Đồng thời, Vĩnh Phúc đã tiến hành cách ly hoàn toàn xã Sơn Lôi, Bộ Y tế cũng cử Tổ công tác đặc biệt về giúp địa phương chống dịch coronavirus.
Ca nhiễm coronavirus (Covid-19) thứ 16 tại Việt Nam là người Vĩnh Phúc
Tính đến 11h30 trưa ngày 13.2, Bộ Y tế xác nhận Việt Nam đã có 16 người nhiễm coronavirus (Covid-2019).
Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân nhiễm coronavirus thứ 16 là N.V.V, nam, 50 tuổi, ngụ tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông N.V.V là bố đẻ của bệnh nhân Nguyễn Thị Dự, nữ bệnh nhân là 1 trong 8 công nhân trở về từ Vũ Hán đã được báo cáo trước đây. Bệnh nhân N.V.V ở cùng nhà với bệnh nhân Dự trong thời gian lúc bệnh nhân cô gái 23 tuổi trở về Việt Nam từ Vũ Hán đến lúc được nhập viện cách ly.
Hiện tại, cả mẹ, và em gái của Dự cũng đã được xác định dương tính với coronavirus và được điều trị tại cơ sở y tế.
Bộ Y tế cho hay, cả gia đình 4 người của nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Dự đều đã lây bệnh viêm phổi cấp do coronavirus từ chính cô gái trở về từ Vũ Hán.
Bộ Y tế thông tin cho hay, sau khi xác định được vợ và hai con gái của ông N.V.V đều dương tính với coronavirus, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh ở Vĩnh Phúc đã đưa bệnh nhân V vào danh sách người tiếp xúc gần, được cách ly và theo dõi sức khỏe hàng ngày.
Đáng chú ý, trong quá trình theo dõi, bệnh nhân không có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Tuy nhiên, ngày 11.2, bệnh nhân N.V.V cảm thấy mệt mỏi thoáng qua, được cán bộ y tế ghi nhận, lấy mẫu và gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm kiểm tra có dương tính với coronavirus hay không. Đến ngày hôm nay, 13.2, kết quả cho thấy ông N.V.V có lây nhiễm coronavirus.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh nhân V. được cách ly tại Phòng khám Đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và hiện vẫn trong tình trạng sức khoẻ ổn định.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 16 người nhiễm coronavirus. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc có 11 trường hợp. Việt Nam đồng thời cũng đã chữa khỏi cho 7/16 bệnh nhân.
“Tại các địa bàn phát hiện các ca bệnh, chính quyền địa phương và tiến hành theo dõi, giám sát chặt chẽ những người có tiếp xúc gần với những bệnh nhân này. Một số người nghi mắc bệnh tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm”, Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bé 3 tháng tuổi nhiễm coronavirus ở Vĩnh Phúc giờ ra sao?
Liên quan tình hình sức khỏe bệnh nhi N.G.L, 3 tháng tuổi, được xác nhận là ca dương tính với coronavirus thứ 15 của Việt Nam hôm 11.2, hôm nay (13.2), đại diện Sở Y tế Vĩnh Phúc thông tin cho hay, để nữ bệnh nhi được điều trị trong điều kiện tốt nhất, tối 11.2, N.G.L đã được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Sáng 13.2, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương PGS.TS Trần Minh Điển thông tin cho biết, khi được chuyển lên Bệnh viện, cháu bé được nằm trong phòng cách ly chặt chẽ, cẩn thận. Theo khẳng định của vị lãnh đạo cơ sở y tế, đây là một trong 5 phòng cách ly tiêu chuẩn của cả Việt Nam, đảm bảo không lây nhiễm được ra môi trường, không lây nhiễm cho cán bộ y tế, đảm bảo tốt nhất về phòng hộ.
Về tình trạng sức khỏe của bệnh nhi N.G.L, 3 tháng tuổi, PGS Trần Minh Điển cho hay, hiện cháu bé ổn định, không sốt, không ho, cháu ăn uống tốt. Hiện bệnh nhi đang trong giai đoạn chờ hồi phục. Trao đổi với VOV, PGS Trần Minh Điển cũng cho biết, khi tiếp nhận cháu bé vào điều trị, Bệnh viện cũng phân công chặt chẽ, nhằm đảm bảo không lây nhiễm ra nhiều người chăm sóc. Cụ thể, Bệnh viện cũng cử 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng để họ thay phiên nhau chăm sóc 2 mẹ con cháu bé. Các bác sĩ và điều dưỡng cũng được bệnh viện cho cách ly tại khu vực lưu của bệnh viện.
