Sau vụ lãnh đạo CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị bắt liên quan đến việc sai phạm trong chỉ định thầu mua sắm thiết bị y tế, máy xét nghiệm Covid-19, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu kiểm tra việc mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 của các đơn vị.
Bệnh nhân số 91, phi công người Anh vẫn nguy kịch, phổi bệnh nhân không tiến triển xấu hơn nhưng vẫn tiên lượng nặng dù đã nhiều lần âm tính với nCoV.
Tham dự cuộc họp trực tuyến của Ủy ban ASEAN ở Washington, các Đại sứ và Đại biện đều đánh giá cao Việt Nam đã thực hiện chiến lược kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, không chỉ nỗ lực ngăn chặn dịch do coronavirus lây lan trong nước mà còn chung tay hỗ trợ các nước ASEAN trang thiết bị y tế cũng như phương tiện chống dịch.
Việt Nam có 9 ca tái dương tính với coronavirus
Sáng ngày 29/4, theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho biết, cả nước tiếp tục bước sang ngày thứ 13 không ghi nhận thêm ca mắc SARS-CoV-2 mới lây lan trong cộng đồng nhưng lại tiếp tục có bệnh nhân dương tính trở lại với coronavirus sau nhiều lần âm tính và được công bố khỏi bệnh trước đó.
Hiện tại, số người nhiễm coronavirus của Việt Nam vẫn là 270 trường hợp, trong đó có 130 người mắc nCoV nhập cảnh được cách ly ngay khi về nước.
Trong số 49 bệnh nhân mắc coronavirus còn lại đang điều trị tại 9 cơ sở y tế trên cả nước hiện đã có 11 người âm tính lần đầu với SARS-CoV-2 và có 8 người đã âm tính ít nhất hai lần với chủng mới virus corona.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 42.057 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 323 người, còn lại là cách ly tập trung tại cơ sở khác, tại nhà và nơi lưu trú.
Đáng chú ý, tuy chỉ ghi nhận thêm 2 ca mắc nCoV hôm 24/4 (hai du học sinh trở về từ Nhật Bản) và suốt hơn 12 ngày qua không có thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng tại Việt Nam, tính đến nay, đã ghi nhận 9 trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2.
Tiểu Ban Điều trị sáng nay 29/4 thông báo cho biết, tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp dương tính trở lại với coronavirus, đó là bệnh nhân số 151 (vợ bệnh nhân 207 – người cũng được xác định tái dương tính trước đó).
Bệnh nhân 151 này cũng đã được công bố khỏi bệnh và cùng chồng (bệnh nhân 207) ra viện, tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà thêm 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, đến ngày 27/4, sau khi chồng là bệnh nhân 207 dương tính trở lại, bệnh nhân 151 cũng được đưa đến cách ly tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Cũng trong ngày 27/4, bệnh nhân được xét nghiệm và cho kết quả âm tính.
Tuy nhiên, đến ngày 28/4, xét nghiệm lại lần 2 và cho kết quả dương tính trở lại với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.
Trước bệnh nhân số 151 này, Việt Nam đã có 8 trường hợp tái dương tính với nCoV sau điều trị và được công bố khỏi bệnh.
Tính đến thời điểm này, tại TP.HCM đã có ba trường hợp tái dương tính sau khi khỏi bệnh đang cách ly, điều trị, theo dõi tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi là các ca bệnh số 151, 207, 224.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã tiến hành nuôi cấy lại 5 mẫu virus của những người bị tái dương tính với SARS- CoV-2, tuy nhiên những virus này không hề phát triển. Do đó, về mặt lý thuyết, khả năng lây nhiễm của những ca tái dương tính là rất thấp.
“Chúng tôi đã yêu cầu với các cơ quan, với tất cả các trường hợp có xét nghiệm âm sau đó xét nghiệm dương thì giao cho 2 labo tiến hành nuôi cấy virus. Nếu virus đó sống, phát triển thì chứng tỏ cơ thể người đó chưa khỏi bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Phi công người Anh đã âm tính với coronavirus nhưng vẫn nguy kịch
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM thông báo cho biết, sáng 29/4, bệnh nhân số 91, nam phi công người Anh 43 tuổi của hãng Hàng không Vietnam Airlines sau 23 ngày can thiệp tim phổi nhân tạo ECMO, phổi bệnh nhân không tiến triển xấu hơn nhưng vẫn tiên lượng nặng dù đã nhiều lần âm tính liên tiếp với coronavirus.
Sáng nay, bệnh nhân số 91 nằm yên, có sử dụng thuốc an thần, không chảy máu thêm và tiểu nhiều.
Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, phổi của bệnh nhân vẫn trong tình trạng tổn thương nặng chưa cải thiện nhiều. Tình trạng phổi trên phim chụp X-quang cho thấy phổi phải xẹp nhiều vùng sau dưới, rất ít dịch màng phổi, B lines mặt trước. Tình trạng đông đặc vẫn còn ở 1/2 dưới phổi trái.
Kết quả siêu âm tim - phổi cho thấy tim co bóp đồng bộ, tỷ lệ máu được bơm ra khỏi tim trong mỗi nhịp đập (EF) là 60%, không thấy huyết khối động mạch phổi.
Đồng thời, kết quả xét nghiệm PCR dịch mũi họng và dịch rửa phế quản ngày 28/4 của phi công người Anh đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được thở máy, mở khí quản, can thiệp ECMO, lọc máu và kháng sinh, kháng nấm.
Trước tính trạng các bệnh nhân tái dương tính trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (các ca bệnh 151, 207 và 224), liên quan đến vấn đề rà soát, xét nghiệm kiểm tra đối với bệnh nhân Covid-19 đã xuất viện, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM thông tin cho hay trong tổng số 53 ca bệnh tại địa phương đã xuất viện, có 13 trường hợp về nước (xuất cảnh) hoặc đi các địa phương khác, còn 40 người hiện đang cư trú/lưu trú trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng nhận 7 trường hợp từ các tỉnh thành khác chuyển về.
Tổng số trường hợp đang được cách ly tại khu cách ly tập trung của TP.HCM là 57 người, gồm: tại huyện Nhà Bè 34 trường hợp, Trường Thiếu sinh Quân Củ Chi (Khu C) 10 trường hợp, khách sạn Mangrove huyện Cần Giờ 13 trường hợp.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM thông tin cho biết, thành phố tiến hành giám sát Covid-19 đối với toàn bộ tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại địa phương. Đồng thời, cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm 102 người, 92 có kết quả âm tính, 10 người đang chờ kết quả.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đang xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm bù sau thời gian tạm ngưng. Phối hợp chuẩn bị các khu cách ly tập trung sẵn sàng tiếp nhận người nhập cảnh trong thời gian tới đây.
Việt Nam vừa phòng chống Covid-19 trong nước vừa giúp các nước ASEAN
Ủy ban ASEAN tại Washington, Mỹ ngày 27/4 đã tổ chức họp trực tuyến lần đầu tiên. Hội nghị lần này do Đại sứ Campuchia chủ trì.
Đại diện Việt Nam – Đại sứ Hà Kim Ngọc cùng nhiều đại sứ, đại biện các nước ASEAN tham gia cuộc họp trực tuyến của Ủy ban ASEAN ở Washington.
Nội dung cuộc họp là nhằm trao đổi những kết quả các Hội nghị trực tuyển Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 ngày 14/4 cũng như Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Mỹ ngày 23/4 giữa Ngoại trưởng Pompeo và lãnh đạo ngành ngoại giao nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Trong cuộc họp hôm 27/4 này, Đại sứ và Đại biện ASEAN cảm ơn và chúc mừng Việt Nam đã kịp thời thích ứng, chủ động và linh hoạt đảm đương tốt vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt, trong đó có các hoạt động đối ngoại.
Đặc biệt, các quốc gia ASEAN đánh giá cao các sáng kiến của Việt Nam thúc đẩy hợp tác trong nội bộ ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, trong đó có đối tác Mỹ trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Nhận định chung những tác động về mặt kinh tế mà đại dịch SARS-CoV-2 gây ra cho khu vực và các nước, các đại biểu dự Hội nghị đều chia sẻ dự báo về nguy cơ tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại ở các nước, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự kết nối trong chuỗi cung ứng toàn cầu về lương thực, thực phẩm, dược phẩm và trang thiết bị y tế.
Các Đại sứ và Đại biện ASEAN cũng đồng thời khẳng định yếu tố đặc biệt quan trọng đó là, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực hợp tác phòng chống, nghiên cứu chế tạo vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19 cũng như có chiến lược phục hồi kinh tế sau đại dịch, góp phần làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ.
Trong cuộc họp trực tuyến của Ủy ban ASEAN ở Washington, Đại sứ Hà Kim Ngọc đã thông tin đến các đại biểu về những kết quả ban đầu trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam thời gian qua.
Đại sứ Hà Kim Ngọc cho biết, chủ trương phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trong việc triển khai nghiêm túc nhiệm vụ và từng bước mở cửa lại nền kinh tế. Đại sứ Hà Kim Ngọc cũng chia sẻ thông tin về các bộ xét nghiệm Covid-19 do Việt Nam sản xuất đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nước châu Âu cấp phép đạt tiêu chuẩn, mở ra triển vọng xuất đi nhiều quốc gia trên thế giới.
