Tại Kazakhstan, Armenia và Tajikistan, Mỹ đã tạo ra mạng lưới các phòng thí nghiệm sinh học. Đặc biệt là Trung tâm Lugar ở Gruzia gây sự lo ngại lớn nhất của giới chức Nga. Washington đã thành lập các phòng thí nghiệm này với mục đích gì? Sau đây là bài của Sputnik về chủ đề này.
Rò rỉ có chủ ý
Vụ nhiễm coronavirus đầu tiên ở Kazakhstan đã được ghi nhận vào đầu tháng 3. Các nhà chức trách đã đóng cửa biên giới và ban bố tình trạng khẩn cấp. Trên các mạng xã hội đã lan truyền tin đồn rằng, virus có thể xuất phát từ phòng thí nghiệm sinh học mà Hoa Kỳ đã xây dựng vào năm 2016 ở phía đông nam của nước này.
Phòng thí nghiệm tham khảo trung ương Almaty chuyên nghiên cứu các chủng virus thường xuất hiện ở Kazakhstan. Phòng thí nghiệm này hoạt động trên cơ sở Trung tâm Khoa học Kiểm dịch và Nhiễm trùng Zoonotic trực thuộc Bộ Y tế Kazakhstan. Cơ sở này được coi là tài sản của Kazakhstan, mặc dù nó được lập ra bằng tiền của Lầu Năm Góc. Hoa Kỳ đã phân bổ 108 triệu USD cho cơ sở này.
Washington giải thích rằng, quân đội Hoa Kỳ đang hiện diện trong khu vực này, và các cuộc nghiên cứu sẽ giúp bảo vệ quân nhân Mỹ khỏi những căn bệnh truyền nhiễm chưa được biết đến.
Tại các hội nghị của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), CIS và SCO, các đại diện của Matxcơva đã nhiều lần cảnh báo rằng, Mỹ có thể sử dụng các phòng thí nghiệm này để chống lại Nga. Nhưng, các nhà chức trách Kazakhstan luôn nói rằng, không ai can thiệp vào công việc của các nhà sinh học địa phương.
"Sự tham gia của các nhà khoa học nước ngoài chỉ được phép nếu họ tham gia các cuộc nghiên cứu chung và thực hiện các dự án thuộc diện cấp phát", - các đại diện của Phòng thí nghiệm tham khảo Almaty giải thích.
Năm 2018, số ca mắc bệnh viêm màng não đã tăng đáng kể ở Kazakhstan, và người ta bắt đầu nói về vụ rò rỉ chủng virus gây bệnh viêm màng não mô cầu từ Phòng thí nghiệm tham khảo Almaty. Các nhà báo và blogger đã giả định rằng, người Mỹ cố tình gây ra sự lây lan của virus để kiểm tra tính hiệu quả của vũ khí vi khuẩn được phát triển trong phòng thí nghiệm.
Khi đó Bộ Y tế Kazakhstan khẳng định rằng, trong nước không có dịch bệnh nào.
"Ở Kazakhstan đã ghi nhận 58 trường hợp viêm màng não, ở Almaty có 32 ca nhiễm. Nếu chúng ta tính toán số tương đối, thì theo tiêu chuẩn của WHO, nó ở mức thấp", - cơ quan y tế cho biết.
Tình hình với dịch bệnh COVID-19 cũng tương tự như vậy. Giới chức bác bỏ các thuyết âm mưu và kêu gọi đừng gieo rắc hoảng loạn.
Chế độ giữ gìn bí mật
Dưới thời Liên Xô, Viện Vi sinh học của Cộng hòa Armenia đã được coi là trung tâm vi sinh học lớn nhất trong nước. Vào những năm 1990, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh bắt đầu quan tâm đến các phát triển khoa học của viện nghiên cứu này. Các chuyên gia Armenia đã được mời đến thực tập tại các quốc gia phương Tây.
