Thỏa thuận thương mại Mỹ- Trung ai thắng ai thua?
Mỹ và Trung Quốc đã chính thức đạt được Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ngày 15.1.2020 vừa qua. Từ khi bùng nổ chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, giới chuyên gia đã nhận định, Việt Nam chính là “ngư ông đắc lợi”, “bên chiến thắng” trong cuộc chiến này. Hiển nhiên, khi Washington và Bắc Kinh đạt được Thỏa thuận thương mại, Hà Nội cũng phải chịu ít nhiều tác động hai chiều cả tích cực lẫn tiêu cực đến nền kinh tế, đầu tư và hoạt động kinh doanh sản xuất, bởi Mỹ và Trung Quốc chính là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký kết được ví như “một hiệp định đình chiến”, tạm ngưng thương chiến và những màn trừng phạt thuế quan giữa hai bên kéo dài suốt 18 tháng qua, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế thế giới.
Cụ thể, nội dung thứ nhất mà Washington và Bắc Kinh đạt được chính là Trung Quốc phải cam kết tăng kim ngạch nhập khẩu nông sản Mỹ từ 40 tỷ USD hàng năm lên 50 tỷ USD, đồng thời tăng nhập khẩu ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ trong hai năm kế tiếp.
Về phần người Mỹ, họ cam kết hoãn lại việc áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc từ ngày 15.12.2019, giảm thuế đối với 120 tỷ USD hàng hóa khác xuống còn 7,5% nhưng Washington vẫn duy trì mức thuế khoảng 380 tỷ USD. Có vẻ như, Trung Quốc vẫn phải chịu đòn thuế quan và giám sát thương mại chặt chẽ từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Vấn đề thứ hai mà hai bên đồng thuận chính là Trung Quốc phải cam kết mở cửa thị trường cho các định chế tài chính Mỹ và thực hiện các thỏa thuận về tính minh bạch đối với thị trường ngoại hối, không hạ giá đồng nội tệ để cạnh tranh và không dùng tỷ giá hối đoái để phục vụ lợi thế thương mại.
Tiếp đến, Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải để cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân với cam kết chia sẻ bí quyết công nghệ. Đồng thời, hai bên cũng đã có được tiếng nói chung về vấn đề sở hữu trí tuệ và bản quyền.
Thỏa thuận mang tính “đình chiến” giai đoạn một này tạo điều kiện để các công ty Mỹ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính Trung Quốc, gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và tín dụng, là bước tiến trong quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ - Trung. Các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc lựa chọn phương thức tiếp cận giải quyết vấn đề dễ, có ý nghĩa ngắn hạn trước, tạo tiền đề để nỗ lực hơn nữa từ cả hai bên để đạt được thỏa thuận thương mại lâu dài, thực chất hơn.
Các chuyên gia kinh tế của Mỹ và Trung Quốc tỏ ra khá thận trọng khi không ai dự đoán là trong tương lai, Mỹ và Trung Quốc đều cảm thấy mình như là người chiến thắng. Chiến tranh lạnh Trung - Mỹ dẫn đến cả hai nước đều có thể thua, do vậy, mỗi bên đang lên kế hoạch cắt giảm hợp tác với bên kia và phá hoại về kinh tế để giảm mối đe dọa dài hạn, với tính toán khá phức tạp vì hai siêu cường đang có mức độ đan xen lợi ích nhiều mặt.
Thỏa thuận thương mại Mỹ- Trung ảnh hưởng gì đến nền kinh tế thế giới?
Việc hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đạt được Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là bước tiến quan trọng, có tác động tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội của hai nước trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước đã gây thiệt hại cho cả hai bên. Không cần phải nói, thỏa thuận này đồng thời cũng có tác động đến thương mại, đầu tư và kinh tế thế giới.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, tác nhân lớn nhất trong năm 2020 đối với an ninh kinh tế toàn cầu là “chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”. Do đó, việc ký Thỏa thuận giai đoạn 1 và định hướng đàm phán giai đoạn 2 để giải quyết bất đồng mang tính cốt lõi sẽ cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu do củng cố lòng tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã dự báo mức tăng trưởng 3,4% cho nền kinh tế thế giới năm 2020. Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) thậm chí còn thận trọng hơn khi chỉ đưa ra mức 2,5% cho năm 2020 và 2,7% cho năm 2021.
