Việc Mỹ quyết định trang bị cho các quốc gia Đông Nam Á máy bay trinh sát không người lái ScanEagle thể hiện cam kết đảm bảo an ninh của Washington với các đồng minh và đối tác trong khu vực, cây bút Mike Yeo của tờ Defense News cho biết.
Tuyên bố gần đây của Mỹ về việc sẽ cung cấp máy bay giám sát không người lái cho một số nước đối tác tại Đông Nam Á đã thu hút nhiều sự quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang xấu đi liên quan đến các vấn đề an ninh và thương mại. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) thông báo, Insitu Inc – một nhánh của tập đoàn sản xuất máy bay Boeing đã nhận được hợp đồng 47 triệu USD cung cấp 34 máy bay không người lái ScanEagle cho các nước Đông Nam Á. Thỏa thuận sẽ được thực hiện thông qua chương trình Bán trang bị quân sự cho nước ngoài (FMS) của chính phủ Mỹ. Chương trình FMS cũng cung cấp cho đối tác các phụ tùng thay thế, thiết bị hỗ trợ, đào tạo nhân lực, dịch vụ kỹ thuật… với công việc dự kiến hoàn tất trong năm 2022.
Máy bay không người lái sẽ được chuyển giao cho các quốc gia nêu trên bằng nguồn quỹ của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên nhiều thông tin mâu thuẫn về việc liệu kế hoạch đó có thuộc chương trình xây dựng năng lực của các quốc gia đối tác của Bộ Quốc phòng, hoặc thuộc nguồn tài trợ theo sáng kiến an ninh hàng hải mà Mỹ công bố năm 2015 hay không.
Tính năng ưu việt của ScanEagle
ScanEagle là máy bay không người lái không vũ trang, được sử dụng để giám sát và thu thập thông tin tình báo. Phiên bản hiện hành ScanEagle 2, có trọng lượng cất cánh tối đa 26kg, độ dài 1,71m, sải cánh 3,11m, được xếp vào loại máy bay không người lái nhỏ.
Dù không được trang bị vũ khí, nó có thể mang các thiết bị giám sát có trọng lượng khoảng 5kg, bao gồm các máy quay video quang học, hồng ngoại, có độ phân giải cao, cho phép người điều khiển theo dõi các mục tiêu đứng yên hoặc đang di chuyển.
ScanEagle có thể bay với tốc độ từ 93 tới 111km/h, đạt được độ cao gần 6.000m. Máy bay sẽ cất cánh từ một máy phóng khí nén và hạ cánh nhờ hệ thống thu hồi UAV mang tên SkyHook.
Với kích thước, trọng lượng và cấu trúc như vậy, UAV ScanEagle có khả năng thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không trong thời gian dài, lên tới 18 giờ. ScanEagle là lựa chọn phổ biến trong thực hiện hoạt động theo dõi, giám sát trên không và đang được vận hành bởi quân đội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Australia, Lithuana, Pakistan và Anh. Nó cũng được Hải quân Singapore sử dụng và được phóng từ nhiều loại tàu khác nhau, gồm cả tàu hộ tống tên lửa.
Gia tăng đối kháng Trung Quốc?
Có một thực tế dễ nhận thấy là tất cả các quốc gia trong danh sách tiếp nhận ScanEagle đều là những nước có lợi ích trên Biển Đông. Phía Mỹ cho rằng, máy bay không người lái ScanEagle sẽ hỗ trợ những nước này tăng cường Nhận thức về các vấn đề hàng hải (MDA) trên lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Theo định nghĩa của Tổ chức Hàng hải quốc tế, MDA là sự hiểu biết về tất cả các khu vực “trên, dưới, liên quan, liền kề hoặc giáp biển, đại dương hay tuyến đường hàng hải” mà có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, kinh tế và môi trường của một quốc gia. MDA đặc biệt quan trọng đối với chính phủ các quốc gia ven biển bởi các hoạt động thương mại dựa vào hàng hải và các hoạt động khác như đánh bắt cá đóng vai trò không hề nhỏ đối với sự phát triển kinh tế trong khu vực.
