Triển khai lực lượng theo đặt hàng
Theo cổng thông tin Defense Defense, quyết định loại bỏ 2 tàu sân bay làm phế liệu, sẽ thay đổi chiến thuật của Hải quân Mỹ trên toàn thế giới. Nếu hiện giờ người Mỹ có thể liên tục có mặt tại các khu vực trọng yếu trên đại dương, thì trong tương lai các nhóm tấn công dựa trên tàu sân bay sẽ biến thành các "đội chữa cháy" và hành động theo "tình thế".
"Mô hình triển khai hiện tại được thiết kế cho 15 tàu sân bay, - ông Jerry Hendricks, sĩ quan hải quân nghỉ hưu, nhà phân tích của Telemus Group, nói với các phóng viên. - Với 9 chiếc hàng không mẫu hạm, chỉ có thể sử dụng 6 hoặc 7 chiếc cùng một lúc, vì số còn lại đang trải qua quá trình sửa chữa và bảo trì theo lịch trình tại bến cảng. Điều này có nghĩa là từ sự hiện diện liên tục của các tàu chiến lớp này ở Trung Đông và Thái Bình Dương, Hải quân sẽ chuyển sang triển khai định kỳ lực lượng cho các nhiệm vụ cụ thể, hoặc trong trường hợp khẩn cấp".
Theo chuyên gia này, chỉ huy nhóm quân đội Mỹ ở các khu vực khác nhau trên hành tinh có thể nhận được sự hỗ trợ từ nhóm tấn công tàu sân bay chỉ khi cần thiết, hoặc khi họ sẵn sàng triển khai.
Người đứng đầu Lầu năm góc, Mark Esper, tuyên bố vào tháng 3 ông quan tâm đến một lực lượng Hải quân thu nhỏ hơn. Trong những tháng tới, cấu trúc mới của hải quân sẽ được hình thành thông qua các cuộc tập trận, diễn tập, và cuối cùng sẽ được phê duyệt vào mùa hè này. Tuy nhiên, việc giảm số lượng tàu sân bay không có nghĩa là sự hết thời của chúng.
"Các cuộc thảo luận về các hàng không mẫu hạm thường đi theo hai luồng ý kiến tuyệt đối: hoặc không có, hoặc cần đến 11 chiếc, - theo ông Mark Esper, - Nhưng tôi nghĩ những con tàu này rất quan trọng theo cách riêng. Chúng chứng tỏ sức mạnh, uy tín của nước Mỹ, thu hút sự chú ý của mọi người. Đây là một sự răn đe quan trọng. Chúng đem lại những cơ hội tuyệt vời".
Đóng thêm tàu khu trục
Các chuyên gia quân sự được Sputnik thăm dò, đồng ý ở việc các nhà phân tích Lầu Năm Góc quyết định giảm hạm đội tàu sân bay là do sự xuất hiện của các hệ thống vũ khí chống tàu mới ở Nga và Trung Quốc.
Trong tháng này, truyền thông đưa tin tên lửa siêu thanh đầy triển vọng "Zirkon" được đưa vào hoạt động trong Hải quân Nga từ năm 2022. Hiện nay tên lửa đang trải qua các kiểm tra: khoảng 10 lần phóng thử nghiệm từ các phương tiện khác nhau được lên kế hoạch. Dự kiến tầm bắn sẽ vượt quá phạm vi hoạt động của máy bay đóng trên tàu sân bay Mỹ và tốc độ - khoảng 9 Mach - sẽ khiến tên lửa trở nên bất khả xâm phạm đối với phòng không hải quân. Ấn phẩm National Interest tin rằng "Zircon" có khả năng "đục thủng" bất kỳ "sân bay nổi" nào.
Trong những điều kiện này, Lầu Năm Góc rõ ràng có ý định đặt cược ít tiền hơn. Theo Defense News, số lượng tàu tuần dương và khu trục hạm sẽ vẫn ở mức hiện tại - khoảng 90 chiếc. Tuy nhiên, tàu có dung tích nhỏ hơn sẽ được đóng thêm. Hiện giờ Hải quân Hoa Kỳ có 20 tàu chiến ven biển, tàu khu trục lớp "Freedom" và "Independence". Số lượng tàu có thiết kế và mục đích tương tự sẽ lên đến 55-70 chiếc.
