Có bao nhiêu phần đời Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với nước Nga?

Mốc đánh dấu 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, chính trị gia xuất sắc của thế kỷ XX, cũng được tổ chức kỷ niệm tại Nga, đất nước luôn coi nhà cách mạng Việt Nam là người bạn lớn chí tình chí nghĩa.
Sputnik

Trong những năm 20 và 30 của thế kỷ trước, tổng cộng có sáu năm rưỡi, tức là gần một phần mười hai cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống ở nước Nga.  

Lần đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân lên đất Nga là vào mùa hè năm 1923 tại Petrograd, sau này đổi tên thành Leningrad, và tiếp đến hiện nay là Saint-Peterburg. Nhà cách mạng vô sản Việt Nam đã dành một tuần lễ sống trong thành phố bên bờ sông Neva, sau đó Người dời đến Matxcơva. Thời kỳ thứ nhất ở Nga kéo dài một năm rưỡi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Nga lần thứ hai vào mùa hè năm 1927 và dành khoảng sáu tháng ở đất nước này. Dài ngày nhất là chuyến đi thứ ba - từ tháng 2 năm 1934 cho đến tháng 10 năm 1938.

Sách lược và chiến lược cho cách mạng Việt Nam đã được vạch ra ở Nga

Những năm tháng ở Nga là khoảng thời gian làm việc căng thẳng cần mẫn của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Theo sáng kiến ​​của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, tại Matxcơva từ năm 1924 bắt đầu phát hành tạp chí «Quốc tế Cộng sản Nông dân». Mùa hè năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đăng đàn phát biểu tại Đại hội V của Quốc tế Cộng sản, vào mùa hè năm 1935 - tại Đại hội VII. Nhà cách mạng Việt Nam còn tham gia các Đại hội Thanh niên Quốc tế Cộng sản, Đại hội  Công đoàn Quốc tế, dự các hội nghị của Hiệp hội Quốc tế Hỗ trợ các chiến sĩ cách mạng, làm việc tại Cơ quan Điện báo Nga, tại Viện Nông nghiệp Quốc tế. Nguyễn Ái Quốc tham dự các khóa học ngắn hạn của Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông (gọi tắt theo tiếng Nga là KUTV), công tác tại Cục Phương Đông thuộc BCH Quốc tế Cộng sản, tại Trường Quốc tế Lenin, cơ sở dành riêng đào tạo cán bộ chính trị cấp cao cho các Đảng Cộng sản nước ngoài. Sau đó, Người bắt đầu làm việc tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa thuộc Quốc tế Cộng sản.

Có bao nhiêu phần đời Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với nước Nga?

Nhà cách mạng Việt Nam đã đến giảng bài cho các sinh viên của nhóm nói tiếng Pháp ở trường KUTV, gồm đại diện của các nước Đông Dương và Bắc Phi. Dành cho các học viên người Việt, lãnh tụ có bài giảng riêng bằng thứ tiếng mẹ đẻ của quê hương. Ngay từ đó, Người kêu gọi các học viên nên giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ mẹ đẻ, cẩn trọng khi sử dụng những từ nước ngoài. Người còn viết các bài giảng về lịch sử và địa lý Việt Nam dưới dạng những bài văn vần giản dị, giúp các học viên Việt Nam dễ hiểu dễ nhớ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt người Nga
Trong thời gian này, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã nghiên cứu về công tác xây dựng Đảng qua đợt thực tế «vô sản hoá» tại nhà máy bánh kẹo «Tháng Mười Đỏ» của Matxcơva, cơ sở nổi tiếng mà sản phẩm sô cô la đến nay vẫn rất được ưa chuộng ở Nga và Việt Nam. Rồi Người làm quen với tiến trình cải cách nông nghiệp trong các nông trang tập thể của vùng Ryazan gần Matxcơva. Đến những năm 60, chính tại các trường quân sự ở Ryazan đã bắt đầu quá trình đào tạo các sĩ quan cho Việt Nam - những vị chỉ huy các trận đánh và chiến thắng vì tự do và độc lập của quê hương, như  Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mơ ước khi Người ở Nga.

