Đằng sau việc Việt Nam bị Mỹ giám sát tiền tệ là gì?

Việt Nam vừa bị Mỹ liệt vào danh sách 1 trong 10 nước cần theo dõi thao túng tiền tệ. Theo đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đề cao vấn đề thương mại đôi bên cùng có lợi, không dùng tiểu xảo. Việt Nam sẵn sàng tuân thủ điều này nhưng do trình độ quản lý còn kém nên vẫn để hàng Trung Quốc tràn ngập, mượn xuất xứ Việt Nam xuất đi Mỹ.
Sputnik

Việt Nam bị chính quyền Trump giám sát thao túng tiền tệ

Vừa qua ngày 14.1.2020, trong báo cáo "Kinh tế vĩ mô và chính sách tỷ giá hối đoái của các đối tác thương mại chính" do Bộ Tài chính Mỹ ban hành, Việt Nam bị xếp vào danh sách 1 trong 10 nước phải theo dõi thao túng tiền tệ.

Trước đó, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam từ nhiều năm trở lại đây, vượt xa so với các thị trường khác. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 60,7 tỷ USD, tăng 27,8% so với năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ đạt 14,3 tỷ USD, tăng 12,3%.

Trong một động thái khác, Mỹ đã đề nghị Việt Nam giảm thuế nhập khẩu cho một số mặt hàng nông sản như thịt gà và sản phẩm chế biến từ thịt gà; hạnh nhân, táo, nho tươi, lúa mỳ, thịt lợn, khoai tây… Mỹ cho rằng, những mặt hàng này nên được xem xét giảm thuế trong năm 2020 và có lộ trình giảm về 0% ở những năm tiếp theo.

Mỹ vẫn nghi ngờ Việt Nam thao túng tiền tệ?

Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn (công tác tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới) cho rằng, việc Việt Nam nằm trong diện giám sát thao túng tiền tệ không phải là mới, vốn đã có từ lâu và lần này chỉ là sự tiếp tục. Đạo luật Xúc tiến và Tăng cường thương mại ban hành năm 2015 của Mỹ quy định, cơ quan quản lý nước này cần phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn, thỏa mãn các tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.

Trong Báo cáo tháng 1.2020 của Bộ Tài chính Mỹ, các tiêu chí này được lượng hóa cụ thể như sau: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Sở dĩ Việt Nam tiếp tục lọt vào danh sách này là do đáp ứng một tiêu chí về thặng dư thương mại song phương (Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ 47 tỷ USD), còn các yếu tố khác như thặng dư cán cân vãng lai chỉ tương đương 1,7% GDP; can thiệp mua ròng trên thị trường ngoại tệ tương đương 0,8% GDP.

Liệt Hà Nội vào danh sách giám sát, Mỹ muốn ép Việt Nam hạ thuế?

Từ những diễn biến trên, ông Sơn nhận định, động thái đưa Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ không phải là nhằm buộc Việt Nam phải hạ thuế, tăng cường mua hàng hóa Mỹ, giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước.

"Chỉ phạm vào một tiêu chí thì Mỹ vẫn đưa Việt Nam vào danh sách giám sát. Người Mỹ làm việc bao giờ cũng có tiêu chuẩn cụ thể và công khai. Do vậy, đây không phải là điều ghê gớm gì. Về việc đằng sau đó có phải Mỹ muốn ép Việt Nam hạ thuế, giảm thâm hụt thương mại hay không, tôi cho rằng không có liên quan và cũng chưa thể nói được gì. Chỉ khi nào Việt Nam phạm lỗi nặng, chẳng hạn cả 3 tiêu chí nói trên thì có thể Mỹ mới bắt đầu xem xét có cách nào không, còn bây giờ chưa có vấn đề gì", Đất Việt dẫn quan điểm của chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn nhận xét.

Dù vậy, ông Sơn cũng lưu ý một số vấn đề trước động thái này của Mỹ. Theo đó, năm 2019, xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang các nước chỉ tăng 8,1%, trong khi xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 30%. Chỉ dấu này có thể cho thấy Việt Nam đang cố lấy lợi thế cạnh tranh xuất khẩu vào Mỹ.

