Việt Nam làm được những điều mà nước giàu hơn không thể

Việt Nam, quốc gia hơn 95 triệu dân trên mảnh đất nhỏ bé hình chữ S vốn bị coi là nước chưa phát triển, đang khẳng định những bước đi thành công trong cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19, trái ngược hoàn toàn với những ám ảnh kinh hoàng, chết chóc mà coronavirus gây ra ở những nước giàu và phát triển hơn nhiều.
Sputnik

Cập nhật tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam: Bộ Y tế cho hay, chiều 30/4 Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc coronavirus mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, có thêm một người dương tính trở lại với Covid-19.

Nhìn chung, Việt Nam đã có hai tuần khá bình yên khi nhiều nước đang phải quay cuồng vì số ca nhiễm mới và tử vong vì coronavirus tăng mạnh. Trước tình hình dịch bệnh tạm thời ổn định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý tạm dừng mua sắm thuốc điều trị cho tình huống 10.000 người nhiễm Covid-19.

Việt Nam còn 51 bệnh nhân đang điều trị Covid-19

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chiều 30/4, tròn 14 ngày Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Cũng trong ngày 30 tháng 4 hôm nay, cả nước có thêm một trường hợp được công bố khỏi bệnh, nhưng cũng có thêm 1 ca tái dương tính với coronavirus sau nhiều lần âm tính và được xuất viện.

Covid-19 giúp Việt Nam, ASEAN gần Mỹ hơn?

Tính đến 18h chiều nay 30/4, Việt Nam có tổng cộng 270 ca mắc nCoV, trong đó, 130 ca nhiễm từ nước ngoài đã được cách ly ngay sau nhập cảnh.

Tổng số trường hợp tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 34.836 người, trong đó, 36 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 6.700 người cách lý tại các cơ sở cách ly tập trung khác và hơn 27.800 cách ly tại nhà.

Đồng thời, hôm nay, Sở Y tế TP.HCM đã chính thức cho phép Bệnh viện Điều trị Covid-19 ở Cần Giờ tạm dừng hoạt động.

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam tạm thời ổn định, TP.HCM cũng chỉ còn 4 ca nhiễm coronavirus đang được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Do đó, để không gây ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ, Sở Y tế cho phép bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ tạm ngưng hoạt động.

“Khi số trường hợp nhiễm Covid-19 vượt quá khả năng tiếp nhận của các bệnh viện của thành phố, bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ sẽ hoạt động trở lại”, Sở Y tế TP.HCM cho hay.

Đồng thời, kể từ ngày 4/5 tới đây, Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ sẽ trả lại cơ sở vật chất của Cơ sở 1 cho Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ và bàn giao cơ sở 2 cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM để làm khu cách ly tập trung của thành phố.

Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ cũng phải niêm phong các phòng áp lực âm đã lắp đặt cho bệnh viện để sẵn sàng sử dụng ngay khi hoạt động trở lại.

Tạm dừng mua thuốc điều trị cho tình huống 10.000 người mắc Covid-19

Căn cứ theo kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đồng ý tạm dừng mua sắm thuốc điều trị cho tình huống 10.000 người nhiễm Covid-19.

Covid-19: Việt Nam tiếp tục thắng nhưng vẫn chưa phải trận cuối cùng

Theo đó, Thủ tướng đồng ý chủ trương của Ban Chỉ đạo trong việc tạm dừng mua sắm thuốc điều trị cho tình huống 10.000 người nhiễm Covid-19. Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần có cơ số dự phòng thuốc phục vụ điều trị để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc, cần báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ giao cho Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ động quyết định một số đơn vị chưa đủ năng lực xét nghiệm hoặc có quá nhiều mẫu cần xét nghiệm được phép đặt hàng các đơn vị y tế khác có đủ năng lực (cả đơn vị công lập lẫn tư nhân) để thực hiện việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp Thường trực Chính phủ gần đây, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được Covid-19, bởi trong nhiều ngày qua, cả nước liên tiếp không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, Thủ tướng cho rằng, hệ số lây nhiễm thuộc nhóm thấp nhất thế giới.