“Chúng tôi cố gắng trong tiêu chuẩn chặt chẽ nhất và không ảnh hưởng đến môi trường của bệnh viện, tránh nguy cơ virus phát tán”- PGS Trần Minh Điển phát biểu.
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đồng thời khẳng định, tỷ lệ trẻ em nhiễm coronavirus ở Trung Quốc và toàn thế giới hiện rất ít, tỷ lệ thấp.
“Trong 1 báo cáo ngày 30.1 của Trung Quốc và Tạp chí Nhi khoa quốc tế, trong số 9.000 người xác định nhiễm Covid-19 (nCoV), chỉ có 28 trẻ em xác định (chiếm 0,3%) và hầu hết tình trạng bệnh của trẻ nhiễm đều nhẹ, hoặc không triệu chứng”- ông Trần Minh Điển thông tin.
Trên cơ sở thống kê này, vị chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên quá hoang mang, lo lắng sợ lây nhiễm cho trẻ nhỏ.
Việt Nam sẽ sớm có bộ sinh phẩm chẩn đoán nhanh coronavirus (Covid-2019)
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, với việc phân lập thành công chủng mới coronavirus 2019 (Covid-2019), Việt Nam là một trong 4 nước thực hiện thành công việc nuôi cấy và phân lập chủng virus mới gây viêm phổi Vũ Hán này.
Trả lời báo chí, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay, sau khi phân lập thành công coronavirus chủng mới, Việt Nam hiện đã có những chứng dương để hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm chẩn đoán nhanh cho người nhiễm corona (Covid-2019).
“Hiện có 22 cơ sở đủ điều kiện để thực hiện xét nghiệm virus corona chủng mới (Covid-2019). Tuy nhiên trước khi chuyển giao công nghệ xét nghiệm, viện có kế hoạch tập huấn, đánh giá cơ sở vật chất, nhân lực, đặc biệt về an toàn sinh học các phòng xét nghiệm”, GS.TS Đặng Đức Anh nhấn mạnh.
Theo vị lãnh đạo, hiện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đang phối hợp, cung cấp chứng dương cho các nhóm nghiên cứu của Học viện Quân Y, Viện Kiểm định vắc-xin và Sinh phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội nhằm hỗ trợ các đơn vị này trong nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm chẩn đoán nhanh coronavirus.
“Sau khi các nhóm có những bộ sinh phẩm hoàn chỉnh, Viện sẽ phối hợp để đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu của những bộ sinh phẩm này. Hiện tại, các nhóm hiện đang hoàn thiện sản phẩm của mình. Hy vọng trong thời gian gần nhất, chúng ta sẽ có những bộ sinh phẩm có thể sử dụng”, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định.
Bên cạnh đó, GS.TS Đặng Đức Anh cũng cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về động lực của coronavirus, từ đó đưa ra hướng nghiên cứu về kháng thể cũng như tiến tới khả năng Việt Nam có thể sản xuất vắc-xin phòng Covid -19 trong tương lai tới đây.
Các chuyên gia hàng đầu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đang nghiên cứu kỹ hơn về trình tự gen của coronavirus đã phân lập được ở Việt Nam, từ đó đánh giá độ tương đồng của chủng virus phân lập ở Việt Nam so với virus ở Trung Quốc và các nước khác.
Đánh giá về khả năng và kế hoạch triển khai xét nghiệm ở tuyến tỉnh, Viện trưởng cho hay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có kế hoạch tập huấn cho tuyến địa phương cũng như một số bệnh viện. Sau khi tập huấn, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ có những đánh giá cụ thể về trang thiết bị, nhân lực, điều kiện an toàn sinh học, độ chính xác, độ nhạy, độ đặc hiệu của những xét nghiệm được thực hiện ở mỗi đơn vị. Địa phương, đơn vị nào đạt đủ điều kiện mới có thể thực hiện xét nghiệm coronavirus ngay tại chỗ.
“Việc các địa phương, bệnh viện trực tiếp xét nghiệm sẽ giúp rút ngắn thời gian xét nghiệm, góp phần giảm số lượng bệnh phẩm gửi về tuyến trung ương”, GS.TS Đặng Đức Anh chia sẻ cho biết, đồng thời cũng chia sẻ, ở Viện làm việc 24/24, có mẫu bệnh phẩm đến là đều xử lý ngay.
Cách ly xã Sơn Lôi, Bộ Y tế lập đoàn công tác đặc biệt về Vĩnh Phúc
Từ sáng 13.2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nơi tâm dịch coronavirus của Việt Nam đã công bố quyết định cách ly hoàn toàn xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên).