Sống ở Matxcơva với 70 rúp mỗi tháng. Nhưng là rúp bạc

Đương nhiên cuộc sống của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh ở Matxcơva khi ấy không chỉ bó hẹp với học tập và công việc. Người ưa đến thăm Bảo tàng Hội họa Tây phương, bây giờ là Bảo tàng Nghệ thuật tạo hình mang tên Pushkin. Cùng với những người dân Matxcơva, nhà cách mạng Việt Nam đã tham gia ngày Chủ nhật lao động công ích để kiến thiết thành phố. Khi các phi công Xô-viết kỳ tài trở về Matxcơva sau khi hoàn thành chuyến bay thẳng đầu tiên trên thế giới qua Bắc Cực đến Mỹ, Nguyễn Ái Quốc có mặt trong số những người đầu tiên chào đón các anh hùng này. Những chiều rảnh, Người thường đến rạp chiếu phim, nơi giới thiệu biên niên sử về các trận chiến của lực lượng Cộng hòa chống phát xít ở Tây Ban Nha qua những thước phim do các nhà quay phim Liên Xô thực hiện. Nhân đây xin nói thêm, một trong những nhà quay phim này là Roman Karmen, người đã đến Việt Nam vào mùa xuân năm 1954 để quay bộ phim về chiến thắng Điện Biên Phủ và góp công đặt nền móng cho nền điện ảnh quốc gia của Việt Nam.

Có bao nhiêu phần đời Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với nước Nga?

Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh sống trong khu tập thể dành cho các nhân viên của BCH Quốc tế Cộng sản, bố trí tại khách sạn «Lux» trên đường Tverskaya ở trung tâm thủ đô Matxcơva. Hiện còn lưu giữ bức công văn của Cục Phương Đông thuộc BCH Quốc tế Cộng sản, đề tháng 12 năm 1923, gửi cho Ban Giám đốc ký túc xá này. Trong công văn ghi rõ «duyệt cấp cho Nguyễn Ái Quốc khoản sinh hoạt phí cá nhân 70 rúp một tháng». Cần lưu ý rằng đồng rúp của Nga thời đó giá trị hơn nhiều so với đồng tiền Nga hiện tại và 1 rúp là đồng xu bằng bạc nặng 20 gram.

Nguyễn Ái Quốc luôn hào hứng tham gia các buổi biểu diễn văn nghệ nghiệp dư của các nhân viên Quốc tế Cộng sản. Có lần các thành viên Pháp trong Quốc tế Cộng sản trình diễn vở kịch về Công xã Paris. Vai chiến sĩ tiên phong phất cao lá cờ đỏ trên chiến luỹ do Nguyễn Ái Quốc thể hiện.

Có bao nhiêu phần đời Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với nước Nga?

Một đồng chí người Indonesia đã dạy Nguyễn Ái Quốc chơi cờ vua châu Âu. Cựu chiến binh Quốc tế Cộng sản Nikolai Golenovsky, người vào những năm 60 từng công tác ở Đài phát thanh Matxcơva (tiền thân của Sputnik hiện nay) đã hồi tưởng lại rằng ông cũng thường có dịp đấu cờ với nhà cách mạng Việt Nam. Tuy thời gian đầu còn bị nhầm lẫn các quy tắc của cờ vua châu Âu và cờ tướng Việt Nam, nhưng chẳng mấy chốc Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng nắm vững cách chơi và có những nước đi rất độc đáo vi diệu khiến cả Golenovsky - một trong những kỳ thủ cao cường nhất trong BCH Quốc tế Cộng sản - cũng phải lúng túng.

Giai đoạn Nga trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tài liệu lưu trữ

Trong các Viện Bảo tàng và Kho Lưu trữ của Nga còn giữ được rất nhiều tư liệu là bằng chứng vô giá về giai đoạn Nga trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những hiện vật lịch sử quý báu này nhiều lần được trưng bày tại các cuộc triển lãm dành riêng nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Tạp chí «Ngọn lửa nhỏ» («Ogonyok») ở Matxcơva số 39 tháng 12 năm 1923 đã xuất bản tiểu luận của Osip Mandelstam, thuật lại lần nhà thơ Nga được gặp và trò chuyện với Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Phong cách của nhà cách mạng Việt Nam đã gây ấn tượng sâu sắc với thi sĩ Nga. Mandelstam viết:

«Từ con người Nguyễn Ái Quốc toả ra cả một nền văn hóa, nền văn hóa của tương lai… Qua cử chỉ cao thượng, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, tôi nghe thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương».

Tháng 10 năm 1923, tại Matxcơva diễn ra Hội nghị Nông dân Quốc tế, tại đó Nguyễn Ái Quốc cũng đăng đàn phát biểu. Các nhà làm phim tài liệu Nga đã chụp ảnh đúng vào thời điểm Người rời bục diễn giả trở xuống hội trường. Chúng ta được thấy Người giơ tay đáp lại lời chào mừng của các đại biểu.