“Việt Nam có gần 100 triệu dân nhưng chỉ có 270 ca nhiễm Covid-19 và không có người tử vong. Điều đó là nhờ cả hệ thống chính trị quyết liệt, quyết tâm trong chống dịch rất hiệu quả”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Có thể thấy, tình hình dịch bệnh SARS-CoV-2 của Việt Nam tính đến nay đã được kiểm soát rất tốt và nhiều khả năng, kịch bản cho 10 ngàn ca nhiễm coronavirus được tạm chưa tính tới, tuy nhiên, Chính phủ vẫn yêu cầu người dân thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, không lơ là chủ quan dẫn đến nguy cơ vỡ trận.

TP.HCM phong tỏa chung cư có người tái nhiễm coronavirus

Ngày 30 tháng 4, UBND phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM đã phối hợp cùng Sở Y tế, Trung tâm Y tế Quận thực hiện khử trùng và phong tỏa toàn bọ khu vực lô B2, chung cư 1A-1B Nguyễn Đình Chiểu.

Covid-19 tại Việt Nam: 0 ca mắc mới nhưng đã có 9 người tái dương tính

Lãnh đạo UBND phường Đa Kao, Quận 1 cho hay, sau khi nhận được thông tin có ca tái dương tính trên địa bàn Quận đã ngay lập tức thực hiện những nhiệm vụ phòng chống dịch kịp thời. Theo đó, trường hợp này là bệnh nhân số 92 21 tuổi trú tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, là du học sinh tại Pháp, về Việt Nam ngày 17/3/2020. Sau đó, bệnh nhân có sốt, đau họng, ho khan và được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến Củ Chi ngày 18/3 và được điều trị tại đây. Ngày 14/4, bệnh nhân số 92 được công bố khỏi bệnh và tiếp tục được cách ly, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Theo đó, người dân tại lô chung cư B2 được lực lượng chức năng yêu cầu ở tại nhà theo thông báo. UBND phường Đa Kao cho hay thời gian cách ly, phong tỏa tòa chung cư phụ thuộc vào việc xác minh, xét nghiệm các ca tiếp xúc với bệnh nhân.

Về vấn đề phong tỏa nơi có bệnh nhân tái dương tính với SARS-CoV-2, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Phó chủ tịch UBND phường Đa Kao chia sẻ UBND phường đã thông báo đến ban quản trị chung cư để truyền đạt lại cho người dân.

“Người dân không nên hoang mang, lo lắng, UBND phường sẽ tiếp tục phối hợp với ban quản trị chung cư để đảm bảo công tác hậu cần cho người dân trong thời điểm này”, UBND phường Đa Kao nhấn mạnh.

Theo UBND phường Đa Kao, khoảng 100 cư dân sinh sống tại đây ngay lập tức được lập danh sách, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. 26 hộ dân, bao gồm cả người nước ngoài được thông báo về việc cách ly toàn bộ khu vực lô B2.

Đặc biệt, theo báo cáo, nam du học sinh được xác định từng ba lần xuống mua thực phẩm ở siêu thị cách chung cư khoảng 100 mét nên những nhân viên tiếp xúc ở đây cũng được giám sát, xét nghiệm.

Chuyên gia CDC Mỹ: Việt Nam có những biện pháp ứng phó với Covid-19 thành công

Hãng tin Reuters của Anh ngày 30/4 có bài viết đặc biệt phân tích sâu và dành nhiều lời khen ngợi về cách ứng phó với đại dịch coronavirus của Chính phủ Việt Nam.

Việt Nam bước vào giai đoạn chung sống an toàn với COVID-19

Có thể nói, tính đến thời điểm hiện nay, số ca mắc SARS-CoV-2 ở Việt Nam là tương đối thấp - chỉ 270 trường hợp/95,5 triệu dân, đồng thời chưa hề có ca tử vong. Nhiều chuyên gia y quốc tế tỏ ra kinh ngạc với những điều mà Việt Nam làm được trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đây cũng là cơ sở vững chắc cho Việt Nam có thể khôi phục nền kinh tế mau chóng hơn so với hầu hết các quốc gia còn lại.

Các chuyên gia y tế quốc tế và trong nước nhận định Việt Nam có được thành công như hiện nay trong cuộc chiến chống Covid-19 là nhờ vào các biện pháp nhanh chóng và quyết liệt ngay từ đầu, như việc hạn chế khách du lịch nhập cảnh, đưa hàng chục nghìn người vào diện cách ly theo dõi sức khỏe, tiến hành xét nghiệm y tế cộng đồng và đưa vào vận hành một hệ thống giám sát những người có nguy cơ nhiễm chủng mới virus corona.

