Bộ Tài nguyên và Môi trường họp khẩn tìm cách kiểm soát chất lượng không khí
Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cùng nhiều bộ, ngành, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, TP.HCM, mời dự cuộc họp khẩn về các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng không khí và môi trường.
Những ngày qua, trước diễn biến xấu của tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành, khu vực khác nhau, có những ngày đạt đến ngưỡng màu nâu- ngưỡng cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định cần thiết phải có một cuộc họp nhằm tìm ra phương cách nhanh chóng giải quyết vấn đề chất lượng không khí và ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến nghiêm trọng.
Văn bản của Bộ TN-MT nêu rõ: Trong thời gian vừa qua, tình hình chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn trong đó có Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
Mặc dù các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố đã triển khai thực hiện một số biện pháp để cải thiện chất lượng môi trường không khí, tuy nhiên, tình hình diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Chính vì vậy, ngày 16.12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 6725/BTNMT-TCMT về việc mời tham dự họp về các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí gửi Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Y tế và UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự kiến, vào chiều ngày mai 19.12, cuộc họp sẽ được tổ chức do đích thân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì.
Văn bản của Bộ TN-MT nêu rõ, nội dung cuộc họp là “để trao đổi, thảo luận về tình hình thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, phối hợp xác định nguyên nhân và đưa ra các biện pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn”.
Ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng
Thông báo do Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng xác nhận, tuần qua mức độ ô nhiễm không khí có xu hướng tăng hơn so với tuần trước đó (từ ngày 30.11- 6.12). Ô nhiễm không khí Hà Nội có xu hướng gia tăng trong tuần qua tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác của cả nước. Liên tiếp trong các ngày từ 10-16/12, chỉ số chất lượng không khí tại nhiều khu vực quan trắc của thành phố đều ở ngưỡng không tốt, có thời điểm rất xấu với mức AQI từ 201-300.
Đặc biệt, giá trị trung bình bụi mịn PM2.5 liên tục vượt quá giới hạn cho phép ở tất cả các trạm. Số liệu công bố ở trạm Minh Khai, Đại sứ quán Pháp vượt giới hạn cho phép trên ba lần trong hai ngày 11.12 và 12.12 vừa qua. Giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM2.5 tại các thành phố từ đầu tháng 12 tới nay nhìn chung có xu hướng tăng. Trong các ngày từ 7.12 đến 12.12, tại Hà Nội, Việt Trì (Phú Thọ), TPHCM đã ghi nhận giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép.
Diễn biến hàm lượng PM2.5 trong ngày cho thấy, hàm lượng PM2.5 thường cao hơn vào buổi đêm và sáng sớm. Vì vậy, Bộ TN-MT khuyến cáo nên hạn chế các hoạt động ngoài trời trong các khoảng thời gian này. Ngoài ra, mọi người kể cả học sinh nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2 khi đi ra đường.
Ngày 14.12, Bộ Y Tế đã có văn bản hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí do Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam xây dựng.
Theo đó, đối với người dân, Bộ Y tế đề nghị thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố. Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt). Đặc biệt, cần vệ sinh mũi, súc họng sáng và tối bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Theo Bộ Y tế, người dân nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống.
Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Riêng các đối tượng bị các bệnh về hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, Bộ Y tế cho rằng, phải thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch, cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời. Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.
Cứ ô nhiễm không khí là nên ở nhà?
Vừa qua, Tổ chức xã hội Change, dưới sự tài trợ của Tổng Lãnh sự quán Đức ở TP.HCM đã phát động phong trào “Ở nhà ngày ô nhiễm”, theo đó kêu gọi doanh nghiệp chủ động cho phép nhân viên làm việc ở nhà trong những ngày chất lượng không khí lên ngưỡng tím, ngưỡng nâu, ngưỡng rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Bình luận về đề xuất này, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường cho rằng đây là đề xuất không khả thi và không thực tế vì nếu ở nhà ngày ô nhiễm thì người dân nào ở nhà, người nào đi? Người giàu ở nhà thì vẫn có lương thực để ăn, còn người nghèo ở nhà mà không đi ra đường kiếm sống thì sống bằng cái gì?
