Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết, Mỹ kịch liệt lên án Trung Quốc lợi dụng thời điểm các nước đang tập trung chống dịch Covid-19 để thúc đẩy những hành vi phi pháp và khiêu khích ở Biển Đông.
Covid-19 và Biển Đông: Việt Nam minh bạch
“Mỹ tự hào được làm đối tác của Việt Nam”, Đại sứ nhấn mạnh.
“Chúng tôi rất cảm kích trước nỗ lực khống chế dịch bệnh của Việt Nam cũng như những đóng góp của Việt Nam với cộng đồng quốc tế thông qua việc gửi hàng triệu trang thiết bị y tế, khẩu trang tới nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Mỹ”, VOV dẫn lời đại sứ Kritenbrink.
Sự hợp tác của hai bên còn thể hiện trong việc Việt Nam chuyển 2,2 triệu đồ bảo hộ y tế sang Mỹ và Mỹ cam kết hỗ trợ các nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam chiến đấu với Covid-19. Trong số 500 triệu đô tiền Việt trợ cho các quốc gia trong khu vực, có 5 triệu đô là dành cho Việt Nam.
Đại sứ Mỹ lên án Trung Quốc lợi dụng Covid-19 gây hấn ở Biển Đông
“Thay vì cùng tham gia tập trung chống dịch Covid-19 với các nước khác, Trung Quốc trong vài tháng qua đã tiến hành nhiều hành vi khiêu khích gây bất ổn trong khu vực như đâm chìm tàu cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, điều các tàu ra dọa dẫm tàu các nước khác cũng như tuyên bố thành lập các khu hành chính mới ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc cũng đã thiết lập “các trạm nghiên cứu đại đương” trên đá Subi và đá Chữ thập”, đại sứ Kritenbrink nêu quan điểm.
Theo ông Kritenbrink, những hành vi này của Trung Quốc không thể hiện thiện chí, không giúp Trung Quốc nhận được sự tin cậy trong khu vực, và Mỹ kịch liệt phản đối những yêu sách phi lý và hành vi hiếu chiến vừa qua của chính quyền Bắc Kinh.
Theo ngài đại sứ, vừa qua, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã có tuyên bố lên án hành vi của Trung Quốc.
Theo ông, điều quan trọng nhất hiện nay là các quốc gia trong khu vực cần lên tiếng phản đối hành vi Trung Quốc. Đại sứ nhấn mạnh 2 yếu tố đặc biệt quan trong trong tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo:
“Thứ nhất là tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mối quan hệ đối tác với Việt Nam. Thứ hai, tôi cho rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng nhấn mạnh đến sức mạnh của mối quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ”, đại sứ cho biết.
Đại sứ Kritenbrink nhấn mạnh, Mỹ, Việt Nam và rất nhiều đối tác khác trong khu vực chia sẻ tầm nhìn chung về việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, đồng thời sẽ làm tất cả để thúc đẩy hòa bình thịnh vượng trong khu vực.
Theo đại sứ, Mỹ khuyến khích các quốc gia cùng phản đối các hành vi sai trái của Trung Quốc và rất nhiều đối tác và bạn bè của Mỹ đã làm điều đó.
“Tôi được biết, Việt Nam đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về những hành vi khiêu khích của Trung Quốc. Philippines cùng rất nhiều đối tác khác trong khu vực như Australia và Nhật Bản cũng đã làm như vậy. Mục tiêu của chúng ta là nhấn mạnh điều quan trọng nhất trong thời điểm này chính là cần có các biện pháp thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trong khu vực trong khi tập trung ứng phó với Covid-19 chứ không phải những bước đi có thể làm mất ổn định trong khu vực”, đại sứ nhấn mạnh.
Theo ngài đại sứ, những hành vi vừa qua của Trung Quốc chỉ là một phần trong chuỗi dài những hành vi khiêu khích của nước này trong thời gian qua. Điều này đã và đang đe dọa đến hòa bình, cũng như tác động tiêu cực đến sự thịnh vượng và ổn định của khu vực.
Đại sứ cho biết, Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực có cách tiếp cận khác với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
“Chúng tôi tin tưởng vào một khu vực tôn trọng luật pháp quốc tế, chúng tôi tin tưởng vào môt khu vực trong đó các nước yếu không bị nước mạnh chèn ép và cùng tuân thủ một nguyên tắc chung. Các quốc gia tin tưởng vào việc tuyên bố chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không”, đại sứ nhấn mạnh.
