dục phản ánh.
Sputnik

Theo quy trình quy hoạch và bổ nhiệm hiện nay, nếu một giáo viên không có “gốc gác” gì mà lên đến chức Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo là một quãng đường trần ai và mất rất nhiều thời gian.

Vậy nhưng, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau)- người chưa có bằng Trung học phổ thông hợp lệ mà có được học vị cử nhân tiểu học, có bằng cao cấp chính trị và hiện là Trưởng Phòng Giáo dục thì phải nói rằng đó là một kỳ tích.

Mức kỷ luật mà ông Dũng tự nhận và chi bộ Phòng Giáo dục cũng ra quyết định kỷ luật “khiển trách” về mặt Đảng càng làm tăng thêm tính bi hài của sự việc.

Dân hỏi, Quốc hội hỏi, Bộ Giáo dục nghe không rõ câu hỏi

Bởi thông thường Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo đương nhiên cũng là Bí thư chi bộ.

Theo khoản 1 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức 2008, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác có liên quan thì công chức phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.

Như vậy, mức kỷ luật ông Dũng tự nhận và cơ quản Đảng nơi ông Dũng sinh hoạt mới dừng lại ở mức kỷ luật thấp nhất. Mức kỷ luật này có vẻ như chẳng hề hấn gì đến chức vụ hiện tại của ông Dũng!

Trong khi đó, nếu một giáo viên bình thường, sau khi ra trường thì ít nhất cũng phải vài năm sau mới được bổ nhiệm làm tổ trưởng chuyên môn.

Làm Tổ trưởng chuyên môn một vài năm nữa thì mới có thể được quy hoạch và bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Việt Nam thuộc top 10 hệ thống giáo dục hàng đầu: Có dịch nhầm không? ​

Từ Phó Hiệu trưởng lên Hiệu trưởng thì ít nhất cũng phải một vài năm nữa. Thậm chí có người hàng chục năm chưa lên được. Có điều, khi bổ nhiệm từ Phó Hiệu trưởng trở lên thì những cán bộ quản lý này thuộc quyền quản lý và bổ nhiệm của Ủy ban Nhân dân huyện.

Nghĩa là khâu quản lý về bằng cấp, về tiêu chuẩn phải được thắt chặt một cách nghiêm ngặt.

Nhưng, dù chưa có bằng Trung học phổ thông hợp lệ mà ông Dũng đã vượt qua nhiều cửa ải để có bằng cử nhân tiểu học.

Điều này cũng đồng nghĩa ít nhất ông cũng phải học cao đẳng sư phạm, rồi học đại học tại chức hoặc từ xa, phải qua nhiều cửa ải kiểm duyệt về văn bằng nhưng ông Dũng vẫn vượt qua một cách thần kỳ.

Ông lên làm Phó Chánh Văn phòng, Chánh Văn phòng huyện ủy Phú Tân, rồi mới được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo. Hiện tại ông đã có bằng cao cấp chính trị thì trước đó ông cũng từng học khóa sơ cấp và trung cấp chính trị…

Bộ GDĐT nói gì về quy định cấm học sinh “nói xấu” giáo dục trên mạng xã hội?

Một người không có bằng Trung học phổ thông hợp pháp nhưng ông Dũng đã vượt qua nhiều cửa ải để thi tuyển, xét tuyển, học tập nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ, thi chuyển ngạch, nâng bậc...để bây giờ trở thành người đứng đầu ngành giáo dục của một huyện.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Phú Tân là một huyện có 9 đơn vị hành chính là 1 thị trấn và 8 xã, nếu tính một xã có 3 trường học (1 mầm non, 1 tiểu học, 1 trung học cơ sở) thì ít nhất huyện này cũng phải có 27 trường học.

Tuy nhiên, với địa hình như ở Cà Mau thì số trường thực tế phải lớn hơn con số này. Với chừng ấy trường học phải có rất nhiều giáo viên ở các cấp học.

Người lãnh đạo hàng ngàn con người có trình độ cao đẳng, đại học ấy lại là một người chưa có bằng Trung học phổ thông hợp pháp!

Một người gian dối, một người cơ hội như vậy mà lại có thể lãnh đạo những người học thật, những nhà giáo chân chính hay sao?

Môi trường giáo dục- nơi đào tạo con người, nơi giáo dục sự trung thực của con người mà lại có một người không trung thực làm lãnh đạo?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tâm sự: Làm giáo dục là đóng góp, không phải làm chính trị

Rõ ràng, ông Nguyễn Văn Dũng không hề xứng đáng làm một giáo viên bình thường chứ chưa nói là ông làm lãnh đạo ngành giáo dục của một huyện!

Vậy mà ông Nguyễn Văn Dũng đã và vẫn đang làm lãnh đạo ngành giáo dục huyện Phú Tân? Đây thực sự là một tấn hài kịch cho ngành giáo dục của địa phương này!

Theo dự kiến thì trong tuần tới, huyện Phú Tân sẽ xem xét kiểm điểm có hình thức đối với ông Dũng, liệu ông có bị xử lý ở mức cao hơn hay chỉ dừng lại ở mức khiển trách như ông tự nhận và chi bộ đảng nơi ông đang sinh hoạt?

Khi xác định bằng Trung học phổ thông của ông Dũng không hợp lệ có thể nằm những trường hợp sau: Phôi bằng là thật nhưng những nội dung trong bằng là giả mạo; phôi bằng là giả và nội dung trong bằng cũng là giả mạo.

Vì thế, nếu trong trường hợp phôi bằng là thật thì phải làm rõ nguồn gốc của nó từ đâu mà ra, phôi bằng giả cũng vậy. Tất nhiên, những bằng cấp cao hơn bằng Trung học phổ thông của ông Dũng phải bị hủy bỏ.

Hy vọng lãnh đạo huyện Phú Tân (Cà Mau) cần có những mức kỷ luật nghiêm khắc và không nên để người như ông Nguyễn Văn Dũng đứng trong hàng ngũ những nhà giáo và tuyệt đối không để ông làm lãnh đạo ngành giáo dục nữa.

Người gian dối như ông Nguyễn Văn Dũng có lẽ không xứng đáng để được gọi là thầy và đứng trên đầu hàng ngàn nhà giáo chân chính khác.

Thảo luận