Đối với Nguyễn Xuân Đường, lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát. Dư luận đặt câu hỏi về hàng loạt tội ác mà băng nhớm xã hội đen của vợ chồng Đường Dương gây ra cho biết bao người dân trên đất Thái Bình suốt cả 10 năm qua mà chính quyền không biết, công an không hay…
Theo chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an, Trung tá Đào Trung Hiếu, hành vi đánh đập người dã man, coi thường pháp luật, tha hồ lộng hành của băng nhóm xã hội đen Nguyễn Xuân Đường thể hiện đây là một thế lực quá lớn, có thể gây án công khai mà không ai có thể làm gì được, không ai dám động đến. Vì sao phải đến khi VKSND Tối cao lật lại vụ án liên quan đại gia Đường Nhuệ mới lộ ra nhiều điều?
Công an TP. Thái Bình đề nghị truy tố vụ đánh người ở trụ sở Công an của đại gia Đường Nhuệ
Ngày 11/6, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã có kết luận điều tra và quyết định chuyển hồ sơ vụ án đánh người tại trụ sở Công an phường Trần Lãm liên quan đến đối tượng Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ) sang Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cùng cấp để đề nghị truy tố đại gia giang hồ đất Thái Bình này về tội cố ý gây thương tích với khung hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.
Cụ thể, thông tin với báo chí, Đại tá Nguyễn Xuân hậu, Trưởng Công an TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình xác nhận, cơ quan điều tra đã tiến hành đề nghị truy tố Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ, 49 tuổi, địa chỉ cư trú tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình) về tội Cố ý gây thương tích trong vụ đánh người ngay ở Trụ sở Công an phường Trần Lãm, TP. Thái Bình ngày 18/11/2014 theo khoản 2, Điều 104, Bộ Luật Hình sự.
“Cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ, kết luận điều tra sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để đề nghị xem xét, truy tố bị can Nguyễn Xuân Đường”, Đại tá Nguyễn Xuân Hậu nhấn mạnh.
Cũng trong ngày 11/6, VKSND TP.Thái Bình khẳng định cơ quan này đã nhận được kết luận điều tra. Trên thực tế, trong ba vụ án liên quan Nguyễn Xuân Đường, đây là vụ án duy nhất do cơ quan tố tụng thành phố Thái Bình thụ lý hồ sơ.
Đường Nhuệ đánh người ngay tại trụ sở Công an mà không ai hay biết
Liên quan đến vụ án này, trước đó ngày 21/4/2020, Công an tỉnh Thái Bình ra thông báo cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ) để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích xảy ra hôm 18/11/2014 tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình. Quyết định này đã được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình phê chuẩn.
Như đã thông tin trước đó, vụ án Cố ý gây thương tích này xảy ra hôm 18 tháng 11 năm 2014 ngay tại Trụ sở Công an phường Trần Lãm là vụ án nhóm giang hồ đại gia Đường Nhuệ và đàn em đánh đập người tố cáo ngay tại trụ sở công an đã từng bị đình chỉ điều tra.
Liên quan vụ việc này, bà Đinh Thị Lý (sinh năm 1964, trú tổ 4, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình) đã có đơn tố cáo đối tượng Nguyễn Xuân Đường đã đánh đập mẹ con bà ngay tại trụ sở Công an phường Trần Lãm.
Theo lời kể của bà Lý, ngày 17/11/2014, đối tượng Nguyễn Xuân Đường đưa người đến nhà bà Đinh Thị Lý để đòi tiền. Nhóm giang hồ của đại gia Đường Nhuệ không chỉ chửi bới, uy hiếp, phá đồ đạc trong nhà, mà còn khống chế các nạn nhân để không ai trốn thoát ra ngoài đến sáng hôm sau. Đến ngày 18/11/2014, anh Mai Thế Duy (sinh năm 1988, con trai bà Lý) cùng mẹ và một số người khác lên trụ sở công an phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình để trình báo sự việc.
Tại phòng tiếp dân, Nguyễn Xuân Đường đã hành hung cả hai mẹ con bà Lý, anh Duy khiến nạn nhân này bị vỡ xương hàm mặt cầu nồi bên phải, phải phẫu thuật điều trị với tỷ lệ thương tật là 15%. Đến ngày 5/1/2015, Công an thành phố Thái Bình mới có quyết định khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích nhưng đến tháng 7/2015 lại ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án với lý do “chưa xác định được bị can trong vụ án” và hết thời hạn điều tra.
Người ký quyết định khởi tố vụ án và tạm đình chỉ điều tra là Trung tá cao Giang Nam, khi đó đang làm Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình cho biết.
Đường Nhuệ được chống lưng: Tố cáo đích danh Trung tá Cao Giang Nam
Chia sẻ sau khi biết Cơ quan Điều Tra Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố Nguyễn Xuân Đường liên quan vụ việc hành hung người ngay tại Trụ sở Công an phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, mẹ con bà Đinh Thị Lý rất vui mừng vì vụ án được khôi phục điều tra, kẻ phạm tội cũng sẽ được pháp luật xử lý nghiêm. Đối với Nguyễn Xuân Đường, lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát.
