Việt Nam phản hồi về Báo cáo tự do tôn giáo, EVFTA, Mỹ điều tra gỗ dán

Liên quan đến Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2019 của Hoa Kỳ còn nhiều thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng về tình hình ở Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Hà Nội tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng.
Sputnik

Liên quan đến hàng loạt Hiệp định Thương mại và Bảo hộ đầu tư mà Quốc hội Việt Nam vừa phê chuẩn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam đã sẵn sàng triển khai thực hiện các Hiệp định EVFTA và EVIPA.

Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua EVFTA – sự kiện mong chờ từ lâu

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng lên tiếng về việc nhờ kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, Việt Nam đang nghiên cứu việc mở lại đường bay đến các quốc gia đang kiểm soát tốt dịch bệnh do coronavirus. Tuy nhiên, hiện chưa có thay đổi về kiểm tra, giám sát y tế đối với người nhập cảnh.

Về thông tin việc Bộ Thương mại Mỹ thông báo bắt đầu điều tra các sản phẩm gỗ dán nhập từ Việt Nam dùng nguyên liệu Trung Quốc có thể đang lách các quy định thuế Mỹ áp cho Bắc Kinh, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam cũng luôn thực thi nghiêm túc và đầy đủ các cam kết của mình với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thông tin trên cần được xem xét công bằng, khách quan, phù hợp với thông lệ quốc tế.

EVFTA và EVIPA: Động lực mới cho hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU

Ngày 11/6, trong buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cho biết, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ góp phần đẩy mạnh hợp tác liên kết kinh tế khu vực Á – Âu.

Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn Hiệp định EVFTA, EVIPA, Công ước số 105

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin, ngày 8/6/2020, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, EVIPA sẽ có hiệu lực sau khi được các quốc gia thành viên trong EU phê chuẩn.

“Việc Việt Nam và EU hoàn tất phê chuẩn, sớm triển khai các hiệp định này, theo chúng tôi sẽ mang lại nhiều lợi ích cụ thể và thiết thực cho các nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân của cả hai bên, tạo động lực mới cho mối quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Thực tế, nếu được triển khai, cả hai Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ góp phần đẩy mạnh hợp tác liên kinh tế khu vực Á- Âu, góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại và bình đẳng trong hoạt động đầu tư, minh bạch, công khai dựa trên luật lệ quốc tế, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của hai bên cũng như của hai khu vực Á – Âu và trên toàn thế giới.

“Việt Nam đã sẵn sàng cho việc triển khai các hiệp định này trên thực tế”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Hôm 8/6, với 457/457 số phiếu (toàn bộ các đại biểu có mặt tại nghị trường) đã biểu quyết tán thành phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Việt Nam.

EVFTA: Làm gì để doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam không thua ngay trên sân nhà?

EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định EVFTA, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.

Xét về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm. EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam.

Đối với đầu tư, EVFTA là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.

Đối với vấn đề lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Về thu ngân sách, dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng, tuy nhiên tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.

Việt Nam bàn về EVFTA, EVIPA, Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức

Việc thực thi Hiệp định EVIPA sẽ góp phần tăng cường sự gắn kết về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU, đồng thời củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên. Cùng với Hiệp định EVFTA, EVIPA sẽ tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong Khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á - Thái Bình Dương, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Việc thực hiện cam kết theo Hiệp định EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. 

Chưa thay đổi trong kiểm tra y tế người nhập cảnh nếu mở lại đường bay

Chiều 11/6, trong họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam đang chuẩn bị nối lại các đường bay quốc tế, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay, Việt Nam đang nghiên cứu việc mở lại đường bay đến các quốc gia đang kiểm soát tốt dịch bệnh, và hiện chưa có thay đổi về kiểm tra, giám sát y tế đối với người nhập cảnh.

“Hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đã xem xét nghiên cứu để có thể sớm mở lại một số đường bay quốc tế đến các quốc gia đang kiểm soát tốt dịch bệnh”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.

Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc xây cáp ngầm ở Hoàng Sa và biểu tình ở Mỹ
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định, tất cả những hành khách khi nhập cảnh vào Việt Nam đều sẽ được kiểm tra, giám sát y tế chặt chẽ, theo đúng quy định của Bộ Y tế nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, kiểm soát dịch tễ và quyết không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

“Chúng tôi chưa có thông tin nào về việc thay đổi đối với kiểm tra, giám sát y tế”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chỉ sau Trung Quốc, và cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ này.

Trước đó, sáng 9/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, không hạn chế chuyến bay đưa người đủ tiêu chí vào Việt Nam, đồng thời bàn bạc thời điểm mở lại đường bay quốc tế.

Việt Nam đứng đầu thế giới về khả năng ứng phó với Covid-19?

Thủ tướng Chính phủ đã giao Ban Chỉ đạo công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay với các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc Covid-19. Thủ tướng cũng giao Ban Chỉ đạo tiếp tục hướng dẫn, quản lý, cách ly phù hợp với các đối tượng này.

“Không thể đóng cửa hoàn toàn nhưng không mở cửa ào ạt khi không thể xác định được mức độ an toàn của các nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Mỹ điều tra gỗ dán nhập từ Việt Nam, Bộ Ngoại giao lên tiếng

Cũng trong buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ bắt đầu điều tra gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam dùng nguyên liệu Trung Quốc, đồng thời, có tình trạng lách luật, né quy định áp thuế quan của Washington, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định, vấn đề này cần được xem xét một cách công bằng.

