Nga nên sử dụng kinh nghiệm thời Liên Xô để nâng cao quan hệ với Việt Nam

70 năm trước, Liên Xô đã thiết lập quan hệ ngoại giao với một nhà nước độc lập trẻ tuổi - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sputnik

Trong nhiều thập kỷ qua, mối quan hệ này đã trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, nhưng Việt Nam luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của nhà nước Xô Viết và trong trái tim của người dân Liên Xô. Người Việt Nam không bao giờ quên sự hỗ trợ toàn diện của Liên Xô: sự ủng hộ trên trường quốc tế, việc cung cấp vũ khí và gửi chuyên gia quân sự, cung cấp thực phẩm, thuốc men và hàng tiêu dùng trong hai cuộc kháng chiến, tham gia tái thiết và xây dựng các cơ sở kinh tế quan trọng, khai thác các mỏ dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam, đào tạo đội ngũ chuyên gia người Việt trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, khoa học và văn hóa.

65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Nhìn lại sự giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam

Nhưng, thế giới đã thay đổi, Liên Xô tan rã, nước Nga kế thừa Liên Xô. Trong quan hệ giữa hai nước cũng có nhiều thay đổi. Đầu những năm 90, mối quan hệ này đã suy giảm đáng kể trong tất cả các lĩnh vực. Năm 1994, hai bên đã ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Liên bang Nga và CHXHCN Việt Nam.  Kể từ năm 2001, Nga và Việt Nam được liên kết bởi mối quan hệ đối tác chiến lược, vào năm 2012 mối quan hệ này đã phát triển đến mức đối tác chiến lược toàn diện. Tổng thống Nga Putin gọi Việt Nam là một trong ba đối tác chiến lược quan trọng nhất của Nga ở châu Á (cùng với Trung Quốc và Ấn Độ). Kể từ năm 2015, Nga với tư cách một thành viên của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), mà trong thành phần của tổ chức này còn có các quốc gia khác thuộc Liên Xô cũ (Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan), tham gia hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Quan hệ Nga-Việt trong lĩnh vực chính trị đang phát triển rất thuận lợi, hai quốc gia thường xuyên trao đổi phái đoàn ở cấp cao nhất và hỗ trợ lẫn nhau trên trường quốc tế, có mức độ tin cậy cao. Nhưng, sự hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác không phát triển tốt đẹp như vậy. Các nhà khoa học của hai nước đã phân tích đầy đủ và toàn diện nhất về tình trạng hiện tại và các vấn đề trong sự tương tác Nga-Việt tại cuộc hội thảo bàn tròn với chủ đề “70 năm hợp tác Nga-Việt,” ở Matxcơva tại trụ sở Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga).

Ảnh hưởng của Nga tại Việt Nam đã giảm đáng kể, - giám đốc Viện Hồ Chí Minh tại Đại học St. Petersburg, Giáo sư Vladimir Kolotov nhận xét. Ông cho rằng, nguyên nhân của điều đó là quản lý hành chính công chất lượng thấp, thiếu sự quan tâm thực sự tới Việt Nam, các thỏa thuận chung chỉ mang tính hình thức và thiếu sự tham gia của các nhà Đông phương học trong quá trình chuẩn bị những văn kiện này. Người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Vladimir Mazyrin cho biết thêm:

Sự bất ngờ không thú vị dành cho người Mỹ: Xe tăng Liên Xô PT-76 ở Việt Nam
“Nga và Việt Nam có cách tiếp cận khác nhau đến việc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, và điều này hạn chế khả năng tương tác giữa hai nước. Việt Nam đang tích cực thu hút đầu tư nước ngoài và đang tìm cách lọt vào nhóm các nước phát triển, còn Liên bang Nga phải đối phó các lệnh trừng kinh tế của phương Tây, và các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của nền kinh tế Nga. Trong chính sách của Hà Nội, ưu tiên là lợi ích của phương Tây, chủ yếu là Mỹ, trong khi có các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga và các quốc gia, các công ty và ngân hàng vi phạm các lệnh trừng phạt. Kết quả là kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU đã giảm, chứng tỏ về điều đó là tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019. Do những lý do khách quan và những sai lầm của chính mình, Nga đã mất vị trí trước đây trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược. Rào cản chính cho việc Nga trở về vị trí cũ là sự cạnh tranh tăng mạnh tại Việt Nam, nước này đang biến thành công xưởng và trung tâm thương mại toàn cầu, do đó cuộc đấu tranh tranh giành những vị trí hàng đầu trên thị trường này ngày càng trở nên quyết liệt. Điều này để lại rất ít cơ hội cho các doanh nghiệp Nga, vốn có những ưu tiên và lợi ích khác. Ngoài ra, tiềm năng kinh tế của Việt Nam dần dần bắt kịp Nga, do đó nhu cầu của Việt Nam về sự hợp tác với Nga cũng giảm dần, ngoại trừ hợp tác kỹ thuật quân sự”.

