UBND thành phố Hà Nội trình HĐND thành phố về việc đưa Dự án tuyến đường sắt số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương (nguồn vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài).
Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư hơn 40.576 tỉ đồng; trong đó, vay ODA dự kiến khoảng 34.296 tỉ đồng và vốn đối ứng của ngân sách thành phố khoảng 6.280 tỉ đồng.
Dự án tuyến đường sắt số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai có điểm đầu tại Quảng trường 1/5 (Ga cuối S 12 của tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội). Điểm cuối qua nút giao với cầu cạn Pháp Vân - vành đai 3 (Sở Thượng - Phường Yên Sở, quận Hoàng Mai).
Hướng tuyến đề xuất quy hoạch: Tuyến đi ngầm toàn bộ theo hành lang Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh.
7 ga ngầm sẽ ở Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở, 1 khu lập tầu (đề pô) diện tích khoảng 10ha phía sau, sát trạm bơm Yên Sở. Diện tích cần giải phóng mặt bằng tổng cộng 11,34 ha, phần diện tích bị ảnh hưởng khoảng 24,83ha.
Đây là dự án quan trọng quốc gia, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội. Chính phủ sẽ là cơ quan thẩm định.Tuy nhiên, do Hà Nội là chủ đầu tư, nên HĐND thành phố vẫn phải quyết định danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương, theo luật Quản lý nợ công.
Ngân hàng Phát triển châu á (ADB) đã cam kết tài trợ 450 triệu USD. Tại đợt làm việc của ADB về chương trình tài trợ cho Việt Nam giai đoạn 2020 - 2022 vào tháng 3 năm nay, ngân hàng ADB khẳng định sẽ đưa dự án vào danh mục vay vốn của ADB, nếu Hà Nội lựa chọn đầu tư dự án theo hình thức đầu tư nước ngoài (ODA).
Ngoài ra, các nhà tài trợ khác như Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Chính phủ Pháp, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng bày tỏ quan tâm tiếp tục tài trợ phần vốn ODA còn lại của dự án.
Về nguồn vốn đối ứng khoảng 6.280 tỉ đồng, Hà Nội dự kiến thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đạt trung bình khoảng 353 - 358 nghìn tỉ đồng/năm, đảm bảo bố trí đối ứng cho dự án.
Về kế hoạch trả nợ, thành phố Hà Nội cũng đã dự kiến dự án bắt đầu trả nợ vay từ năm 2026 (sau khi hoàn thành xây dựng và hết thời gian ân hạn từ 5 năm đến 10 năm).
Báo cáo của UBND trình HĐND TP có nêu rõ, đây vẫn là khoản vay ưu đãi với thời gian ân hạn dài, lãi suất từ 1% - 4%/năm, thấp hơn nhiều so với huy động từ trái phiếu chính quyền địa phương (khoảng 7% - 8%/năm). Vì vậy, dự kiến, dự án này sẽ vay vốn ADB và một số nhà tài trợ khác, cùng với vốn đối ứng của chính quyền Hà Nội.