Diễn đàn IMDS-2019 giới thiệu những công nghệ đóng tàu để phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự

Ở St. Petersburg đã khai mạc Triển lãm Hải quân Quốc tế (IMDS) lần thứ 9 trên diện tích hơn 15.000 mét vuông. Tại đây giới thiệu những thành tựu và phát triển mới nhất của ngành đóng tàu Nga, các loại kỹ thuật và vũ khí hải quân, công nghệ và vật liệu đóng tàu. Phóng viên Sputnik đưa tin từ thủ đô phương Bắc của nước Nga.
Sputnik

Trong khuôn khổ cuộc triển lãm, cảng St. Petersburg thành nơi cập bến của 17 tàu thuyền thuộc các lớp khác nhau của Hải quân Nga và Cơ quan Biên phòng FSB, cũng như những sản phẩm xuất khẩu của các nhà máy đóng tàu Nga.

Diễn đàn IMDS đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển sự hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga với nước ngoài, Phó Tổng Giám đốc Rosoboronexport Igor Sevastyanov tuyên bố trong bài phát biểu của mình.

“Nga với tư cách nhà xuất khẩu sang thị trường các nước ngoài tham gia vào tất cả phân khúc thiết bị quân sự cho lực lượng hải quân. Những tàu chiến của Nga và Liên Xô hiện có trong thành phần lực lượng hải quân các nước Mỹ Latinh, chúng tôi đang làm việc với các nước Đông Nam Á và Trung Đông. 23 phái đoàn nước ngoài đến dự Diễn đàn theo lời mới của chúng tôi.

Trong số các loại vũ khí xuất khẩu mới, chúng tôi giới thiệu hệ thống tên lửa bờ đối hạm Rubezh-ME và pháo tự động 57 mm trên mô-đun AU-220M trang bị cho tàu chiến, trong số các loại tàu chiến mới có tàu tên lửa cỡ nhỏ lớp Karakurt, khinh hạm lớp Gepard, tàu tuần tra cỡ nhỏ lớp Tiger, cũng như các tàu đổ bộ vận tải BK-10 và Bắc Kinh-16 được phát triển tại tập đoàn Kalashnikov. Khách hàng nước ngoài thể hiện sự quan tâm đến tất cả các loại sản phẩm mới này”.

Rosoboronexport sẵn sàng thảo luận về chuyển giao công nghệ hải quân

Ông Igor Sevastyanov ghi nhận những xu hướng mới trên thị trường thiết bị hải quân quốc tế:

“Trong các cuộc đàm phán, những đối tác nước ngoài của chúng tôi thường nêu lên vấn đề chuyển giao công nghệ. Nhân tiện, Liên Xô cũng đã từng làm như vậy. Các đối tác cũng nêu vấn đề xây dựng đội tàu của riêng họ, họ muốn học cách sản xuất vật liệu đóng tàu hiện đại theo công nghệ của Nga (cách sản xuất nhôm, cách sản xuất nhựa carbon), cách chế tạo các hệ thống vũ khí mới, phương tiện kiểm tra trong ngành đóng tàu. Những ví dụ cụ thể là sự tương tác với Ấn Độ và Việt Nam. Chúng tôi đang hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, và gần đây chúng tôi đã công bố dự án xây dựng tàu khu trục theo dự án Nga trực tiếp tại Ấn Độ”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik về sự hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật hải quân với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, ông Igor Sevastyanov lưu ý:

“Chúng tôi đang tiến hành cuộc đàm phán về cung cấp tàu khu trục, tàu hộ tống và tàu ngầm cho một số quốc gia Đông Nam Á. Ấn Độ vẫn là đối tác truyền thống của chúng tôi. Sự hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực kỹ thuật hải quân không phải là tích cực lắm, nhưng chúng tôi vẫn duy trì liên lạc với họ. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đầy hứa hẹn, chất lượng hợp tác rất tốt. Phải thừa nhận rằng, đôi khi chúng tôi không đạt được kết quả lý tưởng. Các doanh nghiệp Nga đang tích cực thực hiện các đơn đặt hàng quốc phòng nhà nước. Nhưng, tình trạng này không thể kéo dài trong nhiều thập kỷ, do đó, việc tăng khối lượng xuất khẩu (tôi xin nhắc lại, xuất khẩu không chỉ sản phẩm mà cả những công nghệ) vẫn là rất cấp bách”.

Thảo luận