Vào tháng 4 năm 1924, trong trường KUTV tổ chức cuộc gặp giữa đại diện các đảng Cộng sản nước ngoài và Lev Trotsky, người đã đến thăm các học viên, khi đang là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp của Chính phủ và đảng Cộng sản Liên Xô, sau đó bị Stalin trục xuất khỏi đất nước và cuối cùng bị giết chết. Trong bức ảnh từ cuộc gặp này, chúng ta thấy có cả Nguyễn Ái Quốc.

Có bao nhiêu phần đời Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với nước Nga?

Tháng 6 năm 1924, có những thước phim tài liệu ghi lại hình ảnh nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc tham dự  Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản, tổ chức tại Nhà hát Bolshoi ở Matxcơva. Cũng khi đó, họa sĩ Matxcơva Kropchenko, đang làm việc trong toà soạn báo «Công nhân» đã vẽ chân dung Người. Nguyễn Ái Quốc dáng người cân đối mảnh dẻ, mặc áo sơ mi trắng.

Có bao nhiêu phần đời Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với nước Nga?

Ông Giovanni nhân viên người Ý của BCH Quốc tế Cộng sản đã ghi lại ký ức về việc một đêm trong đợt sương giá lạnh khắc nghiệt vào tháng 1 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã đến vĩnh biệt Lenin. Trong hồi ký của mình, nhà cách mạng người Đức Glaubauf đã kể về việc nhà cách mạng Việt Nam tài năng giảng bài cho các lớp học viên đến từ Bắc Phi ở trường KUTV. Đồng chí người Pháp Biyu thuật lại những cuộc gặp của ông với Nguyễn Ái Quốc trong Đại hội Thanh niên Quốc tế ở Matxcơva vào năm 1924 và trong kỳ nghỉ ở Crưm vào năm 1927.

Trong hồi ký của mình, một học viên Việt Nam khi ấy là Nguyễn Khánh Toàn đã kể chuyện Nguyễn Ái Quốc ở Matxcơva năm 1933. Không chỉ được chứng kiến cảnh Nguyễn Ái Quốc dùng thứ tiếng Nga trôi chảy khi nói với một tài xế ở Matxcơva, Nguyễn Khánh Toàn còn thường gặp người đồng hương kiệt xuất này tại trường Quốc tế Lênin, trong ký túc xá của học viên Việt Nam ở trường KUTV. «Đôi khi, Nguyễn Ái Quốc còn phải đứng ra dàn xếp những cuộc cãi vã riêng tư lặt vặt giữa mấy người này. «Nếu chúng ta ở đây, sống trong một nhóm nhỏ, mà còn không thể thân thiện với nhau, vậy thì làm sao chúng ta có thể đoàn kết mọi người trong cuộc đấu tranh chống bọn thực dân?», - Nguyễn Ái Quốc khuyên nhủ các học viên đồng hương như vậy», - Nguyễn Khánh Toàn viết.

Đại diện của Matxcơva tại Quảng Đông

Nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã không cắt đứt liên lạc với Nga cả trong khoảng giữa những chuyến đi của Người tới Matxcơva. Đặc biệt là trong giai đoạn những năm 1924-1927, khi BCH Quốc tế Cộng sản giao nhiệm vụ là đại diện ủy quyền của Ban Thư ký Viễn Đông và phái sang Quảng Châu để chuẩn bị các điều kiện cho việc thành lập Đảng Cộng sản ở xứ Đông Dương.

Những bí quyết vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc tạm trú trong nhà Mikhail Borodin, là người quen biết từ Matxcơva và khi ấy là đại diện của Quốc tế Cộng sản ở Trung Quốc, cố vấn chính trị chính của Tôn Trung Sơn. Về hình thức thì Nguyễn Ái Quốc được giới thiệu là thông dịch viên của Borodin kiêm phóng viên của Cơ quan Điện báo Nga. Nguyễn Ái Quốc làm việc dưới họ tên Nga là Nilovsky, nhưng các chuyên gia Nga thường gọi ông là Lý (Lý Thụy). Nguyễn Ái Quốc duy trì liên lạc bưu chính thường xuyên với BCH Quốc tế Cộng sản, thông báo đều đặn về tình hình Trung Quốc và Đông Dương. Người chuẩn bị tài liệu dành cho các phương tiện truyền thông Nga. Chẳng hạn, tòa soạn tạp chí «Nữ công nhân» ở Matxcơva đã nhận được đề xuất như sau: «Khi ở đây thực hiện công tác mật, tôi sẽ gửi cho bạn những bài báo dưới dạng thư và ký tên phụ nữ».

