Tại sao ngày 21 tháng 5?
Vào ngày 21 tháng 5 năm 1731, chính quyền Nga hoàng đã ban hành sắc lệnh về thành lập đội tàu quân sự để bảo vệ "biên giới phía đông của Đế quốc Nga, các tuyến đường giao thương trên biển". Cảng Okshotsk được xác định là căn cứ chính của đội tàu. Khi đó trong thành phần của nó chỉ có những chiếc tàu cỡ nhỏ. Sau đó, đội tàu này được đặt tên “Đội tàu quân sự Siberia”.
Năm 1849, căn cứ chính của đội tàu Siberia đã chuyển đến cảng Petropavlovsk (nay là - Petropavlovsk-Kamchatsky). Trong những năm 1849-1855. theo sáng kiến của Thống đốc Đông Siberia Nikolai Muraviov nhận được sử ủng hộ của Hoàng đế Nicholai I, đoàn thám hiểm trên chiếc thuyền hai cột buồm "Baikal" thuộc đội tàu quân sự Siberia dưới sự chỉ huy của Đô đốc Gennady Nevelsky đã thăm dò địa lý gần bờ biển phía tây nam của biển Okshotsk và cửa sông Amur. Kết quả là họ đã xác nhận sự tồn tại của eo biển giữa đảo Sakhalin và lục địa.
Trận hải chiến đầu tiên của đội tàu Thái Bình Dương
Sau khi bùng nổ cuộc chiến tranh Crưm (1853-1856) giữa Nga và liên minh Anh-Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ, đội tàu quân sự Siberia nằm cách vùng chiến sự hàng ngàn km, cũng bị đe dọa bởi cuộc tấn công từ biển.
Vào ngày 18 tháng 8 năm 1854, đội tàu chiến Anh-Pháp dưới sự chỉ huy của hai Chuẩn Đô đốc Preis và de Pointe đã xuất hiện trước cảng Petropavlovsk. Trên năm tàu chiến có 218 đại bác và khoảng 2.000 thủy thủ. Còn phía Nga chỉ có 1.000 người trong đồn trại Petropavlovsk, một tàu khu trục, một tàu vận tải và chỉ có 67 đại bác trên các tàu và trên bờ.
Thống đốc Kamchatka, Thiếu tướng Vasily Zavoyko đã chỉ huy chiến dịch phòng thủ. Sau mấy ngày chiến đấu ác liệt... kẻ xâm lược buộc phải ra đi. Anh và Pháp đã mất 450 người, các tàu của họ bị hư hại. Phía Nga đã mất khoảng 100 người. Tuy nhiên, Nga đã rút bài học, và vào năm 1855, căn cứ chính của đội tàu quân sự Siberia đã được chuyển đến một cảng an toàn hơn - Nikolaevsk-on-Amur.
Chính phủ Nga bắt đầu chú ý nhiều hơn đến sức mạnh quân sự của vùng Primorye. Một loạt các biện pháp đã được thực hiện để thu hút sĩ quan hải quân đến đội tàu quân sự Siberia. Năm 1894, sức mạnh chiến đấu của hạm đội được tăng cường bằng cách điều động đội tàu Địa Trung Hải dưới sự chỉ huy của Chuẩn đô đốc Stepan Makarov đến vùng Viễn Đông.
Đội tàu Thái Bình Dương trong cuộc Chiến tranh Nga-Nhật
Trong thời gian Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905) một số tàu chiến của đội tàu Siberia đã được đưa vào thành phần đội tàu 1 Thái Bình Dương và đội tàu Vladivostok và đã tham gia các trận hải chiến. Cả thế giới đều biết đến chiến công của thủy thủ đoàn của tàu tuần dương bọc thép "Varyag" (chỉ huy - Thuyền trưởng hạng nhất Vsevolod Rudnev) và pháo hạm "Koreets" (chỉ huy - Thuyền trưởng hạng 2 Grigory Belyaev). Vào ngày 9 tháng 2 năm 1904, hai tàu này đã tham gia trận hải chiến không cân sức với 14 tàu Nhật Bản khi cố gắng từ cảng Chemulpo (Incheon) chuyển đến cảng Arthur (Đại Liên).
Nỗ lực đã không thành công, các thủy thủ Nga từ chối đầu hàng cho kẻ thù, và hai tàu đã bị đánh đắm bởi thủy thủ đoàn bằng cách cho nổ kho thuốc súng. Sau khi trở về quê hương, các thủy thủ đã được trao phần thưởng cao nhất vì lòng can đảm và lòng trung thành với tổ quốc: các chỉ huy và sĩ quan đã được trao tặng Huân chương Thánh Georgi, các thủy thủ - Chữ thập Georgi (phần thưởng tương đương với huân chương của sĩ quan). Và tất cả không có ngoại lệ - huy chương đặc biệt vì cuộc hải chiến này. Đối phương cũng đã đánh giá cao chiến công của các thủy thủ Nga: năm 1907, Chuẩn đô đốc nghỉ hưu Vsevolod Rudnev đã được trao tặng Huân chương Mặt trời mọc của Nhật Bản.
