Bản thân lăng mộ chỉ là một bộ phận của khối lượng công việc to lớn mà Liên Xô đã thực hiện để tưởng niệm Người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Lăng mộ đã được xây dựng để đồng bào có thể viếng thăm, mà điều chính là bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong những năm 90, tại Matxcơva đã xuất bản cuốn sách 60 trang "Cái chết và ướp xác Hồ Chí Minh", nay là cuốn sách quý hiếm. Tác giả của cuốn sách này là Viện sĩ Yuri Lopukhin của Viện Hàn lâm Y học Nga, người đã làm việc trong nhiều năm tại Viện Lăng Lenin ở Matxcơva. Ông là một trong những người trực tiếp tham gia ướp xác Hồ Chí Minh. Viện sĩ Lopukhin đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam. Ông viết như sau: ngay từ năm 1966, những người đồng chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định sẽ bảo quản thi hài Chủ tịch sau khi ông chết. Trong năm đó, ba bác sĩ Việt Nam đã tới Matxcơva để liên lạc với chuyên gia Liên Xô trong lĩnh vực ướp xác. Nhưng, họ giữ bí mật thông tin này, không cho Hồ Chí Minh biết về điều đó bởi vì trong di chúc của ông, trong phần được công bố muộn hơn nhiều, ông đã viết:
"Về việc riêng Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày gìờ và tiền bạc của nhân dân.
Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là "hỏa táng". Tôi mong rằng cách "hỏa táng" dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện, thì "điện táng" càng tốt hơn.
Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì như hình có nhiều đồi tốt. Trên mộ, nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.
Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp.
Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam."
Đây là ước nguyện duy nhất của ông không được thực hiện. Bộ Chính trị Trung ương Đảng có chú ý đến tình hình thời đó, có tính đến nguyện vọng của người dân, đã quyết định rằng, sẽ tốt hơn để ướp xác Chủ tịch hồ Chí Minh và xây dựng lăng mộ.
Cần phải bảo quản thi hài cho đến khi xây dựng xong lăng mộ. Vào cuối tháng Tám, các chuyên gia Liên Xô, kể cả ông Yuri Lopukhin và Giám đốc Phòng thí nghiệm của Viện Hàn lâm Y học Liên Xô Sergei Debov, đã được mời đến Hà Nội. Theo kết luận của họ và các bác sĩ Việt Nam tình trạng sức khỏe của Hồ Chí Minh đang nguy kịch.
Ông Sergey Debov hồi tưởng lại:
"Sáng ngày 2 tháng 9, chúng tôi đã được khẩn cấp đưa đến bệnh viện 103. Trên đường đi, chúng tôi đã được thông báo tin buồn về cái chết của Chủ tịch. Tại bệnh viện, chúng tôi đã tiến hành cuộc khám nghiệm tử thi và ướp xác ban đầu để thi thể có thể được đưa đến nơi để người dân vĩnh biệt Người. Khi đó chúng tôi không biết gì về di chúc của Hồ Chí Minh yêu cầu được thiêu xác mình. "
Sau Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu cuộc thảo luận về nơi thực hiện các công việc ướp xác. Các chuyên gia Liên Xô đã nói lên ý kiến và nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Liên Xô Kosygin, người dự Lễ truy điệu tại Hà Nội: Matxcơva là nơi tốt nhất để thực hiện các công việc đó. Nhưng ban lãnh đạo Việt Nam muốn để các công việc phức tạp này được thực hiện tại Hà Nội. Và nhiệm vụ đó đã được thực hiện. Trong một vài ngày tất cả các thiết bị cần thiết đã được vận chuyển từ Matxcơva đến Hà Nội bằng đường không. Theo các tài kiệu lưu trữ đã được bàn giao cho Việt Nam, ngày 22 tháng 6 năm 1970, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã thông qua quyết định cung cấp hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại cho nước VNDCCH trong việc xây dựng lăng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở quyết định đó, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô quy định phạm vi các Bộ, cơ quan chịu trách nhiệm phát triển bản thiết kế, làm ra quan tài, cung cấp các trang thiết bị, dụng cụ và vật liệu cần thiết.
Khi các chuyên gia Matxcơva bắt đầu ướp xác, Mỹ lại ném bom ồ ạt tấn công thủ đô Hà Nội. Trong điều kiện đó cần phải nhanh chóng đưa phòng thí nghiệm đến nơi an toàn cách Hà Nội 40km. Nhưng, ngay sau khi phòng thí nghiệm nối lại hoạt động, lại có tin về việc nhóm lính nhảy dù Mỹ có thể đổ bộ đường không tại nơi này. Lại một lần nữa phòng thí nghiệm phải vội vàng đưa đi sơ tán đến bờ sông Đà, trong một hang đá lớn có thể chịu đựng độ công phá của bom đạn rất lớn. Thi hài Chủ tịch đã ở lại đó cho đến khi ký kết Hiệp định Paris.
Tháng 9 năm 1973 các chuyên gia Liên Xô đã khởi công xây dựng Khu lăng mộ với sự tham gia của kỹ sư xây dựng người Việt. Thiếu Tướng về hưu Yuri Prischepa, một trong những người tham gia vào hoạt động này, hồi tưởng lại như sau:
"Các công việc xây dựng Lăng mộ và các đợt cung cấp thiết bị cho công trường này do phía Liên Xô tài trợ. Việt Nam đã cấp kinh phí từ ngân sách chỉ để mua thiết bị nước ngoài. Tham gia các công việc này có Viện kết cấu sinh lý Matxcơva và Cơ quan mật vụ Điện Kremlin — cơ quan quản lý Lăng Lênin. Quan tài đã được làm ra tại các xí nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp Hàng không Liên Xô. Những người Việt Nam đã xây dựng lăng mộ dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô thường xuyên hiện diện tại cơ sở này. Quá trình lắp đặt thiết bị kỹ thuật đảm bảo quan tài luôn được giữ ở nhiệt độ và độ ẩm nhất định cũng đã được thực hiện theo cách đó. Đây là một cơ sở kỹ thuật phức tạp, với hai tầng ngầm, với hệ thống mạnh mẽ điều hòa không khí,với các đường dây điện, kết nối các camera và màn hình".
Đồng thời, các chuyên gia Liên Xô đã xây dựng lại toàn bộ khu vực quảng trường Ba Đình. Một trong những mục tiêu chính là hạ thấp ít nhất ba độ nhiệt độ không khí xung quanh Lăng mộ. Đây là một nhiệm vụ vô cùng phức tạp có chú ý đến khí hậu Hà Nội, và nhiệm vụ này đã được thực hiện thành công.
Phát biểu tại lễ mở cửa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh 6 năm sau khi người con vĩ đại của nhân dân Việt Nam qua đời, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhấn mạnh rằng, công trình này sẽ mãi mãi là một biểu tượng của tình anh em giữa hai nước. Hàng chục chuyên gia của Liên Xô và Nga tham gia xây dựng lăng mộ, ướp xác và bảo quản thi hài Bác Hồ đã được trao tặng những phần thưởng cao quý của Việt Nam. Cho đến nay, các chuyên gia Nga mỗi năm đến Hà Nội để tư vấn cho các đồng nghiệp Việt Nam và cung cấp sự hỗ trợ, nếu cần thiết.