Các nhà đầu tư Mỹ sẽ đổ xô đến Việt Nam?

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư Việt Nam - Mỹ thời gian qua tiếp tục phát triển tốt đẹp với kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 76 tỷ USD năm 2019.

“Chủ trương nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư song phương theo hướng hài hòa, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai nước”, đại diện Bộ Ngoại giao nêu rõ.
“Việt Nam luôn thực thi một cách nghiêm túc và đầy đủ các cam kết của mình với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bên cạnh đó, các bộ ngành Việt Nam cũng đang tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ nêu tại "Đề án Tăng cường Quản lý Nhà nước" về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/7/2019”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Về thông tin việc Bộ Thương mại Mỹ thông báo bắt đầu điều tra các sản phẩm gỗ dán nhập từ Việt Nam dùng nguyên liệu Trung Quốc có thể đang lách các quy định thuế Mỹ áp cho Trung Quốc, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, vấn đề này cần được xem xét một cách khách quan, công bằng và phù hợp với quy định của WTO và thông lệ quốc tế cũng như quan hệ kinh tế thương mại đang phát triển tốt đẹo giữa hai nước. Qua đó, đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt Nam và Mỹ.

Hôm 10/6, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết họ sẽ kiểm tra xem liệu việc nhập khẩu gỗ dán cứng thành phẩm ở Việt Nam có sử dụng thành phần của Trung Quốc để né tránh thuế của Mỹ hay không.

Cụ thể, các ban ngành hữu quan của Mỹ đang tìm hiểu ý kiến từ Liên minh Thương mại Công bằng trong ngành Gỗ dán, đại diện cho các nhà sản xuất gỗ dán ở Bắc Carolina và Oregon.

Nếu cuộc thăm dò cho thấy các nhà sản xuất Việt Nam đang lách luật chống bán phá giá hoặc thuế đối kháng hiện có, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ sẽ hướng dẫn các quan chức Hải quan Hoa Kỳ bắt đầu thu thuế với gỗ dán từ Việt Nam.

Bộ Công thương lên tiếng việc Mỹ coi Việt Nam là nước phát triển

Trước đó, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 2017 phát hiện ra rằng gỗ dán cứng nhập khẩu từ Trung Quốc, được sử dụng trong các tấm tường, tủ bếp, mặt bàn và mặt bàn, gây hại cho các nhà sản xuất Hoa Kỳ, nên đã áp thuế của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu trong 5 năm.

Bộ Thương mại đã áp dụng mức thuế chống bán phá giá lên tới 183,6% và thuế chống trợ cấp lên tới 194,9% đối với gỗ dán cứng nhập khẩu của Trung Quốc sau khi phát hiện ra chúng được trợ cấp và đổ vào thị trường Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, Bộ này cho biết, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có trị giá tổng cộng 1,12 tỷ USD.

Nhóm các nhà sản xuất Mỹ đã hoan nghênh quyết định điều tra xem liệu các nhà sản xuất Trung Quốc có lách việc áp thuế bằng cách mua bán ván ép và linh kiện thông qua Việt Nam hay không.

Năm ngoái, chính phủ Việt Nam cho biết các nhà sản xuất nên sử dụng nguyên liệu thô có nguồn gốc trong nước để tránh phát sinh thuế quan của Hoa Kỳ.

Đằng sau việc Việt Nam bị Mỹ loại khỏi danh sách các nước đang phát triển

Từ tháng 2/2020, nguyên đơn đã gửi đơn kiện và Bộ Công thương đã triển khai nhiều công tác liên quan đến việc xử lý vụ việc này, từ trao đổi cung cấp thông tin, thảo luận tư vấn và hướng dẫn các doanh nghiệp và hiệp hội gỗ liên quan để chủ động có kế hoạch xử lý, trao đổi chính thức với phía Mỹ để xác minh vụ việc.

Bộ Công thương Việt Nam cũng đã có hình thức trao đổi với Mỹ cả ở cấp kỹ thuật và cấp cao về việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc rà soát, theo dõi và trao đổi thông tin về các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, bao gồm cả điều tra chống lẩn tránh, chuyển tải bất hợp pháp.

Việt Nam lên tiếng về Báo cáo tự do tôn giáo của Mỹ

Cũng trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 11/6, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam đối với Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng.

 “Như đã nhiều lần khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này thể hiện rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như được đảm bảo thực hiện trên thực tế”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Việt Nam chỉ trích Báo cáo Tự do Tôn giáo của Mỹ
Theo người phát ngôn, thời gian qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng tôn giáo trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo.

Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 55 ngàn chức sắc, 145 ngàn chức việc, 29 ngàn cơ sở thờ tự. 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng tôn giáo trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, có hơn 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân.

Việt Nam nói Mỹ báo cáo tự do tôn giáo "không khách quan và sai lệch"

 Đặc biệt, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn đã được tổ chức thành công ở Việt Nam, trong đó có các sự kiện: Kỷ niệm 500 năm cải chánh Đạo Tin lành, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak vừa được tổ chức vào tháng 5/2019, Tổng Hội dòng Đa minh thế giới. Những nỗ lực này của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

“Chúng tôi ghi nhận Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề cập đến những thành tựu và tiến triển của Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam”, bà Hằng nói.
“Tuy nhiên, Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn có những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng về tình hình Việt Nam. Việt Nam tiếp tục duy trì và sẵn sàng tăng cường hợp tác, trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau thông qua các khuôn khổ đối thoại song phương, trong đó có đối thoại nhân quyền thường niên, qua đó, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Thảo luận