Sự sụp đổ của gã khổng lồ: Deutsche Bank sa thải 18 nghìn nhân viên

Ngân hàng Deutsche với hình thức mà các bạn đã biết không còn tồn tại nữa", - ông Christian Sewing, Tổng Giám đốc của tổ chức tín dụng này, tuyên bố vào ngày Chủ nhật.
Sputnik

Ngân hàng lớn nhất của Đức chấm dứt hoạt động kinh doanh cổ phiếu và thu hẹp hoạt động giao dịch trái phiếu và lãi suất, cắt giảm số nhân viên từ 92 nghìn xuống còn 72 nghìn người. Đây là một phần của kế hoạch tái cơ cấu để cải thiện lợi nhuận. Tại sao tổ chức tài chính lớn nhất của Đức đang đối mặt với cuộc khủng hoảng và có cách nào để thoát khỏi tình trạng này. Sau đây là bài của Sputnik về nội dung này.

Tái cơ cấu triệt để

Trên thực tế, kể từ cuối tháng Sáu các nhà phân tích cảnh báo rằng, Deutsche Bank đang gặp khó khăn và có ý định cắt giảm nhiều việc làm. Tờ The Wall Street Journal đã đưa tin rằng, 15-20 nghìn nhân viên sẽ bị sa thải. Thông tin này đã được xác nhận: ngân hàng Deutsche tuyên bố khởi động chương trình tái cơ cấu quy mô lớn, bao gồm việc cắt giảm 18 nghìn việc làm đến năm 2022.

“Ngân hàng Deutsche đang thay đổi triệt để mô hình kinh doanh để có lợi nhuận cao hơn, để làm tăng lợi nhuận của các cổ đông và kích thích tăng trưởng dài hạn”, báo cáo chính thức cho biết.

Deutsche Bank lên kế hoạch thu hẹp quy mô mảng ngân hàng đầu tư và đóng cửa phần lớn hoạt động kinh doanh cổ phần tại khu vực châu Á. Ngân hàng sẽ ngừng giao dịch cổ phiếu và trái phiếu, nhưng sẽ tiếp tục hoạt động trên thị trường chứng khoán. Theo các nhà lãnh đạo của Ngân hàng Đức, mảng ngân hàng doanh nghiệp sẽ là hoạt động chính, dựa vào thế mạnh trong mảng ngân hàng giao dịch – như giao dịch tài chính và mảng ngân hàng cá nhân.

Business Insider đưa tin rằng, Deutsche Bank bắt đầu sa thải nhân viên tại trụ sở ngân hàng đầu tư ở London. Một nhân viên rời khỏi văn phòng "với ba lô, cái cặp và túi thể thao" đã xác nhận điều này. Những người khác cho biết rằng, một vài giờ sau khi ban quản lý tuyên bố cắt giảm, họ được lệnh thu xếp đồ đạc trước 11:00 sáng, vì các giấy ra vào cơ quan sẽ mất hiệu lực. 

Ngân hàng rủi ro nhất thế giới

Deutsche Bank là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất ở London, với đội ngũ nhân viên khoảng 8.000 người.

"Tôi rất tiếc rằng, chúng tôi buộc phải sa thải rất nhiều người để khôi phục lại ngân hàng của chúng tôi", - ông Christian Stitch, CEO của ngân hàng Đức cho biết.

Nhưng theo ông, điều này sẽ phục vụ lợi ích lâu dài của ngân hàng, vì vậy đây là lúc phải hành động dứt khoát.

Cần phải tái cơ cấu để giải quyết vấn đề cơ bản: chi phí quá cao và doanh thu quá thấp. Như dự kiến, đến năm 2022, ​​ngân hàng sẽ giảm chi phí một phần tư, tức là 6 tỷ euro mỗi năm.

Tuy nhiên, ngân hàng thừa nhận rằng, do tái cơ cấu trong quý II, lỗ ròng đạt gần 3 tỷ euro, và đến năm 2022 - 7,4 tỷ euro.

Thời gian khó khăn

Chủ tịch hội đồng giám sát Deutsche Bank Paul Achleitner nhắc nhở về việc, ngân hàng trải qua “khoảng thời gian khó khăn”.

Các vấn đề đã nảy sinh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi ngân hàng đã ghi nhận khoản lỗ gần 12 tỷ euro trong bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, giám đốc ngân hàng lúc đó Josef Ackermann đã bóp méo các tài khoản và thuyết phục các cổ đông rằng họ có đủ tiền. Chính phủ Đức cũng giúp ngân hàng duy trì hình ảnh của một tổ chức tài chính đáng tin cậy và an toàn. Nhưng, khoản lỗ trong bảng cân đối kế toán đã gia tăng, và ban quản lý đã thực hiện ngày càng nhiều biện pháp rủi ro để khắc phục tình hình. Cụ thể, họ đã tham gia vào các hành vi thao túng lãi suất Libor (cùng với các ngân hàng lớn khác - Barclays của Anh và Ngân hàng Hoàng gia Scotland, ngân hàng UBS của Thụy Sĩ, và Société Générale của Pháp). Sau khi bị vạch mặt, Deutsche Bank phải trả khoản tiền phạt 2,5 tỷ USD, và cơ quan S&P đã hạ mức xếp hạng tín dụng từ mức cao nhất - A xuống BBB +.