“Công sức và cả danh dự của mẹ con tôi suốt 5 năm qua đã phần nào có được kết quả. Tôi rất cảm ơn Đảng, Chính phủ, Công an tỉnh Thái Bình, các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan báo chí đã vào cuộc để làm sáng tỏ vụ việc”, bà Đinh Thị Lý nói.
“Sự việc có các nhân chứng, vật chứng rõ ràng và còn xảy ra ngay tại trụ sở Công an phường Trần Lãm nhưng cơ quan điều tra không tổ chức thực nghiệm hiện trường mà vội vàng kết luận chưa xác định được bị can trong vụ án là quá vô lý. Phải chăng có dấu hiệu bao che, dung túng cho tội phạm”, bà Đinh Thị Lý khẳng định.
Bà Đinh Thị Lý cũng nêu rõ, vụ việc tại trụ sở Công an phường Trần Lãm hôm 18/11/2014 chỉ là một trong rất nhiều hành vi coi thường pháp luật mà Đường Nhuệ cùng đàn em gây ra trong suốt 10 năm lộng hành ở Thái Bình.
“Đặc biệt, tôi và người dân Thái Bình rất hy vọng cơ quan công an sẽ làm rõ ai đã chống lưng cho Đường Nhuệ lộng hành, coi thường pháp luật suốt 10 năm qua”, bà Đinh Thị Lý nhấn mạnh.
Bà Lý cũng khẳng định, gia đình đã có đơn tố cáo đích danh trung tá Cao Giang Nam (Phó Trưởng Công an thành phố Thái Bình), người đã ký quyết định tạm đình chỉ vụ án năm 2015. Cụ thể, ngày 5/1/2015, Công an thành phố Thái Bình đã khởi tố vụ án cố ý gây thương tích. Nhưng 7 tháng sau, cơ quan này lại ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vì chưa xác định được nghi can và hết thời hạn điều tra. Ông Cao Giang Nam chính là người ký quyết định tạm đình chỉ điều tra.
Trong đơn tố cáo, bà Lý cho rằng, ông Cao Nam Giang, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Phó trưởng Công an thành phố Thái Bình, đã không làm tròn trách nhiệm của người lãnh đạo, bỏ lọt tội phạm, làm mất lòng tin của người dân.
“Ông Cao Giang Nam chỉ đạo vụ án lơi lỏng, không có tinh thần tấn công tội phạm, không khởi tố Đường Nhuệ để hắn thoát vụ đánh mẹ con tôi. Từ đó, Đường Nhuệ càng lún sâu vào sai phạm và gây thêm nhiều tội lỗi với người dân Thái Bình”, bà Đinh Thị Lý nói.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 28/4/2020, Trung tá Cao Giang Nam – Phó trưởng Công an thành phố Thái Bình đã được điều đến nhận công tác tại Phòng Tham mưu (PV01) Công an tỉnh Thái Bình, giữ chức Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh.
Tuy nhiên, Thượng tá Nguyễn Quốc Vương, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Thái Bình, thông tin cho biết, việc điều động bổ nhiệm Trung tá Cao Giang Nam nhận nhiệm vụ mới là việc làm bình thường trong công tác cán bộ chứ không phải vì Trung tá Cao Giang Nam có liên quan đến vụ án Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương (vụ vợ chồng đại gia Đường Dương) đang bị khởi tố, điều tra trong thời gian gần đây và được dư luận cả nước quan tâm.
Thấy gì từ việc VKSND Tối cao lật lại án bỏ lọt tội phạm vụ Đường Nhuệ?
Vừa qua, ngày 9/6, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” có liên quan đến Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ) ở Thái Bình. Cơ quan này cũng cho mở rộng điều tra làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan trong việc bỏ lọt tội phạm, có hành vi “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”.
Theo hồ sơ, khoảng tháng 4/2018, hai đối tượng là Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến Trắng, là con nuôi của Nguyễn Xuân Đường) và Phạm Văn Sáng có đến nhà anh Trần Ngọc Hoàng (tài xế lái xe ô tô khách 9 chỗ ngồi tuyến Vũ Thư, Thái Bình - Hà Nội vào 14 giờ hàng ngày).
Hai đối tượng này yêu cầu anh Hoàng mỗi tháng phải nộp bọn chúng 3 triệu đồng và chỉ được đón khách sau 15 giờ hàng ngày, tuy nhiên anh Hoàng không chấp nhận. Khoảng 19 giờ 30 ngày 22/5/2018, Sáng, Tiến cùng với Hoàng Văn Phi, Nguyễn Tuấn Long kéo đến nhà anh Trần Ngọc Hoàng.