Làm việc trong cùng văn phòng với nhà cách mạng Việt Nam khi ấy có người phụ nữ Nga là Vishnyakova, Thư ký của ông Borodin. Nửa thế kỷ sau, trong hồi ký của mình, bà viết:

Những người Việt trong trang phục Hồng quân

«Một trong những người tuyệt diệu sống ở Quảng Châu khi ấy là anh Lý, người Việt. Chúng tôi thường gọi đùa anh là «Lý Annam». Tôi nhớ anh  có dáng người mảnh dẻ gầy gò hay mặc bộ đồ vải lanh trắng, luôn có cái nhìn chăm chú và hơi ưu tư. Anh ấy thạo tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh và cả phương ngữ quan thoại của Quảng Đông. Tôi nhờ Lý dạy tiếng Việt và điều đó làm anh vui, anh ấy sẵn lòng dạy tôi. Anh ấy đối xử với chúng tôi rất lịch thiệp thân thiện, nhưng dè dặt, và không bao giờ nói anh đang làm gì hay những việc đã làm trong quá khứ. Chúng tôi không biết nhiều về anh, trừ việc người Pháp đã treo giải một khoản tiền lớn để bắt giữ anh. Trong nhà ông Borodin, anh là người mình. Chỉ sau đó tôi mới biết rằng «Lý Annam» của chúng tôi chứ không phải ai khác chính là Hồ Chí Minh».

Cũng từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Matxcơva lời thỉnh cầu tiếp nhận một nhóm trẻ em Việt Nam sang học tập – chính là những người vào mùa thu năm 1941 đã xung phong tình nguyện ra trận bảo vệ thủ đô Matxcơva khỏi đòn tấn công của bọn phát-xít Đức quốc xã và sau này được Nhà nước Liên Xô truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại hạng Nhất.

Mơ ước cháy bỏng – dẫn dắt nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh

Trong chuyến đi thứ ba tới Matxcơva, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã gặp nhà văn Liên Xô nổi tiếng Ilya Erenburg. Văn sĩ hỏi nhà cách mạng Việt Nam về mơ ước của Người. Câu trả lời là đây: mơ ước chính cháy bỏng nhất là sớm trở về quê hương, dẫn dắt nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do сho đất nước.

Hồ Chí Minh của chúng tôi

Theo đề nghị nhiều lần của đương sự, Viện Các vấn đề dân tộc và thuộc địa đã ra quyết định xoá tên học viên số 19 (Lin) khỏi danh sách của Viện từ ngày 29 tháng 9 năm 1938 trong tương quan chuyến đi hồi hương. Và Lin-Nguyễn Ái Quốc đã không trì hoãn sự ra đi. Trong hồi ức của con gái một cán bộ trọng trách ở Quốc tế Cộng sản là Vasilyeva nhắc những kỷ niệm thú vị. Từ lâu trước đó Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị sẵn một chiếc vali da lớn và đẹp gửi trong gia đình Nga này, dự định sẽ mang theo khi về nước. Nhưng rồi cuộc khởi hành đột ngột đến nỗi Người không có thời gian đến lấy vali. Và chiếc vali kỷ vật này đã được cất giữ trong nhà Vasilieva suốt nhiều thập niên.  

Tiễn chân nhà cách mạng Việt Nam tại nhà ga Yaroslavl ở Matxcơva, một lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản là Manuilsky đã nói: «Chúng tôi hy vọng rằng lần kế tiếp bạn tới Matxcơva là khi quê hương bạn đã giành được tự do và độc lập». Những lời chúc này đã ứng nghiệm thành sự thật. Trong những năm 50 và 60 ở Nga luôn luôn long trọng chào mừng vị Chủ tịch đầu tiên của Nhà nước Việt Nam tự do và độc lập.

Có bao nhiêu phần đời Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với nước Nga?

Những tượng đài Hồ Chí Minh – tượng đài của tình nghĩa anh em

Hiện nay, trên đất Nga có bốn tượng đài tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: đặt trên quảng trường mang tên Người ở Matxcơva, ở Saint-Peterburg, ở Ulyanovskở Vladivostok.

Có bao nhiêu phần đời Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với nước Nga?

