Chưa có tiền lệ: Đại biểu 'giằng co' việc siết luật đối với lái xe uống rượu bia

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ: Phần lấy ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến một số nội dung tại dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia chiều 3-6 đã chứng kiến sự giằng co chưa có tiền lệ khi các ý kiến đồng ý và phản đối việc siết luật đều không quá bán.
Sputnik

Dự án Luật phòng chống tác hại rượu bia vốn dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này nhưng trong quá trình thảo luận, các đại biểu vẫn còn rất nhiều ý kiến quá khác nhau xung quanh các nội dung như hạn chế sử dụng bia rượu khi lái xe, quy định thời gian bán, quảng cáo...

ĐBQH: Phạt 40 triệu đồng lái xe uống rượu bia là chưa nhân văn

Do đó, chiều 3-6, Quốc hội đã cho lấy ý kiến các đại biểu để đảm bảo các nội dung được thống nhất cao.

Một phương án phải bấm nút hai lần

Liên tiếp các vụ tai nạn giao thông xảy ra thời gian gần đây do người lái xe có sử dụng bia rượu đã khiến nội dung này được đặc biệt chú ý. Có hai phương án được đưa ra để đại biểu bấm nút lựa chọn.

Phương án 1 là "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn". Kết quả là 48,76% ý kiến đồng ý và 36,36% ý kiến không đồng ý.

Thấy dường như có sự rối rắm trong câu từ của phương án này, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi bất ngờ bấm nút xin phát biểu để giải thích thêm rằng phương án này có thể hiểu một cách đơn giản là "đã uống rượu bia thì không lái xe". 

"Đề xuất phạt người uống rượu bia lái xe phải đi nạo vét sông Tô Lịch"

Sau khi ông Lợi có ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã xin Quốc hội cho… biểu quyết lại đối với phương án này. 

Tuy nhiên, ngay cả ở lần biểu quyết thứ hai, phương án này vẫn không nhận được quá bán ý kiến tán thành: chỉ 44,21% đại biểu đồng ý và 43,80% ý kiến không đồng ý đưa vào dự thảo luật nội dung "cấm uống rượu bia khi lái xe".

Phương án 2 - "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông" - cũng không có lựa chọn nào quá bán: 49,59% đồng ý và 34,92% không đồng ý.

Chưa có tiền lệ: Đại biểu 'giằng co' việc siết luật đối với lái xe uống rượu bia

Với kết quả "ngang ngửa" của hai phương án, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định "quyết định một vấn đề liên quan đến hành vi của con người rất là khó khăn", và đề nghị các đại biểu "suy nghĩ thật kỹ càng" để bấm nút các nội dung kế tiếp.

Đưa thời gian quảng cáo rượu bia trên báo nói, báo hình vào luật

Nội dung thứ hai lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội là quy định về hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ ở điều 5 của dự thảo luật. 

Đại biểu Dương Trung Quốc trích dẫn thơ Bác Hồ để 'bảo vệ' rượu, bia

Phương án 1 - bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22h đến 8h sáng hôm sau - có 46,28% ý kiến đồng ý, 42,56% ý kiến không đồng ý.

Phương án 2 - không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ - có 44,21% ý kiến đồng ý, 42,56% không đồng ý.

Ở nội dung quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình nêu tại điểm c khoản 3 điều 12 của dự thảo luật, các đại biểu Quốc hội cuối cùng đã đạt được sự đồng thuận khi có 72,52% ý kiến đồng ý, 14,88% không đồng ý với phương án quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình là từ 18h-21h hàng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em.

ĐBQH tranh cãi 'nảy lửa' về Luật phòng chống tác hại rượu, bia

Như vậy, trong 3 nội dung mà Quốc hội xin ý kiến đại biểu như trên, chỉ có một nội dung về khung thời gian không được quảng cáo rượu bia trên báo nói, báo hình là sẽ được đưa vào luật. Hai nội dung còn lại vẫn chưa thể "chốt".

Kết thúc một chương trình lấy ý kiến đại biểu có lẽ là chưa từng có tiền lệ ở Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói:

"Quốc hội của chúng ta đã rất dân chủ, lấy ý kiến rất thẳng thắn. Điều đó cho thấy không có một nhóm nào, một thế lực nào có thể tác động được vào luật".

Thảo luận