Trong những năm 2000, Mỹ đã giúp Armenia tạo ra một số phòng thí nghiệm sinh học. Cũng như ở Kazakhstan, kinh phí tài trợ cho các cơ sở này được cấp từ ngân sách của Lầu Năm Góc. Cơ quan quân sự Hoa Kỳ đã chi mười triệu đô la cho việc hiện đại hóa Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh quốc gia Armenia.
Các trung tâm khoa học được xây dựng ở Yerevan, Gyurmi, Vanadzor, Martuni và Ijevan chuyên nghiên cứu các chủng virus thường xuất hiện ở vùng Kavkaz.
Các phòng thí nghiệm này là một phần của hệ thống y tế Armenia, nhưng, Cơ quan Giảm thiểu các Mối đe dọa Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ có quyền tiếp cận các phòng thí nghiệm này. Ngoài các chuyên gia địa phương, người Mỹ cũng làm việc ở đó.
Matxcơva chỉ trích chương trình bí mật của các phòng thí nghiệm sinh học khép kín ở Armenia. Để xua tan những nghi ngờ, vào mùa thu năm ngoái, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã đồng ý ký Bản ghi nhớ hợp tác với các chuyên gia Nga. Hai bên đã điều chỉnh nội dung thỏa thuận, nhưng, vào phút cuối cùng, phía Armenia đã từ chối tài liệu này.
Dịch tễ học - môn khoa học nguy hiểm
Vào những năm 2010, một thành viên khác của CSTO - Tajikistan - đã thu hút sự chú ý của các nhà sinh vật học Mỹ. Họ đã lo lắng về việc nước này thực hiện không tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Một số quỹ phương Tây đã phân bổ tiền để thành lập các trung tâm nghiên cứu.
Ví dụ, trong năm 2013, Phòng thí nghiệm an toàn sinh học trên cơ sở Viện nghiên cứu Tiêu hóa đã mở cửa ở Dushanbe. Dự án được tài trợ bởi Quỹ từ thiện Mérieux của Pháp, quỹ này đã xây dựng các cơ sở tương tự ở Trung Quốc, Myanmar, Bangladesh và Châu Phi.
Như thường lệ, Liên Hợp Quốc và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ cho Pháp. Các khoản đầu tư vượt quá ba triệu USD.
Năm 2019, họ đã tạo ra một phòng thí nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh lao của Tajikistan. Hai nhà tài trợ là USAID và Lầu Năm Góc. Các nhà sinh học địa phương, với sự tham gia của các đồng nghiệp nước ngoài, đang nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm như lao, sốt rét, viêm gan và bệnh tả là các thự bệnh thường xuất hiện của Trung Á.
Năm ngoái, một cơ sở mới đã được thành lập tại thành phố Isfara ở phía bắc Tajikistan. Hiện nay chưa có thông tin về cơ sở này, nhưng, dự án này cũng được tài trợ bởi Mỹ.
"Tình hình dịch bệnh không hề dễ dàng ở Trung Á, cả trước khi bùng phát dịch bệnh COVID-19. Trong khu vực này thường ghi nhận những trường hợp mắc bệnh viêm gan, dịch tả và bệnh lao, vì vậy có nhu cầu về những phòng thí nghiệm sinh học mới. Nhưng, để tạo ra phòng thí nghiệm phải có nguồn tài trợ. Và sự giúp đỡ của nước ngoài là một phần không thể thiếu”, - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị tại Dushanbe, ông Abdugani Mamadazimov nói với Sputnik.
Chuyên gia Mamadazimov không thấy có gì khả nghi trong hoạt động của các chuyên gia Mỹ.
“Họ chỉ đơn giản là những người hưởng ứng đầu tiên. Nếu sau đại dịch COVID-19 Nga, Trung Quốc hay EU bắt đầu hỗ trợ tích cực hơn cho khu vực này trong cuộc chiến chống lại virus, thì chính quyền Tajikistan sẽ tán thành điều đó”, - chuyên gia nhận định.
