Thay mặt cho Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức, theo đó khẳng định, Việt Nam có thể đảm bảo hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng trình bày trước Quốc hội Báo cáo thuyết minh Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA), qua đó nhấn mạnh, thực hiện cam kết theo Hiệp định EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói gì về EVIPA?
Sáng 20/5, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã được tổ chức tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).
Theo đó, EVIPA là hiệp định thay thế cho 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định được chia làm 4 Chương, 92 Điều và 13 Phụ lục, với những nội dung chủ yếu sau:
Chương thứ hai quy định về phạm vi điều chỉnh của Hiệp định, cũng như cam kết của mỗi bên về bảo hộ đầu tư đối với nhà đầu tư đã có hoạt động đầu tư hợp pháp trên lãnh thổ của bên kia. Chương này không quy định quyền tiếp cận thị trường của nhà đầu tư trong giai đoạn chấp thuận đầu tư, vì điều này đã được điều chỉnh tại Hiệp định EVFTA.
Chương thứ ba quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp trong quá trình thực thi Hiệp định.
Chương cuối cùng quy định về cơ chế tổ chức thực thi Hiệp định. Theo đó, Ủy ban thực thi Hiệp định sẽ được thành lập nhằm bảo đảm thực hiện và áp dụng Hiệp định này phù hợp với mục tiêu đặt ra.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số khó khăn, thách thức cho Việt Nam trong việc thi hành Hiệp định EVIPA.
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, để vượt qua được những thách thức, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải thực hiện những nhóm giải pháp đồng bộ, toàn diện để có thể phát huy tối đa lợi ích từ Hiệp định EVIPA và EVFTA. Những nhóm giải pháp đó bao gồm: Nhóm giải pháp về tăng cường công tác xây dựng pháp luật, thể chế để thực thi Hiệp định; Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và tính sẵn sàng đối với việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định; Nhóm giải pháp kiểm soát, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Cùng với Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động nhằm tăng cường sức cạnh tranh, tận dụng ưu đãi mà Việt Nam đạt được thông qua Hiệp định EVIPA và Hiệp định EVFTA thể thu được lợi ích lớn nhất.
Hiệp định EVFTA: Cơ hội và thách thức của Việt Nam
Hôm nay 20/5, tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.
Theo đó, EVFTA được cho là sẽ giúp Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với quy mô dân số hơn 500 triệu người, có GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.
Báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho biết, Hiệp định được dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó). Hiện EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ).
Về khía cạnh trao đổi thương mại, Việt Nam và EU đa phần mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh lẫn nhau. Việc ký kết EVFTA dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, đặc biệt là ở một số ngành như nhóm hàng nông sản (gạo, đường, thịt lợn, thịt gia súc gia cầm, lâm sản, đồ uống và thuốc lá), nhóm ngành chế biến, chế tạo (dệt, may mặc, da giày), nhóm ngành dịch vụ (vận tải thủy, vận tải hàng không, tài chính và bảo hiểm, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác).
Về nhập khẩu, nhập khẩu từ EU ước tính sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Các mặt hàng chủ lực bao gồm phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm. Hiệp định dự kiến sẽ giúp đa dạng hóa thị trường Việt Nam để không phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam.
EVFTA cũng được xem là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.
Theo ước tính, hiệp định sẽ giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Về thu ngân sách, tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ước tính trên 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.
Bên cạnh những lợi ích đạt được, ông Nguyễn Văn Giàu cũng chỉ ra một số thách thức mà EVFTA có thể mang tới như tạo ra sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ từ EU cho doanh nghiệp, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.
Hiệp định bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi thương mại, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả chủ trương cải cách thủ tục hành chính.
Báo cáo cũng lưu ý về các cam kết về lao động trong hiệp định, cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hay việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước với sự tham gia của đại diện người lao động, các doanh nghiệp, nhà khoa học và các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam. Điều này có thể làm gia tăng sức ép xã hội, xảy ra tranh chấp lao động quốc tế và tác động tiêu cực ảnh hưởng đến an ninh, trật tự quốc gia trong quá trình thực thi Hiệp định.
