Việt Nam là câu chuyện thành công nhưng kinh tế đang ở ngã ba đường

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế Việt Nam đang ở ngã ba đường. Việt Nam nên chọn lối đi nào?
Sputnik

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thành công, hình mẫu về phát triển kinh tế trong hai thập kỷ qua, tuy nhiên, Chính phủ cần điều chỉnh mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung vào chất lượng, chiều sâu và lấy năng suất lao động là động lực tăng trưởng trung tâm trong giai đoạn sắp tới.

WB: Kinh tế Việt Nam đang ở ngã ba đường

Hôm nay, 27/5, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức lễ ra mắt trực tuyến báo cáo Việt Nam năng động- tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao.

Việt Nam trong cuộc đua trở thành công xưởng mới của thế giới

Theo WB, mô hình phát triển dựa vào năng suất – kết hợp đổi mới, sáng tạo với phát triển cân bằng và phân bổ hiệu quả vốn tư nhân và nhà nước, vốn nhân lực và tự nhiên sẽ là yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Ngân hàng Thế giới quyết định công bố báo cáo này khi Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), với các khuyến nghị chính sách giúp Việt Nam duy trì sự tăng trưởng có chất lượng cao thông qua các doanh nghiệp năng động hơn, cơ sở hạ tầng hiệu quả, lao động có tay nghề, hướng tới một nền kinh tế xanh hơn.

Trong báo cáo “Việt Nam năng động: Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao”, WB nhận định, Việt Nam được đánh giá là một câu chuyện thành công về phát triển khi trong hai thập kỷ qua, thu nhập bình quân của hộ gia đình tăng gấp bốn lần và tỷ lệ nghèo đói cùng cực đã giảm từ 50% xuống còn khoảng 2% cùng nhiều nỗ lực vượt bậc để tăng tuổi thọ và tỷ lệ trẻ đến trường.

“Những thành tựu phát triển này là kết quả của các chính sách kinh tế và xã hội hiệu quả, bắt đầu từ công cuộc Đổi mới năm 1986 nhưng các kết quả tích cực cũng được hỗ trợ một phần bởi các xu hướng thuận lợi trong nước và trên thế giới”, WB cho biết.

Đồng thời, WB cũng nhìn nhận khách quan, Việt Nam được hưởng lợi từ công nghệ mới trong ngành nông nghiệp, thúc đẩy lao động dịch chuyển sang những ngành, lĩnh vực, công việc có năng suất cao hơn, dân trẻ trẻ gia tăng lực lượng lao động cũng như sự bùng nổ của thương mại toàn cầu.

Theo tổ chức này, tuy nhiên, khi môi trường trong nước và quốc tế thay đổi, đặc biệt là sự xuất hiện, bùng phát của đại dịch Covid-19 thì những điều kiện thuận lợi vốn đã giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng thần kỳ nay có thể biến thành trở ngại.

WB liệt kê ra những yếu tố như lợi thế dân số giảm dần, tự động hóa và công nghệ đột phá có thể loại bỏ những việc làm hiện nay của nhiều lao động cũng như thương mại toàn cầu sụt giảm.

Đồng thời, đại dịch có thể làm suy yếu thêm những nguyên lý cơ bản của toàn cầu hóa kinh tế khi Covid-19 đang buộc doanh nghiệp phải cân nhắc và thu hẹp chuỗi cung ứng đa cấp và đa quốc gia đang thống trị sản xuất ngày nay.

“Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 có thể gây ra một cơn địa chấn dù mức độ khủng hoảng về y tế tại Việt Nam không nghiêm trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo sẽ giảm 3 – 5% trong năm 2020 so với dự báo trước khủng hoảng, với áp lực ngày càng tăng lên ngân sách nhà nước và cán cân thanh toán do nguồn thu thuế, kim ngạch xuất khẩu và dòng vốn vào đều giảm”, báo cáo của Ngân hàng Thế giới nêu rõ.
“Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển, nhưng hiện nay đất nước đang ở một ngã ba đường khi các động lực tăng trưởng truyền thống đang dần suy yếu,” ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.

Việt Nam bàn về EVFTA, EVIPA, Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức
WB một lần nữa nhấn mạnh, để đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 thì sự tăng trưởng năng suất phải giữ vị trí then chốt trong mô hình phát triển kinh tế ở thập kỷ tới.

“Nói cách khác, Việt Nam cần có quyết sách để không chỉ phát triển nhanh hơn mà còn chất lượng hơn”, ông Ousmane Dione khẳng định.

Về vấn đề này, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie nêu quan điểm, am kết cải cách kinh tế quyết liệt là một nhân tố quan trọng đưa đến những thành tựu phát triển nổi bật của Việt Nam.

“Australia tự hào đã hỗ trợ báo cáo này – báo cáo cung cấp các khuyến nghị chi tiết về việc làm thế nào để Việt Nam có thể nâng cao năng suất và qua đó cải thiện chất lượng và sự công bằng trong phát triển kinh tế”, bà Mudie nhấn mạnh.

WB bày kế sách giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng chất lượng cao

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể đi theo mô hình phát triển dựa vào năng suất- kết hợp đổi mới sáng tạo với phát triển cân bằng, đồng thời phân bổ hiệu quả vốn tư nhân và nhà nước, vốn nhân lực và vốn tự nhiên.

Việt Nam có thể thay Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới?

