Biển Đông

Tranh giành ảnh hưởng Mỹ-Trung trên Biển Đông đặt ASEAN vào thế khó

Trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, đặc biệt là sự tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc, ASEAN cần phải đưa ra phản ứng phù hợp, VOV khẳng định.
Sputnik

Tình hình Biển Đông hiện nay đang có nhiều diễn biến đáng chú ý, đặc biệt trong cuộc đối đầu giữa hai quốc gia Mỹ-Trung, đó là nơi để các bên tranh giành ảnh hưởng. Đây có lẽ là thời điểm quan trọng nhất với các nước ASEAN để chứng minh vai trò trung tâm của mình với vấn đề an ninh khu vực.

Điều gì xảy ra nếu Đức gửi tàu chiến của mình đến Biển Đông?
Trong khuôn khổ Đối thoại Biển lần thứ 5 với chủ đề "Hợp tác ASEAN trong vấn đề Biển Đông"  diễn ra tại Hà Nội ngày 8/6, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Hoàng Thị Hà, thuộc Viện nghiên cứu ISEAS – Yusof  Ishak, Singapore về vấn đề này.

PV: Thưa bà, bà  đánh giá thế nào về sự hợp tác giữa các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông trong những năm gần đây, đặc biệt khi căng thẳng leo thang do những yêu sách phi lý mà Trung Quốc đưa ra đối với vùng biển này?

Chuyên gia Hoàng Thị Hà: Trong khuôn khổ ASEAN, hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông có những tiến triển về mặt ngoại giao, như là việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC) cũng như là tiến triển về mặt thủ tục trong việc đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Thách thức  đặt ra là có sự chênh lệch giữa quá trình đàm phán trên bàn ngoại giao giữa ASEAN và Trung Quốc với những diễn biến trên thực địa. Trong khuôn khổ đàm phán ASEAN và Trung Quốc về COC thì có sự biến chuyển về thủ tục, từ sự tham vấn sang đàm phán về các nội dung của COC và gần đây Trung Quốc cũng có những động thái tích cực như muốn hoàn tất COC trong vòng 3 năm tới.

Tuy nhiên, tất cả những gì diễn ra trên bàn đàm phán không ăn nhập với những gì diễn ra trên thực địa khi mà Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông mà nước này chiếm giữ bất hợp pháp, đặc biệt là sự hiện diện ngày càng gia tăng của các lực lượng chấp pháp của Trung Quốc trên vùng biển này. Điều đó đã đặt ra thách thức về tiếp cận nguồn lực biển đối với các quốc gia khác, chẳng hạn như khai thác thủy hai sản hay những dự án khai thác dầu khí.

Sợ mất lòng, Duterte không muốn triệu đại sứ Trung Quốc vì vụ đâm tàu ở Biển Đông
Điều quan trọng hiện nay là ASEAN cần phải thấy được những thách thức trên biển trong quá trình đàm phán nội dung của COC. Thách thức đặt ra hiện nay thì không mới nhưng ngày càng trở nên nổi cộm, đặc biệt trong việc thực hiện quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, do có những cách giải thích và áp dụng khác nhau giữa các cường quốc như Mỹ, Pháp, Australia và Trung Quốc đối với điều khoản của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Chính sự khác biệt về mặt giải thich và áp dụng luật biển quốc tế cũng như sự cạnh tranh về mặt chiến lược ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông dễ dẫn đến nguy cơ xung đột. Chính vì thế các quốc gia ven biển một mặt ủng hộ tự do hàng hải nhưng mặt khác luôn lo sợ bị kéo vào cuộc xung đột hay va chạm trên biển giữa các cường quốc. Điều này đã gây ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh chung của khu vực.

Tranh giành ảnh hưởng Mỹ-Trung trên Biển Đông đặt ASEAN vào thế khó

PV: Hiện nay, xung đột lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng trên nhiều lĩnh vực, như  thương mại, kinh tế, an ninh, bên cạnh đó là sự cạnh tranh vị thế trên Biển Đông, vậy ASEAN làm thế nào để cân bằng quan hệ giữa các nước lớn mà không gây ảnh hưởng đến các quốc gia thành viên?