Theo quyết định này, khoanh vùng cách ly, thực hiện kiểm soát y tế khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, việc khoanh vùng cách ly bắt đầu thực hiện từ ngày 13.2, áp dụng với toàn bộ người dân, công nhân, người thuê trọ ở xã Sơn Lôi nơi đã có 5 người nhiễm coronavirus.
Huyện Bình Xuyên - xã Sơn Lôi sẽ thiết lập 8 chốt kiểm soát với nhiệm vụ cách ly hoàn toàn địa phương này trong thời gian 20 ngày.
Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh cũng thực hiện ngay chính sách hỗ trợ cho người dân trong giai đoạn bị cách ly. HĐND tỉnh đã quyết nghị mức hỗ trợ 40.000 đồng/ngày đối với mỗi người dân trong xã Sơn Lôi trong thời gian bị cách ly, hỗ trợ mức 60.000 đồng/ngày với mỗi hộ dân trong xã bị đưa tới điểm cách ly tập trung.
“Đó là những chính sách cần ban hành ngay để có thể chăm lo đời sống cho bà con. Cũng ngay trong chiều 12-2, tôi đã chỉ đạo Sở Công thương, Liên minh các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh phối hợp, triển khai cung ứng các nguồn hàng thiết yếu đưa đến tận xã Sơn Lôi. Tất cả các mặt hàng cung ứng cho xã Sơn Lôi trong thời gian này cũng phải đảm bảo bình ổn giá, để đời sống của người dân không xáo trộn”, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết.
Về Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, Bộ đã cử Tổ công tác đặc biệt về Vĩnh Phúc gồm Tổ công tác đặc biệt và 2 đội phòng chống dịch (một đội phụ trách công tác dự phòng, một đội phụ trách công tác điều trị) trực tiếp xuống Vĩnh Phúc hỗ trợ thực hiện các biện pháp ứng phó, dập dịch.
“Tổ Công tác đặc biệt này sẽ trực làm việc ở Vĩnh Phúc 24/24h, đến khi nào tình hình dịch bệnh ở địa phương ổn định mới rút về”, Thứ trưởng Tuyên khẳng định.
Đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện đối với Vĩnh Phúc, ưu tiên nhất là phải làm tốt công tác khoanh vùng, ngăn ngừa lây lan. Với những xã có bệnh nhân, cần thành lập các trạm kiểm soát, kiểm dịch mọi phương tiện ra vào, phun thuốc khử trùng.
Theo đó, để hỗ trợ Sơn Lôi ứng phó với dịch coronavirus, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch đã yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc triển khai khoanh vùng bằng biện pháp thành lập các chốt kiểm soát, với các thành phần là đại diện chính quyền, đoàn thể, công an, dân quân tự vệ để kiểm soát tất cả các phương tiện ra vào. Các phương tiện ra vào sẽ được phun thuốc tiêu trùng khử độc. Các chốt này sẽ hoạt động đến khi địa phương khống chế được dịch bệnh.
“Vĩnh Phúc phải đặc biệt làm tốt công tác phân loại, giám sát, cách ly đối với những đối tượng tiếp xúc gần”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Bộ Y tế cho hay, Bộ đã hỗ trợ vật tư, hóa chất phòng chống dịch và cử Tổ công tác thường trực phòng chống dịch hỗ trợ địa phương, cam kết đồng hành cùng tỉnh Vĩnh Phúc phòng chống dịch bệnh triệt để, không để lây lan rộng ra cộng đồng.
Hiện tại, Vĩnh Phúc có 311 người đang được cách ly, 104 người xét nghiệm âm tính với coronavirus. Tuy nhiên, còn 252 người tiếp xúc gần với các bệnh nhân nhưng không xuất hiện triệu chứng, vẫn đang được giám sát y tế tại nhà.
“Bộ đã phân tuyến điều trị tại các cấp, đặc biệt chúng tôi tập trung theo phương châm 4 tại chỗ là phát hiện, chẩn đoán, cách ly, theo dõi tổ chức ở các tuyến. Nhất là tại tuyến huyện, là tuyến cơ sở đầu tiên, sau đó mới đến các tuyến trên. Bộ Y tế đề nghị người dân khi có biểu hiện nghi ngờ hãy đến các tuyến y tế cơ sở để khám. Bộ Y tế cũng có những đội phản ứng nhanh để hỗ trợ các địa phương nếu họ gặp khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh và chẩn đoán cho người dân”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định.