Bộ Y tế và Chính phủ Việt Nam khẳng định kiểm soát dịch viêm phổi và điều trị tốt cho các bệnh nhân nhiễm coronavirus. Cùng với đó, ASEAN và Trung Quốc sẽ họp khẩn phòng chống dịch coronavirus (Covid-19).
Việt Nam chữa khỏi coronavirus cho công dân Trung Quốc
Ngày 12.2, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, BSCKII Nguyễn Tri Thức cho biết bệnh nhân Li Ding (66 tuổi, đến từ Vũ Hán, Trung Quốc) sau thời gian điều trị hiện đã khỏi bệnh. Bệnh nhân sẽ được xuất viện trong chiều nay.
Trước đó, làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chủ trì, bác sĩ Thức cho biết sức khỏe bệnh nhân Li Ding ổn định, tỉnh táo, tự ăn uống, sinh hoạt bình thường và không cần sử dụng máy thở.
Ngày 22.1, ông Li Ding cùng con trai đến khám tại bệnh viện Chợ Rẫy và được tư vấn nhập viện. Bệnh nhân khi đó nhiễm virus corona với nhiều bệnh nền như đái tháo đường, huyết áp, ung thư phổi đã phẫu thuật, bệnh mạch vành đã đặt stent.
Sau thời gian được chăm sóc, điều trị, ngày 30/1, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1. Lần xét nghiệm thứ hai của bệnh nhân lại cho kết quả dương tính. PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM giải thích, xét nghiệm lần 1 âm tính có thể do lấy mẫu ngay sau khi bệnh nhân vừa súc họng. Vì vậy, lần xét nghiệm thứ 2 của bệnh nhân vẫn có kết quả dương tính. Tuy vậy, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục tốt. Các bệnh lý nền như đái tháo đường, tim mạch cũng được kiểm soát tốt.
Trong lần xét nghiệm mới đây, ông Li Ding đã có kết quả xét nghiệm âm tính và có thể xuất viện trong chiều nay.
Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, PGS Lương Ngọc Khuê cho biết bệnh nhân Li Ding là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền, quá trình điều trị phải kết hợp nhiều khoa, chuyên môn khác nhau. Đây cũng là một kinh nghiệm được Việt Nam rút ra sau dịch SARS.
Về phần mình, bác sĩ Thức cho biết 28 người tiếp xúc cha con ông Li Ding đều đã trải qua 14 ngày cách ly, tất cả đều trong tình trạng khỏe mạnh. Nữ điều dưỡng tiếp xúc cha con ông Li trong 1,5 phút, khi phát hiện họ đến từ Vũ Hán (Trung Quốc), đã kịp thời kích hoạt hệ thống thông báo dịch nCoV. Cô cũng trải qua 14 ngày cách ly và đã quay trở lại làm việc từ ngày 8.2.
Vợ ông Li Ding, bà Hu Xiao Lan, có kết quả âm tính với nCoV, hiện đang sống cùng con trai sau thời gian cách ly tại Bệnh viện Quận 11.
Vĩnh Phúc theo dõi 38 học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở
Ngày 11.2, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc Phạm Khương Duy đã thông báo kết quả kiểm tra về công tác quản lý, chỉ đạo và hoạt động triển khai phòng, chống dịch bệnh do chủng mới do virus corona gây ra.
Theo đó, trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Bình Xuyên) có một học sinh lớp 10 dương tính với nCoV. Tại trường Tiểu học Gia Khánh B (huyện Bình Xuyên) có hai giáo viên có chồng tiếp xúc trực tiếp với người dương tính với nCoV. Trường Mầm non Quang Minh có 4 học sinh là cháu ruột một bệnh nhân dương tính với nCoV, có tiếp xúc người này. Trường THCS Sơn Lôi cũng có 1 học sinh tiếp xúc bệnh nhân dương tính.
Tất cả giáo viên và học sinh trên địa bàn các xã có người dương tính với nCoV đều được đánh giá là nằm trong vùng dịch.
Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, hiện đã thống kê được 38 học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Trong đó, chỉ riêng tại huyện Bình Xuyên có đến 26 học sinh có biểu hiện trên. Hiện những em này được cơ sở y tế địa phương, gia đình và nhà trường phối hợp theo dõi sát sao tình hình sức khỏe.
Tại các xã có bệnh nhân dương tính với nCoV, nhà trường sẽ phối hợp chính quyền địa phương và cơ quan y tế nhằm triển khai cách ly kịp thời, kết hợp theo dõi các giáo viên, học sinh trong trường hợp có tiếp xúc bệnh nhân.
Trước đó, ông Nguyễn Việt Hà, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, cho biết một số học sinh tiếp xúc gần với em N.T.T.D. đang được cách ly tập trung tại các cơ sở y tế của tỉnh. Em D. là học sinh trường THPT Võ Thị Sáu, đã được xác định dương tính với virus corona hôm 6.2.