Nhắc lại chuyến thăm năm 2017 của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Việt Nam, đại sứ cho biết ông Trump đã nhấn mạnh của một khu vực Ấn Đọ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Đại sứ bày tỏ tin tưởng rằng, cùng với nhau các bên sẽ tạo dựng được một khu vực tự do về thương mại và đầu tư, quản trị tốt cũng như đảm bảo được quyền tự do hàng hải và hàng không cũng như có các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp.
“Tôi tin tưởng rằng, các bạn sẽ được chứng kiến Mỹ tiếp tục duy trì chính sách lâu dài và bền vững trong khu vực trong đó có việc hỗ trợ đảm bảo an ninh hàng hải và giúp các quốc gia trong khu vực hiểu được những gì đang diễn ra cũng như tăng cường năng lực phòng vệ. Điều này cũng giúp đóng góp cho việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”, đại sứ Kritenbrink kết luận.
Trung Quốc đang muốn thống trị cả khu vực?
Trước những hành động khiêu khích từ chính quyền Bắc Kinh thời gian qua trên Biển Đông, bất chấp hàng loạt thủ đoạn để thâu tóm toàn bộ vùng lãnh thổ tranh chấp, các nhà nghiên cứu quốc tế và chuyên gia về Biển Đông đều có chung quan điểm, Việt Nam khó mà đơn độc một mình chống lại Trung Quốc, Hà Nội cần tận dụng sự đoàn kết quốc tế, luật pháp, phối hợp với nhiều nước gây sức ép ngoại giao, chính trị để kiềm chế Bắc Kinh.
PGS. TS Richard Heydarian (chuyên gia phân tích quốc tế Philippines) trả lời Thanh Niên liên quan đến những động thái o ép gần đây mà Trung Quốc tiến hành trên Biển Đông cho biết, không riêng gì với Việt Nam, thời gian qua, nhiều nước đang bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh Covid-19 vẫn phải chống lại hành vi phi pháp của Bắc Kinh.
“Ví dụ như quan chức quân sự cấp cao của Philippines nhiễm bệnh Covid-19, hay bệnh dịch cũng là nguyên nhân khiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt phải neo lại ở đảo Guam. Rồi các nước láng giềng trong khu vực cũng phải ứng phó bệnh dịch. Nhân cơ hội này, Trung Quốc đã khai thác khoảng trống an ninh một cách bất chấp”, PGS. TS Richard Heydarian cho biết.
Đặc biệt, hoạt động quân sự đáng chú ý vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông chính là việc điều động cả tàu sân bay Liêu Ninh tập trận, triển khai lực lượng lớn tàu hải cảnh và hải quân.
“Các động thái gần đây cho thấy tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong giai đoạn hiện nay lớn đến mức nào. Dường như Bắc Kinh đang muốn thống trị cả khu vực”, PGS Heydarian thẳng thắn.
Việt Nam cần vũ khí khác để kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông: Sự đoàn kết
Bên cạnh đó, Philippines cũng đã có thông điệp ngoại giao thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam, Malaysia phản ứng lên án Trung Quốc hành động phi pháp ở Biển Đông.
“Trước những hành động của Bắc Kinh có thể gây bất ổn cả khu vực, đã đến lúc, các nước ASEAN cần đưa ra một tuyên bố chung đa phương để phản đối Trung Quốc”, PGS.TS Heydarian đề xuất.
“Các bên phải cùng nhau lên tiếng để cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn những hành vi của Trung Quốc, từ đó hình thành nên một số sức ép ngoại giao, chính trị để Bắc Kinh ngưng tiếp diễn các hành động trên”, ông Poling nhấn mạnh.
Tờ Philippine Star dẫn phát biểu của cựu thẩm phán Antonio Carpio, từng làm việc tại Tòa án Tối cao Philippines kêu gọi Manila cùng “đồng tâm hiệp lực” với Việt Nam và Malaysia ở Biển Đông.
“Chúng tôi sẽ gửi một thông điệp. Trung Quốc không thể loại chúng tôi theo từng quốc gia một. Chúng tôi sẽ đoàn kết”, ông Carpio nhấn mạnh đồng thời đề nghị tham gia các cuộc tuần tra với Hải quân Mỹ ở Biển Đông nếu Trung Quốc tiếp tục những hành động bất hảo ở Biển Đông.