Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông: Bộ Quốc phòng Việt Nam nói không nhân nhượng

Bộ Quốc phòng Việt Nam xác nhận, tình hình Biển Đông thời gian gần đây đang phức tạp, căng thẳng, mất ổn định khi Trung Quốc liên tục có những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đặt ra nhiều thách thức quốc phòng, an ninh, chủ quyền với Việt Nam. Bộ Quốc phòng Việt Nam nói sẽ không nhân nhượng nhưng phải có đối sách phù hợp.
Sputnik

Trung Quốc không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông, trước những vụ việc như Bãi Tư Chính, tàu Hải Dương Địa chất HD 8 xâm phạm chủ quyền Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước và Chính phủ quán triệt chủ trương kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vững 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Trường Sa, DKI.

Trong khi đó, sáng nay, báo cáo trước Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, căng thẳng Biển Đông sẽ còn tăng do Trung Quốc lợi dụng các nước đang tập trung chống dịch Covid-19 để gia tăng ảnh hưởng và sự bành trướng trên các khu vực tranh chấp chủ quyền.

Bộ Quốc phòng Việt Nam: Biển Đông diễn biến căng thẳng

Việt Nam lên tiếng vụ máy bay Trung Quốc ở Biển Đông, Lào xây nhà máy thủy điện
Trong kiến nghị gửi tới Bộ Quốc phòng, cử tri TP.HCM đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cùng với đó, kịp thời thông tin đến người dân, cũng như tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.

Bộ Quốc phòng thông tin, tình hình Biển Đông thời gian gần đây diễn biến theo hướng phức tạp, căng thẳng và mất ổn định hơn. Điều này đặt ra những thách thức mới đối với quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền theo yêu sách phi lý trên Biển Đông.

Không những thế, các nước trong khu vực cũng có nhiều hoạt động khẳng định chủ quyền trên Biển Đông. Cùng với sự can dự của các nước từ bên ngoài khu vực, tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp thêm. Những điều này đã tác động đến kinh tế, chính trị, an ninh khu vực và hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Trước tình hình đó, Việt Nam quán triệt chủ trương kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vững 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Trường Sa, DKI.

Việt Nam theo dõi diễn biến bão VONGFONG giật cấp 14 gần Biển Đông
Bên cạnh đó, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý, đi kèm với chuẩn bị phương án quân sự, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, giữ quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước để phát triển đất nước; xử trí tình huống trên cơ sở Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Kiên định đường lối độc lập, tự chủ và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Bộ Quốc phòng thường xuyên chỉ đạo các lực lượng hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

Cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác nắm tình hình trên các vùng biển, tổ chức lực lượng kịp thời xử lý các tình huống xảy ra không để bị động, bất ngờ.

Tình hình diễn biến trên biển được kịp thời báo cáo, đề xuất với Thường trực Ban bí thư, Thủ tướng. Đồng thời, Bộ Quốc phòng cũng phối hợp cung cấp thông tin cho các bộ, ban, ngành Trung ương để phối hợp đấu tranh và kịp thời thông tin đến nhân dân.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ đã đầu tư nâng cao tiềm lực quốc phòng, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng trực tiếp bảo vệ chủ quyền biển, đảo gồm Hải quân, Phòng không - Không quân, Cảnh sát biển. Mua sắm thêm nhiều trang thiết bị vũ khí hiện đại, chủ động nghiên cứu, phát triển trang bị, vũ khí công nghệ cao, nâng cao khả năng nắm tình hình và quản lý các vùng biển.

Biển Đông: Cử tri Việt Nam muốn kiện Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nói gì?

Lực lượng tàu trực được tăng cường tại các vùng biển trọng điểm. Cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của các nước, sẵn sàng các phương án xử trí không để bị bất ngờ.

Bộ cũng cho rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh đó, tổ chức diễn tập, luyện tập các phương án, hiệp đồng các lực lượng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo để xử lý tốt các tình huống diễn ra trên biển.

Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc trao đổi thông tin và xử lý các tình huống diễn ra trên biển, đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng với các nước trên thế giới, phối hợp với lực lượng hải quân, cảnh sát biển các nước trong khu vực, tổ chức tuần tra chung trên biển, duy trì an ninh, trật tự trên vùng biển giáp ranh, nhằm tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau để giải quyết những vấn đề xảy ra trên biển.

Việt Nam chuẩn bị sẵn hồ sơ đấu tranh pháp lý trên Biển Đông

Trong kiến nghị gửi đến Chính phủ, cử tri TP Đà Nẵng đề nghị nhà nước có biện pháp tuyên truyền để nhân dân kịp thời có đầy đủ thông tin chính xác về tình hình trên Biển Đông, đặc biệt là tình hình tại bãi Tư Chính trong thời gian gần đây. Cử tri mong muốn Việt Nam có biện pháp kiên quyết hơn nữa trước những hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Ở biển Hoa Đông, Bắc Kinh hành động tương tự như ở biển Đông

Bộ Quốc phòng cho biết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chính phủ cũng đã xây dựng Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông

“Trước sự việc tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính gần đây, Việt Nam đã kiên trì xử lý bình tĩnh, đấu tranh kiên quyết với Trung Quốc, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, dư luận, pháp lý và giữ vững trên thực địa”, Bộ Quốc phòng cho biết.

Những nỗ lực đó đã buộc Trung Quốc phải rút tàu khỏi vùng biển của Việt Nam, đồng thời kiểm soát tốt tình hình và an ninh, trật tự xã hội.

Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, lập trường chính nghĩa, quan điểm đúng đắn, nhất quán, có cơ sở pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ, quan tâm của các nước khu vực, đặc biệt là các nước đối tác lớn và dư luận quốc tế.

Bộ Quốc phòng nhận định: “Việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, lâu dài. Do đó, quan điểm chung của Việt Nam là quán triệt tinh thần “kiên quyết, kiên trì”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, những gì thuộc về nguyên tắc kiên quyết giữ, những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ kiên quyết không nhân nhượng”.

Trung Quốc lại chỉ trích Việt Nam liên quan lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông

Việc đấu tranh phải đi kèm với đối sách phù hợp vì truyền thống văn hóa giữ nước của chúng ta là hòa hiếu, hòa bình, giữ vững chủ quyền biển, đảo nhưng phải ổn định chính trị, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Trên cơ sở đó, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta theo đúng Luật Biển 1982.

“Vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động, kiên trì giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Xây dựng lực lượng biển đủ mạnh để xử lý thắng lợi các tình huống”, Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định.

Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, khu vực, các nước lớn, tránh để bị cô lập; giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ không để các nước khác chi phối, lôi kéo, chia rẽ, làm phương hại tới lợi ích quốc gia, dân tộc.

Theo Bộ Quốc phòng, tình hình Biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp. Trong thời gian tới, để đấu tranh kiên quyết hơn nữa đối với các hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, Việt Nam cần tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp về chính trị, kinh tế, ngoại giao, thông tin tuyên truyền trong và ngoài nước, nhất là truyền thông báo chí để nâng cao nhận thức về cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, đảo; cũng như quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp trên biển.

Cùng với đó, phải nâng cao lòng yêu nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội và sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bộ Quốc phòng cũng cho rằng cần tích cực chuẩn bị, thu thập tài liệu, chuẩn bị sẵn hồ sơ đấu tranh pháp lý đưa ra quốc tế vào thời điểm phù hợp.

“Kiên quyết bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng tình hình phức tạp trên Biển Đông để kích động, lôi kéo gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, đẩy mạnh các giải pháp về quốc phòng, an ninh, có phương án bảo vệ vững chắc chủ quyền trên thực địa”, cơ quan Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh.
“Sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc có khả năng xâm phạm vùng biển của ta, cũng như chủ động bảo vệ an ninh, an toàn, trật tự xã hội trên các tỉnh, thành, địa phương trong cả nước, đặc biệt trong các tình huống trên biển có diễn biến phức tạp xảy ra”, Bộ Quốc phòng nêu rõ.