Tham dự cuộc họp trực tuyến của Ủy ban ASEAN ở Washington, các bên đều đánh giá cao Việt Nam đã thực hiện chiến lược kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Việt Nam không chỉ nỗ lực ngăn chặn dịch do coronavirus lây lan trong nước mà còn chung tay hỗ trợ các nước ASEAN trang thiết bị y tế để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Các đại biểu mong Việt Nam cùng Indonesia, Singapore, Thái Lan chia sẻ kết quả nghiên cứu vắc-xin phòng chống coronavirus.
Đặc biệt, Đại sứ Philippines bày tỏ cảm ơn việc Việt Nam mở của xuất khẩu gạo trở lại và mong sẽ duy trì hoạt động xuất khẩu gạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
Theo đó, tham dự cuộc họp, các Đại sứ đề nghị cần thông báo trước khi áp dụng chính sách mới có khả năng ảnh hưởng đến các nước khác trong cộng đồng.
Trước đó, trong Hội nghị trực tuyến Đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ hôm 23/4, Ngoại trưởng Pompeo đánh giá cao nỗ lực của ASEAN ứng phó dịch Covid-19 và cho biết thêm, Mỹ cam kết hơn 500 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp ứng phó với Covid-19 toàn cầu (trong đó có hơn 35 triệu USD cho các nước ASEAN), tập trung nâng cao năng lực phòng thí nghiệm, kiểm soát dịch bệnh và ứng phó nhanh.
Đồng thời, Mỹ cũng công bố một số đề xuất như Sáng kiến Tương lai Y tế ASEAN-Mỹ và Mạng lưới các chuyên gia y tế ASEAN-Mỹ, hỗ trợ các nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN xây dựng hạ tầng kiểm soát dịch bệnh ở khu vực
Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định, các quốc gia ASEAN là những đối tác chiến lược lâu dài của Mỹ trong bối cảnh đối phó với đại dịch Covid-19 và lên kế hoạch khôi phục nền kinh tế.
“Mỹ cam kết tiếp tục phối hợp với ASEAN đối phó với Covid-19 và tiếp tục nỗ lực cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng cho khu vực”, ông Pompeo nhấn mạnh.
Hoa Kỳ cảm ơn các đối tác ASEAN đã hỗ trợ thúc đẩy các nguồn cung y tế quan trọng vào Mỹ cũng như tạo điều kiện cho các chuyến bay đưa công dân về nước.
“Ví dụ, Việt Nam đã tạo điều kiện cho các chuyến bay thương mại vận chuyển 2,2 triệu bộ quần áo bảo hộ sang Mỹ và Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục nhận thêm các lô hàng thiết bị bảo hộ cá nhân trong những tuần tới. Ngoài ra, kể từ đầu tháng 4, Malaysia đã tạo điều kiện cho việc vận chuyển 1,3 triệu kg găng tay cho các nhân viên y tế Mỹ. Campuchia cũng giúp các công dân Mỹ trở về nước an toàn từ du thuyền Westerdam”, Ngoại trưởng Pompeo cho biết.
Hà Nội yêu cầu kiểm tra việc mua sắm thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19
Ngày 29/4, Sở Y tế Hà Nội thông tin cho biết, Văn phòng Sở đã có thông báo 183 về việc truyền đạt chỉ đạo của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Trong văn bản này, TS. Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nôi yêu cầu Tiểu ban Giám sát chỉ đạo việc theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm các ca mắc SARS-CoV-2, đồng thời tổ chức khoanh vùng cách ly, xử lý ổ dịch nhanh, triệt để.
Đồng thời, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Tiểu ban Điều trị cần chỉ đạo các bệnh viện nghiêm túc thực hiện lập chốt kiểm soát người vào bệnh viện, khai báo y tế, phân luồng bệnh nhân khám bệnh, tổ chức khu cách ly, đảm bảo giãn cách người bệnh, giãn cách giường bệnh, đảm bảo trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế và thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn.
Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC thành phố, Trung tâm Y tế các quận huyện, thị xã phối hợp với các lực lượng liên quan của Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện, thị xã điều tra xác minh, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc F1, F2, người đi từ vùng dịch về địa phương để giám sát và thực hiện cách ly y tế.
Đối với kế hoạch phân bổ test xét nghiệm nhanh Covid-19 cho các đơn vị để xét nghiệm sàng lọc, Sở Y tế cũng yêu cầu rà soát sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, tiếp tục đào tạo lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm coronavirus.
TS. Nguyễn Khắc Hiền nêu rõ, trên cơ sở kế hoạch đáp ứng theo cấp độ dịch và thực tiễn tình hình dịch Covid-19, yêu cầu tiểu ban hậu cần chủ động chỉ đạo các đơn vị rà soát nhu cầu mua sắm trang thiết bị y tế, thiết bị phòng hộ, thuốc, hóa chất khử khuẩn, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao và tiến hành tổng hợp kết quả trình UBND thành phố xem xét phê duyệt.
