Chờ đợi gì ở nền kinh tế Việt Nam 2020?

Nếu thành công, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn không chỉ với xuất khẩu mà còn với cả nền kinh tế Việt Nam. Trước những cuộc chơi của các ông lớn, tình hình thế giới phức tạp, Việt Nam làm gì để vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới?
Sputnik

Tổng quan nền kinh tế Việt Nam 2019

Nền kinh tế Việt Nam trong năm qua 2019 đã ghi nhận đà tăng trưởng tích cực với việc GDP tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra (từ 6,6% - 6,8%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt 500 tỷ đô la Mỹ; 138,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký bình quân doanh nghiệp đạt 12,5 tỷ đồng, mức kỷ lục trong những năm gần đây… Đây là nền tảng tốt cho nền kinh tế đất nước trong năm 2020.

Liệu Mỹ có gây khó cho kinh tế Việt Nam 2020?

Dù vẫn còn đó những khó khăn, thách thức tiềm ẩn đối với đất nước, nhưng nhìn chung về triển vọng, hầu hết các chuyên gia đều có chung quan điểm cho rằng, bức tranh kinh tế Việt Nam trông đợi những gam màu tươi sáng hơn. Đặc biệt, nhìn từ góc độ thể chế, có cơ sở để hy vọng về một thời kỳ mới của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020.

Năm 2019, GDP Việt Nam tăng 7,02% ( số liệu từ Tổng cục Thống kê). Dù vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong và ngoài nước, Việt Nam vẫn trải qua năm thứ hai liên tiếp đạt tăng trưởng kinh tế trên 7%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,9%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%.

Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%. Khu vực dịch vụ chiếm 41,64%. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91% (đối chiếu với cơ cấu tương ứng của năm 2018 lần lượt là: 14,68%; 34,23%; 41,12%; 9,97%).

Năm qua, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018; giá trị nhập khẩu đạt 253,51 tỷ USD, tăng 7%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 516,96 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam 2019 lại tiếp tục khiến thế giới phải bất ngờ

Cả nước có 138.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 5,2%) với tổng vốn đăng ký là 1,73 triệu tỷ đồng (tăng 17,1%). Ngoài ra, trong năm qua, 39.400 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động và 43.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 1,4% so với tháng trước. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 3,42%. Điều này là do đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi đã làm giảm nguồn cung thịt lợn, khiến giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thay thế thịt lợn tăng.

Tuy nhiên, CPI bình quân năm 2019 vẫn nằm trong tầm kiểm soát, tăng ở mức thấp. Cụ thể, bình quân năm 2019, CPI chỉ tăng 2,79% so với bình quân năm 2018, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. Đây cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua.

Theo số liệu thống kê, cả nước có 54,7 triệu người lao động trên 15 tuổi có việc làm, với 19 triệu người ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; 16,1 triệu người ở khu vực công nghiệp và xây dựng; 19,6 triệu người làm việc ở khu vực dịch vụ.

Năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước là 1,98%, trong đó khu vực thành thị là 2,93%; khu vực nông thôn là 1,51%. Ở đây đã ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong tình hình lao động. Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm, thu nhập của người lao động làm công hưởng lương theo chiều hướng tăng.

Triển vọng của nền kinh tế Việt Nam 2020

Dù vẫn còn đó những khó khăn, thách thức tiềm ần, nền kinh tế Việt Nam vẫn trông đợi nhiều lạc quan trong năm 2020. Theo nhiều chuyên gia, năm nay 2020, những điểm tắc nghẽn về đầu tư công trong năm trước sẽ được giải quyết, qua đó vốn sẽ được giải ngân nhiều hơn. Đây sẽ là động lực thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng cao…

Kinh tế Việt Nam lập kỷ lục mới

Năm 2020 có thể coi là năm bản lề của kinh tế - xã hội Việt Nam, năm có ý nghĩa lớn với hệ thống ngân hàng và cũng là mốc quan trọng của thị trường chứng khoán. Năm 2020 là cột mốc 2 năm thị trường chứng khoán hoạt động theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, yêu cầu quy mô thị trường chứng khoán phải tăng cả về chất và lượng để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Đây cũng là năm có ý nghĩa lớn đối với ngành Ngân hàng khi hệ thống ngân hàng phải kết thúc giai đoạn tái cơ cấu xử lý nợ xấu; 100% ngân hàng thương mại cổ phần phải hoàn thành thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch chính thức trên thị trường chứng khoán để chuẩn bị cho cuộc đua mới với những mục tiêu xa hơn.

