Từ Diễn đàn đến Diễn đàn: Để dấu ấn Việt Nam thêm đậm nét ở vùng Viễn Đông Nga

Trong khuôn khổ EEF-2019, Sputnik Vietnam đã thực hiện cuộc phỏng vấn độc quyền với ông Nguyễn Hồng Thành, Lãnh sự Kinh tế-Thương mại, Trưởng CN Thương vụ Viễn Đông thuộc Tổng Lãnh sự quán CHXHCN Việt Nam tại Viễn Đông Nga. Cuộc đàm đạo xoay quanh nội dung – Có những chuyển biến gì trong thời gian qua để tạo dấu ấn Việt Nam tại vùng Viễn Đông của nước Nga?
Sputnik

Triển khai những dự án trước…

Một trong những kết quả nổi bật trên bình diện giao lưu kinh tế-thương mại Nga-Việt tại địa bàn Viễn Đông Nga mấy năm gần đây là dự án đầu tư của tập đoàn TH True Milk. Ông Nguyễn Hồng Thành cho biết, “theo báo cáo sơ bộ của TH Rus, sau khi được cấp phép đầu tư tháng 9 năm 2017, dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa của Tập đoàn TH được công nhận là thành viên Khu ưu tiên phát triển TOR “Mikhailovskyi” tháng 12 năm 2017, công ty TH Rus đã được bàn giao 13.000 hec-ta đất để xây dựng trang trại trồng cỏ và nuôi bò sữa tại huyện Yakovlevskyi vào tháng 9 năm 2018. Thời điểm hiện tại dự án có tổng mức đầu tư 270 triệu USD của tập đoàn TH đang triển khai những bước đầu tiên.

Ngoài ra, một số công ty của Việt Nam đang xúc tiến nghiên cứu tìm hiểu khả năng đầu tư vào vùng Viễn Đông như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Sovico, Tập đoàn Hương Sen, Tập đoàn FPT. Không chỉ các nhà đầu tư lớn quan tâm tới vùng đất này của nước Nga, vừa qua một số công ty trong nước cũng đến đây tìm kiếm cơ hội hợp tác xây dựng các dự án như Công ty CP Sinh học Thế kỷ, Công ty CP Bao bì Sài Gòn, Công ty CP Chế biến thủy sản Cát Hải. 

Nét mới trong kết nối hợp tác của Việt Nam với Vladivostok và vùng Primorye từ EEF 4 đến EEF 5

Ông Nguyễn Hồng Thành điểm lại: Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và vùng Viễn Đông tiếp tục tăng và đạt mức gần 150 triệu USD, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Đáng chú ý, thời gian vừa qua ngoài việc nhập nguyên liệu hóa thạch thì các doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đến việc nhập các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành, lúa mỳ…; các loại cá tự nhiên ở biển nước lạnh như cá hồi, cá chích, cá minh thái Alaska…; các loại gỗ tự nhiên như gỗ sồi, tần bì, thông … của Viễn Đông đưa về trong nước để chế biến phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu của Việt Nam.  

Vietjet Air ký kết hợp tác với sân bay Vladivostok mở đường bay tới Nga

Qua 4 năm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông, hiện nay các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài trên địa bàn này đang được triển khai mạnh mẽ. Một trong những nhu cầu bức thiết của Viễn Đông là thiếu hụt lực lượng lao động. Thông qua tư vấn hướng dẫn của cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại Việt Nam tại địa phương Nga, nắm bắt kịp thời yêu cầu thực tại đó, từ đầu năm 2019 đến nay hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam đã thỏa thuận và bước đầu có hơn 120 lao động Việt được đưa sang Viễn Đông để làm việc tại các công trình xây dựng và trong nhà máy, công xưởng. 