Bloomberg: Mỹ chuẩn bị đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ

Trường hợp Việt Nam ở đây hơi đặc biệt. Trong thời gian qua, tỷ giá VND thậm chí còn lên giá, và xuất khẩu tăng có thể do tình trạng hàng nước khác đội lốt xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

"Mỹ cứ cảnh báo, còn cụ thể, chi tiết thế nào thì phải điều tra, xem xét cả một quá trình", chuyên gia cho biết.

Từ đó, ông Sơn cho rằng, phía cơ quan quản lý không có nhiều việc để làm.

"Nếu Việt Nam có thay đổi gì thì sự thay đổi ấy cũng phải thuyết phục được Mỹ rằng trong vấn đề đó dù mang dấu hiệu vi phạm nhưng thực tế không phải như vậy. Quan trọng là phía Việt Nam phải có trách nhiệm quản lý, chống tình trạng đội lốt, giả mạo xuất xứ như thế nào để tránh bị Mỹ đánh thuế theo một lỗi khác”, chueyen gia chỉ ra.

Dẫn ví dụ minh họa, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn cho hay, hồi tháng 12.2019, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra quyết định áp thuế cao nhất, lên tới 456%, đối với một số sản phẩm thép của Việt Nam. Hóa ra, lý do là bởi có một số sản phẩm thép được sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc), sau đó đưa sang Việt Nam để gia công đơn giản rồi xuất khẩu sang Mỹ. Đây là tiểu xảo để nhằm né thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ giá của Mỹ.

Và không chỉ với mỗi Việt Nam, Washington cũng làm điều tương tự với Malaysia để ngăn chặn loại thép đó vào Mỹ.

Từ những phân tích trên, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn cho rằng, không phải Việt Nam cứ hạ thuế, giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước là thoát khỏi diện theo dõi mà còn nhiều vấn đề khác.

Chuyên gia nhận định, chỉ với việc hạ thuế và giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước sẽ không giúp Việt Nam thoát khỏi diện theo dõi của Mỹ. Điều quan trọng là phải nâng cao trình độ quản lý.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đề cao vấn đề trao đổi buôn bán thương mại phải cùng có lợi, không dùng tiểu xảo. Việt Nam cũng tuân thủ điều này nhưng do trình độ quản lý còn kém nên để hàng Trung Quốc tràn ngập, mượn xuất xứ Việt Nam xuất đi Mỹ.

Như vậy, nếu Việt Nam không thể xử lý rốt ráo vấn đề, phía Mỹ buộc phải đối xử với nhập khẩu từ Việt Nam như nhập khẩu từ Trung Quốc. Lúc bấy giờ, Việt Nam là nước phải chịu thiệt.

Về vấn đề tỷ giá, ông Sơn cho rằng, giữ vững tỷ giá không khó khi tình hình FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn ổn, VND thậm chí vẫn còn bị sức ép lên giá và kiểu lên giá này là tự giết chính mình.

"Yêu cầu là phải điều chỉnh tỷ giá bớt đi, nhưng sự điều chỉnh ấy chỉ để chống đỡ nhằm giảm thiệt hại cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam còn FDI không quan tâm chuyện đó. Cái khó ở chỗ: trước đây chúng ta không làm, giờ khi Mỹ đặt ra Đạo luật Xúc tiến và Tăng cường thương mại, nếu Việt Nam làm thì có thể phạm luật. Rõ ràng chúng ta đang ở cái thế không làm thì thiệt, làm thì có thể dính lỗi", chuyên gia Sơn phân tích.