Về phần mình, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc, cũng khẳng định 6 học sinh của trường THPT Võ Thị Sáu có tiếp xúc gần bệnh nhân nhiễm virus corona hiện đã được cách ly tập trung. Hiện tại sức khỏe của 6 em đều ổn định. Những học sinh khác trong lớp được theo dõi sức khỏe tại nhà.
Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh về nguyên nhân gây bệnh và các biện pháp phòng chống dịch nCoV qua nhiều hình thức: Phối hợp trực tiếp, phát tờ rơi, treo pano, gửi tin nhắn qua Zalo.
Trường, lớp được triển khai phun thuốc khử trùng theo kế hoạch. Những trường đã phun thuốc lưu ý thời gian thuốc hết hiệu quả để lên lịch phun đợt tiếp theo.
Trường học thường xuyên duy trì liên hệ với gia đình học sinh, tổ chức cho giáo viên duy trì vệ sinh trường lớp, sinh hoạt chuyên môn, hướng dẫn học sinh học tập tại nhà.
Diễn biến tình hình dịch bệnh được cơ quan quản lý thường xuyên cập nhật qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cơ quan chức năng cũng phổ biến các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn cho toàn thể giáo viên trên địa bàn địa phương.
ASEAN và Trung Quốc sẽ họp khẩn phòng chống dịch coronavirus (Covid-19)
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đang lên kế hoạch tổ chức cuộc họp khẩn, dự định diễn ra sớm nhất vào ngày 20.2 tới tại Lào để thảo luận về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới coronavirus gây nên.
Cuộc họp khẩn của các ngoại trưởng ASEAN với Trung Quốc nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin và tăng cường sự phối hợp giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại dịch viêm phổi Vũ Hán do coronavirus gây nên đã lấy đi 1.115 mạng người tính đến 11h ngày 12.2 theo giờ Hà Nội.
Trong một diễn biến liên quan, với tư cách nước chủ nhà ASEAN 2020, ngày 4.2, ngày 4.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo về hợp tác giữa các nước ASEAN nhằm đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-2019) gây ra.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng điều phối ASEAN, đã gửi thư đến các nước ASEAN thể hiện tinh thần phối hợp hành động chung phòng, chống dịch do chủng mới virus corona gây ra.
Việt Nam đã đề xuất ASEAN thành lập Nhóm công tác chung cấp Bộ trưởng với sự tham gia của các cơ quan về vận tải, xuất nhập cảnh, kiểm soát biên giới, lãnh sự và sẽ sớm tổ chức họp trực tuyến để kịp thời chia sẻ thông tin và điều phối hành động của các nước thành viên ASEAN, thể hiện tinh thần đoàn kết của ASEAN.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong trao đổi điện đàm với người đồng cấp Việt Nam đánh đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp nhanh chóng, đồng bộ để ngăn chặn và phòng ngừa dịch bệnh lan rộng. Lãnh đạo quốc gia xứ vạn đảo tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và với năng lực ngành y tế đã được minh chứng, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng ngăn chặn thành công dịch bệnh này.
Ngày 6.2, phát biểu trong buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ động đề xuất và thúc đẩy các nỗ lực chung của ASEAN nhằm phối hợp ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
“Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên và quyết tâm đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Việt Nam đang tích cực triển khai các biện pháp để ứng phó và kiểm soát dịch. Đồng thời trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã chủ động đề xuất và thúc đẩy các nỗ lực chung của ASEAN nhằm phối hợp ứng phó hiệu quả với dịch bệnh”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Theo lời đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, từ ngày 30.1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh- với tư cách là Chủ tịch Hội đồng điều phối ASEAN đã gửi thư thông báo tới các nước ASEAN và đề xuất thành lập nhóm công tác chung cấp bộ trưởng nhằm tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin, điều phối hành động ứng phó dịch bệnh viêm phổi cấp.
“Việt Nam tiếp tục theo dõi sát sao với các diễn biến của dịch, trong trường hợp cần có điều chỉnh với các hoạt động năm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ thông báo, tham vấn với các nước thành viên, thực hiện dựa trên đồng thuận ASEAN, đảm bảo các hoạt động trong năm chủ tịch ASEAN diễn ra trong điều kiện an ninh, an toàn ở mức cao nhất”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Nói về phương hướng hành động và chính sách phòng chống dịch mà Việt Nam đã thực thi khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona có diễn biến vô cùng phức tạp, nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe cộng đồng, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết:
“Không ai mong muốn dịch bệnh lan rộng và lây lan nhanh trong thời gian tới. Tuy nhiên với diễn biến phức tạp và lây lan hiện nay rất rộng như vậy, chúng tôi nhận thức đây là vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là sức khỏe của nhân dân Việt Nam. Do đó chính phủ và nhân dân Việt Nam đã thành lập ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch để chỉ đạo điều hành phối hợp các bộ ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan chính phủ và các cơ quan liên quan, đặc biệt là các địa phương trong phòng chống dịch trên toàn quốc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.