Sau đó, công chúng đã biết về những gian lận và lạm dụng khác, bao gồm việc bán chứng khoán được đảm bảo bằng các khoản thế chấp trước cuộc khủng hoảng năm 2008. Ngoài ra, ngân hàng bị cáo buộc rửa tiền. Các khoản tiền bồi thường và chi phí tòa án mà Deutsche Bank phải nộp đã tăng mạnh, gây thiệt hại cho ngân hàng.

Vào năm 2013, các nhà phân tích lần đầu tiên nói về nguy cơ Deutsche Bank bị phá sản, họ thừa nhận sự cần thiết phải có thêm vốn. Ngân hàng đã cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách bán cổ phiếu trị giá 4,5 tỷ euro. Các nhà đầu tư sớm được đề nghị mua thêm chứng khoán với giá 8 tỷ euro - nhưng với giá thấp hơn giá thị trường 30%, điều này đã gây ra sự phẫn nộ chính đáng của những người đã mua cổ phiếu trước đó. 

Hai năm sau, các cuộc kiểm tra căng thẳng đã cho thấy rằng, Deutsche Bank vẫn không đáp ứng được yêu cầu về vốn tối thiểu. Theo kết quả năm 2016, lần đầu tiên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngân hàng này đã báo cáo khoản lỗ ròng gần 7 tỷ euro. 

Việt Nam: Cơ quan Thuế vào cuộc vụ “Hồ sơ Panama”

Trong năm 2018 có một vụ bê bối mới liên quan đến cuộc điều tra về “Hồ sơ Panama”. Hóa ra ngân hàng lớn nhất của Đức đã hỗ trợ khách hàng thực hiện hành vi rửa tiền để chuyển tiền từ các hoạt động phạm pháp. Tình hình trở nên trầm trọng hơn vì năm ngoái ngân hàng đã mất 750 triệu USD trong giao dịch chứng khoán.

Mối nguy cơ đe dọa nền kinh tế toàn cầu

Năm 2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã mệnh danh Deutsche Bank là "ngân hàng rủi ro nhất trong số các ngân hàng quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu", vì ngành ngân hàng Đức đóng vai trò hàng đầu trong nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, Deutsche Bank cũng có thể gây ra sự sụp đổ quy mô lớn y như ngân hàng Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Theo các nhà tài chính, mối đe dọa chính là một danh mục đầu tư khổng lồ của chứng khoán phái sinh, ước tính khoảng 46 nghìn tỷ euro, gấp 14 lần GDP của Đức.

Ban lãnh đạo đã thông qua quyết định tái cơ cấu triệt để hoạt động kinh doanh sau khi cuộc đàm phán về khả năng sáp nhập với một ngân hàng gặp khó khăn khác là Commerzbank bị thất bại vào tháng 4. Các chuyên gia đã xem xét khả năng sáp nhập với Commerzbank như một trong những lựa chọn giải cứu. Nhưng cuối cùng, các nhà quản lý của Đức đã công nhận giao dịch này là không hợp lý bởi vì Commerzbank cũng gặp vấn đề và việc sáp nhập làm gia tăng mức độ rủi ro cho ngân hàng lớn thứ hai của nền kinh tế Đức.

"Việc sáp nhập giữa hai ngân hàng zombie sẽ không tạo ra một "nhà vô địch quốc gia", mà chỉ tạo ra một zombie lớn hơn nhiều", - Bloomberg bình luận.

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng không nên nói về nguy cơ khủng hoảng toàn cầu do Ngân hàng Deusche: tổ chức tín dụng sẽ điều chỉnh tình hình, mặc dù có sự chậm trễ. Ngân hàng này đã phát triển nhanh chóng trong những năm 1990-2000, nhưng không thể phản ứng không kịp với cuộc khủng hoảng tài chính và không giảm hoạt động kinh doanh để duy trì sự ổn định. Bây giờ họ đang cố gắng làm như vậy.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cảnh báo: rất có thể kế hoạch tái cơ cấu không chỉ quá triệt để mà còn quá lạc quan. Nếu kế hoạch "đại tu" không hiệu quả, các vấn đề của Deutsche Bank sẽ bùng phát tồi tệ hơn trước trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chững lại.

Thảo luận