Đặc biệt, trước vụ việc lãnh đạo CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm bị bắt trước đó liên quan đến việc sai phạm trong chỉ định thầu mua sắm thiết bị y tế, máy xét nghiệm Covid-19, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, cần phải hướng dẫn, kiểm tra việc mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 của các đơn vị. Kiểm tra việc bảo quản, sử dụng trang thiết bị, vật tư và đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.
Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu, cần tổ chức tiếp nhận ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng chống dịch Covid-19, xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn ủng hộ cho các đơn vị và hướng dẫn bảo quản, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
Bài học từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore vẫn còn nguyên với Việt Nam
Lo ngại làn sóng dịch thứ hai bùng phát coronavirus ở Việt Nam vẫn còn hiện hữu, nhất là trong giai đoạn sắp tới, sẽ đón hàng ngàn công dân từ nước ngoài về nước cũng như thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội.
Tại cuộc họp mới đây của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, ở Việt Nam có thể tồn tại một số trường hợp người lành mang virus trong cộng đồng nhưng không phát hiện ra được.
“Vì chưa có miễn dịch cộng đồng nên khả năng lây nhiễm trở lại là rất lớn”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ lo ngại về làn sóng thứ 2 đối với dịch Covid-19.
“Bài học từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Sinapore, bị làn sóng thứ 2 xâm nhập vào và tồn tại phát triển trong một cộng đồng mà không biết được. Đến khi xảy ra trên diện rất lớn thì lúc đó mới phát hiện ra. Nếu chúng ta cũng như vậy thì lúc đó hệ thống y tế của ta sẽ trong tình trạng rất khó khăn”, ông Nguyễn Thanh Long nêu rõ.
Theo đại diện Bộ Y tế, cần phải kiên quyết ngăn chặn với đường hàng không, kiểm soát với từng chuyến bay, từng hành khách nhập cảnh vào Việt Nam và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong công tác phòng chống dịch. Nếu không thực hiện nghiêm như vậy, dễ bỏ qua và dễ gây ra tình trạng làn sóng thứ 2. Vì vậy, cơ quan chuyên môn đã điều chỉnh lại vấn đề xét nghiệm.
Theo đó, tất cả những trường hợp có triệu chứng mơ hồ hoặc liên quan bệnh cúm thông thường thì lập tức xét nghiệm. Việc xét nghiệm cũng tập trung vào một số đối tượng có nguy cơ như khu công nhân, khu nhà trọ công nhân, khu tập trung nhiều lao động tự do, người yếu thế…
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ về vấn đề này cũng cho hay, về mặt lý thuyết chúng ta còn có những bệnh nhân đi từ nước ngoài về hoặc có bệnh nhân không có biểu hiện đi lại trong cộng đồng hoặc có người chưa được xét nghiệm được mang virus thì có thể lây lan.
Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga nhận định, sẽ khó có làn sóng thứ 2 hoặc có thể không có làn sóng thứ 2 tại Việt Nam.
“Về mặt quy luật sinh học, một dịch cúm xuất hiện vào đông xuân thì vào cuối mùa xuân, thời tiết thay đổi, dịch sẽ hết. Dịch Covid-19 đã xuất hiện từ 23/1 đến 23/4 là 3 tháng, về mặt dịch tễ học, tôi cho rằng dịch cũng dần thoái lui”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Hiện còn hàng chục ngàn công dân sắp về nước, từ vùng dịch, từ nhiều điểm nóng dịch bệnh do coronavirus trên thế giới, PGS.TS Nguyễn Huy Nga đặc biệt lưu ý, cần phải cách ly triệt để những đối tượng này 14 ngày tại nơi cách ly tập trung sau đó tiếp tục về gia đình cách ly 14 ngày. Các cửa khẩu biên giới tăng cường kiểm soát những người nhập cảnh trái phép. Đồng thời, phải tăng cường giám sát tất cả các trường hợp có biểu hiện của cúm như có sốt, ho, có hiện tượng viêm mũi.
Theo quan điểm của vị chuyên gia dịch tễ, từ giờ hết tháng 5, người dân vẫn phải tiếp tục đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách 2 m với người khác. Việc rửa tay bằng xà phòng phải được thực hiện trong suốt cuộc đời để còn phòng các bệnh truyền nhiễm khác.
“Nếu chúng ta cố gắng thực hiện được, thực hiện tiếp tục giãn cách hết tháng 5 thì chắc chắn không có dịch bệnh lây cho chúng ta và cộng đồng”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khẳng định.