Trung Quốc không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông

Bộ Quốc phòng nhận định, bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế, Bắc Kinh vẫn không từ bỏ tham vọng “độc chiếm Biển Đông”. Không những thế, chính phủ Trung Quốc ngày càng củng cố sự hiện diện, khả năng kiểm soát trên thực địa.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không làm phức tạp tình hình Biển Đông

Họ cũng có sự điều chỉnh sách lược linh hoạt hơn, tăng cường sử dụng đòn bẩy ngoại giao và kinh tế, tác động, lôi kéo các nước ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Ngoài mặt, Trung Quốc chủ động thể hiện “tích cực” xây dựng Bộ Quy tắc COC với các nước ASEAN để xoa dịu tình hình, làm giảm can dự của Mỹ và các nước lớn vào vấn đề Biển Đông.

Trong khi đó, Bắc Kinh ngày càng quyết liệt hơn về chính sách cũng như hoạt động trên thực địa, đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khảo sát dầu khí trên Biển Đông xâm phạm vùng biển các nước, trong đó có Việt Nam.

Từ ngày 4/7 đến 24/10/2019, Trung Quốc đã bốn lần đưa tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 và các tàu bảo vệ xâm phạm vùng biển Việt Nam, khu vực phía Bắc DKI và 9 lô Trung Quốc mời thầu trái phép năm 2012. Hành động của tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.

Covid-19: Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và bành trướng ở Biển Đông

Việt Nam cần một vũ khí khác để đấu tranh với Trung Quốc ở Biển Đông
Cũng trong sáng nay 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp 45, cho ý kiến báo cáo đánh giá tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất nặng nề nền kinh tế. Tăng trưởng GDP đạt thấp trong quý I năm 2020. Tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm sút.

“Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng”, PLO dẫn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm trong tháng 4. Lần đầu tiên trong giai đoạn 2015 – 2020, số doanh nghiệp thành lập mới giảm, số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh.

Khiêu khích Việt Nam, Trung Quốc muốn viết lại luật lệ Biển Đông
Ông Dũng cho hay, hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm. Trong số đó, một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc thậm chí đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó là các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải (đặc biệt là vận tải hàng không), ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết nền kinh tế có một số điểm sáng. Ví dụ như, kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, xu hướng giảm dần qua từng tháng; xuất khẩu đạt gần 83 tỷ USD, tăng 4,7%, xuất siêu khoảng 3 tỷ đô la.

Trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quan hệ đối ngoại của Việt Nam sẽ được tăng cường nhờ các nỗ lực hợp tác quốc tế để đối phó với dịch Covid-19 và được đánh giá cao.

Nhiều mặt hàng của Việt Nam như trang thiết bị y tế, gạo, nông sản... đã tìm được cơ hội để thâm nhập vào các thị trường mới ở các nước. Trong bối cảnh nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn, Việt Nam có cơ hội trở thành thị trường thay thế.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia cũng gây khó khăn cho Việt Nam.

Trung Quốc tố Việt Nam xâm lược Biển Đông: Tây Sa và Nam Sa chỉ là khởi đầu
Theo báo cáo của Chính phủ, đại dịch Covid-19 dẫn đến xu hướng gia tăng cạnh tranh giữa Việt Nam - Trung Quốc do xu hướng các nước dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam.

“Căng thẳng biển Đông sẽ tăng do Trung Quốc lợi dụng các nước đang tập trung chống dịch Covid-19 để gia tăng ảnh hưởng và sự bành trướng trên biển Đông”, ông Dũng nói.

Liên quan tới vấn đề này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho hay có ý kiến đề nghị cần đánh giá về tình hình và các giải pháp bảo vệ chủ quyền ở biển Đông và bảo đảm nguồn nước sông Mê Kông.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuý, thời gian gần đây, Trung Quốc đã mạnh tay hơn, hành xử áp đặt rõ ràng hơn trên Biển Đông, đặc biệt là lập đơn vị hành chính, quân sự hóa biển đảo.

Ông Trần Văn Túy đề nghị cần có kịch bản ứng phó nếu không sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Thảo luận