Mối đe dọa đối với nền kinh tế và sức khỏe của cư dân Việt Nam

Đám đông người đi xe máy trên đường phố của các thành phố lớn ở Việt Nam, và tất cả đều đeo mặt nạ giúp ngăn chặn khói bụi trong không khí bị ô nhiễm. Hình ảnh này từ lâu đã quen thuộc.
Sputnik

Ô nhiễm không khí ở Việt Nam là một vấn đề rất nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam ngày 10/1, ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cảnh báo rằng, ô nhiễm không khí lâu dài có thể ảnh hưởng đến mối quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài. Hệ quả dễ thấy là dòng vốn đầu tư từ công ty nước ngoài vào Việt Nam có thể suy giảm, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế. Tình hình với ô nhiễm nước cũng vậy. Việc tăng cường các quy định của Chính phủ và đặt trọng tâm vào vấn đề cải thiện môi trường là vô cùng cấp thiết. Và Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho việc này, ông Miura nói.

Mối đe dọa đối với nền kinh tế và sức khỏe của cư dân Việt Nam
“Các công ty nước ngoài không đầu tư vào việc sản xuất các sản phẩm không có sức cạnh tranh, và hiện nay, trên thị trường châu Âu và thị trường Nhật Bản có các quy định, tiêu chuẩn môi trường rất nghiêm khắc. Nếu sản phẩm được sản xuất trong ngành công nghiệp bẩn hoặc trong điều kiện không phù hợp, họ sẽ không mua sản phẩm này, - bà Natalia Rogozhina, chuyên gia sinh thái học về các nước Đông Nam Á, nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận xét. - Nền kinh tế Việt Nam theo hướng xuất khẩu có thể bị thiệt hại nặng do việc giảm khối lượng đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử đòi hỏi độ tinh khiết cao, hoặc do việc giảm nhu cầu trên thị trường châu Âu về các sản phẩm nông nghiệp được trồng trên các vùng đất bị ô nhiễm với nguồn nước bị ô nhiễm”.

Việt Nam có hơn 50 ngàn người chết vì ô nhiễm không khí
Khi nói về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sự tăng trưởng kinh tế, cần phải chú ý đến một số yếu tố. Ví dụ, giảm năng suất lao động do các bệnh do ô nhiễm không khí và nước gây ra, chi phí điều trị và phục hồi, và tỷ lệ tử vong cao. Hà Nội là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất thế giới. Theo các nhà nghiên cứu Việt Nam, năm 2018 ô nhiễm môi trường đã gây ra cái chết của 71 nghìn người, trong đó 50 nghìn người chết do ô nhiễm không khí. Người chết vì ô nhiễm không khí cao gấp 4 lần so với tai nạn giao thông. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại Việt Nam trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất có 6 bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, bao gồm đột quỵ, ung thư phổi và bệnh tim. Do đó, ô nhiễm không khí tại Việt Nam gây thiệt hại từ 10,8 - 13,2 tỷ USD, tương đương 4,4 -5,6% GDP của đất nước.

Ô nhiễm không khí là do nhiều yếu tố: chất thải phát sinh từ số lượng lớn các loại xe ở các thành phố lớn, các công trình xây dựng, khí thải từ các nhà máy xi măng, luyện thép, hóa chất, các nhà máy nhiệt điện than, cũng như việc sử dụng than để sưởi ấm nhà và nấu ăn. WHO lưu ý rằng, ô nhiễm không khí là mối đe dọa môi trường lớn nhất trong thời đại chúng ta và biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người trong thế kỷ 21. Nguyên nhân chính gây ra cả sự nóng lên của khí hậu và ô nhiễm không khí là việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Ô nhiễm không khí nặng, Bộ Tài nguyên và Môi trường họp khẩn

Chính phủ Việt Nam thực hiện một số bước nhất định để giải quyết vấn đề quan trọng này. Cài đặt các ứng dụng kiểm tra chất lượng không khí, cấm các ô tô và xe máy nước ngoài  đã qua sử dụng trên 10 năm. Kể từ năm 2020, tại các doanh nghiệp ở bốn tỉnh sẽ thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản cho các công ty trong lĩnh vực luyện kim, xi măng, điện và hóa chất. Các nhà chức trách cũng đang nghiên cứu những quy tắc lắp đặt hệ thống kiểm tra khí thải trong các khu công nghiệp vào năm 2025. Việt Nam cũng đang thảo luận đề xuất cấm xe máy ở Hà Nội, mặc dù biện pháp này có vẻ khó thực hiện.

Bà Natalia Rogozhina, Tiến sĩ Khoa học Chính trị nói: “Đối với Việt Nam và toàn bộ Đông Nam Á, giải pháp cho vấn đề này là phát triển nền kinh tế xanh thân thiện với môi trường. Tức là cần phải giảm lượng phát thải, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như nước, mặt trời và gió, và nhiều biện pháp khác. Nhưng, tất cả điều này đòi hỏi phải sử dụng công nghệ hiện đại. Và Nhật Bản sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam, cũng như tất cả các quốc gia Đông Nam Á khác, trong lĩnh vực này. Nhật Bản là nước đầu tiên hưởng ứng với các vấn đề môi trường của khu vực. Trong các chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản, yếu tố môi trường đóng một vai trò rất lớn. Nhật Bản nêu lên một tấm gương tốt về cách phát triển hiệu quả nền kinh tế xanh bằng phương pháp khuyến khích vật chất. Ở Đông Nam Á, một tấm gương tốt về bảo vệ môi trường là Singapore: vào đầu những năm 70, quốc đảo đã bắt đầu thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường. Bây giờ Singapore là một trong những thành phố sạch nhất thế giới. Với sự trợ giúp của các công nghệ tiên tiến, quốc đảo này và Malaysia đang theo đuổi chính sách môi trường rất nghiêm ngặt, mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh trên thị trường nước ngoài”.

Ở tất cả các nước Đông Nam Á, nguyên nhân gây ô nhiễm đến từ khí thải giao thông, cũng như từ vấn đề chưa được giải quyết - xử lý nước thải và rác thải đang tấn công mạnh mẽ nguồn nước ngầm. Một vấn đề cấp bách cũng là phá rừng để lấy gỗ hoặc chặt phá rừng lấy đất trồng cây công nghiệp, làm giảm đa dạng sinh học. Nhưng, bất chấp điều này, chuyên gia Natalia Rogozhina vẫn lạc quan. Điều chính là ban lãnh đạo đất nước nhận thấy rõ các vấn đề môi trường và cố gắng giải quyết chúng. Trong vài thập kỷ qua, một thời gian rất ngắn nhìn dưới góc độ lịch sử, Việt Nam đạt được những tiến bộ lớn, và điều này làm nảy sinh hy vọng, chuyên gia Nga kết luận.

Thảo luận