Đội tàu Siberia trong Thế chiến I và cuộc nội chiến
Kết cục bi thảm của cuộc chiến Nga-Nhật cho thấy sự cần thiết phải tăng cường lực lượng hải quân của Nga ở vùng Thái Bình Dương. Đến năm 1914, trong đội tàu quân sự Siberia đã có 2 tàu tuần dương, 9 tàu khu trục, 10 ngư lôi hạm, 8 tàu ngầm. Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), một số tàu chiến của đội tàu Siberia đã hộ tống các đoàn tàu vận chuyển hàng hóa quân sự từ Hoa Kỳ đến Vladivostok. Tuy nhiên, sau đó, trong những năm Nội chiến khi quân đội nước ngoài xâm nhập vào Nga (1918-1922), gần như toàn bộ thành phần của đội tàu Siberia đã bị mất. Kẻ xâm lược đã bắt giữ và đưa ra nước ngoài một số tàu, những tàu còn lại không thể sử dụng được do sự sụp đổ của công nghiệp và các cơ sở sửa chữa.
Trước chiến tranh và trong Thế chiến II
Lực lượng Hải quân Liên Xô ở Viễn Đông đã bắt đầu được khôi phục chỉ vào đầu những năm 1930. Đồng thời, kế hoạch công nghiệp hóa phát triển nhanh chóng đã giúp đẩy mạnh quá trình này. Các nhà máy đóng tàu và xưởng sửa chữa tàu ở vùng Viễn Đông đã được mở rộng và trang bị lại. Các thuyền ngư lôi, máy bay và đại bác từ khu vực châu Âu của Liên đã được vận chuyển bằng đường sắt.
Ngày 11 tháng 1 năm 1935, các lực lượng hải quân của Viễn Đông được đổi tên thành Hạm đội Thái Bình Dương bao gồm cả tàu quét mìn tốc độ cao, tàu ngầm mới nhất. Hai tàu khu trục mạnh “Stalin” và “Voikov” đã vượt qua Tuyến hàng hải phương Bắc đến Viễn Đông. Năm 1937, Trường Hải quân Thái Bình Dương được thành lập - "lò rèn nhân sự" cho Hạm đội Thái Bình Dương. Trong cuộc xung đột giữa Liên Xô và Nhật Bản gần hồ Hassan năm 1938, hạm đội đã vượt qua bài kiểm tra về sự sẵn sàng chiến đấu. 74 thủy thủ Thái Bình Dương đã được trao tặng các huân huy chương, và hàng trăm người đã được trao tặng huy hiệu Khasan.
Trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống nước Đức Quốc xã (22/11/1941 - 05/09/1945) Hạm đội Thái Bình Dương và đội tàu quân sự Amur dù “không tham chiến” nhưng đã hỗ trợ cho quân đội và hải quân. Ví dụ, vào năm 1942, đoàn tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương đã thực hiện chuyến đi biển bí mật gần như vòng quanh thế giới, vượt qua 16.630 dặm (qua Thái Bình Dương - kênh đào Panama - Bắc Đại Tây Dương - Biển Na Uy - biển Barents) để yểm trợ Hạm đội Biển Bắc. 153.000 thủy thủ của Hạm đội Thái Bình Dương và đội tàu quân sự Amur đã chiến đấu trên mặt trận Xô-Đức cả trên đất liền và trên biển.
Trong thời kỳ hậu chiến, Hạm đội Thái Bình Dương bắt đầu được trang bị các tàu ngầm và tàu nổi tiên tiến nhất có khả năng đi biển không giới hạn và có sức mạnh nổi bật. Tất cả điều này cho phép Hạm đội Thái Bình Dương rời khỏi khu vực ven biển để ra những vùng biển rộng lớn.
Ngày nay, Hạm đội Thái Bình Dương là một hiệp hội chiến lược thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nhất là "kiềm chế chiến lược" và bảo vệ khu kinh tế của Nga. Nó bao gồm các tàu chiến nổi và tàu ngầm thuộc nhiều lớp khác nhau, lực lượng thủy quân lục chiến, tên lửa, máy bay chống ngầm và máy bay chiến đấu, các đơn vị quân đội ven biển. Hàng chục tàu và các đơn vị hạm đội được trao tặng cờ hiệu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga "Vì lòng can đảm", các phần thưởng của Tổng tư lệnh Hải quân vì các loại huấn luyện chiến đấu.
Việc thực hiện các sứ mệnh ngoại giao đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động của Hạm đội Thái Bình Dương. Kể từ năm 1996, Nga thường xuyên tham gia diễn đàn hải quân của khu vực Tây Thái Bình Dương. Các tàu chiến của hạm đội đã tham gia vào các chiến dịch chống cướp biển để đảm bảo an toàn trong Vịnh Aden của Ấn Độ Dương, các hoạt động dọn dẹp và tháo gỡ mìn tại các cảng nước ngoài, tham gia sứ mệnh của Liên Hợp Quốc tại khu vực Vịnh Ba Tư và thực hiện các cuộc diễn tập cứu hộ, cứu nạn cùng với hải quân của các quốc gia láng giềng (bao gồm cả Nhật Bản và Hoa Kỳ).
Các hải đoàn của Hạm đội Thái Bình Dương đã thực hiện những chuyến thăm chính thức tới các cảng không chỉ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Mỹ, Nhật Bản), mà còn cả Ấn Độ, Sri Lanka, Yemen, Oman và thậm chí cả Pháp. Và căn cứ chính của Hạm đội Thái Bình Dương – cảng Vladivostok - đã tiếp nhận nhiều phái đoàn quân sự và hải đoàn của Úc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico và Peru. Vào tháng 7 năm 2019, các tàu chiến của Việt Nam và Philippines lần đầu tiên ghé thăm cảng Vladivostok – đây là Tàu 016-Quang Trung của Hải quân Việt Nam và Tàu đổ bộ BRP Davao del Sur của Hải quân Philippines.
Hạm đội Thái Bình Dương đang bảo vệ không chỉ lợi ích của Liên bang Nga, mà cả sự ổn định chung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.