Cần đánh giá thêm tác động sau đại dịch Covid-19
Do báo cáo được thực hiện vào cuối năm 2019, một số đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá thêm tác động của Hiệp định sau dịch Covid-19, đặc biệt là các khó khăn thách thức do dịch bệnh đến tình hình chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa xã hội, nhất là tăng trưởng GDP, thu ngân sách, cơ cấu ngành, thu hẹp thị trường, giảm việc làm. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần dự báo xu hướng phát triển kinh tế quốc tế; đề ra các giải pháp xử lý để đảm bảo an ninh chính trị, an ninh kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Các đại biểu cũng yêu cầu cập nhật và đánh giá cụ thể hơn tác động tích cực và tiêu cực của Hiệp định đến các ngành, lĩnh vực để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tận dụng tốt các cơ hội và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ Hiệp định, đồng thời có chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng từ Hiệp định.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất Quốc hội hoan nghênh, ghi nhận và biểu dương Đoàn đàm phán Chính phủ về Kinh tế và Thương mại quốc tế trong quá trình đàm phán đi đến ký kết hai Hiệp định EVFTA và EVIPA, Đoàn công tác Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ vận động phê chuẩn hai Hiệp định, các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước thành viên EU và EU.
“Các ý kiến đại biểu cho rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, sự phối hợp nhịp nhàng của các Bộ, ngành liên quan và đặc biệt là sự chỉ đạo, phối hợp của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại, các cơ quan của Quốc hội và tán thành sự cần thiết sớm phê chuẩn Hiệp định”, - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: EVFTA là tiền đề giúp Việt Nam khôi phục kinh tế
Sáng 20/5 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Hiệp định EVFTA mà Việt Nam ký với EU gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề bao gồm: Thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế.
Theo thỏa thuận, về cơ bản, cắt giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA được chia thành các nhóm như xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay là nhóm hàng hóa mà thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực, nhóm xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan, nhóm hàng hóa không cam kết.
Về cam kết của EU đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Đặc biệt, sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đối với các nhóm hàng quan trọng, EU cam kết trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của ta, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.
“Cam kết này của EU được đưa ra phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) của ngành dệt may Việt Nam (tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo EVFTA thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam). Ngoài ra, EU cũng chấp nhận linh hoạt với quy tắc này như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc”, Bộ trưởng cho biết.
Đồng thời, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn. Đối với cá viên, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan là 500 tấn.
Chưa hết, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (giúp ta có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 đến 5 năm. Đối với mặt hàng mật ong, EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.
“Gần như toàn bộ các sản phẩm rau quả tươi, rau củ quả chế biến, cà phê, hạt tiêu, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ.
Về cam kết của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu của EU, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết WTO hoặc không cam kết.
Phương thức quản lý và các điều khoản và điều kiện khác liên quan đến việc phân bổ hạn ngạch thuế quan của Việt Nam được áp dụng tương tự như cam kết trong WTO.
Về cam kết về thuế xuất khẩu, Việt Nam và EU cam kết không đánh thuế xuất khẩu đối với hàng hóa khi xuất khẩu từ lãnh thổ một bên sang bên kia. Lý do của cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu là nhiều nước trên thế giới coi việc đánh thuế xuất khẩu là một hình thức trợ cấp gián tiếp gây ra cạnh tranh không lành mạnh giữa hàng hóa của các nước.
Tuy nhiên, Việt Nam đã bảo lưu quyền áp dụng thuế xuất khẩu đối với 57 dòng thuế, trong đó có các sản phẩm quan trọng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc là loại than ta hầu như không sản xuất). Đối với các dòng thuế có thuế xuất khẩu hiện hành đang cao, Việt Nam cam kết đưa mức trần thuế xuất khẩu về 20% trong thời gian tối đa là 5 năm (riêng quặng măng-gan có mức trần 10%). Với các mặt hàng khác, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu theo lộ trình tối đa là 16 năm.