Lý giải về mức dự báo thận trọng này, WB cho rằng, Thỏa thuận thương mại Mỹ- Trung giai đoạn 1 không loại bỏ các vấn đề cơ bản hiện có, đặc biệt là trong nền kinh tế của các nước đang phát triển.
Trong trường hợp Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 gặp khó khăn khi thực hiện, không thể tiến hành đàm phán giai đoạn 2, thì chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và đòn bẩy thuế quan sẽ cản trở đầu tư và thương mại thế giới, làm cho kinh tế toàn cầu chịu tác động tiêu cực và trở nên bấp bênh, bất ổn có thể kéo dài sang các năm sau.
Truyền thông Trung Quốc cũng nhận định, ở giai đoạn 1 mọi thứ sẽ là tương đối dễ dàng, nhưng ở giai đoạn hai, các bên sẽ khó đạt thỏa thuận hơn. Cụ thể, tờ SCMP tham chiếu phân tích của nguyên cựu Giám đốc, Trưởng nhóm chuyên gia của Bộ Thương mại Trung Quốc Huo Jianguo rằng, việc ký kết thỏa thuận giai đoạn I chỉ tạm thời giảm bớt căng thẳng trong quan hệ thương mại song phương và rằng “tất cả phần khó khăn nhất được chuyển sang đàm phán giai đoạn II, nhưng sẽ khó khăn hơn để đạt được thỏa thuận”.
“Ông Trump đang cố gắng chạy đua cho cuộc bầu cử tổng thống, nhưng phía Trung Quốc thì không, nên họ không phải vội”, chuyên gia kinh tế thuộc Công ty đầu tư tài chính Macquarie Capital (Hồng Kông) Larry Hu nhận định và cho rằng, có vẻ Trung Quốc “không mấy hào hứng” khi ký Thỏa thuận thương mại giai đoạn I được ký kết.
Còn chuyên gia Mỹ, nguyên cố vấn trưởng khác về châu Á của Barack Obama, Evan Medeiros hiện làm việc tại Đại học Georgetown thì nhận định, Trung Quốc đang thiếu hiểu biết về việc tâm trạng của nước Mỹ đã thay đổi như thế nào.
“Trung Quốc khao khát phát huy tầm ảnh hưởng của mình trên toàn cầu và muốn trở thành người thiết lập quy tắc thương mại toàn cầu, kiểm soát thông tin, tiêu chuẩn thương mại và tài chính. Họ cũng đã xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông, can thiệp vào cộng đồng 45 triệu người Hoa ở hải ngoại”, ông Evan Medeiros cho biết.
Việt Nam chịu ảnh hưởng như thế nào khi Mỹ-Trung đạt thỏa thuận?
Trong bài phân tích GS. TSKH Nguyễn Mại đã tiến hành tổng hợp những dự đoán, phân tích, quan điểm liên quan đến hai mặt phát triển của sự việc khi Mỹ và Trung Quốc đạt được Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, đặc biệt là ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế Việt Nam hiện tại và trong tương lai gần.
Đối với Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu theo dõi, dự báo tình hình, đề ra các kịch bản và giải pháp ứng phó với những biến động bất thường trong thương chiến.
“Do vậy, nước ta đã chủ động trong hội nhập, đầu tư và thương mại quốc tế, đồng thời tăng cường nguồn lực quốc gia, năng lực chống chịu, với sự linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô, nên về cơ bản, dù tình hình chính trị, kinh tế và thị trường thế giới diễn biến khá phức tạp, khó khăn ở trong nước không hề nhỏ, nhưng năm 2019 tiếp tục đạt được thành tựu kinh tế - xã hội to lớn”, GS. TSKH Nguyễn Mại nêu rõ trong bài phân tích trên báo Đầu Tư.
Đặc biệt, phải kể đến thành tựu bất ngờ của nền kinh tế Việt Nam khi năm 2019, kim ngạch thương mại quốc tế của Việt Nam đạt hơn 500 tỷ USD, xuất siêu gần 10 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 20,4 tỷ USD.