Mầm bệnh Gruzia
Gruzia không phải là thành viên của CSTO, nhưng giáp với Nga và đóng một vai trò quan trọng trong vùng Kavkaz. Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng Richard Lugar bố trí ở nước này gây sự lo ngại của Matxcơva. Chính quyền Nga cho rằng, cơ sở sinh học gần Tbilisi hành động vì lợi ích của Mỹ.
Sự nghi ngờ không phải là vô căn cứ. Vào tháng 9 năm 2018, cựu Bộ trưởng An ninh Quốc gia Gruzia Igor Giorgadze cho biết rằng, phòng thí nghiệm này đã thử nghiệm một loại chế phẩm trên người. Ông đã cung cấp các tài liệu cho thấy rằng, hàng chục người dân Gruzia điều trị ở trung tâm Lugar đã chết. Hơn nữa, làm việc trong phòng thí nghiệm này có các nhà sinh học từ ba công ty tư nhân của Mỹ - CH2M Hill, Battelle và Metabiota, các công ty này thực hiện các đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc.
Ông Giorgadze đã thu hút sự chú ý đến việc, phòng thí nghiệm này có mức độ an toàn sinh học cao nhất. Hơn nữa, trung tâm này có "thiết bị phun các chất độc hại và đạn dược làm bằng vật liệu hoạt tính sinh học".
"Tại sao một cơ sở có mục đích bảo vệ sức khỏe của người dân lại có những thứ như vậy?" - cựu bộ trưởng nêu câu hỏi.
Matxcơva đã lắng nghe lời cảnh báo này. Vladimir Ermakov, người đứng đầu bộ phận không phổ biến và kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga, tuyên vố, Nga phản đối Mỹ tạo ra các phòng thí nghiệm sinh học ở khu vực sát gần biên giới Nga.
Lầu Năm Góc đã gọi những cáo buộc của Giorgadze là vô lý. Còn Tbilisi đã khẳng định rằng, phòng thí nghiệm chỉ tham gia vào sự phát triển hòa bình và không hề thực hiện bất kỳ thí nghiệm nào trên người. Chính quyền Gruzia đã đồng ý với việc các chuyên gia Nga có thể đến thăm Trung tâm Lugar. Nhưng, kế hoạch này đã bị cản trở do cuộc khủng hoảng năm ngoái trong mối quan hệ giữa hai nước.
"Trước đây, Gruzia không thể hiện sự quan tâm đến những nghiên cứu về sinh học hóa lý. Vì thế, thông tin về việc phòng thí nghiệm này có mức độ an toàn sinh học cao nhất đã gây ra nghi ngờ. Tại sao họ phải nghiên cứu về các mầm bệnh nguy hiểm như vậy?" - Tiến sĩ Sinh học Nikolai Setkov, giáo sư của Đại học Liên bang Siberia, nhận định trong cuộc trò chuyện với Sputnik.
Phó Giám đốc của Viện nghiên cứu “Vector” Alexandr Agafonov lưu ý rằng, "chúng tôi không thể tiếp cận những dữ liệu về việc Trung tâm Lugar phát triển vũ khí sinh học và phương tiện sử dụng nó".
"Tuy nhiên, chúng tôi không thể bỏ qua các dữ liệu về sự tham gia của các công ty tư nhân CH2M Hill, Battelle và Metabiota, về các hợp đồng của họ - ví dụ, nghiên cứu về vi khuẩn nguy hiểm gây bệnh than, bệnh sốt thỏ và virus sốt xuất huyết Crimean-Congo (CCHF)", - chuyên gia nhấn mạnh.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, các chuyên gia đều nói lên ý kiến rằng, các quốc gia hậu Xô Viết gửi gắm quá nhiều kỳ vọng vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, do đó họ có thể mất khả năng kiểm soát tình hình dịch bệnh. Và điều đó có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch, người ta e ngại nhiều hơn với các phòng thí nghiệm sinh học. Cuối cùng, đây là một lý do để Mỹ nên minh bạch về nhiều phòng thí nghiệm của họ.