“Những bước đi, biện pháp chống dịch như thế, thoạt nhiên nghe mô tả thì dễ nhưng lại khó thực thi. Vậy mà một quốc gia như Việt Nam đã thực hiện tất cả rất thành công!”, ông Matthew Moore - chuyên gia của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ khẳng định.

Theo vị chuyên gia CDC Hoa Kỳ, bản thân ông cũng đã trao đổi với Chính phủ Việt Nam về dịch bệnh này kể từ đợt bùng phát hồi đầu tháng 1 vừa qua. Đồng thời nhấn mạnh rằng CDC luôn có “sự tin tưởng rất lớn” đối với cách ứng phó của Chính phủ Việt Nam trong cuộc khủng hoảng toàn cầu mang tên Covid-19.

Reuters cho hay, ngay ở thời điểm cuối tháng 1 tại Việt Nam, những cơ quan, doanh nghiệp chuyên về xét nghiệm y tế nhận được yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp sau khi xuất hiện hai trường hợp nhiễm coronavirus đầu tiên được phát hiện ở TP.HCM (hai cha con người Vũ Hán, Trung Quốc Li Ding và Li Zichao), trong đó có Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Công ty này và Học viện Quân y sau đó đã phối hợp nghiên cứu, sản xuất bộ kit xét nghiệm Covid-19 được đánh giá rất cao.

Việt Nam hợp tác với Anh thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19

Cùng với đó, Việt Nam ngay lập tức đã tăng số lượng phòng xét nghiệm tiến hành xét nghiệm sàng lọc và khẳng định đối với virus SARS-CoV-2 từ con số ba khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020 lên tới 112 vào tháng 4 vừa qua. Đó là điều hết sức đáng kinh ngạc.

Theo Reuters tham chiếu nguồn Bộ Y tế cho hay, tính đến ngày 29/4, đã có 213.743 xét nghiệm được tiến hành tại Việt Nam. Với bình quân 791 xét nghiệm trên mỗi một ca Covid-19, đây là tỷ lệ cao nhất thế giới hiện nay. Đứng thứ 2 là Đài Loan với 140 xét nghiệm trên mỗi một ca Covid-19.

Trong khi đó, ông Todd Pollack, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm làm việc tại Hà Nội, nhận định toàn bộ bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam đều được điều trị tốt tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Theo ông Pollack, có thể so sánh nỗ lực của Việt Nam với Hàn Quốc, một quốc gia cũng tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng và có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở mức thấp, khoảng 2% trên tổng số các ca nhiễm.

Trong khi đó, bà Krutika Kuppalli, chuyên gia tại Trung tâm Johns Hopkins về an ninh sức khỏe (Mỹ) đánh giá Việt Nam đã ứng phó tốt với dịch Covid-19 thông qua nỗ lực xét nghiệm, các biện pháp giãn cách và cách ly xã hội kịp thời.

Khi nào Việt Nam hết dịch Covid-19?

Một trong những động thái được đánh giá cao là chính phủ Việt Nam bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng kể từ giữa tháng 3, đi trước hầu hết các nước khác. Khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới chỉ mới khuyến cáo chỉ những người có triệu chứng giống Covid-19 mới nên đeo khẩu trang.

Giám đốc đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Guy Thwaites đánh giá, việc kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam đã được tổ chức tốt.

“Những quyết sách mà chính phủ đưa ra được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả trên toàn quốc mà không gây ra quá nhiều tranh cãi hay phàn nàn gì”.

Đồng thời, nói đến tính minh bạch, vị chuyên gia này nêu rõ, số lượng các ca xét nghiệm dương tính do phòng thí nghiệm nơi ông làm việc hoàn toàn trùng khớp với số liệu cho Chính phủ Việt Nam công bố.

Việt Nam từng chịu ảnh hưởng bởi dịch SARS năm 2003 và do đó quyết tâm chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết liệt hơn cho đại dịch tiếp theo. Chính phủ Việt Nam được quản lý tập trung, đoàn kết và được tổ chức tốt. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng gắn kết chặt chẽ và hiệu quả với người dân trong nỗ lực đối phó với dịch bệnh Covid-19.

Việt Nam làm được những điều mà nước giàu hơn không thể
Thảo luận