Chuyên gia Sergei Ryazantsev, Giám đốc Viện nghiên cứu chính trị xã hội thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga cho biết, sự quan tâm của Việt Nam đến nước Nga đã giảm, chứng tỏ về điều đó là số người Việt sống ở Nga và số lao động Việt Nam ở Nga đã giảm đi. Một trong những nguyên nhân là chính sách di cư nghiêm ngặt của Liên bang Nga đối với  công dân Việt Nam và đồng rúp của Nga rớt giá. Chế độ thị thực bất đối xứng là trở ngại cho sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong khoa học và giáo dục, và sự quan liêu thái quá làm cho các dự án của Nga không hấp dẫn đối với các doanh nghiệp vừa và lớn của Việt Nam.

Những người Nga chứng kiến cảnh đoàn quân giải phóng tiến về Hà Nội
Anatoly Sokolov, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga cho biết: “Nga đã không còn là nước ưu tiên của giáo dục đại học. Thanh niên Việt Nam đi học tại các trường đại học ở Mỹ, Úc, Nhật Bản, Tây Âu. Giáo dục bằng tiếng Anh cung cấp nhiều lợi thế cho sinh viên tốt nghiệp các trường đại học như vậy, đặc biệt là để tìm kiếm việc làm trên khắp thế giới. Mặc dù hệ thống giáo dục đại học ở Nga có trình độ cao và giá rẻ, và Nga cấp số lượng suất học bổng cho công dân Việt Nam lớn nhất trong số các quốc gia khác, nhưng, số lượng lưu học sinh Việt Nam tại các trường đại học Nga không tăng đáng kể, vì họ không thể tìm được việc làm với tiếng Nga ở Việt Nam ở bất cứ nơi nào ngoài ngành du lịch, và nếu họ ở lại Nga thì rất khó tìm việc làm chuyên ngành. Ngoài ra, giới trẻ Việt Nam chưa có thông tin đầy đủ về các cơ sở giáo dục ở Nga, khác với các trường đại học của châu Âu và châu Á”.

Anatoly Sokolov cũng lưu ý rằng, trong các hiệu sách Việt Nam không có sách tiếng Nga, không có phim Nga trong các rạp chiếu phim và trên truyền hình Việt Nam, không có vở kịch Nga trên sân khấu Việt Nam. Nhà phân tích chính trị Grigory Trofimchuk nhấn mạnh rằng, Việt Nam và Nga nên chiếm khoảng trống thông tin trên các phương tiện truyền thông của nhau, và cách phản ánh quan hệ song phương phải phù hợp với tinh thần của thời đại. Điều này đặc biệt đúng với truyền thông Nga, trong đó chủ đề Việt Nam hiện diện với số lượng rất nhỏ và chỉ về ngành du lịch.

Lãnh đạo các nước EAEU gửi gắm kỳ vọng phát triển mối quan hệ thương mại, kinh tế và các mối quan hệ khác với Việt Nam, mà đây là một trong những quốc gia hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á.

Người dân Nga làm quen với diện mạo văn hóa mới của Việt Nam
“Tuy nhiên, khi tuyên bố chuyển giao quyền hợp tác với Việt Nam từ Liên Xô sang Nga và với EAEU, các quốc gia thuộc Liên minh cần phải sử dụng những kinh nghiệm tốt nhất từ thực tiễn hợp tác dưới thời Liên Xô, vì khi đó sự hợp tác song phương thực sự năng động, đa dạng và hướng tới tương lai”, - Giáo sư Khoa Kinh tế và Chính trị Thế giới tại Trường Đại học Kinh tế cao cấp, ông Evgeny Kanaev nói.

Điều đó đòi hỏi ý chí chính trị, quyết tâm và tính toán chính xác. Các nhà Đông phương học, nhà kinh tế và nhà khoa học chính trị, nhà sử học và nhà khoa học văn hóa đưa ra nhiều giải pháp và dự án khác nhau để đưa quan hệ Nga-Việt lên một tầm cao mới. Hy vọng rằng, ý kiến của họ sẽ được lắng nghe.

Thảo luận