“Có sự lo ngại sâu sắc trước các động thái bêu giếu Tổ chức Y tế thế giới, nơi - theo đánh giá của đại đa số các quốc gia - ngay từ những ngày đầu tiên đã đứng ở tuyến đầu chống coronavirus, giúp tất cả các nước định hướng được trong tình hình dịch bệnh thường xuyên thay đổi nhanh chóng và lựa chọn đúng những biện pháp để đối phó với mối đe dọa mới nảy sinh", ông Lavrov viết trong bài báo đăng trên báo Global Times của Trung Quốc.
Dĩ nhiên là WHO, cũng như bất kỳ kiến trúc đa phương nào, cần hoàn thiện thêm hoạt động của mình, thích nghi được với những điều kiện mới.
"Điều cần thiết để làm được điều này không phải là phá hủy Tổ chức, mà là duy trì một cuộc đối thoại mang tính xây dựng của tất cả các quốc gia thành viên để xây dựng nên những đáp án chung, mang tính chuyên nghiệp, nhằm ứng phó với những thách thức mới”, ông nói.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, thông báo Washington sẽ chấm dứt hoàn toàn việc tài trợ kinh phí cho tổ chức này và xem xét lại quy chế thành viên của Hoa Kỳ nếu WHO trong vòng 30 ngày không thực hiện những cải cách như Mỹ đòi hỏi. Theo lời Tổng thống Mỹ, chính quyền của ông đã điều tra việc WHO đối phó không thành công với đại dịch coronavirus.