Không chiến tầm gần nhanh nhẹn là một trong những loại nghệ thuật lái máy bay phức tạp nhất. Phi công phải thể hiện sự chú ý tối đa, phải sở hữu một tinh thần thép, biết thành thạo các đặc điểm của máy bay mình và khả năng của máy bay địch. Không chiến tầm gần đã được sử dụng tích cực trong Thế chiến I và Thế chiến II. Nhưng ngày nay, với sự phát triển của tên lửa không đối không tầm xa và hệ thống radar được cải tiến trên máy bay, trận không chiến tầm gần là một hiện tượng khá hiếm. Tuy nhiên, tất cả các máy bay chiến đấu hiện đại vẫn có khẩu pháo vì đây là một yếu tố sống còn trong cuộc dụng độ tầm gần trên không.
Đồng thời, trí tuệ nhân tạo (AI) đã phát triển đến mức có thể đảm nhận một phần chức năng của con người. Cho đến nay, lợi thế trên không vẫn thuộc về phi công, người có khả năng phản ứng nhanh hơn cả máy điện tử, tùy theo tình hình mà đối phó, hành động. Tuy nhiên, người Mỹ có ý định xoay chuyển tình thế. Họ tin rằng: nếu AI được dạy tất cả các kỹ năng điều khiển, ban đầu nó sẽ giúp phi công thực hiện một số công việc, cho phép phi công tập trung vào những diễn biến trận chiến. Sau đó, “phi công chiến đấu điện tử” sẽ có khả năng đối phó với những thay đổi tình hình trong cuộc không chiến nhanh hơn nhiều so với con người. Do đó, chương trình “Tiến hóa không chiến” (Air Combat Evolution gọi tắt là ACE) đang được phát triển ở Mỹ.
Chương trình ACE được chia thành ba giai đoạn. Ở giai đoạn đầu tiên, các chuyên gia mô phỏng các yếu tố chiến đấu trên không trên máy tính. Giai đoạn thứ hai: AI sẽ được đưa vào máy bay không người lái thương mại cỡ nhỏ để thử nghiệm những kỹ năng của robot trên không. Ở giai đoạn thứ ba, “robot- phi công” sẽ được cài đặt trên máy bay chiến đấu. Và phi công con người sẽ quan sát trong thời gian thực cách trí thông minh nhân tạo đối phó với những nhiệm vụ được giao. Đầu tiên, "phi công robot" sẽ được huấn luyện để bắn hạ tên lửa hành trình, sau đó - để tấn công máy bay ném bom, và cuối cùng - để tiêu diệt máy bay chiến đấu siêu cơ động.
Các chuyên gia của Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến trực thuộc Lầu Năm Góc (DARPA) cho rằng: đúng, diễn biến cuộc không chiến tầm gần là không thể đoán trước, nhưng "hành vi" của máy bay bị hạn chế bởi các tính năng chiến, kỹ thuật và các định luật của khí động học. Vì vậy, dạy cho AI chiến thuật cận chiến là một nhiệm vụ không quá khó. Các chuyên gia giải thích: mục tiêu chính của chương trình ACE không phải là tạo ra một “chiến binh lý tưởng”, mà là phát triển các công nghệ giao tiếp giữa trí tuệ con người và trí tuệ nhân tạo. Đây là tương lai của nghệ thuật quân sự.
Chương trình ACE sẽ trở thành một phần của khái niệm phương Tây được gọi là chiến sự “ghép mảnh” (Mosaic warfare): sử dụng rộng rãi các hệ thống tự động không người lái hoạt động kết hợp chặt chẽ với con người. Để minh họa khái niệm này, giám đốc phòng kỹ thuật chiến lược của DARPA Timothy Grayson nói về việc sử dụng bốn UAV trong một đội hình chiến đấu cùng với chiến đấu cơ có người lái. Một UAV áp chế radar của đối phương, chiếc UAV thứ hai mang vũ khí, chiếc thứ ba tìm kiếm mục tiêu và chiếc thứ tư đóng vai trò máy bay bẫy mồi đánh lừa hệ thống phòng không của đối phương. Số lượng máy bay không người lái, thiết bị và vũ khí của chúng có thể được thay đổi tùy theo nhiệm vụ chiến đấu.
Phi công có thể tăng đáng kể mức độ sát thương gây ra và nâng cao tính hiệu quả của các phương tiện chiến đấu bằng cách kiểm soát từ chiếc máy bay của mình vô số thiết bị không người lái "thông minh" bán tự động, - theo các chuyên gia của DARPA. Chương trình ACE sẽ cho phép phi công tập trung vào bức tranh tổng thể của trận chiến, trong khi các máy bay không người lái gắn liền với anh ta sẽ thực hiện các nhiệm vụ riêng. ACE sẽ tạo ra một cấu trúc trong đó con người sẽ thực hiện các chức năng cấp cao hơn (phát triển chiến lược chiến đấu tổng thể, lựa chọn mục tiêu và vũ khí). Và những chức năng như điều khiển máy bay và những nhiệm vụ chiến thuật trong trận chiến sẽ do các hệ thống tự độgn thực hiện".
Đồng thời, các tác giả của chương trình ACE thừa nhận rằng, không được để trí tuệ nhân tạo trở nên quá "độc lập", phải làm thế nào để các hành vi của nó vẫn có thể dự đoán được.
Theo ngân sách quân sự năm 2020, Hoa Kỳ dự kiến sẽ chi 927 triệu USD để đẩy mạnh ứng dụng AI trong quân đội. Văn bản của chiến lược đầu tiên áp dụng trí tuệ nhân tạo quân sự nêu rõ: Hoa Kỳ cần chuyển sang sử dụng trí tuệ nhân tạo, vì các quốc gia khác (cụ thể là Nga và Trung Quốc) đầu tư đáng kể vào các phát triển như vậy cho mục đích quân sự.