Cùng với đó, thị trường bất động sản Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và quốc tế, thông qua một loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập.

Với các lĩnh vực như hàng không, du lịch, năng lượng tái tạo và giáo dục - đào tạo, năm 2020 là năm bước vào giai đoạn mới với sự cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi những bước đi vững chắc nhưng cũng không kém phần mạo hiểm. Đây đều là những lĩnh vực mới nổi, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.

Kinh tế tư nhân sẽ ngày càng đóng vai trò chủ đạo

Việc Chính phủ triển khai lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết số 02/NQ – CP (2020) về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cũng mang lại bầu không khí lạc quan hơn cho doanh nghiệp. Đây là động thái cho thấy thông điệp rất rõ ràng của Chính phủ trong việc quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trước thềm năm 2020.

Kinh tế Việt Nam đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc?

Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang trở thành trung tâm của cải cách. Theo đó, để tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp vững bước trong kinh doanh, làm ăn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP; Nghị quyết số 35/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững... Cùng với đó là nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về khoa học công nghệ, thị trường, nguồn nhân lực... Tất cả cho thấy tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Với sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của chính cộng đồng doanh nghiệp và quan tâm hỗ trợ từ chính quyền, sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực doanh nghiệp tư nhân đang ngày một phát huy, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.

Dự báo các kịch bản kinh tế 2020

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Trần Thị Hồng Minh đã đưa ra dự báo về 2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2020. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế có thể ở mức 6,86%, lạm phát bình quân ở mức 3,1%, tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt 8,12%, và thặng dư cán cân thương mại có thể vượt 1,9 tỷ USD. Với kịch bản lạc quan hơn, tăng trưởng kinh tế và lạm phát tương ứng có thể đạt 7,05% và 2,97%, tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt 8,74% và thặng dư cán cân thương mại đạt trên 4,6 tỷ USD.

Việt Nam gây bất ngờ với thế giới: Sự trỗi dậy của kinh tế tư nhân

Theo TS. Minh, Việt Nam đang tiến gần hơn đến thời kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mới. Công tác chuẩn bị nội dung định hướng cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đang diễn ra tích cực. Năm 2020 là thời điểm quan trọng để cụ thể hóa những nội dung định hướng ấy. Điều quan trọng cần làm là xử lý hài hòa những vấn đề kinh tế ngắn hạn trong năm 2020 và tạo nền móng cho việc xây dựng, thực hiện những giải pháp có tính chiến lược, dài hơi hơn.

Trong năm 2020, cơ hội và thách thức sẽ đan xen. Đó là những cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do mới, từ các nhà đầu tư nước ngoài, từ sự hứng khởi của các doanh nghiệp trong nước, hay khả năng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, vai trò Chủ nhà ASEAN, Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng sẽ mang lại thêm những cơ hội mới. Dù vậy, cũng cần nhìn nhận những khó khăn nội tại của nền kinh tế, ví dụ như chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng, yếu kém về hệ thống thông tin, thống kê cho điều hành trên không ít lĩnh vực, hay khả năng duy trì đà cải cách trên những lĩnh vực quan trọng như môi trường kinh doanh, Viện trưởng CIEM cho biết.

Trước tình hình mới của nền kinh tế trong và ngoài nước, Chính phủ cần tiếp tục tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, kết hợp với cải cách kinh tế vi mô. TS Minh cũng lưu ý một số vấn đề quan trọng cần đặc biệt lưu tâm: Thứ nhất, cần làm tốt công tác thông tin, dự báo cần kịp thời và hiệu quả hơn. Thứ hai, cần quyết liệt, làm việc thực chất trong cải cách và hội nhập kinh tế. Thứ ba, cần tiếp tục định vị Việt Nam trong kinh tế toàn cầu và khu vực để có hướng phát triển, hợp tác phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Khơi thông mọi nguồn lực để phát triển bền vừng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, một đất nước phát triển, đạt thành quả kinh tế cao thì thành quả ấy phải lan tỏa sâu rộng để bất kể người dân nào cũng đều được thụ hưởng.