WB đề xuất, Chính phủ Việt Nam nên tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên: Đó là tăng tính năng động cho doanh nghiệp, cải thiện độ hiệu quả và bền vững của cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề, đồng thời quản lý hiệu quả tài nguyên.

Theo Ngân hàng Thế giới, để doanh nghiệp ngày càng năng động, Việt Nam nên khuyến khích cạnh tranh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng gia nhập và rời thị trường để đảm bảo nguồn lực được đưa đến những công ty sáng tạo và hiệu quả nhất. Điều này chỉ có thể xảy ra trong một môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp được đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính, quy định pháp lý minh bạch và được pháp luật bảo vệ.

Về cơ sở hạ tầng, WB cho biết, Việt Nam đã xây dựng rất nhiều công trình cơ sở hạ tầng. Nhưng hiện nay Chính phủ cần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của dịch vụ hạ tầng, đặc biệt trong việc huy động tài chính, vận hành và bảo trì.

Một vấn đề nữa mà chính phủ cần quan tâm đó chính là nâng cao chất lượng nguồn lao động, khi lực lượng này ở Việt Nam hết sức dồi dào mà chưa được tận dụng hết.

“Lao động có tay nghề cao và cơ hội cho tất cả mọi người. Việt Nam có thứ hạng cao về giáo dục phổ thông, nhưng một mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất cần nâng cao chất lượng giáo dục đại học và các chương trình đào tạo kỹ thuật và dạy nghề”, WB nhận định.

Cơ quan này đề xuất cần trao nhiều cơ hội hơn nữa cho những người đang đối mặt với các rào cản gia nhập thị trường lao động, trong đó có người dân tộc thiểu số, để thúc đẩy công bằng xã hội và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dân số già hoá và lực lượng lao động giảm.

Tham gia "Bộ tứ mở rộng"– bài toán quan hệ quốc tế khó cho Việt Nam

Đối với kinh tế xanh, Ngân hàng Thế giới cho rằng, để phát triển bền vững, Việt Nam cần quản lý hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên không tái tạo như đất, rừng và nước; kiểm soát ô nhiễm chặt chẽ hơn, đặc biệt ở các trung tâm đô thị lớn; giảm thiểu và thích ứng với các tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng.

Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam với mục tiêu là xây dựng một nền kinh tế thị trường có thu nhập cao trong hai thập kỷ tới đây như mong mỏi của giai cấp lãnh đạo nhà nước cũng như mỗi người dân.

Chiến lược tăng trưởng mới phải thúc đẩy thị trường để đạt phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất thông qua đẩy mạnh cạnh tranh và áp dụng thuế cùng với các công cụ về giá khác để điều chỉnh hành vi thị trường.

“Việt Nam cần hiện đại hóa thể chế, bao gồm những quy định pháp lý có hiệu lực để tránh phát sinh thêm nhiều hạn chế trong hệ thống hiện nay”, WB nhận xét.
“Việt Nam có thể cần phải rà soát các chính sách ưu đãi để áp dụng những chính sách hỗ trợ và đầu tư công có hiệu quả trên cơ sở lợi ích xã hội. Để có thể làm được điều này, các cơ quan, ban ngành các cấp cần có kỹ năng toàn diện và được phân cấp mạnh mẽ hơn”, báo cáo cho biết.

Do đó, một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển trong tương lai là tăng cường xây dựng năng lực hành chính, bao gồm năng lực quản trị mà hiện nay vẫn chưa hiệu quả tại Việt Nam.

Việt Nam không thể tăng trưởng mãi chỉ nhờ tài nguyên hay nhân công rẻ

Chia sẻ về kế sách mà WB vừa nêu trong báo cáo, Nguyên trưởng Ban Cố vấn Kinh tế của Thủ tướng Vũ Viết Ngoạn cho rằng, ông đồng tình với quan điểm của Ngân hàng Thế giới.

Chiến tranh thương mại và Covid-19: Liệu Việt Nam có thắng Trung Quốc?

Thực tế, các động lực tăng trưởng cũ của Việt Nam như tài nguyên, giá nhân công rẻ đảm tới đáy và môi trường cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và ở mức độ cảnh báo. Thêm vào đó, địa chính trị thế giới thay đổi, tác động mạnh đến những nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam.

“Nếu muốn đạt mục tiêu hội nhập các nền kinh tế có thu nhập cao, Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng. Tốc độ tăng năng suất lao động trung bình của Việt Nam phải đạt từ 6,5 – 6,75% một năm cho đến năm 2030 so với mức bình quân 4,75% giai đoạn 2011 – 2016”, VnExpress dẫn nhận định của ông Vũ Viết Ngoạn cho biết.

Nguyên trưởng Ban Cố vấn Kinh tế của Thủ tướng cũng cho hay, trong bối cảnh các nền kinh tế hiện cạnh tranh về tri thức và công nghệ, rất cần nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế.

“Trong giai đoạn chuyển từ thu nhập trung bình sang thu nhập cao, cần kết hợp hai mục tiêu là tích lũy vốn và tri thức”, chuyên gia Vũ Viết Ngoạn lưu ý.

Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh để duy trì tăng trưởng chất lượng, Việt Nam cần phân bổ ngân sách hiệu quả. WB cho biết tuy tỷ lệ ngân sách cho đổi mới sáng tạo thấp, nhưng “không khuyến khích tăng phân bổ, mà chỉ cần tăng sử dụng hiệu quả”.

Thảo luận