"Không được bóp méo luật pháp vì lợi ích cá nhân"

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh nhấn mạnh pháp luật không cho phép dùng lợi ích vật chất để bóp méo ý kiến, lập luận của đại biểu Quốc hội để đại biểu để bảo vệ cho lợi ích của một nhóm nào đó, VNF cho hay.
Sputnik

Quốc hội đang trong tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 7. Trong tuần làm việc trước, một trong những vấn đề gây xôn xao dư luận đó là đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc công khai thừa nhận ông đang lobby (vận động hành lang/vận động chính sách) cho các doanh nghiệp rượu bia.

Việt Nam đặt lợi ích của dân lên trên hết

Việc một đại biểu Quốc hội thừa nhận đang lobby cho doanh nghiệp đã đặt ra vấn đề nên hay không nên xây dựng một khung khổ pháp lý cho hoạt động lobby tại Việt Nam.

VietnamFinance đã có cuộc trao đổi nhanh với Phó tổng thư kí, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh về vấn đề này

- Ông có đánh giá như thế nào về hoạt động lobby chính sách ở nghị trường?

Ông Lê Bộ Lĩnh: Đa phần các nước trên thế giới đều có khung pháp lý cho hoạt động lobby chính sách, vì ở họ có sự đấu tranh giữa các đảng phái.

Nghị trường các nước là nơi thể hiện, đấu tranh quan điểm của các đảng nên pháp luật phải quy định để đảm bảo cho hoạt động lobby – hoạt động về thực chất là gây ảnh hưởng lên việc xây dựng chính sách pháp luật của một nhóm nào đấy.

Việt Nam: “Liên kết lợi ích nhóm có thể trỗi dậy”

Ở ta thì không có quy định này. Ta chỉ tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội được tiếp cận với các nguồn thông tin khác nhau, để đại biểu có cơ sở tham gia xây dựng và quyết định các vấn đề chính sách.

- Vậy theo ông, đã đến lúc Quốc hội Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý cho hoạt động lobby chưa?

Hiện nay chúng ta chưa đặt ra vấn đề đó, vì Quốc hội của ta đặc thù.

Như trên đã nói, Quốc hội ta chỉ xây dựng khung khổ pháp lý để cung cấp thông tin cho đại biểu, để đảm bảo đại biểu được tiếp cận các nguồn thông tin một cách cân bằng. Còn lại quyền quyết định là của đại biểu. Dĩ nhiên, quyết định của đại biểu vẫn phải dựa vào ý kiến của cử tri và tham vấn ý kiến của chuyên gia.

Ta đang đi theo hướng đó, tức là tăng cường tham vấn công chúng, xây dựng cơ chế và các điều kiện để đại biểu Quốc hội tham vấn công chúng qua các kênh khác nhau, các nguồn thông tin khác nhau, đặc biệt là với các vấn đề có những cơ sở khoa học chuyên sâu.

ĐBQH Việt Nam không có đặc quyền, nên có thể bị khởi kiện?
Nhắc lại rằng vấn đề tham vấn công chúng và tương tác giữa đại biểu Quốc hội và cử tri rất quan trọng. Chính cử tri đưa ra các ý kiến cho đại biểu Quốc hội. Và đại biểu Quốc hội thì phải tham khảo ý kiến của cử tri. Trước khi đại biểu đưa ra ý kiến của mình thì phải xem cử tri có đồng thuận hay không.

Mỗi đại biểu Quốc hội là đại diện của cử tri khu vực bầu cử và cử tri cả nước nên việc tham khảo ý kiến cử tri là cần thiết.

- Ông đã nói Việt Nam chưa đặt vấn đề xây dựng khung pháp lý cho hoạt động lobby nhưng thực tế thì đã có hoạt động này. Nếu không có khuôn khổ mà để xảy ra tiêu cực trong chuyện này thì sao?

Đương nhiên pháp luật không cho phép bất cứ một tiêu cực nào, tức là anh dùng vật chất để bóp méo ý kiến, lập luận của anh để bảo vệ nhóm lợi ích nào đó. Cái đó ta đã có quy định chung. Không được phép bóp méo luật pháp vì lợi ích cá nhân.

Thảo luận