Trước mốc khánh thành tượng đài Chủ tich Hồ Chí Minh tại Vladivostok, vào đầu tháng 7 năm 2019 đại diện Tập đoàn FPT đã có Bản ghi nhớ hợp tác với Trường ĐHTH Liên bang Viễn Đông về việc trao đổi sinh viên, thực tập sinh và đặt văn phòng đại diện của FPT tại thành phố Vladivostok. Trong tương lai không xa khi FPT đầu tư sâu vào Viễn Đông, nhân lực chất lượng cao của hai bên sẽ có cơ hội cùng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và năng động. 

Trong khuôn khổ EEF 5 lần này đã diễn ra lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Xây dựng, Nhà ở và Dịch vụ công cộng của LB Nga. Sự kiện đáng chú ý nữa là ký kết Bản ghi nhớ giữa tập đoàn VietJet Airline và Sân bay Quốc tế Vladivostok, đặt nền móng pháp lý đầu tiên cho việc mở đường bay thẳng Việt Nam-Viễn Đông Nga. Kết hợp cùng nhau trong công tác kiến thiết hạ tầng cơ sở và mở rộng giao lưu đường không, các doanh nghiệp Việt-Nga đang góp sức đẩy mạnh tiếp xúc kinh tế-thương mại giữa hai nước và trực tiếp tham gia khai thác địa bàn ưu tiên phát triển chiến lược của Nga, - Lãnh sự Kinh tế-Thương mại, Trưởng CN Thương vụ Viễn Đông thuộc Tổng Lãnh sự quán CHXHCN Việt Nam tại Viễn Đông Nga nhận xét.

Triển vọng hợp tác khả quan cho cả hai bên

Vùng Viễn Đông có diện tích gần 6,9 triệu km2 với trữ lượng lớn vào bậc nhất thế giới các loại tài nguyên thiên nhiên. Thêm vào đó, với đường lối chú trọng tạo lập điều kiện thuận lợi ưu đãi để thu hút đầu tư, Nhà nước Nga ban hành những đạo luật cụ thể và hữu hiệu như Luật Khu ưu tiên phát triển kinh tế, Luật Cảng tự do Vladivostok, Luật hec-ta đất miễn phí…Như vậy, rõ ràng Viễn Đông là một khu vực nhiều tiềm năng phát triển. Có những lĩnh vực mà cả hai bên Việt Nam và Nga đều quan tâm thúc đẩy đầu tư như khai thác chế biến dầu – khí tự nhiên, khai thác than và khoáng sản, khai thác chế biến gỗ, đóng tàu, dệt may … đã và đang được các doanh nghiệp lớn của hai nước hợp sức nghiên cứu để hiện thực hóa.

Nga soi mình trong mắt ai: Chính sách quay hướng Đông trong cái nhìn Việt Nam và châu Á

Ông Nguyễn Hồng Thành nhận định:

“Trải qua quá trình trên 30 năm thu hút đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã tích lũy được nhiều nguồn lực cho mình để nhìn ra thế giới. Riêng với vùng Viễn Đông Nga, đầu tư chế biến cà phê, chè, đồ uống, thực phẩm ăn liền… bằng nguyên liệu của Việt Nam hiện là một hướng đi phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để phục vụ thị trường Nga và các nước thuộc Liên minh kinh tế Á – Âu. Cơ quan đại diện Kinh tế-Thương mại Việt Nam tại thành phố Vladivostok đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên trách của phía bạn để hỗ trợ tìm đối tác liên doanh, hướng dẫn các thủ tục pháp lý … cho các nhà đầu tư từ Việt Nam, nhằm góp phần củng cố và thúc đẩy tiến mạnh hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của hai nước. Phần tham gia của Việt Nam trong Diễn đàn kinh tế Đông lần thứ 5 diễn ra từ 4-6 tháng 9 vừa qua, với phái đoàn do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng trên 60 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành và nhiều doanh nghiệp lớn, là minh chứng rõ ràng về  sự quan tâm của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam dành cho vùng Viễn Đông của Nga. Chúng tôi tin tưởng rằng trong tương lai gần vùng Viễn Đông đặc sắc sẽ phát triển thịnh vượng với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp Việt Nam”, - ông Nguyễn Hồng Thành kết luận.  

Thảo luận