Một nội dung trong Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 của Chính phủ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 8-5 tiếp tục nhận được sự quan tâm của các thành viên.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2018 đã phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; tích cực phòng, chống tệ nạn xã hội; làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ đối với các đối tượng chính sách, bảo đảm theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật.
Về lĩnh vực giáo dục, thành tích được báo cáo là thực hiện hiệu quả các biện pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tăng cường tự chủ giáo dục đại học, huy động các nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở giáo dục. Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
“Trong báo cáo năm 2018, Ngân hàng Thế giới đã khẳng định, Việt Nam là 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, có sự phát triển thực sự ấn tượng”.
Mặc dù thông tin về thành tích này đã nhận những ý kiến tranh luận tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế để thẩm tra sơ bộ nội dung báo cáo của Chính phủ cuối tháng 4 vừa qua, song vẫn tiếp tục được khẳng định tại trang 4, Báo cáo tóm tắt của Chính phủ vừa được ông Nguyễn Chí Dũng trình bày.
Phát biểu tại phiên họp, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng thẳng thắn nêu vấn đề: “Nhận định Việt Nam là 1 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, liệu có đúng không? Liệu có sự nhầm lẫn về dịch thuật hay không”?! Bởi lẽ, theo ông, trong giáo dục còn tồn tại nhiều vấn đề có tính hệ thống. “Những sai phạm trong thi cử không đơn giản là việc của một số cá nhân cán bộ quản lý ở địa phương đâu, mà có sự xem thường hệ thống thi cử”, người đứng đầu Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng nhận định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga sau đó cũng tỏ ra hết sức lo lắng về các vấn đề xã hội, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến ngành giáo dục, như bạo lực học đường, tội phạm tình dục học đường…