“Chính phủ cũng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, phù hợp để phòng chống dịch, với mục đích không để dịch lây lan rộng và tiến tới kiểm soát được ở Việt Nam. Các biện pháp như chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt trong những ngày qua gồm cách ly, hạn chế xuất nhập cảnh ở vùng có dịch, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, cơ sở y tế đã được triển khai một cách kịp thời”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng thông tin khẳng định chính sách minh bạch, công khai, theo đó, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cộng đồng quốc tế để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của Việt Nam về các biện pháp phòng chống dịch, ngăn chặn dịch lan rộng.
Dịch coronavirus: Việt Nam kiểm soát và điều trị tốt
Trong cuộc họp sáng 12.2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra thông tin cho hay, lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo, biểu dương sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành, địa phương, các y bác sĩ, ý thức tham gia phòng chống dịch với trách nhiệm rất cao của mỗi người dân.
Phó Thủ tướng dẫn quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu của Chính phủ Việt Nam là phải quyết tâm ngặn chặn bằng được dịch bệnh, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, khoanh vùng dập dịch tại chỗ, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, cố gắng không để có trường hợp tử vong vì dịch bệnh.
Phát biểu sáng 12.2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tỏ ra khá lạc quan về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam là nước có nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, song đến thời điểm hiện tại, số ca nhiễm bệnh của nước ta ít, việc điều trị cũng rất khả quan.
Tại Việt Nam, số ca mắc bệnh đến thời điểm hiện tại là 15 người, trong đó 6 người đã khỏi bệnh, 1 bệnh nhân dự kiến cũng sẽ ra viện trong chiều nay. Hiện cả nước đang tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ 97 trường hợp không để lây nhiễm ra cộng đồng, đồng thời cách ly theo dõi 602 người do có tiếp xúc gần với người nghi nhiễm bệnh (những người này sức khoẻ bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho)
Phát biểu với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan khẳng định, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia ngăn ngừa dịch bệnh với ý thức rất cao của mỗi người dân, chúng ta đã làm tốt công tác sàng lọc, ngăn ngừa, cách ly người nghi nhiễm, tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng những khu vực nguy cơ lây nhiễm cao, hạn chế tập trung ở những nơi đông người. Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt.
Đối với Vĩnh Phúc (địa phương có nhiều người nhiễm bệnh nhất), các ý kiến đề nghị cần lập sở chỉ huy tiền phương, tăng cường bác sĩ từ trung ương, hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế về giúp địa phương khoanh vùng, dập dịch tại chỗ.
PGS. Lương Ngọc Khuê đề nghị các cơ quan chức năng của Vĩnh Phúc cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa các ý kiến chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng chống dịch Covid-2019. Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các trung tâm y tế huyện làm tốt việc phân tuyến, phân luồng để phát hiện kịp thời những trường hợp nghi ngờ, tiếp tục tập huấn thêm về chuyên môn trong điều trị bệnh nhân
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai chặt chẽ công tác cách ly, tiếp tục rà soát, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, xử lý các ổ dịch cẩn thận, triệt để theo đúng hướng dẫn giám sát của Bộ Y tế, cử đội phản ứng nhanh xuống “cắm chốt”, hỗ trợ, giám sát tại huyện Bình Xuyên
Đặc biệt, các thành viên Ban Chỉ đạo, trong đó có GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị cấp uỷ, chính quyền các địa phương tiếp tục quyết liệt, làm tốt công tác sàng lọc, cách ly y tế, bởi đây là “thời kỳ vàng” để tổ chức thực hiện cách ly ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, nhất là những người thuộc diện nghi ngờ phối hợp với cơ quan chức năng, thực hiện thật tốt công tác cách ly, bởi đối với mỗi người, thực hiện tốt công tác cách ly không chỉ là lợi ích, trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình, người thân của mình, mà còn là nghĩa cử cao đẹp với cả cộng đồng, xã hội. Sự chung tay của mỗi người dân thực hiện cách ly trong “thời kỳ vàng” sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.
“Trung ương và địa phương cùng phải dồn lực, tập trung mọi nguồn lực cho huyện Bình Xuyên, cả về phương tiện y tế, vật tư, thuốc sát trùng, nguồn nhân lực hỗ trợ cho huyện. Phải làm kiên quyết, khoanh vùng dập dịch cho bằng được”, cổng thông tin Chính phủ Việt Nam dẫn phát biểu của Phó Thủ tướng khẳng định.