“Dự kiến các định hướng lớn và nội dung chính của Kế hoạch của Chính phủ về việc thực hiện EVFTA với 5 nhóm công việc chính, gồm tuyên truyền, phổ biến, xây dựng pháp luật, thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động tại cơ sở, chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững”, đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ đồng thời khẳng định các công việc cụ thể đã được phân công cho từng Bộ, ngành với thời gian thực hiện tương ứng.
Sau khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội phê chuẩn, dự thảo Kế hoạch này sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện theo hướng chi tiết hơn các phân công cụ thể và lộ trình thực hiện, để từ đó trình Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành, bảo đảm việc thực thi Hiệp định được đầy đủ, hiệu quả và đồng bộ.
Đặc biệt, trong báo cáo của mình, tư lệnh ngành Công thương còn đề cập đến một số nội dung quan trọng liên quan đến quan hệ hợp tác kinh tế với Anh trong khuôn khổ EVFTA.
“Khi Hiệp định EVFTA được ký kết, Anh vẫn là thành viên của EU và được coi là thuộc bên tham gia ký kết cùng Việt Nam. Theo Thỏa thuận Brexit, Anh sẽ có giai đoạn chuyển tiếp trước khi chính thức rời khỏi EU. Giai đoạn này bắt đầu từ ngày 1 tháng 02 năm 2020 đến hết 31 tháng 12 năm 2020 (và có thể gia hạn đến 24 tháng). Nếu EVFTA có hiệu lực và được thực thi trong giai đoạn chuyển tiếp thì Anh vẫn được hưởng các cam kết Việt Nam dành cho EU trong khuôn khổ EVFTA và ngược lại”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh bày tỏ.
Thêm vào đó, vừa qua, phái đoàn EU và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương thông báo chính thức về hiệu lực và nội dung của Thỏa thuận này, đồng thời yêu cầu Việt Nam có xác nhận chính thức về việc vẫn áp dụng các thỏa thuận quốc tế giữa EU và Việt Nam (trong đó có Hiệp định EVFTA) đối với Anh như là một thành thành viên EU cho đến hết giai đoạn chuyển đổi trong trường hợp các thỏa thuận này có hiệu lực trong thời gian chuyển đổi.
Do vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội khi phê chuẩn EVFTA thì cũng đồng ý áp dụng Hiệp định EVFTA đối với Anh (do Anh cũng là một bên tham gia ký kết EVFTA) cho tới hết giai đoạn chuyển đổi ngày 31/12/2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng).
Việc tiếp tục duy trì quan hệ thương mại tự do với Anh sau khi nước này rời khỏi EU sẽ góp phần củng cố và tăng cường trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh trong bối cảnh Anh đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại thị trường châu Âu với tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại bình quân là 17,8%/năm.
Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Công ước xóa bỏ lao động cưỡng bức
Chiều 20 tháng 5, sau khi các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thừa ủy quyền Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Đây là một trong 8 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và được ILO thông qua ngày 25/6/1957. Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 năm 2007).
“Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế - xã hội và pháp lý”, báo cáo của Chủ tịch nước nêu rõ.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ, với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chủ chương nhất quán về hội nhập kinh tế quốc tế và sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật thời gian qua, việc xem xét gia nhập Công ước số 105 tại thời điểm hiện nay là chín muồi và hết sức cần thiết.
Sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà Việt Nam trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO.
Đồng thời, trong thời gian qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng cường và củng cố cơ sở pháp lý để bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam. Do đó, việc xem xét quyết định gia nhập Công ước số 105 tại thời điểm này là chín muồi và cần thiết.
Việc kiến nghị Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ là một bước tiến tích cực sau khi Việt Nam gia nhập Công ước số 29 về lao động cưỡng bức, 1930 của ILO cũng như các Hiệp định tự do thể hệ mới mà Việt Nam đã tham gia.
Ngoài ra, việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh năm nay Việt Nam đồng thời đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN và cũng là năm Chủ tịch AIPA.