Cũng có ý kiến cho rằng đây là ví dụ mới nhất thể hiện sự quyết đoán của Mỹ trong khu vực khi căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh đang gia tăng và ý định của chính quyền ông Trump là đẩy mạnh việc xuất khẩu vũ khí Mỹ ra nước ngoài. Tờ China Military dẫn lời Zhang Junshe, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc nhấn mạnh, Mỹ luôn có ý định khai thác lợi ích từ các cuộc xung đột, tạo ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp quốc phòng của nước này và cải thiện cơ hội việc làm. Ông cáo buộc Washington đã làm gia tăng căng thẳng tại Trung Đông và Đông Âu để thực hiện mục đích của mình. Theo ông Zhang Junshe, việc Mỹ bán máy bay UAV cho các nước láng giềng của Trung Quốc có nguy cơ gây gia tăng căng thẳng tại Biển Đông.
Tuy nhiên, nhà phân tích Mike Yeo nhận xét, đây là cách nhìn khá đơn giản và không thực sự chính xác. Ông cho rằng, mặc dù có nhiều phỏng đoán về một cuộc đối đầu toàn diện liên quan đến những tranh chấp trên Biển Đông hay tham vọng khẳng định sự hiện diện trong khu vực nhưng xét về sự gia tăng năng lực quân sự của Trung Quốc, ScanEagles sẽ không nằm trong danh sách thiết bị quân sự được sử dụng trong cuộc chiến này.
Trên thực tế sẽ rất rủi ro khi dùng ScanEagle để chống lại bất kỳ “đối thủ” nào được trang bị hiện đại bởi hiệu suất hoạt động khiêm tốn sẽ khiến loại máy bay này dễ bị tổn thương trước hệ thống phòng thủ trên không
Thách thức an ninh hàng hải
Hiện nay có một loạt thách thức mà các quốc gia tiếp nhận ScanEagle tại Đông Nam Á đang phải đối mặt, không chỉ ở Biển Đông mà còn ở Eo biển Malacca, Biển Sulu và một số vùng biển khác.
Những vấn đề chính, nhận được sự quan tâm hàng đầu là cuộc chiến chống khủng bố ở miền nam Philippines và các vụ cướp biển ở Eo biển Malacca, Eo biển Singapore, tranh chấp trên Biển Đông. Ngoài ra còn có những thách thức hàng hải khác như tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp, nạn buôn người, buôn lậu, trộm cắp nguyên liệu và tội phạm xuyên quốc gia.
Mặc dù những quốc gia nằm trong chương trình có lực lượng hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển dày dặn kỹ năng và kinh nghiệm nhưng trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lực nghiêm trọng, việc sở hữu máy bay không người lái có thể hoạt động suốt 18 giờ sẽ tạo ra lợi thế nhất định trong việc chống lại vô số thách thức hàng hải kể trên.
Thậm chí chỉ cần một số lượng nhỏ máy bay ScanEagle cũng có thể đóng góp đáng kể vào việc cải thiện khả năng MDA của các quốc gia ven biển. Lợi thế của loại máy bay không người lái này là nó có thể được vận hành ở bất kỳ vị trí nào trên không phận mở, không cần đến đường băng. Do hoạt động được ở độ cao gần 6.000 m, nên các cảm biến của nó có thể bắt được những hình ảnh bao quát và xa hơn so với thiết bị quan sát của một con tàu đang di chuyển trên mặt nước.
Tính ưu việt của các cảm biến quang học tích hợp trên máy bay ScanEagle đã được chứng minh rõ ràng qua sự cố xảy ra giữa các tàu chiến của Nga và Mỹ trên biển Philippines hồi tuần trước. Hải quân Mỹ đã công bố nhiều hình ảnh tĩnh về cuộc chạm trán thông qua video được quay từ cảm biến của ScanEagle.
Cây bút Mike Yeo cho rằng, nhìn từ góc độ chiến lược, quyết định trang bị máy bay không người lái cho một số quốc gia Đông Nam Á kể trên là minh chứng về cam kết của Mỹ nhằm đảm bảo an ninh cho đồng minh và các đối tác trong khu vực, chứ không phải tạo ra sự đối kháng với Trung Quốc./.