Theo ông Dũng, để phát triển bền vững, cần thiết phải khơi thông mọi nguồn lực. “Về tổng quát, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cải cách hành chính phải tiếp tục để cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp , tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn lực, đất đai, khoa học công nghệ. Tất cả là để thu hút đầu tư, giúp doanh nghiệp, người dân yên tâm bỏ vốn ra đầu tư, kinh doanh, khơi thông được nguồn lực, tiềm năng của xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Khát vọng thịnh vượng và đánh giá bất ngờ về nền kinh tế Việt Nam

Nhà nước phải có những cơ chế, chính sách giúp hình thành doanh nghiệp có quy mô lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế. Những doanh nghiệp lớn đó sẽ tạo ra một lực lượng đóng vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nghề theo hướng lấy sản xuất, chế biến, chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo. Cùng với đó là xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực, cho ra lực lượng lao động có chất lượng, tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, đạt trình độ quốc tế và kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Chí Dũng, cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển, khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng cơ chế thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp liên kết, hợp tác, đổi mới, áp dụng công nghệ và tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, với quốc gia, dân tộc, hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: EVFTA là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam

Việc Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu (EP) vừa thông qua Nghị quyết đề nghị Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu với Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, nếu EVFTA thành công, đây sẽ là cú hích lớn đối việc quá trình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại (FTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên Minh châu Âu (EU) hôm 21.1 vừa qua.

Ủy ban Thương mại quốc tế thông qua EVFTA với Việt Nam

Với 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng (tương đương tỷ lệ phiếu 29/6/5), Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu (EP) nhất trí thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA).

Với thành công quan trọng này, Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ tiếp tục được đưa lên Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn tại phiên họp toàn thể của Nghị viện dự kiến diễn ra vào tháng 2 tới. Nếu được phê chuẩn, EVFTA sẽ được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Trong khi đó, Hiệp định EVIPA sẽ còn cần sự thông qua của nghị viện từng nước thành viên EU.

Đối với Việt Nam, Bộ Công thương đã hoàn thiện hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA vào đầu tháng 1.2020, đồng thời trình Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem xét, quyết định.

Bộ hồ sơ này, theo Luật Điều ước quốc tế sẽ phải được Chính phủ trình Chủ tịch nước và sau đó là Chủ tịch nước trình lên Quốc hội xem xét quyết định.

Về sự kiện quan trọng này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, EU là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam. Cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.

“Do vậy, nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là “cú hích” rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và con số này sẽ tương đương 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với việc không có Hiệp định.

Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020 và 33,06% vào năm 2025 cũng như mức 36,7% vào năm 2030.

Ở tầm vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (giai đoạn 2019-2023), tiếp đó là 4,57-5,30% (giai đoạn 2024-2028) và 7,07-7,72% (thời điểm 2029-2033).

Về tác động và tầm ảnh hưởng của EVFTA đối với xuất khẩu hàng hóa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: “Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ là rất đáng kể”.

Tư lệnh ngành Công thương nhấn mạnh, mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

“Việt Nam đang tiếp tục bước vào các giai đoạn hội nhập sâu rộng, sẽ tiếp tục thực thi nhiều cam kết có chiều sâu với mức độ cao hơn trước. Cùng với các cơ hội thì việc thực thi các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam như sức ép cạnh tranh, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của các nước nhập khẩu, các quy định về phòng vệ thương mại”, đồng chí Trần Tuấn Anh cho biết.

Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế
Với tình hình hiện tại, nhằm tranh thủ những cơ hội và tiềm năng của việc ký kết EVFTA, Bộ Công Thương đã và đang tham mưu với Chính phủ và chủ động cùng các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tập trung triển khai các nhóm giải pháp. Điển hình như tiếp tục rà soát và sửa đổi hệ thống pháp luật để thực thi cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác theo Bộ trưởng Bộ Công thương chính là, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi tư duy kinh doanh thích nghi với bối cảnh mới, tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin và linh hoạt trong việc tiếp cận, tận dụng cơ hội. Song song với đó, việc đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao rất quan trọng, là yếu tố không thể thiếu.

“Chỉ khi doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, đáp ứng các tiêu chí xuất xứ theo cam kết thì những ưu đãi thuế quan mới phát huy được hiệu quả thúc đẩy xuất khẩu, góp phần tăng trưởng kinh tế cho đất nước”, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.
Thảo luận