Tại đây, Phạm Văn Sáng đã dùng dao chém nhiều nhát, làm anh Hoàng bị đứt cơ, gân của 2 tay và 2 chân. Sau đó, Nguyễn Xuân Đường đã đến nhà anh Hoàng đề nghị chi trả mức bồi thường là 130 triệu đồng, đồng thời yêu cầu anh Hoàng không đi giám định để không xử lý hình sự.
Do lo sợ, anh Hoàng đã phải chấp nhận yêu cầu của Đường, nộp đơn đề nghị không đi giám định. Ngày 22/7/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Vũ Thư ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Qua xác minh, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã tiến hành trưng cầu giám định thương tích của anh Hoàng. Theo kết luận, anh Hoàng bị tổn hại sức khỏe 44%.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã yêu cầu Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình huỷ bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an huyện Vũ Thư, đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 134 BLHS.
Ngày 5/6/2020, VKSND Tối cao quyết định chuyển vụ án trên đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình để điều tra theo thẩm quyền, cũng như yêu cầu làm rõ dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản” để xử lý theo pháp luật.
Phân tích về vụ án này, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học của Bộ Công an chia sẻ trên Lao Động cho rằng, đối với vụ án Đường Nhuệ, cụ thể là vụ án cố ý gây thương tích xảy ra hồi năm 2018 vừa được VKSND Tối cao lật lại, có rất nhiều điểm cần chú ý, đặc biệt là mức độ lộng hành khủng khiếp của những băng nhóm xã hội đen núp bóng doanh nhân thành đạt, thích làm từ thiện, “một tay che cả bầu trời”.
Theo Trung tá Hiếu, việc đánh người dã man, manh động của đại gia giang hồ Đường Nhuệ thể hiện sự ngang ngược bất chấp pháp luật, vì động cơ cưỡng đoạt tài sản, mà nạn nhân thì không chấp hành yêu sách về mặt tài sản cho chúng, vì vậy, nhóm đối tượng đã có hành động đánh dằn mặt.
Trung tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện tội phạm, nhóm đối tượng này thể hiện sự coi thường kỷ cương phép nước. Ngoài ra, theo diễn biến vụ việc, sau khi sự việc xảy ra, nhóm đối tượng đã có làm việc với bị hại “vừa đấm, vừa xoa”, dọa dẫm để nạn nhân không dám đi giám định, để nhận một số tiền 130 triệu đồng bồi thường.
“Đây là một thủ đoạn rất phổ biến của băng nhóm giang hồ, sau khi gây án tạo ra sự sợ hãi cao độ, để trốn tránh pháp luật, chúng có biện pháp ngăn cản nạn nhân trình báo, giám định”, Ths. Đào Trung Hiếu phân tích.
“Nếu như chúng ngăn cản được nạn nhân đi giám định, sẽ không có căn cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý vụ án, xử lý bị can. Đây là vấn đề mấu chốt”, chuyên gia tâm lý tội phạm chỉ rõ.
Theo Trung tá Hiếu, có thể, nhóm đối tượng có “nhiều thày dùi”, tư vấn về việc này, nên chúng chọn từ khóa vụ án “cố ý gây thương tích” dựa vào tổn hại phần trăm sức khỏe nên đã ngăn cản nạn nhân đi giám định. Đây là thủ đoạn thường thấy ở rất nhiều vụ án chứ không riêng chỉ vụ việc này.
“Chúng dùng sức mạnh của luật rừng, bạo lực, kết hợp cả tiền, sự răn đe, quen biết với nạn nhân để tác động, can thiệp. Mục đích cuối cùng để nạn nhân không dám đi giám định”, chuyên gia tội phạm học cho biết.
“Sau vụ án này, dư luận đặt ra câu hỏi vì sao sau khi Viện KSND Tối cao vào cuộc, giám định lại cho kết quả như vậy. Người ta có thể thấy được trách nhiệm của đơn vị thụ lý vụ án, khi xảy ra đã không kiên quyết, quyết liệt xử lý vụ án”, ông Hiếu nêu vấn đề.
Đồng thời, Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, hành động của đối tượng hung hãn như vậy, xuất phát từ động cơ vụ lợi, thể hiện sự cay cú, bực tức, cộng với thái độ ngông nghênh coi thường pháp luật, và chúng thể hiện chúng là một thế lực không ai có thể động chạm đến được.
“Điều đó thể hiện sự lộng hành, thái độ tự tin băng nhóm là một thế lực quá lớn, không ai có thể làm gì được, gây án công khai”, chuyên gia Đào Trung Hiếu phân tích.
Theo vị chuyên gia tội phạm học, động thái đáng quan tâm nhất trong vụ việc, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan tiến hành tố tụng trung ương. Mọi hành vi thiếu trách nhiệm trước đây đối với vụ án sẽ được xem xét, cho thấy sự khách quan, công tâm, không có vùng cấm.