Bán máy bay do thám cho Đông Nam Á, Mỹ gia tăng thách thức Trung Quốc

Chuyên gia Hoàng Thị Hà: Công thức chung của ASEAN từ trước đến nay là không chọn theo phe nào và hợp tác với tất cả các bên, duy trì một trật tự khu vực mở, khuyến khích các cường quốc tham gia vào cơ chế của ASEAN để hợp tác trên các vấn đề có mối quan tâm chung và lợi ích chung. Công thức đó mặc dù rất quan trọng nhưng trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt như hiện nay thì rất khó để  ASEAN đứng ở vị trí trung lập. Sự lựa chọn bị thu hẹp khá nhiều.

Do vậy một mặt, ASEAN vẫn phải duy trì công thức này nhưng mặt khác từng nước thành viên trong ASEAN phải có những đánh giá thiết thực dựa trên lợi ích của từng nước cũng như lợi ích chung của khu vực, tìm kiếm những không gian hợp tác, đặc biệt là về khía cạnh kinh tế. ASEAN nên tiếp tục đóng vai trò đầu tàu trong thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP), bên cạnh đó cần phải huy động sự tham gia của các nước tầm trung.

Tranh giành ảnh hưởng Mỹ-Trung trên Biển Đông đặt ASEAN vào thế khó

ASEAN cần gắn kết về mặt kinh tế hay hợp tác về mọi phương diện với những nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Canada... Điều này đóng vai trò quan trọng bởi nó sẽ giúp tiếng nói của ASEAN có sức nặng hơn, giúp cân bằng vị thế khi Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng sự cạnh tranh.

Mỹ-Trung tranh cãi nảy lửa về Biển Đông

PV: Việt Nam mới trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong ASEAN và tăng cường vai trò của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông?

Chuyên gia Hoàng Thị Hà: Việc Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có ý nghĩa rất lớn. Với vị trí này, Việt Nam đóng vai trò cầu nối giữa ASEAN và cộng đồng quốc tế trên bình diện toàn cầu. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, hiện nay việc thực hiện luật pháp quốc tế trong giải quyết các vấn đề trên Biển Đông có nhiều khó khăn do cách giải thích và áp dụng khác nhau giữa các nước liên quan trong việc thực hiện điều khoản trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển nên Việt Nam có thể đóng góp trong việc thu hẹp khoảng cách, mở ra những tranh luận cởi mở, nhằm thu hẹp sự khác biệt giữa các nước liên quan, đảm bảo luật pháp quốc tế sẽ có vai trò trung tâm trong việc giải quyết các tranh chấp hiện nay.

PV: Bà đánh giá thế nào về vai trò của những buổi tọa đàm, đối thoại như thế này trong việc kết nối các thành viên của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông?

Việt Nam nêu mô hình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

Đây là một dịp tốt để chia sẻ tầm nhìn, quan điểm của các quốc gia trong khu vực đối với vấn đề Biển Đông. Tính đa dạng trong ASEAN là 1 thực tế khiến việc đạt được sự đồng thuận và thống nhất về vấn đề nhạy cảm và phức tạp như vấn đề Biển Đông rất khó khăn. Nhưng đồng thời sự đa dạng cũng tạo ra những cơ hội để người ta có cách nhìn toàn diện hơn về các vấn đề trên Biển Đông, không chỉ bao gồm tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền mà còn cả sự hợp tác khu vực trong những vấn đề có lợi ích chung như quản lý nghề cá bền vững hay khủng bố trên biển, những vấn đề an ninh thực tiễn, đặc biệt là an ninh phi truyền thống.

Chính những quan điểm khác nhau trong khối đã mang đến một cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề Biển Đông và tạo điều kiện cho những cơ chế hợp tác ở Biển Đông. Đây cũng là dịp để lắng nghe ý kiến từ những nước ngoài khu vực như Hà Lan, Pháp, hay phản hồi từ Trung Quốc giúp chúng ta hiểu sâu hơn về vấn đề này.

Thảo luận