“Hay người nào có việc bất khả kháng cần phải đi ra đường để giải quyết thì làm sao ở nhà được. Học sinh đi học, công nhân đi làm, làm sao có thể thay đổi cả tổ chức như thế dược. Ở nước ngoài họ có đề xuất ngày hôm nay xe biển chẵn ra đường, ngày hôm sau xe biển lẻ ra đường là vì hệ thống giao thông công cộng của họ rất đầy đủ, tiện lợi thì đề xuất đó mới khả thi. Còn ở Việt Nam thì không thể đề xuất như thế được bởi đề xuất đó không phát sinh từ thực tế, không dựa vào căn cứ gì. Giờ bảo ở nhà nhưng thành phố vẫn ô nhiễm thì sao?”, PGS.TS Phùng Chí Sỹ trao đổi trên Đất Việt cho biết.
Theo Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường, ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP.HCM hay ở những tỉnh, thành khác đều có nhiều nguyên nhân như do giao thông, do cơ sở hạ tầng, do hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp, việc nấu ăn dùng than tổ ong hay do khí thải xuyên biên giới từ một số quốc gia sang Việt Nam. Vậy nên, điều trước nhất phải làm là xác định xem không khí ở Hà Nội, TP.HCM ô nhiễm do nguyên nhân nào chính yếu nhất, vì sao giá trị bụi mịn vượt ngưỡng cho phép và từ đó đưa ra giải pháp.
“Việc đề xuất kế hoạch để cải thiện môi trường cần phải có nghiên cứu một cách bài bản, toàn diện, nguyên nhân do dâu, bộ phận nào tác động đến không khí trong tỉnh, thành phố đó nhiều nhất. Phải có chương trình kế hoạch cụ thể, nơi nào ô nhiễm nhiều, dễ xử lý thì làm trước, nơi nào ô nhiễm ít, khó xử lý thì làm sau. Không thể đưa ra những đề xuất thiếu tính khả thi như “ở nhà ngày ô nhiễm” được cũng không thể bảo dẹp làng nghề, hay dẹp giao thông được vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân”, vị chuyên gia thẳng thắn nhận định.
“Đề xuất giúp giảm không khí ô nhiễm môi trường có khả thi hay không thì phải có nghiên cứu về nguyên nhân gây ô nhiễm một cách bài bản. Ví dụ khu này bụi mù là do đường sá thì phải có biện pháp lảm giảm bụi, nhà máy ô nhiễm thì phải lắp hệ thống xử lý khí thải cho tốt, hạn chế xe tải vào giờ cao điểm, tăng cường các xe công cộng. Còn nếu không biết nguyên nhân vì sao ô nhiễm không khí mà đưa giải pháp thì sẽ không có hiệu quả. Bởi vậy cần phải áp dụng biện pháp tổng thể, phù hợp với từng thời điểm cụ thể, giai đoạn cụ thể, phải có kế hoạch một cách bài bản. Không thể giải quyết theo phong trào được, hôm nay làm cái này ngày sau lại làm cái khác”, PGS.TS Phùng Chí Sỹ nhấn mạnh.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Hà Nội không im lặng về ô nhiễm không khí
Chia sẻ với báo giới về tình hình ô nhiễm không khí và quyết sách của thành phố, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Không có chuyện Hà Nội không làm gì”.
Hà Nội thời gian quan đã rất nhiều lần lọt top một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới trên nhiều hệ thống đo lường chất lượng không khí quốc tế. Thế nhưng, có quan điểm cho rằng, trước những diễn biến rất đáng lo ngại của tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay, ngoài khuyến cáo mà Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Bộ Y tế đưa ra cùng với một số giải pháp khuyến nghị người dân đối phó với tình trạng chất lượng không khí xấu đi nghiêm trọng, chính quyền Hà Nội vẫn đang “im lặng” vì chưa có bất cứ thông tin nào về nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục hiệu quả vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội.
“Tôi đang cho tập hợp thông tin của Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài để xem mọi năm tình hình như thế nào. Theo thông tin sơ bộ, năm nay có lượng sương mù ít nhất do thời tiết ấm và rét muộn. Những năm trước, có thời điểm máy bay không thể hạ cánh vì sương mù. Còn việc khẳng định Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất cũng chưa có cơ sở khoa học, bởi chỉ số bụi mịn 2,5 PM chỉ là một trong 8 chỉ số về quan trắc. Để đánh giá đúng thực trạng, cần tổng hợp tất cả các thông số để tính toán lại”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chia sẻ với Zing.
Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cũng nêu những nhận định về nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Theo đó, Hà Nội còn chịu ảnh hưởng từ một số địa phương. Ông Chung lấy ví dụ ở Bắc Ninh có làng làm giấy xả rất nhiều khí thải, hay nhà máy xi măng ở Lạng Sơn - nghe thì xa nhưng đường chim bay chỉ có hơn 100 km, rồi tác động từ phía nam Trung Quốc, không khí dồn về đến Hà Nội chỉ trong nửa ngày.
“Mọi người cứ nói chúng tôi không làm gì, nhưng chúng tôi làm rất tích cực. Việc chỉ số không khí có lúc lên mức tím cũng chưa thể phản ánh Hà Nội là top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, vì như tôi đã nói, đó chỉ là 1 trong 8 thông số. Phải tổng hợp lại tất cả thông số rồi phân tích và ra cảnh báo. Tôi đang yêu cầu Trung tâm môi trường tích hợp các thông số này về Cổng thông tin của UBND TP, đăng công bố các chỉ số vào một số điểm công cộng để người dân biết, và đang chạy nửa tiếng hàng ngày liên tục trên đài truyền hình Hà Nội rồi”, Chủ tịch UBND.TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Theo quan điểm của ông, mọi người nhận định chỉ nhìn vào hiện tượng mà không nhìn vào quá trình, trong khi đây là vấn đề không phải chỉ mình Hà Nội có thể giải quyết trong ngày một ngày hai.
Về giải pháp, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm. Cụ thể, thành phố đã trồng rất nhiều cây xanh.
“Trước khi tôi lên Chủ tịch thành phố, lượng cây xanh bao phủ đạt 6,7-6,8 m2/người, nhưng nay đã đạt mức 9,5 m2/người”, ông Chung nói.
Vấn đề thứ hai, chính quyền Hà Nội đã chuyển toàn bộ hình thức quét rác, khua bụi bẩn lên sang hình thức hút bụi và hút rác. Mỗi ngày 100 xe hút bụi đi hút quanh thành phố 2 vòng, mỗi xe hút được khoảng 1,6 khối bụi. Tức là có hàng trăm khối bụi trên toàn thành phố đã được hút. Việc này đang tích cực được triển khai. Tiếp đến là giải quyết ô nhiễm ở các hồ khu vực quanh thành phố.
“Trước kia các hồ bốc mùi ô nhiễm nồng nặc, góp phần ô nhiễm không khí. Giờ đã xử lý sạch mùi, cá sống tung tăng rồi”, Chủ tịch Chung nhấn mạnh. Điều thứ tư, theo Chủ tịch Hà Nội là trước kia, cứ 18-19h, người dân vứt rác trắng hai bên đường, rồi rác bị bới ra lung tung, làm bốc mùi ô nhiễm thì giờ có thùng rác hết rồi. Thứ năm, thành phố đang triển khai xây dựng nhà máy nước thải Yên Xá.
Ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, cái quan trọng nhất hiện nay, là phải lắp đủ trạm quan trắc. Theo quy hoạch nghiên cứu các chuyên gia của Pháp thì Dự án lắp đặt trạm quan trắc phải đảm bảo toàn thành phố đặt 85 trạm, nhưng giờ mới được 14 cái. Thời gian tới thành phố sẽ triển khai lắp quan trắc và cài đặt phần mềm phân tích. Từ phân tích này mới ra con số cụ thể.
“Tiếp đó, chúng tôi cũng đã xây dựng đề án và được HĐND thành phố thông qua lộ trình cấm xe máy. Bởi vì bụi ô nhiễm nhất hiện nay là từ khí khải của các loại xe. Trong khi đó, tiêu chuẩn liên quan đến ôtô hay môtô có khí thải để quản lý chất lượng khí thải thì Bộ Tài nguyên Môi trường và Giao thông Vận tải đang làm chậm. Đúng ra triển khai từ tháng 4/2018, giờ chậm 1,5 năm rồi”, ông Nguyễn Đức Chung thông tin và lưu ý đến dự án gieo ươm hàng trăm nghin cây được các chuyên gia Ý và Singapore chuyển giao.
“Thành phố triển khai rất tích cực chứ không phải không làm. Mục tiêu là phải làm để cả đô thị phát triển bền vững. Nhưng các giải pháp này cần có thời gian và có sự phối hợp của các bộ, ngành, hơn nữa, còn cần kinh phí. Chỉ một mình chính quyền Hà Nội thì không thể khắc phục triệt để ô nhiễm được”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.