Nhưng sự đổi mới quan trọng nhất là việc sử dụng rộng rãi các tàu chiến biên chế ít thủy thủ, hoặc không người lái. Bộ trưởng Mark Esper chắc chắn: tương lai nằm ở robot hải quân. Phát triển chúng đơn giản và nhanh chóng hơn nhiều. Theo ông, nếu việc xây dựng các hệ thống đầy triển vọng diễn ra theo kế hoạch, thì đến năm 2030, Hải quân Mỹ sẽ có hơn 350 tàu chiến mặt nước không người lái.
"Hạm đội cần đến nhiều hệ thống không người lái - Đô đốc Michael Gildi, chỉ huy tác chiến Hải quân Hoa Kỳ vào cuối năm ngoái cho biết,- Chúng tôi không thể có đủ số tàu chiến trị giá hai tỷ đô la mỗi chiếc. <...> Cần phải thay đổi suy nghĩ của chính mình".
"Người Hà Lan bay"
Tại Hoa Kỳ, một số dự án tàu chiến không người lái đang được thực hiện cùng một lúc. Theo kế hoạch, ba lớp tàu - robot sẽ bổ sung cho Hải quân: tàu cỡ lớn với vũ khí hạng nặng, tàu hạng trung để trinh sát và tác chiến điện tử, và tàu loại nhỏ rải mìn, mở rộng phạm vi liên lạc.
Năm nay, Lầu năm góc hy vọng sẽ có được hai tàu lớn nhất trong dự án LUSV (Large Unmanned Surface Vessel - Tàu chiến không người lái cỡ lớn). Với lượng giãn nước 2000 tấn, chúng sẽ tương đươgn kích thước của một tàu hộ tống. Lúc đầu, LUSV sẽ được sử dụng cùng với các tàu chiến thông thường và đóng vai trò là phương tiện phóng tên lửa — khai hỏa vào mục tiêu và quay trở lại căn cứ nạp đạn. Sau này những "tàu – robot" có thể hoạt động độc lập tới 90 ngày.
Tháng 10 năm 2018, Bộ Tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ đã công bố trên trang web mua sắm công của Lầu Năm Góc một danh sách các yêu cầu đối với tàu chiến không người lái hạng trung (MUSV - Medium Unmanned Surface Vehicle) kích thước tương đối nhỏ - dài từ 12 đến 50 mét, có thể so sánh với tàu chống biệt kích phá hoại dự án 21980 "Grachonok" của Nga.
Theo yêu cầu trong tài liệu, sàn tàu MUSV phải đủ rộng để đặt hai container vận tải biển 40 feet tiêu chuẩn. Ước tính tốc độ tối đa - 24-27 hải lý / giờ, tốc độ hành trình - ít nhất 16 hải lý \ giờ. Phạm vi hoạt động - 4,5 nghìn dặm (8,3 nghìn km), thời gian hoạt động tự chủ - từ 60 đến 90 ngày. Thiết bị chạy bằng nhiên liệu diesel theo tiêu chuẩn F-76 NATO, có nghĩa là có thể tiếp nhiên liệu tại các căn cứ hải quân đồng minh châu Âu của Mỹ. Công suất hệ động lực - từ 300 đến 500 kilowatt.
Điều chính yếu trong dự án là thời gian hoạt động tự chủ tối đa. Một người có thể điều khiển tàu - robot từ xa trong suốt quá trình. MUSV - tàu trinh sát không người lái, có thể lần theo dấu vết của tàu chiến và nhóm hải quân đối thủ trong khoảng thời gian dài, thực hiện các nhiệm vụ trinh sát hoặc tác chiến điện tử. Lầu Năm Góc hy vọng sẽ nhận được những thiết bị đầu tiên thuộc loại này trong năm nay.