BVSC: Rủi ro Việt Nam bị chính quyền Trump để mắt vẫn còn

Đánh giá động thái vừa qua của Mỹ, TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cho biết trong số 3 tiêu chí mà Mỹ xem xét đưa vào diện giám sát đối với các quốc gia là thặng dư thương mại song phương, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ, Việt Nam chỉ phạm vào tiêu chí về thặng dư thương mại song phương. Mặc dù chưa gọi Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, Washington vẫn đặt Hà Nội vào tầm ngắm để theo dõi.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, Việt Nam không hề có can thiệp ngoại tệ nên không thể nằm trong nhóm quốc gia thao túng tiền tệ. Thặng dư cán cân thương mại của các nước lọt vào danh sách này đều ở mức cao với Mỹ. Các số liệu về kinh tế cho thấy Việt Nam không hề "lợi dụng Mỹ".

Mỹ đặc biệt coi trọng quan hệ với Việt Nam

Ví dụ, trong năm 2019 và những năm trước nữa, có thể thấy Việt Nam không hề tăng tỷ giá để tạo sự cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Mỹ. Dù là nước xuất siêu vào Mỹ nhưng giá trị xuất siêu của Việt Nam với Mỹ là quá nhỏ nếu so sánh với quy mô xuất siêu của các nước khác.

Bộ Tài chính Mỹ cũng đánh giá việc mua vào ngoại tệ của Việt Nam là có cơ sở hợp lý khi nhằm mục đích tăng dự trữ ngoại hối - vốn được đánh giá còn ở mức thấp. Ngoài ra, sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước cũng mang tính 2 chiều, có mua, có bán và việc bán ra USD là nhằm mục đích chống lại đà giảm giá của VND trong nửa cuối năm 2018.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là các đánh giá trong báo cáo tháng 1.2020 của Bộ Tài chính Mỹ dựa trên dữ liệu của 4 quý tính đến tháng 6.2019. Theo ước tính của BVSC (Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt), kể từ tháng 6.2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ (ước tính hơn 10 tỉ USD) vượt mốc 2% GDP (vượt tiêu chí can thiệp mua ròng ngoại tệ). Vì vậy, rủi ro Việt Nam bị Mỹ “để mắt” tới vẫn chưa thể được loại bỏ hoàn toàn trong thời gian tới.

"Mặc dù vậy, sau báo cáo phát hành vào tháng 1.2020, báo cáo tiếp theo của Bộ Tài chính Mỹ nhiều khả năng sẽ chỉ được phát hành trong khoảng thời gian 6 tháng tới. Trong khoảng thời gian này, các số liệu sẽ còn tiếp tục thay đổi và cũng là cơ hội để phía Việt Nam tăng cường đối thoại với Mỹ nhằm giảm bớt rủi ro Việt Nam bị Mỹ dán mác thao túng tiền tệ", BVSC khuyến nghị.
Việt Nam cần làm gì để thoát mác thao túng tiền tệ?

TS Cấn Văn Lực và Nhóm Nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV đã đưa ra một số khuyến nghị trước động thái vừa qua của Bộ Tài chính Mỹ.

Theo TS Lực và các cộng sự, mặc dù vẫn nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ, việc cải thiện chỉ còn chạm 1/3 tiêu chí (so với 2/3 tiêu chí tại báo cáo trước đó) là tín hiệu tích cực.

Tình hình Mỹ-Iran có ảnh hưởng đến Việt Nam?
Với hai tiêu chí còn lại, Việt Nam không chạm và đã có những cải thiện đáng kể so với báo cáo hồi tháng 5-2019.

Theo nhóm chuyên gia BIDV, thời gian vừa qua Việt Nam đã chủ động, chuẩn bị nội dung trao đổi thông tin, giải trình với phía Mỹ cũng như có một số động thái cụ thể như tăng mua hàng hóa của Mỹ. Những điều này đã mang lại một số kết quả tích cực.

Các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần chú trọng minh bạch hóa dữ liệu liên quan tới dự trữ ngoại hối, các động thái can thiệp thị trường và cán cân thương mại. Trong số đó, cần lưu ý cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ, như nhập nhiều hơn hàng hóa, nhất là nông sản và thiết bị từ Mỹ.

Đồng thời, cũng nên chú ý những vấn đề mà phía Mỹ quan tâm như cán cân thương mại, cụ thể hóa quy định về quản lý an ninh mạng, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách thực chất, nhất quán, minh bạch và đồng bộ.

Thảo luận