Và một tượng đài khác đã được kiến thiết, với sự hỗ trợ của Liên Xô, ở trung tâm Hà Nội - Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giám đốc Phòng thí nghiệm nghiên cứu Y học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Viện sĩ Sergei Debov nhớ lại như sau:

Làm ngược lại di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

«Chúng tôi đến Hà Nội vào cuối tháng 8, khi tình trạng sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở mức tiên lượng xấu, e không qua khỏi. Sáng ngày 2 tháng 9, một chiếc xe đến chở chúng tôi tới Quân y viện 103. Trên đường đi, chúng tôi nhận tin buồn rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần. Tại bệnh viện quân y, chúng tôi làm thủ tục khám nghiệm và tiến hành ướp sơ bộ để đưa thi hài Chủ tịch ra quàn trong lễ truy điệu ở Hội trường Ba Đình. Chúng tôi không hề biết gì về bản di chúc, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nguyện vọng hỏa táng Người».

Sau nghi lễ vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh, câu hỏi đặt ra là tiếp nối công việc ướp thi hài. Các chuyên gia Liên Xô cho rằng cần khẩn trương đưa thi hài cố Chủ tịch Việt Nam sang Matxcơva để mọi công việc sẽ thực hiện ở đó cho đảm bảo. Nhưng ban lãnh đạo Việt Nam kiên quyết giữ ý kiến ướp thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay tại Hà Nội. Viện sĩ Debov nhớ lại rằng trong các cuộc hội đàm về nội dung này có sự tham gia của Thủ tướng Liên Xô Kosygin, người đã đến Hà Nội để dự lễ tang.

Có bao nhiêu phần đời Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với nước Nga?

Ban lãnh đạo Việt Nam vẫn tiếp tục bảo lưu đề xuất của mình. Thủ tướng Kosygin bay về Matxcơva báo cáo tình hình này với Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô. Khi đó đã quyết định đáp ứng mong muốn của phía Việt Nam. Chỉ trong mấy ngày, các trang thiết bị cần thiết để ướp và bảo quản thi hài đã được gửi qua đường không tới Hà Nội. Các chuyên gia bắt đầu công việc, nhưng cũng chính lúc đó không lực Hoa Kỳ phát động cuộc dội bom ồ ạt vào Hà Nội. Đã phải khẩn trương di chuyển toàn bộ «phòng thí nghiệm» đến địa điểm bí mật cách thủ đô khoảng 30 km. Và sau đó, đề phòng cuộc đổ bộ trực thăng của biệt kích Mỹ, tất cả tiếp tục dời lên vùng ven sông Đà, trong chiếc hang dưới vách đá khổng lồ có thể chịu được cả cuộc bắn phá bằng bom tấn. Vị trí chính xác của chiếc hang này được giữ tuyệt  mật. Các chuyên gia Liên Xô, theo kịch bản đã bàn bạc, đóng vai là cán bộ lâm nghiệp và chỉ đến đó vào ban đêm. Cứ thế cho đến khi kết thúc chiến tranh.

Có bao nhiêu phần đời Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với nước Nga?
Nghi lễ khánh thành Lăng lãnh tụ diễn ra sau chiến thắng, vào ngày 29 tháng 8 năm 1975, trước thềm ngày hội Quốc khánh, chính ở nơi vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ. Về kích thước, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội hùng vĩ hơn đáng kể so với Lăng Lenin ở Matxcơva. Lăng không chỉ đơn thuần là một căn phòng bảo quản linh cữu và thi hài, mà còn là tổ hợp thiết bị làm lạnh, hệ thống điều hòa không khí, camera và màn hình, đường cấp điện và những hệ thống hỗ trợ sự sống khác nữa. Cùng với việc xây dựng Lăng, các chuyên gia Liên Xô đã tái thiết toàn bộ khu vực quảng trường Ba Đình. Một trong những mục tiêu chính của công việc này là hạ thấp nhiệt độ xung quanh Lăng xuống ít nhất 3°C. Nhiệm vụ vô cùng phức tạp khó khăn trong điều kiện khí hậu Hà Nội đã được hoàn thành tốt đẹp. Hàng chục nhà khoa học, chuyên gia và nhà xây dựng của Liên Xô tham gia công trình xây dựng Lăng và bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương.

Phát biểu tại lễ khánh thành Lăng, các nhà lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh rằng, Lăng sẽ trường tồn, là một biểu tượng cho tình nghĩa anh em của các nước chúng ta, kế thừa sự nghiệp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng vững chắc.

Thảo luận