Nhiều chuyên gia khẳng định, Việt Nam đã đủ năng lực về nhân lực chất lượng cao với chi phí hợp lý để tiếp nhận một số nhà máy FDI chuyển từ Trung Quốc đến.
Việc các doanh nghiệp Trung Quốc đổ vào đầu tư ở Việt Nam tăng nhanh chóng để vừa tránh được mức thuế quan rất cao của Mỹ, lại tận dụng được nguyên tắc xuất xứ từ Việt Nam tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Điều đáng mừng là những lo ngại về hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn sang Việt Nam bóp chết sản xuất trong nước đã không diễn ra, bởi Việt Nam đã có đủ năng lực sản xuất sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, có thể tự tin “đấu” với hàng hóa của Trung Quốc.
Như vậy, ngoài việc cần nâng cao năng lực theo dõi, giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng, còn phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các chủ doanh nghiệp về ý thức chấp hành luật pháp, tuân thủ cam kết quốc tế, bao gồm nguyên tắc xuất xứ sản phẩm, không móc nối với doanh nghiệp nước ngoài để trục lợi bất chính.
Nhìn chung, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn I sẽ ít nhiều có tác động đến kinh tế, đầu tư và thương mại quốc tế của Việt Nam.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 47,52 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ đạt 12,75 tỷ USD, lần lượt tương ứng gấp 5 lần và 8 lần so với năm 2007 sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Năm 2018, Việt Nam xuất siêu 34,77 tỷ USD và Mỹ chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Việt Nam xếp ở vị trí thứ 6 trong số các nước xuất siêu vào thị trường Mỹ.
Nếu tiếp tục giữ tốc độ gia tăng như thời gian qua, Việt Nam có thể xuất siêu nhiều hơn nữa. Vấn đề này cần được Bộ Công thương nghiên cứu, lưu ý để hướng dẫn các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường này tuân thủ các quy tắc nhập khẩu hàng hóa của Bộ Thương mại Mỹ, hạn chế gặp phải các vụ kiện bán phá giá, kịp thời có giải pháp xử lý khi thấy dấu hiệu gây khó khăn cho hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Đước biết, Đạo luật Xúc tiến và Tăng cường thương mại ban hành năm 2015 của Mỹ quy định, cơ quan quản lý nước này cần phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn, thỏa mãn các tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.
Trong Báo cáo tháng 1.2020 của Bộ Tài chính Mỹ, các tiêu chí này được lượng hóa cụ thể như sau: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Sở dĩ Việt Nam tiếp tục lọt vào danh sách này là do đáp ứng một tiêu chí về thặng dư thương mại song phương (Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ 47 tỷ USD), còn các yếu tố khác như thặng dư cán cân vãng lai chỉ tương đương 1,7% GDP; can thiệp mua ròng trên thị trường ngoại tệ tương đương 0,8% GDP.
Thị trường chứng khoán thế giới phản ứng khá nhạy bén trước diễn biến quan hệ Mỹ - Trung. Trước thông tin ký kết Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn I, kết thúc hai phiên ngày 12 và 13.12.2019, chỉ số Dow Jones tăng 0,8%, chỉ số S&P 500 tăng 0,81%, NASDAQ tăng 0,93%. Tại châu Á, ngày 13.12.2019, các chỉ số thị trường chứng khoán của Hồng Kông tăng 2,11%, Trung Quốc (Shanghai Composite) tăng 1,78%. Biến động của thị trường chứng khoán thế giới sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dự kiến, quan hệ Mỹ - Trung sẽ còn có những diễn biến khó lường bởi cách tiếp cận từng vấn đề trong quan hệ giữa hai nước vẫn còn khoảng cách khá lớn, trong bối cảnh niềm tin giảm sút. Cách đối phó hữu hiệu nhất với tình hình là theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin, lên kịch bản ứng phó, trang bị kiến thức cho các chủ doanh nghiệp có quan hệ thương mại với hai nước để gia tăng năng lực thích ứng với mọi tình huống.